Quản lý hàng giả: Đối đầu “người khổng lồ giấu mặt”

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/3/2014 | 9:58:31 AM

YBĐT - Hiện nay, các loại điện thoại, túi xách, giầy dép, quần áo, nước hoa, kính mắt, dây lưng... làm nhái các thương hiệu nổi tiếng đang được bày bán khắp nơi trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Hàng giả được bày bán công khai trên thị trường.
Hàng giả được bày bán công khai trên thị trường.

Dường như cả người bán lẫn người mua đều chấp nhận điều này như một lẽ đương nhiên.

Từ thị trường điện thoại di động...

Thời gian qua, thị trường điện thoại di động, nhất là các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc không có nhãn hiệu hàng hóa được bày bán công khai trên thị trường thành phố Yên Bái. Trong vai khách hàng, chúng tôi vào một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên đường Điện Biên, cô nhân viên bán hàng đon đả chào và hỏi ngay: “Anh tìm mua máy gì ạ? Hàng công ty, hàng xách tay hay hàng “tàu”?”.

Tôi làm ra vẻ ngơ ngác không hiểu gì thì được giải thích: hàng công ty là điện thoại nhập khẩu và được phân phối bởi một công ty (đơn vị này kiểm chứng chất lượng sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường); hàng xách tay là hàng chuyển từ nước ngoài về theo đường du lịch hoặc nhập lậu qua biên giới; còn hàng “tàu” là tên gọi chung cho các loại điện thoại sản xuất tại Trung Quốc không có nhãn hiệu hàng hóa.

Giải thích một hồi, cô nhân viên nói chắc như đinh đóng cột: “Điện thoại di động bây giờ 99% là của Trung Quốc, hàng nọ, hàng kia chỉ khác nhau về thời gian bảo hành thôi anh ạ! Theo em, anh là thanh niên nên chọn loại hàng cỏ vừa rẻ vừa lướt web và face cực nhanh, giới trẻ đang rất chuộng loại này”. Tôi chỉ vào chiếc điện thoại cảm ứng giống chiếc Iphone 4: “Cái này bao nhiêu hả em?” - “1,2 triệu đồng” - cô bán hàng đáp. “Thế còn cái giống Galaxy này thì bao nhiêu?” - “1,1 triệu đồng anh ạ!”.

Dạo qua một số cửa hàng điện thoại trên đường Hoàng Hoa Thám, Yên Ninh, Thành Công... ở đâu chúng tôi cũng thấy điện thoại di động nhập lậu bày bán công khai, khách hàng có nhu cầu đều được đáp ứng ngay.

 Theo quan sát, mỗi cửa hàng bày bán không chỉ 5 đến 7 chiếc mà có tới hàng chục chiếc. “Bày bán hàng nhập lậu công khai như thế này mà không sợ lực lượng quản lý thị trường tịch thu à anh?” - tôi hỏi một chủ cửa hàng. “Có sợ chứ nhưng khi nào tịch thu mới tính! Mà tịch thu thì càng phải bán để gỡ lại vốn...” - anh ghé tai tôi nói nhỏ.

Sức hút của những chiếc điện thoại di động Trung Quốc nhập lậu không có nhãn hiệu hàng hóa đối với các cửa hàng kinh doanh là lợi nhuận, còn đối với người tiêu dùng là giá rẻ. Giá các loại điện thoại này chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba, một phần tư điện thoại là hàng công ty bởi trốn được thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, chất lượng của chúng ra sao cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người mua...

Công tác chống buôn lậu trên khâu lưu thông rất khó khăn bởi điện thoại di động là loại hàng gọn nhẹ, dễ cất giấu, chủ hàng có nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn tránh việc kiểm tra của các cơ quan chức năng. Ví dụ như trên một chuyến xe khách hay một chuyến tàu hỏa tuyến Lào Cai - Yên Bái, chủ hàng chỉ cần đóng một gói nhỏ để ở gầm ghế là xong.

Bên cạnh đó, không ít đối tượng còn xé lẻ hàng, vận chuyển bằng xe máy nên càng khó kiểm soát. Bởi thế, việc quản lý thị trường kinh doanh bán lẻ điện thoại trên địa bàn được xem là biện pháp khả thi hơn. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã nhiều lần tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.

Một nghịch lý hiện nay là bất kỳ ai có nhu cầu mua điện thoại di động Trung Quốc nhập lậu đều được đáp ứng ngay và không hạn chế số lượng nhưng khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chỉ thu giữ được các linh kiện như: sạc, pin, còn máy điện thoại thì rất khó. Qua tìm hiểu được biết, chủ cửa hàng chỉ cần sử dụng một số “bài” cũ như nói đó là máy ký gửi sửa chữa của khách hàng hoặc tẩu tán nhanh khi bị kiểm tra bất ngờ hoặc xuất trình hóa đơn mua lẻ tại các nơi khác là đã “qua mặt” được ngành chức năng.

... Đến thị trường thời trang

Hiện nay, các loại túi xách, giầy dép, quần áo, nước hoa, kính mắt, dây  lưng... làm nhái các thương hiệu nổi tiếng đang được bày bán khắp nơi. Dường như cả người bán lẫn người mua đều chấp nhận điều này như một lẽ đương nhiên. Chỉ cần đi một vòng đến các shop quần áo, cửa hàng đồng hồ, mắt kính, giầy dép... là đủ để thấy hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng vô cùng phổ biến.

Tại một cửa hàng ở đường Hoàng Hoa Thám có thể thấy hàng loạt túi xách nhái kiểu dáng của các thương hiệu lớn nổi tiếng của nước ngoài như: Louis Vuitton, Gucci, Chanel... với giá từ 200.000 - 500.000 đồng/cái. Người bán hồn nhiên: “Hàng của chị lấy ở Quảng Đông, Trung Quốc nên chất lượng tốt hơn nhiều so với hàng chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Nước ngoài ra mẫu nào mới và nếu ai cần mua thì chỉ một tuần sau là cửa hàng chị có ngay”.

Ngay cả trong siêu thị cũng có một gian hàng khá sang trọng bày bán hàng nhái. Tuy vậy, giá bán ở đây khá cao, từ 500.000 - 1.000.000 đồng/sản phẩm vì túi xách, ví được làm giả rất tinh tế, màu đẹp và sắc nét. Một nhân viên bán hàng cho biết: “Muốn mua hàng thật chỉ có cách về Hà Nội, đến các showroom được ủy quyền và phải bỏ ra ít nhất là 1.000 USD/sản phẩm anh ơi!”.

Ông Nguyễn Đình Bàn - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái:

Đối phó với hàng giả nhãn hiệu hiện nay có thể ví như đang đối đầu với một “người khổng lồ giấu mặt” vì hàng giả tràn ngập thị trường, địa điểm sản xuất lại không phải ở trong tỉnh. Mặt khác rất khó chỉ ra chính xác hàng này là hàng giả vì nếu muốn xử lý được phải đi phân tích, xét nghiệm và điều quan trọng nhất là phải có chủ thể quyền của sản phẩm đó xác nhận.

Thời gian trước, ngành bắt giữ hàng giả nhãn hiệu quần áo Việt Tiến, phụ tùng xe máy Honda, bột ngọt Miwon... nhưng khi mời lên xác nhận thì chủ thể quyền lại không muốn hợp tác.

Năm 2013, Chi cục xử lý 130 vụ buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu; tịch thu 7.940 đôi giầy dép, 3.265 chiếc quần áo... Ngành đã tăng cường thanh tra, kiểm tra hàng tuần, hàng tháng nhưng không xuể trước một thị trường không chỉ nhanh nhạy mà còn rất rộng lớn, chưa kể còn có được sự chấp nhận từ chính một bộ phận người tiêu dùng".

Tại một cửa hàng nước hoa, mỹ phẩm ở đường Nguyễn Thái Học, chị chủ hàng nhiệt tình giới thiệu với khách các mẫu nước hoa nổi tiếng của nhiều hãng lớn: Calvin Klein, Bossini, Lacoste, Hugo, Chanel... với giá từ 300.000 - 500.000 đồng/lọ. Khi “bị” hỏi vì sao hàng chính hãng lại có giá rẻ như vậy, chị cho biết, hàng này là hàng giảm giá, được xách tay từ nước ngoài về, trốn được thuế nên giá rẻ chứ nếu mua hàng chính gốc, giá mỗi lọ nước hoa phải từ 2 triệu đồng trở lên.

Tại cửa hàng này, ngoài nước hoa còn khá nhiều mỹ phẩm của nhiều hãng nổi tiếng cũng được cho biết là hàng xách tay từ Xin-ga-po hoặc Thái Lan có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Đa phần hàng giả bày bán trên thị trường đều được “nhái” khá giống hàng chính hãng về kiểu dáng, màu sắc và mùi vị... Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, người mua có thể nhận ra ngay hàng giả bởi trên thị trường thành phố Yên Bái hiện đa phần là hàng giả cấp thấp nên độ tinh xảo không cao. 

Kính mắt, ví và dây lưng cũng là những mặt hàng bị làm giả rất nhiều. Mắt kính nhái được bày bán rất đàng hoàng trong các cửa hàng. Các nhãn hiệu mà mặt hàng này làm giả cũng rất quen thuộc như:  Gucci, Versace, D&G, Chanel... Một nhân viên trong cửa hàng mắt kính ở đường Điện Biên thản nhiên cho biết: “Kính mắt, nhất là kính râm hầu hết đều là hàng giả nhãn hiệu hoặc hàng xách tay từ nước ngoài về nên mới có giá 500.000 - 1.000.000 đồng/chiếc. Nếu là hàng chính hãng, giá ít nhất phải từ 5 triệu đồng trở lên mới mua được”. Rồi cả mặt hàng giầy dép, quần áo, ví, dây lưng... giả nhãn hiệu các hãng sản xuất nổi tiếng cũng có mặt khắp nơi với đủ mức giá, từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu cho mỗi sản phẩm.

“Em thích sự trẻ trung và lịch lãm của quần áo hiệu Gucci nhưng mua hàng thật thì quá đắt! Vì vậy, em mua hàng nhái, giá rẻ và chất lượng cũng tạm ổn” - Khoa, nhân viên một công ty trách nhiệm hữu hạn vui vẻ giải thích khi đang lựa chọn trong một cửa hàng. Phải thừa nhận rằng, hàng giả có tốc độ cập nhật mẫu mới rất nhanh, màu sắc và kiểu dáng phong phú, giá cả lại “mềm” nên được một bộ phận người tiêu dùng chấp nhận.

Tuy nhiên, việc chấp nhận, mua và sử dụng hàng giả cũng chính là người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay, tạo cơ hội cho hàng giả có “đất sống”. Trong khi đó, hàng giả vốn là vấn đề rất lớn và vô cùng đáng lo ngại đối với xã hội, nhất là đối với những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Có 4 loại hàng giả:

1. Hàng giả chất lượng và công dụng là hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa.

2. Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa là hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa hoặc giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa.

3. Giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng hóa, bao bì hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

4. Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả gồm các loại đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

Thông thường, hàng giả có chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả như trên. Ví dụ vừa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa vừa giả chất lượng, công dụng.
(Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương)

Quang Thiều

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục