Ẩn họa “buôn người”

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/3/2014 | 3:02:22 PM

YBĐT - Con số 140 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán trong vòng 5 năm qua trên địa bàn Yên Bái chỉ là con số rất nhỏ so với số phụ nữ và trẻ em bị nghi mua bán trên thực tế.

Các nạn nhân vụ lừa đi lao động làm thuê không đúng địa chỉ ở xã Tân Đồng.
Các nạn nhân vụ lừa đi lao động làm thuê không đúng địa chỉ ở xã Tân Đồng.

Đáng nói, số vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người bị cơ quan chức năng nghiêm trị mới chỉ được xem như phần nổi của “tảng băng chìm” trong khi  hoạt động của tội phạm buôn bán người vẫn âm thầm “nóng” lên ở các tỉnh gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có tỉnh miền núi nghèo Yên Bái.

Trên 90% nạn nhân học vấn thấp

Đây là con số được cơ quan chức năng Công an tỉnh Yên Bái đưa ra qua điều tra, rà soát hoạt động tội phạm thông qua công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (PN-TE) trên địa bàn tỉnh. Theo Đội trưởng Đội Điều tra Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Nguyễn Trường Giang, thủ đoạn và hoạt động của tội phạm buôn bán người mang tính bí mật nhưng công khai trên các quan hệ, đặc biệt lợi dụng yêu đương, tình cảm, trên các trang mạng xã hội như facebook, mạng Internet…, dưới chiêu trò vờ yêu đương rủ đi chơi hoặc hứa hẹn tạo công ăn việc làm với mức lương cao… để dụ dỗ lừa bán. Bởi vậy, phần lớn các nạn nhân khi bị đưa ra nước ngoài, trở thành món hàng trao qua đổi lại của tội phạm mua bán người mới biết mình bị lừa, đặt ra cho chính quyền địa phương và ngành chức năng không ít khó khăn trong công tác giải cứu.

Là tỉnh miền núi tiếp giáp với các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái có vị trí đầu mối nối liền vùng đông bắc với tây bắc, các tỉnh trung du bắc bộ với tỉnh Lào Cai, có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt thuận tiện đến các địa phương trong cả nước.

Những vấn đề về địa lý, kinh tế, trình độ dân trí, sự phân chia giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, thêm vào đó, hàng năm có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp chưa có việc làm ổn định - đây được xem là trong những nguyên nhân, điều kiện để tội phạm lợi dụng, dụ dỗ, lừa đảo nhằm vào đối tượng PN-TE nhẹ dạ cả tin.

Được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về buôn bán PN-TE mà chủ yếu là buôn bán PN-TE qua biên giới (khoảng 90% sang Trung Quốc), tình hình buôn bán PN-TE trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia.

Trong đó, địa bàn trọng điểm được xác định là huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên và huyện Mù Cang Chải; tuyến trọng điểm gồm: tuyến thị xã Nghĩa Lộ - Lai Châu - Lào Cai, tuyến thị xã Nghĩa Lộ - thành phố Yên Bái - Lào Cai (theo đường sắt), tuyến thị xã Nghĩa Lộ - Văn Yên - Yên Bình - quốc lộ 70 - Lào Cai và tuyến thị xã Nghĩa Lộ - thành phố Yên Bái - Lạng Sơn.

Đa dạng các chiêu thức lừa

Qua phân tích số đối tượng phạm tội mua bán PN-TE trên địa bàn trong những năm gần đây cho thấy, 100% đối tượng phạm tội là người Việt Nam, trong đó có tới 60% đối tượng phạm tội là nữ, khoảng 40% trình độ bậc tiểu học và không biết chữ, chiếm trên 49% đối tượng phạm tội nghề nghiệp chính là làm ruộng và chỉ có chưa đầy 15% trong tổng số đối tượng trên nằm trong diện có tiền án, tiền sự về tội buôn bán PN-TE và các tội danh khác.

Điểm lại những vụ án buôn bán PN-TE trong một vài năm trở lại đây thấy rằng, từ chỗ thiếu kiến thức văn hóa, kém hiểu biết pháp luật, hám lợi nhuận mà không ít người đã vô tình tự biến mình trở thành tội phạm, mắt xích trung gian trong những đường dây buôn bán người vô hình mà thủ đoạn và chiêu thức lừa ngày càng trở nên tinh vi.

Vụ án Đinh Văn Giáp sinh năm (SN) 1995 cùng đồng bọn phạm tội mua bán người xảy ra tháng 12/2012 tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn là một điển hình. Từ mối quan hệ quen biết với Minh - một phụ nữ người Việt Nam có nhà nghỉ kinh doanh gái bán dâm bên Trung Quốc trong chuyến đi chơi tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và được Minh hứa: nếu đưa một phụ nữ sang Trung Quốc bán thẳng cho Minh, Giáp sẽ được trả 2 vạn nhân dân tệ. Đinh Văn Giáp đã về nhà (xã Phù Nham) Văn Chấn, tìm gặp bạn là Hà Văn Duyệt SN 1989, cùng thôn để bàn bạc tìm đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán.

Từ mối quen biết của Duyệt với Nguyễn Văn Chiều, trú tại khu 4B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (đồng ý mức giá thỏa thuận mà Chiều đưa ra là 30 triệu đồng trả công cho 1 phụ nữ mà y tìm được bất kể xấu, đẹp), Chiều, Duyệt, Giáp đã lập bẫy rủ chị Hà Thị N. (SN 1986, trú tại xã Thanh Lương, Văn Chấn) sang Trung Quốc làm công việc dọn phòng khách sạn và đấm lưng cho khách, mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng, rồi lừa bán cho Minh lấy 6.000 NDT (tương đương gần 20 triệu đồng Việt Nam) để chia nhau…

Tháng 3/2013, lợi dụng sơ hở của chủ nhà nghỉ, chị N. đã bỏ trốn và được giải cứu về Việt Nam. Chị N. khai báo, quá trình bị ép bán dâm tại Trung Quốc, chị đã quen với Thảo ở xã Tú Lệ, Văn Chấn, cũng là nạn nhân bị Giáp và Chiều lừa bán.

Các điều tra viên Công an tỉnh lấy lời khai đối tượng Lò Văn Thanh, phạm tội mua bán người.

Một vụ mua bán người khác xảy ra vào tháng 11/2011 tại phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ. Thông qua nhắn tin và gọi điện thoại thường xuyên, Trần Mạnh Hùng SN 1991 ở thôn Phú Đa, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã nảy sinh ý định rủ chị Đồng Thị V., SN 1990 tại phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ đi chơi rồi lừa bán cho chủ chứa gái mại dâm tại Trung Quốc lấy 10 triệu đồng. Tháng 2/2013, sau khi được giải cứu về Việt Nam, chị V. đã tố cáo hành vi phạm tội của Trần Mạnh Hùng với cơ quan điều tra...

Mới đây nhất, tại phiên tòa xét xử lưu động tại thị xã Nghĩa Lộ, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt 7 năm tù giam đối với đối tượng Giàng Seo Giáo, SN 1994 trú tại thôn Toòng Già, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Lò Văn Thanh, SN 1994 cùng địa chỉ trên 6 năm tù - thủ phạm của một vụ lừa bán người sang biên giới Trung Quốc đã làm thức tỉnh nhiều bạn trẻ. Nạn nhân của vụ án này là Khang Thị P., SN 1995 trú tại bản Tà chơ, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, là nữ sinh Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái.

Quen nhau qua mạng Internet, chính sự cả tin của P. và sự thiếu hiểu biết pháp luật của Giáo và Thanh đã tự biến mình người thì trở thành nạn nhân, người lại trở thành tội phạm buôn bán người mà cái giá phải trả là những năm tháng mất tự do sau song sắt nhà tù. Có mặt tại Trại Tạm giam Công an tỉnh, nơi Giáo và Thanh bị giam giữ, cả hai vẫn chưa tin hành động trên của mình là vi phạm pháp luật. Nhìn bộ dạng co ro của Giáo, giọt nước mắt ân hận muộn màng của Thanh, tôi thấy tiếc khi tuổi hai mươi tươi sáng đầy ước mơ, hoài bão lại bị chính các em đánh đổi bằng những thói hư tật xấu, sự lêu lổng, ham chơi để rồi kết thúc bằng những tháng ngày tù tội.

Khác với những vụ án trên, với chiêu thức tuyển người đi làm công chăm sóc cao su tại xã An Bình, huyện Văn Yên, trả công 140 nghìn đồng/ngày, bao miễn phí tiền đưa đi, vụ lừa đảo đưa lao động đi làm thuê không đúng địa chỉ xảy ra vào tháng 6/2012 tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên khiến không ít người phải giật mình trước sự xảo trả của đối tượng. Gần 30 nạn nhân mà phần đông là nam nữ thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, có những em vẫn đang là học sinh phổ thông đều là người Dao thuộc thôn 9, thôn đặc đồng bào dân tộc của xã.

Lợi dụng mối quan hệ họ hàng thân thích với một số nạn nhân cùng thôn, đối tượng Trương Thị Loan, dân tộc Dao, sinh năm 1971, trú tại Đội 1, xã Yên Thái, huyện Văn Yên đã tìm tuyển lao động cùng một đối tượng khác thuê xe chở số lao động này đi thẳng lên Lào Cai thay vì đến đúng địa chỉ đã hứa khi đến tuyển người.

Vụ việc bị bại lộ khi lực lượng công an xã Tân Đồng, Công an huyện Trấn Yên vào cuộc phối hợp với Công an huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và Công an Bình Lư, tỉnh Lai Châu giải cứu đưa toàn bộ số lao động trên trở về địa phương.

Ông Phạm Ngọc Khảm - Trưởng Công an xã Tân Đồng cho biết: “Việc tuyển người chớp nhoáng, âm thầm không thông qua chính quyền địa phương. Thêm nữa, người trực tiếp tuyển và đưa lao động đi làm thuê lại là người bà con thân thích có quan hệ họ hàng với một số nạn nhân nên khi vụ việc xảy ra không chỉ chính quyền địa phương bất ngờ mà ngay cả gia đình các nạn nhân cũng bị sốc. Toàn bộ số lao động của địa phương đã bị đối tượng đưa sang đất Lai Châu. Nếu không được giải cứu kịp thời thì khó có ai biết được số phận của họ sẽ ra sao khi các đối tượng liên quan thực hiện thành công phi vụ này...”.

Công an huyện Trấn Yên lấy lời khai đối tượng Trương Thị Loan tại trụ sở UBND xã Tân Đồng.

Cần trách nhiệm cả cộng đồng

Theo kết quả điều tra, rà soát hoạt động tội phạm của Công an tỉnh Yên Bái, từ năm 2008 đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 50 vụ/120 đối tượng với 154 PN-TE bị buôn bán. Cơ quan chức năng đã khởi tố 50 vụ/120 bị can, trong đó đã kết luận điều tra chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố 47 vụ/105 bị can, tạm đình chỉ 12 bị can bỏ trốn sau khi gây án. Chiếm tới 97,86% số nạn nhân là bị mua bán ra nước ngoài, trong số đó có gần 71% nạn nhân là dân tộc thiểu số. Riêng từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2013, các cơ quan tố tụng tỉnh Yên Bái đã khởi tố điều tra 27 vụ/56 bị can, truy tố 27 vụ/56 bị can, đưa ra xét xử lưu động 12 vụ/24 bị cáo về tội mua bán người. Đến nay, đã có 100 PN-TE trở về địa phương.

Trong số 140 PN-TE - nạn nhân bị mua bán và gần 400 PN-TE nghi bị mua bán trong vòng 5 năm trở lại đây thì có tới gần 30% nạn nhân không biết chữ, trên 40% trình độ ở bậc tiểu học, số nạn nhân có trình độ THPT và cao đẳng, trung học nghề chiếm chưa đầy 5%. Trên thực tế, đa phần các nạn nhân này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gần 90% làm ruộng. Nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số với trên 70%.
Tuy nhiên, con số PN-TE nghi bị buôn bán lớn hơn nhiều so với thực tế, với gần 400 nạn nhân, đặt công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm phức tạp này trước không ít khó khăn. Theo Đội trưởng Nguyễn Trường Giang - Đội Điều tra Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, một trong những khó khăn trong quá trình điều tra đấu tranh với tội phạm mua bán người, mua bán PN-TE lại chính từ phía người bị hại.

Vì lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai khi trở về địa phương nên không ít nạn nhân ngậm đắng nuốt cay với nỗi đau không thể chia sẻ. Quá trình điều tra khai thác thông tin từ người bị hại cũng là vấn đề mà cơ quan điều tra phải tính toán, cân nhắc để không làm tổn thương tâm lý, tình cảm của người bị hại. Thêm nữa, việc trao đổi thông tin từ phía nước ngoài để tiến hành giải cứu, thu thập tài liệu cũng là những trở ngại không nhỏ trong hoạt động hợp tác giải cứu…

Qua đợt tổng điều tra rà soát hoạt động tội phạm trên địa bàn từ năm 2008 đến năm 2013, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện nhiều đường dây, đầu mối nghi vấn liên quan đến hoạt động buôn bán PN-TE, trong đó, đã xác lập 2 chuyên án đấu tranh, điều tra khám phá 6 vụ án, bắt giữ 7 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân từ nước ngoài trở về địa phương, hiện đang tiếp tục điều tra xác minh gần chục đầu mối nghi có biểu hiện. Tuy nhiên, sự vắng mặt tại địa phương của đối tượng nghi vấn phạm tội và người bị hại khiến không ít vụ việc chưa thể điều tra làm rõ.

Ẩn họa buôn bán người vẫn hàng ngày rình rập và âm thầm “nóng” lên ở các bản làng hẻo lánh vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một thực trạng cần cảnh báo. Thực tế đó đặt trách nhiệm công tác đấu tranh phòng chống hành vi buôn bán người không chỉ của riêng ngành công an mà phải thực sự là trách nhiệm chung của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Chỉ khi người dân nhận thức đầy đủ, ý thức cảnh giác cao độ trước loại tội phạm phức tạp này thì mới mong giải quyết được tận gốc tình trạng buôn bán người - vấn nạn xã hội có liên quan đến việc lợi dụng trẻ em, bóc lột sức lao động, mất cân bằng giới tính và những hệ lụy xã hội… ở không ít quốc gia trong khu vực.

  Phạm Lê

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục