Nỗi niềm lao động tự do

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/6/2014 | 9:04:46 AM

YBĐT - Trong cuộc sống, ai cũng muốn chọn cho mình một công việc, nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và không quá vất vả. Tuy nhiên, ước mơ chính đáng này không dễ gì thực hiện được với nhiều người bởi việc làm đang là vấn đề bức thiết trong xã hội hiện nay. Để duy trì cuộc sống và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, không ít lao động tự do đã chấp nhận làm những công việc thật vất vả, nguy hiểm mà vẫn chịu nhiều thiệt thòi.

Lao động nữ tự do trong ngành xây dựng thường làm phụ hồ, công việc đòi hỏi sức khỏe mà thu nhập thấp song nhiều chị em vẫn phải chấp nhận.
Lao động nữ tự do trong ngành xây dựng thường làm phụ hồ, công việc đòi hỏi sức khỏe mà thu nhập thấp song nhiều chị em vẫn phải chấp nhận.

Vì cuộc sống mưu sinh

Giữa tiết trời nóng như đổ lửa, 11 giờ trưa, tôi có mặt tại một công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố Yên Bái để “mục sở thị” những người thợ vẫn “om” mình trên giàn giáo chông chênh, không quần áo bảo hộ lao động, không lưới an toàn xung quanh, người thì xây, người thì trát. Lúc này, tôi mới phần nào thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những lao động tự do. Quệt vội những giọt mồ hôi chảy dài trên gò má vừa gầy vừa đen, Nguyễn Ngọc Nam (17 tuổi) quê ở huyện Văn Chấn đang nhanh tay trộn vữa, trò chuyện: "Học hết trung học cơ sở, gia đình khó khăn quá nên bố mẹ em cho nghỉ. Em đi theo mấy chú gần nhà ra đây làm phụ xây cũng được gần năm nay rồi. Nghề này tuy vất vả nhưng còn hơn ở nhà không có việc làm chị ạ!".

Theo thống kê của Dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu vực công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức thương mại thế giới)”, cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động, tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, còn lại là nông dân, lao động làng nghề… Đặc biệt, trong số này có 23,5% lao động (tương đương 10,9 triệu người) làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, bốc vác, người hành nghề xe ôm, người giúp việc gia đình…
Bước ra từ đống xi măng, gạch nát bụi mù, trong bộ đồ thấm đẫm mồ hôi, chị Nguyễn Thị Hồng - người đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề phụ hồ tiếp lời: "Vì cuộc sống mưu sinh, nên dù khổ cũng phải làm em à. Chị giờ đã ngoài 40 tuổi, lại không có bằng cấp, trình độ nên cơ hội tìm kiếm việc làm cũng chẳng dễ dàng gì. Có muốn đi làm giúp việc hay bán hàng thuê cũng chẳng có mấy người thuê".

Theo chị Hồng, hiện, trong khoảng thời gian làm việc liên tục 9 - 10 tiếng đồng hồ, mỗi ngày chị được chủ công trình trả từ 130 - 140 nghìn đồng. Tuy nhiên, do tính chất công việc, cộng thêm những ngày nghỉ vì mưa gió, những ngày không có việc, nên trung bình mỗi tháng chị chỉ thu nhập được trên dưới 3 triệu đồng. Số tiền này không nhiều, lại phải lo cho cả gia đình ba bốn miệng ăn, chồng thì bị bệnh hiểm nghèo nên dù mệt hay cảm nhẹ chị Hồng cũng phải cố đi làm.

Cuộc sống mưu sinh là thế. Đồng cảnh những lao động nghèo, bác Nguyễn Văn Đoàn năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng hiện vẫn đang làm công nhân bốc vác hàng hóa cho một nhà phân phối thức ăn gia súc trên địa bàn thành phố Yên Bái tâm sự: “Hàng ngày để có khoản thu nhập 150 nghìn đồng, tôi phải bốc xếp, vận chuyển khoảng 3 - 4 tấn hàng. Nhiều hôm đi làm về, khắp mình mẩy đau nhức, chân chẳng buồn bước nhưng vẫn tự động viên mình phải cố. Con cái thì chưa trưởng thành, lương hưu thì không có, không làm thì lấy gì mà ăn”.

Chấp nhận những thiệt thòi, nguy hiểm

Vất vả, nhọc nhằn, thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập từ nghề. Song, qua tìm hiểu thực tế, tất cả những người như chị Hồng, bác Đoàn, em Nam hay vô số lao động tự do khác đang làm việc mang tính thời vụ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân lại đều đang phải chấp nhận một thực tế đáng buồn là không được chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động, tập huấn các kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn lao động và trang bị bảo hộ lao động như: quần áo, mũ, găng tay, giày, ủng, cáp treo bảo hộ...

Bác Đoàn bày tỏ: “Ở nơi tôi làm việc chỉ có những người làm quản lý, văn phòng, kế toán mới được ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, còn những công nhân bốc vác như tôi được coi là lao động “ngoài luồng”, làm ngày nào hưởng công ngày đó, ngoài ra không có chế độ gì. Kể ra thời gian tôi làm bốc vác ở đó cũng phải 10 năm rồi…”.

Vào nghề từ khá trẻ, anh Đặng Quang Hà - một thợ sơn nhà, quê ở xã Tân Nguyên (huyện Yên Bình) cho hay: “Tôi không biết công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước thế nào, chứ chúng tôi là người lao động tự do có bao giờ được ký kết hợp đồng hay chủ thầu sắm cho thứ gì gọi là bảo hộ lao động hoặc mua bảo hiểm tai nạn đâu. Nếu bất ngờ có tai nạn xảy ra, các chủ thầu sẽ nhanh chóng “xử lý” hiện trường và “giải quyết” hậu quả bằng cách riêng của mình, còn với người bị hại thì sẽ được bồi thường chút ít để sự việc qua đi rồi “chìm xuồng”.

Thực tế đã có không ít những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị, người sử dụng lao động không trang bị thiết bị bảo hộ lao động, không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không phân loại lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ bồi dưỡng hiện vật theo quy định…

Tới thăm một gia đình nạn nhân xấu số qua đời vì TNLĐ ở xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên), chúng tôi được chủ nhà cho hay, trong lúc đang đứng trên giàn giáo cao làm việc, chẳng may bị trượt chân nên anh Trần Văn Đức (18 tuổi) bị ngã và qua đời sau đó không lâu. Sự ra đi của anh đã khiến cả gia đình lao đao vì mất đi lao động chính, đồng thời để lại nỗi đau day dứt khôn nguôi.

 

Công nhân làm việc trong các cơ quan, đơn vị được Nhà nước quản lý được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, trong khi người lao động tự do vất vả, luôn đối mặt với tai nạn lao động rình rập do không được trang bị bất cứ phương tiện bảo hộ nào.

Cần có chính sách bảo vệ người lao động tự do

Phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp, cải thiện, đảm bảo đời sống cho người lao động… đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, đảm bảo cho người lao động làm việc trong điều kiện an toàn nhằm phòng ngừa TNLĐ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với lao động tự do thì đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Khi sự cố TNLĐ xảy ra thì gần như không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm cho những người lao động tự do vì họ không có hợp đồng, không nộp bảo hiểm. Và điều này đã vô tình tiếp tay cho người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động cũng như sử dụng các trang thiết bị lao động thiếu an toàn.

Trước vô vàn những khó khăn mà người lao động tự do đang gặp phải, những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế giúp người lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định có cơ hội được hưởng lương hưu dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng. Tuy nhiên, hiện số lao động tự do tham gia đóng bảo hiểm rất ít. Cả nước chỉ có 0,19% số lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế. Lý do chính là do thu nhập của lao động trong khu vực này thấp, công việc lại không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội lại quá dài.

Hy vọng rằng thời gian tới, các chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động tự do sẽ sớm được xây dựng, đồng thời cũng sẽ có các tổ chức đứng ra đại diện, bảo vệ quyền lợi cho lực lượng này để người lao động tự do tự tin vươn lên trong cuộc sống.  

Trong năm 2013, toàn quốc xảy ra gần 6.700 vụ TNLĐ, làm 6887 người bị nạn, trong đó, số ca tử vong chiếm khoảng 9,1%. Những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ nhất là xây dựng (chiếm 28,6%), khai thác khoáng sản (15,4%), sản xuất, kinh doanh điện (6,3%), cơ khí chế tạo (5,1%)… Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động (chiếm 59%), người lao động (chiếm 26%), còn lại do các nguyên nhân khác.

H.O

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục