Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống:

Tập tục không dễ xóa

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/7/2014 | 3:23:05 PM

YBĐT - Khảo sát tại 15 xã của tỉnh Yên Bái tham gia mô hình trong 3 năm qua cho thấy, trong tổng số 1.550 cặp kết hôn vẫn còn có tới gần 700 trường hợp không đăng ký kết hôn, có trên 360 trường hợp tảo hôn, kéo theo gần 1.000 trẻ em sinh ra không có đăng ký khai sinh...

Hủ tục trong hôn nhân là nguyên nhân suy giảm chất lượng dân số ở vùng cao.
Hủ tục trong hôn nhân là nguyên nhân suy giảm chất lượng dân số ở vùng cao.

Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống không phải là chuyện mới, song những hệ lụy của nó lại là điều hoàn toàn mới với không ít người, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Chất lượng giống nòi suy giảm mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính những quan niệm hôn nhân xưa cũ, lạc hậu khá phổ biến trong đời sống của đại đa số đồng bào sinh sống ở vùng cao Yên Bái khiến người ta không khỏi lo ngại.

Tập tục… không dễ xóa

Là tỉnh miền núi nhiều dân tộc cùng sinh sống, Yên Bái tập trung tới 57,4% tổng số các dân tộc của cả nước. Khảo sát sơ bộ gần đây của ngành chức năng tại một số xã thuộc các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu và Mù Cang Chải cho thấy, tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống còn cao. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ các yếu tố tập tục truyền thống, trình độ học vấn, sự hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa giữa các địa phương, tộc người, nhất là mức độ hiểu biết về pháp luật hạn chế cũng như những hậu quả không mong muốn mà hành vi tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đem lại chưa được người dân nhận thức đầy đủ…

Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, địa bàn có tới 90% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đây cũng là 1trong 4 địa phương của tỉnh được triển khai thực hiện mô hình “Can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” cho thấy, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn là vấn đề khá mới mẻ mà hiệu quả công tác tuyên truyền chưa thể chạm tới nhận thức làm thay đổi cách nghĩ về một quan niệm, một tập tục đã ăn sâu bám rễ trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Càng khó khăn hơn khi những hệ quả làm suy giảm giống nòi do tảo hôn và kết hôn cận huyết thống gây ra lại không phải là điều dễ nói, dễ thấy, dễ tác động trực tiếp làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân một sớm một chiều.

Anh Sùng A Chinh - cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mù Cang Chải bộc bạch: “Vấn đề kết hôn cận huyết thống chỉ mới được tuyên truyền trong khoảng ba năm trở lại đây nhưng tập tục của đồng bào địa phương có từ nhiều đời rồi, khó thay đổi! Người Mông trước nay vẫn quan niệm, dù là anh em ruột nhưng cứ đi lấy chồng mang họ khác là các con có thể lấy được nhau, vì con cháu cùng nhà kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, không phải phân chia tài sản cho người khác và không sợ mất con. Thế nên không riêng gì ở Mù Cang Chải, những chuyện kiểu như con em trai lấy con em gái, chị gái, hoặc con chị gái lấy con em trai, anh trai, cháu lấy dì, chú lấy cháu, cháu lấy cô… là chuyện rất bình thường với đồng bào. Khắc phục tình trạng này không thể chỉ trông chờ vào công tác tuyên truyền, vận động mà cần sự ràng buộc trách nhiệm bằng những quy ước, hương ước từ thôn bản với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp…”.

Theo anh Giàng A Trầu - cán bộ chuyên trách dân số xã Nậm Khắt, đội ngũ cán bộ thôn bản ở địa phương bây giờ nhiều người đã biết tác hại của lấy vợ, lấy chồng cận huyết thống, chưa đủ tuổi, thế nhưng, tuyên truyền như thế nào cho bà con, cho người thân của mình hiểu và thay đổi nhận thức, thay đổi tập tục lại là chuyện không dễ...

Vợ chồng Giàng A Tỉnh và Mùa Thị Sua ở bản Nậm Khắt kết hôn theo quan hệ con em trai lấy con chị gái. Gặp Mùa Thị Sua mới ngoài 20 nhưng có hai đứa con khiến cô già hơn nhiều so với tuổi. Hỏi có biết gì về tác hại của kết hôn cận huyết thống, cô chỉ lắc đầu: “Lấy nhau là tại số phận. Nhà gần nhau thích nhau thì lấy nhau thôi. Bố mẹ bảo con trai, con gái nhà mình tốt, xinh thì lấy nhau không người ta lấy mất…”.

Năm 2012, xã Nậm Khắt có 1 trường hợp tảo hôn, thế nhưng 6 tháng đầu năm 2013 đã có 4 trường hợp. Trong số này có 3 trường hợp là gia đình cán bộ, đảng viên. Khảo sát của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh tại 11 xã nằm trong vùng Dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2011 cho thấy, trong số 260 cặp kết hôn có tới 185 cặp không đăng ký kết hôn, 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống tại 3 xã.

Điển hình là xã Bản Công, huyện Trạm Tấu có 4 cặp. Đáng nói, trong số đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương có gần chục trường hợp có con cháu ruột tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, trường hợp kết hôn cận huyết thống lại là chính gia đình của cán bộ lãnh đạo trạm y tế xã… Sự mơ hồ và hạn chế trong nhận thức của không chỉ người dân mà ngay chính trong cán bộ, đảng viên về tác hại của tảo hôn, nhất là kết hôn cận huyết thống thực sự là thách thức lớn với việc nâng cao chất lượng dân số tại những vùng đồng bào DTTS trong tỉnh.

Mùa Thị Sua trò chuyện cùng cán bộ dân số huyện Mù Cang Chải và cán bộ dân số xã Nậm Khắt.

Báo động nạn tảo hôn

Yên Bái có 15 xã thuộc 4 huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu và Mù Cang Chải được tham gia Dự án can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống nhằm nâng cao chất lượng dân số. Bước đầu, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và một bộ phận nhân dân về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân đối với nhóm đối tượng vị thành niên và thanh niên trong thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình ở vùng cao.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF, trên thế giới có khoảng 70.000 cô gái tuổi từ 15-19 tử vong mỗi năm trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ. Các bà mẹ trẻ con dưới 15 tuổi, cơ thể đang phát triển và khung xương chậu hẹp, có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao gấp 5 lần so với phụ nữ trên 20 tuổi. Nạn tảo hôn đã trở thành một rào cản đối với việc hoàn thành tất cả “Mục tiêu Thiên niên kỷ” mà Liên Hiệp Quốc đặt ra.
Theo đó, số cặp tảo hôn đã giảm từ 31,1% năm 2011 xuống 22,2% năm 2013, số cặp kết hôn cận huyết thống giảm. Năm 2013, chỉ có 1 trường hợp. Tuy nhiên, việc quản lý đăng ký kết hôn ở các địa phương vùng cao, vùng đồng bào DTTS đang trở nên khó khăn hơn khi số cặp lấy nhau không đăng ký kết hôn vẫn khá phổ biến mà nguyên nhân là do các gia đình giấu diếm, không báo cáo chính quyền, khiến vấn đề tảo hôn càng trở nên phức tạp, khó quản lý và xử lý.

Khảo sát tại 15 xã tham gia mô hình trong 3 năm qua cho thấy, trong tổng số 1.550 cặp kết hôn vẫn còn có tới gần 700 trường hợp không đăng ký kết hôn, có trên 360 trường hợp tảo hôn, kéo theo gần 1.000 trẻ em sinh ra không có đăng ký khai sinh. Huyện Trạm Tấu cả năm 2013 có 62 trường hợp tảo hôn, 90 đám cưới không đăng ký kết hôn thì quý I năm 2014, số cặp tảo hôn ở địa phương này đã gia tăng đáng lo ngại với 81 trường hợp (nhiều hơn của cả năm 2013) và 88 đám cưới không đăng ký kết hôn. Trong đó: xã Pá Hu 21 trường hợp tảo hôn, Bản Công 6 trường hợp tảo hôn, 8 đám cưới không đăng ký kết hôn...

Thực tế này không chỉ tồn tại ở các thôn, bản vùng đồng bào Mông mà có không ít ở vùng đồng bào DTTS. Và tảo hôn luôn đi kèm với tập tục có con trước, kết hôn sau tồn tại khá phổ biến ở vùng đồng bào Thái khiến công tác quản lý, xử lý vi phạm trở nên khó khăn, phức tạp, tước đi không ít quyền đáng được chăm lo của con trẻ.

Cần sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền

Ông Chang Thế Sửu - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt:

Đời ông bà mình, bố mẹ mình, cái ăn chưa được no cũng không được ngon như bây giờ, cái mặc cũng thế nhưng thể trạng cường tráng chứ không thấp bé như lớp trẻ lớn lên sau này. Trẻ em và thanh niên người Mông càng ngày càng thấp, bé hơn so với các dân tộc khác sống trong vùng là điều rất đáng lo ngại. Chất lượng cuộc sống của đồng bào đang dần từng bước được nâng cao nhưng chất lượng giống nòi lại đứng trước nguy cơ suy giảm. Điều này cũng đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương không ít trăn trở, nhưng giải quyết nó nhất thiết phải có những giải pháp đồng bộ chứ không chỉ trông chờ vào cán bộ dân số ở cơ sở.  

Hiện nay, chương trình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang được triển khai tại 15 xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số xã  nằm trong chương trình này còn quá ít so với một địa phương chiếm gần 50% là đồng bào DTTS sinh sống như Yên Bái. Để tình trạng này không chỉ giảm ở các xã có mô hình mà trên phạm vi toàn tỉnh, cần thiết và sớm triển khai nhân rộng mô hình ra các địa phương, nhất là vùng đồng bào DTTS đang có nguy cơ suy giảm chất lượng dân số.

Công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh, có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò, tầm ảnh hưởng của đội ngũ trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhất là các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng, cần vận dụng phương pháp tuyên truyền đa phương tiện như: nói chuyện, tổ chức tư vấn tại cộng đồng, tuyên truyền bằng tờ rơi trong các phiên chợ, tăng cường tuyên truyền miệng, bằng hình ảnh thông qua băng đĩa hình để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, lồng gắn trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của địa phương để đồng bào có cơ hội giao lưu gặp gỡ, thanh niên có điều kiện tìm bạn khác bản, khác dòng họ…

Cần chú trọng tuyên truyền tới các bậc cha mẹ, ông bà hiểu, nhận thức rõ tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục sức khỏe sinh sản trong trường học, nhất là với học sinh nữ để các em nhận thức được hậu hại của kết hôn sớm, cần xây dựng các quy ước, hương ước, trong các dòng họ, thôn bản cũng như các hình thức xử phạt phù hợp. Tồn tại thực tế cũng là điều mà nhiều địa phương đang “bất lực” đó là các hành vi vi phạm về điều kiện kết hôn, trong đó có tảo hôn và kết hôn cận huyết thống hầu như chưa được xử lý nghiêm, khiến “phép vua thua lệ làng”. 

Phong tục truyền thống phải được gìn giữ nhưng đó phải là những nét truyền thống mang đậm giá trị nhân văn. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hủ tục, là rào cản làm suy tàn nòi giống và nguồn nhân lực của tương lai, làm cộng đồng, đất nước nghèo đi bởi gánh nặng tật bệnh. Chỉ khi có sự quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính và sự đồng thuận trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc và chính mỗi người dân, hủ tục này mới được xóa bỏ.

Phạm Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục