Hè của những đứa trẻ Sơn Lương

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/7/2014 | 2:49:14 PM

YBĐT - Kỳ nghỉ hè của bọn trẻ ở vùng cao là những buổi trưa nắng chói chang lang thang với cây cỏ, là vội vã đưa trâu đi cùng trong những buổi chơi hay là những cái bóng lũn cũn theo mẹ lên nương, làm rẫy, ra đồng gặt lúa... Vẫn biết là khó khăn, thiếu thốn ở vùng cao mà những đứa trẻ phải cùng chịu đựng chung với người lớn nhưng thực sự vẫn thấy xót xa lắm!

Dưới cầu Bản Lầm - điểm vui chơi thường xuyên của những đứa trẻ ở Sơn Lương.
Dưới cầu Bản Lầm - điểm vui chơi thường xuyên của những đứa trẻ ở Sơn Lương.

Chúng cháu “quen rồi”!

Không phải đến kỳ nghỉ hè mà quanh năm ngày tháng, người lớn ở xã Sơn Lương (huyện Văn Chấn) bận bịu với cái gánh nặng lo toan cơm áo nên việc trẻ con chơi gì, ở đâu, như thế nào vào ngày hè ấy chỉ là nỗi lo thứ bao nhiêu trong hàng đống những thứ phải lo để duy trì cuộc sống. Vậy nên, ngày hè ở Sơn Lương là sự im ắng đến lạ kỳ từ những ngôi nhà của người Thái đen, Thái trắng, bởi người lớn phải ra đồng thu hoạch làm màu, còn những đứa trẻ cứ chơi theo cách riêng của chúng.

Dưới chân cầu bản Lầm, mới 8 giờ sáng mà hai bé gái đã ì oạp chơi dưới nước với nhau, lại gần, thấy rõ hai đứa nhỏ người gầy đen, hỏi ra chúng bảo 5 tuổi mà trông như đứa 3 tuổi ở thành phố. Da chân, da tay thì nhăn nheo lại do ngâm nước quá lâu. Sợ chúng bị cảm, tôi quát: "Lên thôi, ngâm nước lâu ốm bây giờ". "Ngày nào chúng cháu cũng chơi thế, có sao đâu" - hai đứa đồng thanh trả lời.

"Thế đã biết bơi chưa mà lại chơi dưới suối?" - cầm cái cổ tay bé tẹo của chúng tôi lân la hỏi chuyện. Cái lắc đầu đồng loạt của cả hai đứa nhỏ khiến tôi giật mình. Thế này nhỡ có chuyện gì thì sao? Nhìn xung quanh không thấy bóng dáng của người lớn nào cả. Thì đúng rồi, giờ này người lớn phải ra đồng lo mùa vụ cả rồi, có còn ai đâu. Sau một hồi ngâm nước, lên bờ có vẻ như thấm lạnh, con bé rùng mình rồi mặt môi thâm tím lại.

Vừa mặc đồ, con bé vừa khoe: "Cháu sắp biết bơi rồi". Tôi tròn mắt: "Cháu tự học bơi ở đây à?", "Vâng"- con bé gật đầu. Tất cả những đứa trẻ ở Sơn Lương đã lớn lên, tự học bơi theo cách này? Có lẽ vậy. Tự đặt câu hỏi rồi tôi tự mình trả lời bởi chính những điều mình vừa trông thấy, nghe thấy. Nhìn hai đứa nhỏ rồi tôi nghĩ tới những đứa trẻ ở thành phố, giờ này chúng đang được chơi ở trong nhà mát với rất nhiều đồ chơi, được trông chừng bởi người lớn, có khi đến bữa ăn còn vẫn phải có người bón. Biết rằng so sánh là khập khiễng nhưng vẫn thấy thật xót xa cho những đứa trẻ ở vùng cao.

Qua cầu bản Lầm sang bản Pảo có 78 hộ, đa phần là người Thái, có tới 70% hộ nghèo. Những ngôi nhà gỗ của người Thái im ỉm cửa đóng then cài. Mùa này, dân bản ở ruộng đồng nhiều hơn ở nhà. Ở nhà chỉ còn mấy đứa nhỏ, chơi gì tùy thích, ăn gì tùy có nhưng đến trưa là phải nấu cơm cho bố mẹ đi làm về.

Cũng như tất cả những đứa trẻ ở Sơn Lương, sau những giờ chơi tùy thích buổi sáng ở suối, lang thang trên đồi nương hay tự chế những chiếc xe thả trôi theo đường dốc, thằng bé Lường Tuấn Dũng đang hì hụi vo gạo để nấu cơm. Thấy tôi đưa máy ảnh lên chụp, thằng bé ngượng ngùng cười khúc khích nhưng không quên nhiệm vụ của mình. Lân la hỏi chuyện, Dũng cho biết em học lớp 3, được nghỉ hè 1 tháng nay và nhiệm vụ của em mỗi ngày là nấu cơm cho bố mẹ, buổi chiều đi chăn trâu từ 1 giờ đến 4 giờ mới về.

“Thế cháu đi một mình à?”, “Không ạ! Cháu có 3 cậu bạn nữa đi cùng nên vui lắm ạ”. Ra vậy, niềm vui của thằng bé quá đỗi đơn giản, chỉ là có bạn đi chăn trâu cùng ấy là chúng có thể tổ chức các trò chơi. “Chúng cháu kiếm chỗ cho trâu ăn, trâu tắm, rồi chúng cháu cho trâu chạy đua hoặc tranh thủ lúc trâu ăn chúng cháu kiếm mấy bó củi mang về nhà” – thằng bé hồ hởi kể chuyện. Tôi giật mình, cái giật mình của người làm mẹ luôn bao bọc đứa con bé bỏng: “Ấy chết! Thế lúc chơi đua trâu mà ngã thì nguy hiểm lắm. Đừng chơi trò ấy nữa nhé!”.

Thằng bé cười: “Chúng cháu quen rồi, không ngã được đâu ạ! Trò ấy là vui nhất đấy ạ”. Cái gì tôi giật mình, sợ chúng bị đau hoặc sợ nguy hiểm cho chúng thì chúng lại bảo "quen rồi". Những đứa trẻ vùng cao quen với những cái nguy hiểm rình rập ư?

Đang câu chuyện với tôi, bỗng có thằng bé khác lớn hơn Dũng chạy từ đâu về vội vàng thông báo: “Dũng! Tao mới phát hiện ra chỗ này vừa nhiều cỏ lại vừa chơi thả xe được, chiều đi thì mang theo xe nhé”. Mắt Dũng sáng lên rồi đầu gật lia lịa. Tôi thắc mắc: “Xe gì thế? Có đồ chơi xe cơ à?”. Dũng chạy vội vào nhà mang chiếc “xe” ra cho tôi xem.

Lường Tuấn Dũng (bên trái) đi chăn trâu cùng bạn.

Gọi là cái xe cho oai chứ thực ra hoàn toàn làm bằng ống tre và gỗ ghép lại. Bánh xe làm bằng mấy ống tre được cắt gọt gọn gàng, cũng có tay cầm như chiếc xe đạp ba bánh của con tôi ở nhà nhưng đáng lo ngại là chiếc xe của Dũng hoàn toàn không có phanh hay cái gì đó để kiềm chế tốc độ hoặc dừng lại khi cần thiết.

Cầm chiếc bánh xe lên, tôi lắc lắc: "Ôi trời! Nó có thể rơi ra bất cứ lúc nào". Hai thằng bé nhìn tôi cười ngặt nghẽo: "Rơi ra thì lại lắp vào thôi mà cô", "Ngã đấy" - "Ngã thì chỉ xước chân xước tay một tí thôi. Trò này vui lắm, nếu được thả trôi ở đường nhựa thì có mà chạy bon bon nhưng mấy anh chị Đoàn thanh niên không cho chúng cháu chơi ở đường nên hôm nay cháu tìm được chỗ chơi rồi, nhiều cỏ, chắc ngã không đau" - thằng bé lớn làm một tràng dài rồi cười tít mắt như thể nó vừa phát hiện ra một điều lớn lao lắm. Câu chuyện ngắn ngủi với hai cậu bé đủ để tôi cảm nhận được những niềm vui giản đơn của những đứa trẻ ở Sơn Lương nhưng cũng không khỏi xót xa bởi những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu.

Ước mơ có một bể bơi!

Đem câu chuyện của mình với những đứa trẻ ở bản Lầm, bản Pảo tới gặp Bí thư Đoàn xã Sơn Lương Hà Văn Hưng. Vừa rót nước mời khách, anh vừa tiếp vào câu chuyện của tôi: "Đúng vậy chị ạ! Không thể so bì với những đứa trẻ thành phố nhưng những cái thiết yếu nhất dành cho các em cũng không có. Vào dịp hè, Đoàn thanh niên xã tổ chức hoạt động sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi.

Với các em ở nông thôn thì có lẽ hoạt động hè là hoạt động ý nghĩa nhất, sôi nổi nhất, thu hút các em nhiều nhất. Nhưng hạn chế là hoạt động hè chỉ có thể tổ chức vào buổi tối. Còn ban ngày, các em hoàn toàn tự do với những trò nghịch mà chị đã nhìn thấy rồi đó. Có nhiều em thì phụ giúp gia đình, hầu hết các em 14-15 tuổi là phải phụ làm việc đồng áng, việc nương đồi cho gia đình".

Nói ra thì xót xa lắm, ấy là chuyện cái chỗ để có thể tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ không phải thôn bản nào cũng có. Toàn xã Sơn Lương có 10 thôn nhưng chỉ có 3 thôn có nhà văn hóa hoặc hội trường thôn có thể tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi. Còn lại các thôn phải tìm nhà dân rộng hoặc không thì bãi đất rộng. Đấy là chưa kể tới hàng loạt các nguy cơ có thể gây thương tích cho trẻ trong quá trình chơi nghịch tự do của những đứa trẻ vùng cao.

Nhớ lúc vào bản Lầm, gặp ông Hà Văn Thân Trưởng bản lắc đầu lo ngại khi nhìn lũ trẻ chơi tự do ở cầu bản Lầm: "Những ngày nắng nóng, bọn trẻ con từ khắp các thôn cứ nhảy từ trên cầu bản Lầm xuống suối mà suối thì nhiều sỏi đá cuội, đặc biệt mố cầu có đoạn sắt lồi ra, chẳng may vào người thì...". Người lớn thấy rõ nguy hiểm nhưng vì lo toan cơm áo nên chỉ kịp nhắc nhở bọn trẻ, còn nghe không ấy là chuyện của chúng.

Anh Hà Văn Hưng chép miệng ước ao: "Giá mà có cái bể bơi nho nhỏ thôi cũng được để cho bọn trẻ có thể chơi đùa an toàn thì tốt biết mấy. Muốn lắm nhưng không làm được vì xã thì nghèo kinh phí ở đâu ra chứ". Sơn Lương có 793 hộ thì có tới gần 57% là hộ nghèo, thu nhập chính từ nông nghiệp, các nguồn lực đang tập trung đầu tư để giảm tỷ lệ hộ nghèo ấy cũng còn là thách thức, nói gì đến chuyện cái bể bơi cho con trẻ, nó xa xỉ quá.

Chờ có cái bể bơi, chờ có chỗ để chơi, những đứa trẻ ở Sơn Lương như Dũng và các bạn vẫn tiếp tục với kỳ nghỉ hè chuỗi các công việc phụ giúp gia đình và những trò chơi, nơi vui chơi khá nguy hiểm. Biết đến bao giờ những đứa trẻ ở Sơn Lương mới thoát khỏi nỗi lo cơm áo với người lớn để có mùa hè đích thực và an toàn?

Ngày hè của lũ trẻ Sơn Lương là vậy, ngày hè của bao lũ trẻ vùng cao khác chắc cũng chẳng thể khác hơn!

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục