"Đòn gánh" của huyện nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2014 | 2:52:32 PM

YBĐT - Chúng tôi xuống thăm xã Hát Lừu đúng vào dịp đồng bào dân tộc Thái ở bản Hát, bản Lừu đang thu chiêm làm mùa. Năm nay, người Thái Hát Lừu được mùa nên vui lắm. Có lẽ đó là lý do duy nhất mà giữa trưa hè nắng như đổ lửa nhưng tiếng cười, tiếng nói của các mẹ, các chị vẫn đầy ắp trên các cánh đồng Nà Tà - Nàng Cầu...

Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu Đồng Văn Lả xuống đồng chỉ đạo và cấy lúa vụ mùa với bà con các thôn trong xã.
Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu Đồng Văn Lả xuống đồng chỉ đạo và cấy lúa vụ mùa với bà con các thôn trong xã.

Là một trong những xã khó khăn của huyện nghèo Trạm Tấu, Hát Lừu rộng 1.436,50ha với 687 hộ, 3.278 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống ở 5 thôn, bản và 6 chòm dân cư. Song, do xã có địa hình nằm ở hai đầu  trung tâm thị trấn nên bà con nơi đây vẫn gọi Hát Lừu với cái tên quen thuộc "đòn gánh của huyện nghèo" gồm bản Hát (điểm đầu giáp với xã Xà Hồ) và bản Lừu (điểm cuối giáp với xã Bản Mù). Ngoài ra, Bí thư Đảng ủy xã nhà ở bên bản Hát, còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có nhà nằm bên bản Lừu nên mọi hoạt động lao động sản xuất cũng như các phong trào thi đua của xã, của huyện đều được đồng bào Thái ở Hát Lừu thực hiện rất tích cực. Chính vì vậy mà xã hiện dẫn đầu toàn huyện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Trong góc ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng mới xây theo mô hình nhà sàn "ba cứng" rộng mênh mang có đầy những bao tải phân đạm, lân, kali... chuẩn bị cung ứng cho bà con làm mùa. Trên chiếc chiếu cói rộng trải giữa nhà, cán bộ Huyện ủy, cán bộ xã, bí thư chi bộ và trưởng thôn cùng trao đổi kế hoạch làm mùa, cày ải, bón phân cho lúa đảm bảo sao cho kịp khung thời vụ tốt nhất.

Là người con của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải nhưng Giàng A Câu - chàng thanh niên thế hệ 7X hiện giữ cương vị Phó bí thư Huyện ủy Trạm Tấu lại được đồng bào Thái ở bản Hát rất quý trọng. Nói như Bí thư Đảng ủy xã - Đồng Văn Lả thì cái quý của bà con ở đây với cán bộ Câu chính là sự thân mật, gần gũi với đồng bào, với cơ sở, không có sự phân biệt nào hết. Ra thế! Tôi đã hiểu vì sao khi đưa phóng viên xuống xã, thay vì vào trụ sở trước, A Câu đã mời chúng tôi đi thẳng ra thăm cánh đồng ngày mùa với bà con để được thấy cái không khí của nông thôn vùng cao ngày mùa chộn rộn thế nào và cũng thấy được những ước mơ của  đồng bào các dân tộc khi muốn trực tiếp trao đổi với cán bộ về cung cách làm ăn mới của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Bất kể chỗ nào, anh cán bộ trẻ ấy cũng có thể thăm hỏi. Từ anh nông dân đang dắt “trâu sắt” ra đồng, chị gái Thái đang nhanh tay dúi từng nhánh mạ non cho tới các bà mế già cao tuổi mang quang gánh ra đồng, cậu ấy đều có những câu chuyện, câu chào dí dỏm để động viên khiến họ rộ lên tiếng cười sảng khoái trên những thửa ruộng lúa cấy thẳng hàng.

Được huyện chọn triển khai điểm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, cán bộ chủ chốt của Hát Lừu đã chủ động quy hoạch lại cơ cấu tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội theo hướng đổi mới toàn diện, làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xã thật sự tiến bộ và đổi thay từng ngày.

Phó bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Câu (thứ ba từ trái sang) trao đổi với các bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản của xã về kế hoạch làm vụ mùa.

Với 9/19 tiêu chí đã đạt được trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở vùng cao thì Hát Lừu có 3 tiêu chí hoàn thành xuất sắc là tiêu chí thứ 2 về giao thông, tiêu chí thứ 16 về văn hóa và tiêu chí thứ 19 về an ninh trật tự, được Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Bộ Công an tặng bằng khen về những thành tích nổi bật trong năm 2013. Song, với một xã vùng cao còn nhiều khó khăn về kinh tế như Hát Lừu thì việc tổ chức sản xuất làm sao để bà con bớt đói nghèo, để cuộc sống không còn những nhà tạm và cảnh đứt bữa khi giáp hạt mới là vấn đề cả huyện, xã và đồng bào các thôn, bản đặc biệt quan tâm. Nhiệm vụ đầu tiên của xã là phải tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ những cây, con giống của địa phương chuyển sang nuôi trồng những cây, con giống cho năng suất cao.

Quá trình vận động, tuyên truyền của cán bộ đã giúp người dân nhận thức và thực hiện chuyển đổi trồng lúa giống mới, trồng rau màu vụ đông bán ra thị trường cho thu nhập. Đối với diện tích lúa không cấy được, bà con đã chuyển sang trồng ngô hai vụ. Giờ đây, đồng bào Thái ở Hát Lừu chẳng những không thả rông gia súc mà còn thực hiện tốt các mô hình chăn nuôi bán công nghiệp như mô hình nuôi lợn thương phẩm của các hội viên Hội Nông dân ở các thôn Hát 1, Hát 2 sau 3 tháng lãi trên 1 tấn lợn hơi. Tính trung bình, mỗi hộ một năm cũng xuất bán ra thị trường từ 200kg thịt gia súc, gia cầm trở lên.

Thay vì trồng và tái trồng cây thuốc phiện, từ năm 2000 đến nay, Hát Lừu đã ra mắt được mô hình xã không có ma túy với tỷ lệ 100% thanh niên không nghiện ma túy. Đây cũng là thành quả nổi bật nhất mà chưa một xã nào của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này đạt được. Thay thế loại cây độc hại này, từ năm 2012 đến nay, đã thành nếp, cứ sau mỗi mùa gặt, bà con các thôn, bản trong xã lại tích trữ rơm, rạ để dành cho gia súc ăn trong mùa rét và gom vào các mô hình trồng nấm đã được cán bộ Trung tâm Dạy nghề hướng dẫn. Nhiều hộ đảng viên và nhân dân các thôn của bản Hát đã có thu nhập cao từ mô hình trồng nấm rơm này. Nếu như những năm trước đây, cũng giống như bà con người Mông ở các xã khác trong huyện chỉ làm vụ chiêm thì nay vụ mùa và trồng cây vụ đông đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp ở Hát Lừu.

Năm 2012, xã mới cấy 190ha lúa đông xuân (đã tăng 16ha so với năm 2011), năng suất đạt trên 44 tạ/ha, sản lượng đạt 845 tấn thì năm 2014 này, Hát Lừu gieo cấy được 230ha lúa đông xuân, năng suất dự ước 45,7 tạ/ha, đạt sản lượng 1.051,1 tấn. Ngoài ra, bà con các thôn, bản trong xã còn trồng được 50ha ngô xuân hè đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch năng suất cao dịp trung tuần tháng 7 này.

Nhìn những cánh đồng, những thửa ruộng trên bản Hát, bản Lừu bà con đang tấp nập làm đất, cấy cày đông như trảy hội, tôi hỏi Bí thư Hát Lừu:
- Hình như xã có bao nhiêu người đều được các anh huy động hết bấy nhiêu cùng ra đồng hôm nay?

- Không phải hôm nay mà 1 tuần nay rồi. Đây là thời điểm xã phải quản chặt nhân lực để thu chiêm làm mùa, không nhà nào được vắng mặt - Bí thư Lả đáp với giọng đầy phấn khởi và dứt khoát.

- Vậy còn những người đi làm ăn xa thì sao?

- Với những bà con làm ăn xa, chúng tôi phải thông qua họp thôn, bản để gia đình gọi về sớm mà làm cho kịp thời vụ - Rồi ông Bí thư có thâm niên ấy hạ giọng: "Phải làm thế mới kịp. Mệt thì có mệt nhưng tối đến, dân các thôn lại vui văn nghệ được mùa thì sẽ hết mệt ngay". Được biết, hiện cả 5/5 thôn, bản của Hát Lừu đều xây dựng được nhà văn hóa, mỗi thôn có một đội văn nghệ đều là những hội viên, đoàn viên tham gia rất sôi nổi. Xã, huyện có phong trào gì hay cuộc thi nào, các đội cũng đều tập luyện rất tích cực để dự cho đông đủ. Đây chính là nét sinh hoạt văn hóa rất đẹp đã làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái trên vùng cao Trạm Tấu. 

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu và xã Hát Lừu thăm hỏi nông dân bản Hát về năng suất vụ đông xuân vừa qua.

Chia tay Hát Lừu, chia tay huyện nghèo trong cái nắng vàng chói chang của mùa hè, qua những ngôi nhà sàn cứng hóa được xây theo kiểu mới rất đẹp và đông đúc hơn nhiều so với dăm bảy năm về trước, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi tỷ lệ hộ nghèo của Hát Lừu vẫn còn trên 60% (theo tiêu chí mới). Trả lời cho những băn khoăn ấy của tôi là nỗi niềm đầy trăn trở của người đứng đầu cấp ủy ở Hát Lừu. Nhìn dáng vẻ nửa như muốn nói mà nửa lại bảo thôi, tôi đã tìm thấy ngay câu trả lời chân thực nhất ở đồng chí Bí thư người dân tộc Thái mộc mạc, năng động và chất phác này.

Chợt nhớ tới cái nhíu mày đầy trăn trở của Phó bí thư Huyện ủy Giàng A Câu trước câu hỏi của Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu bên cánh đồng lúa mới cấy: "Trung tuần tháng bảy này, xã sẽ cấy xong. Từ đó tới cuối tháng, nhân lực có nhà mà lại không có việc làm. Phó bí thư xem, nếu Bản Mù không làm thì cho dân chúng tôi lên đó thuê đất để làm có được không? Bây giờ, bà con mình biết nhiều kiến thức khoa học và có kinh nghiệm làm lúa hai vụ lắm rồi".

Tôi nhận ra rằng, Hát Lừu thực sự đang chuyển mình để theo kịp miền xuôi. Dù đang mang trọng trách "chiếc đòn gánh" của huyện nghèo nhưng tôi tin, bản Hát, bản Lừu sẽ cùng nhau chia sẻ gánh nặng ấy. Dân và Đảng ở đây sẽ hoàn thành và hoàn thành tốt sứ mệnh của mình khi hành trình xây dựng nông thôn mới của Hát Lừu giành thắng lợi.

Thanh Hương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục