Giao đất, giao rừng ở Vũ Linh: Dân lo mất nguồn nước

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/8/2014 | 9:22:16 AM

YBĐT - Hiện nay, một số người dân ở hai thôn Ngòi Tu và Đá Trắng, huyện Yên Bình (Yên Bái) gây khó khăn trong quá trình thực hiện phương án giao đất giao rừng với lý do giao rừng rồi người ta phá đi làm mất nguồn nước nhưng trong phương án xã đã không giao những diện tích rừng có nhiều cây gỗ lớn, gần khe nước để bảo vệ nguồn sinh thủy.

Một người dân chỉ cho phóng viên hệ thống ống dẫn nước từ núi Yến về thôn Đá Trắng.
Một người dân chỉ cho phóng viên hệ thống ống dẫn nước từ núi Yến về thôn Đá Trắng.

Bà Đằng Văn Chung - người dân trong thôn nói: “Bao đời nay rồi, người dân ở đây ăn nước từ cánh rừng này, giờ giao cho các hộ khác, nếu họ phá rừng chặt cây thì chúng tôi sống bằng gì? Toàn người trong thôn được nhận giao thì có thể sẽ bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng rừng như hiện nay nhưng giờ có hơn 20 hộ của thôn khác đến nhận rừng ở đây, ai đảm bảo họ sẽ không phá rừng?”.

Giao đất, giao rừng ở Vũ Linh: Dân lo mất nguồn nước

Với mục đích tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách không có tư liệu sản xuất, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2015. Vũ Linh là một trong hai xã được chọn làm điểm của tỉnh để triển khai Đề án này. Cuối tháng 6 vừa qua, xã đã hoàn thành Đề án và tiến hành giao 261,7ha đất rừng cho 85 hộ dân và cộng đồng quản lý.

Nằm ở phía đông hồ Thác Bà, xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) có diện tích tự nhiên trên 3.736ha. Trong đó, diện tích đất rừng sản xuất là 1.504,5ha và đất rừng tự nhiên là 230,5ha. Theo phương án giao rừng gắn với giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Vũ Linh thì diện tích 261,7ha không bị lấn chiếm sẽ tiến hành giao 161,5ha cho 85 hộ gia đình, cá nhân theo danh sách các hộ đủ điều kiện được xét giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, hạn mức giao cho mỗi hộ dân là 1,9ha; giao 73,6ha cho cộng đồng dân cư các thôn Quyên, Ngòi Tu, Đá Trắng và Trại Máng quản lý; diện tích còn lại giao cho UBND xã quản lý làm quỹ đất phúc lợi, đất dự phòng.

Qua khảo sát, trong tổng số 261,7ha có 230,5ha là rừng tự nhiên nhưng chủ yếu là rừng IIa, IIb, Ic, IIc (các loại rừng non tái sinh phục hồi sau nương rẫy, rừng thực bì, cỏ lau lách, chuối…). Trước thực trạng này, xã Vũ Lĩnh xây dựng phương án giao đất giao rừng để phát triển, làm giàu nguồn tài nguyên rừng. Quá trình xây dựng phương án gặp không ít khó khăn, sau nhiều lần điều chỉnh phương án, cuối tháng 6, các hộ dân trong diện ưu tiên đã được bốc thăm lô đất.

Ngay sau khi các hộ dân bốc thăm và viết đơn đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng qui định hiện hành, Hội đồng giao đất, giao rừng của xã đã tiến hành giao trên thực địa và đến ngày 22/7 đã giao  được cho 22 hộ dân ở thôn Quyên và thôn Trại Máng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện phương án giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn xã Vũ Linh thời gian qua đã gặp phải không ít khó khăn.

Đến nay, mặc dù đang tiến hành giao trên thực địa nhưng một số hộ dân ở 2 thôn Ngòi Tu và Đá Trắng vẫn còn nhiều băn khoăn thắc mắc và chưa hẳn đồng tình với phương án giao đất, giao rừng ở Vũ Linh. Lý do được đưa ra là bà con sợ khi giao rừng các chủ rừng sẽ chặt phá cây làm mất và gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân trong thôn.

 

Hầu hết người dân ở hai thôn Đá Trắng và Ngòi Tu sử dụng nguồn nước lấy từ núi Yến và các hộ dân ở thôn Đá Trắng phải đầu tư cả chục triệu đồng để mua ống dẫn nước từ trên núi về.

Thôn Đá Trắng có 124 hộ với 570 nhân khẩu, có 23ha ruộng nước. Toàn thôn có 107ha rừng, đợt này sẽ giao 60,8ha cho 32 hộ gia đình, cá nhân (trong thôn có 8 hộ được nhận, còn lại là người thôn khác); 45,8ha sẽ giao cho cộng đồng quản lý. Theo quan sát của phóng viên thì  thôn Đá Trắng nằm ngay dưới chân núi Yến (khu vực giao đất giao rừng của xã), toàn bộ nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 23ha ruộng đều được lấy trên núi xuống, có nhà mất hàng chục triệu đồng để bắc đường ống dài trên 2km phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của gia đình.

Ông Trần Xuân Yêu - Bí thư Chi bộ thôn Đá Trắng cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình với phương án giao đất, giao rừng của xã. Đây là một chủ trương đúng, sẽ giúp hộ nghèo, hộ không có đất sản xuất có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện nay trong thôn đa phần người dân không đồng tình chỉ với một lý do sợ mất nguồn nước”.

Bà Đằng Văn Chung - người dân trong thôn nói: “Bao đời nay rồi, người dân ở đây ăn nước từ cánh rừng này, giờ giao cho các hộ khác, nếu họ phá rừng chặt cây thì chúng tôi sống bằng gì? Toàn người trong thôn được nhận giao thì có thể sẽ bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng rừng như hiện nay nhưng giờ có hơn 20 hộ của thôn khác đến nhận rừng ở đây, ai đảm bảo họ sẽ không phá rừng? Gia đình tôi cũng được một lô nhưng tôi không lấy, nếu lấy mà không cho chặt cây, trồng cây thì làm sao mà thoát nghèo được, còn nếu chặt cây thì sẽ không có nước để làm ruộng. Tôi không vì cá nhân mình mà làm ảnh hưởng đến người trong thôn”.

Như để chứng minh cho lời mình nói, ông Trần Kim Ngân - một người dân khác trong thôn chỉ cho chúng tôi xem bãi đất trống vẫn còn nguyên nền nhà cũ của mấy hộ dân bị lũ cuốn trôi năm 2008: “Cũng vì chặt phá rừng mà ra nông nỗi này. Từ khi thôn quản lý chặt, không cho chặt phá, cái măng cũng không cho lấy nên mới có nước để trồng lúa đấy, mà bão lũ cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.

Thôn Ngòi Tu có 42,2ha rừng, sẽ giao 34,2ha cho 18 hộ, 5,7ha giao cho cộng đồng quản lý. Một số hộ trong thôn cũng không đồng ý theo phương án của Hội đồng giao đất, giao rừng của xã. Ông Tướng Văn Thạy - người dân Ngòi Tu cho biết: “Thôn vốn ít rừng, những khi trời nắng nóng kéo dài chúng tôi còn không đủ nước để sản xuất, giờ chỉ có 5,7ha giao cho cộng đồng quản lý, còn lại giao cho các hộ người ta phá hết thì lấy nước ở đâu?”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa phần người dân ở hai thôn này đều mong muốn giao hết diện tích cho thôn quản lý để bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó vẫn còn một số người có suy nghĩ, tư tưởng muốn giữ đất, giữ rừng cho con cháu sau này ở trong thôn chứ không giao cho người ngoài, người khác thôn sử dụng.

Trao đổi với chính quyền xã Vũ Linh, chúng tôi được biết: Trong diện tích 261,7ha, xã sẽ giao 73,6ha cho cộng đồng dân cư ở 4 thôn: thôn Quyên, Ngòi Tu, Đá Trắng và Trại Máng quản lý. Hầu hết diện tích này thuộc khoảnh 1, 2, 3, 4 tiểu thu 327 và khoảnh 6, 7 tiểu khu 239. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn có nhiều cây gỗ lớn chiếm gần 50%, còn lại chủ yếu là diện tích núi đá có độ dốc lớn và khe nước.

Ông Địch Quang Phục - Chủ tịch UBND xã Vũ Linh cho biết: “Hiện nay, một số người dân ở hai thôn Ngòi Tu và Đá Trắng gây khó khăn trong quá trình thực hiện phương án giao đất giao rừng với lý do giao rừng rồi người ta phá đi làm mất nguồn nước nhưng trong phương án chúng tôi đã không giao những diện tích rừng có nhiều cây gỗ lớn, gần khe nước để bảo vệ nguồn sinh thủy. Diện tích này đủ cung cấp nước nước sinh hoạt, tưới tiêu. Cùng với đó, UBND xã quản lý 26,6ha ở đầu nguồn nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước của nhân dân. Chúng tôi cương quyết sẽ thực hiện đúng phương án, giao đến cùng. Ngoài ra, 85 hộ dân được giao đất, giao rừng phải ký cam kết sử dụng lô đất được giao đúng mục đích, đúng qui định của Đảng, Nhà nước. Xã kiên quyết nghiêm cấm việc tự ý chặt phá rừng xảy ra làm ảnh hưởng tới nguồn nước và sinh hoạt của cộng đồng”. 

Để bảo đảm đúng mục đích của việc giao rừng là để phát triển rừng và sẽ không còn tình trạng lấn chiếm đất rừng, chính quyền xã cho biết, thời gian tới cũng sẽ tổ chức tập huấn cho người dân nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình với diện tích rừng được giao. Khi trồng, phát triển và khai thác rừng phải theo quy  định, theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Quy chế khai thác bảo vệ rừng. Xã giao rừng là để người dân phát triển rừng với những diện thưa được trồng dặm; những diện tích lau lách nghèo kiệt được trồng thay thế nhưng trồng phải theo quy trình:  viết đơn, kế hoạch trồng trình lên các cấp có thẩm quyền, sau đó lực lượng kiểm lâm lên thiết kế trình UBND huyện duyệt mới được trồng; khi khai thác cũng phải thực hiện như vậy và diện tích khai thác phải nhỏ hơn diện tích phát triển rừng, không làm ảnh hưởng đến môi trường và bảo đảm đủ diện tích rừng phòng hộ.

Các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư được giao quyền sử dụng rừng được quyền phát triển sản xuất, kinh doanh rừng sản xuất trên diện tích đất rừng được giao và được hưởng lợi thành quả đầu tư trên đất theo quy định Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện hành, có quyền lợi, trách nhiệm quản lý, sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.

Đối với diện tích giao cho hộ dân thì hộ dân có quyền lợi và trách nhiệm với tài sản của mình. Còn diện tích giao cho cộng đồng là để tạo điều kiện quản lý rừng có hiệu quả. Nhưng câu hỏi đặt ra là phải xây dựng chính sách đối với cộng đồng như: chính sách hưởng lợi từ rừng, chính sách đầu tư, tín dụng, các quyền của cộng đồng khi được giao rừng và ai chịu trách nhiệm pháp lý về diện tích này? Diện tích này cần được tổ chức quản lý như thế nào, trong khi thôn bản, xét về khía cạnh pháp lý, chưa phải là một tổ chức?... Mặt khác, hiện nay, cộng đồng chủ yếu chỉ tổ chức bảo vệ đơn thuần, chưa có tác động gì về mặt lâm sinh, làm thế nào để khuyến khích cộng đồng tác động các biện pháp lâm sinh vào rừng để rừng phát triển tốt. 

Để Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 2012 - 2015 đi vào cuộc sống đúng với mục đích là tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách không có tư liệu sản xuất có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, tránh tình trạng xâm chiếm đất rừng, khiếu kiện, gây mẫu thuẫn trong nhân dân... thì mặc dù người dân đã có cam kết nhưng chính quyền địa phương cũng cần quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ quá trình thực hiện, nếu vi phạm phải cương quyết xử lý theo phát luật. 

Ánh Dương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục