Hết lòng vì dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/8/2014 | 2:48:31 PM

YBĐT - Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT trong lòng dân quả thực không dễ nhưng cũng không phải là quá khó khi mỗi CBCS làm nhiệm vụ đều ứng xử có văn hóa và coi nhân dân, coi đồng bào như chính người thân trong gia đình mình. Với huyện vùng cao Trạm Tấu đặc biệt khó khăn, hình ảnh người chiến sỹ CSGT là như thế...

Nhiều khi CSGT Trạm Tấu dừng phương tiện chỉ để nhắc nhở và hướng dẫn đồng bào đội mũ bảo hiểm và cài quai mũ đúng cách.
Nhiều khi CSGT Trạm Tấu dừng phương tiện chỉ để nhắc nhở và hướng dẫn đồng bào đội mũ bảo hiểm và cài quai mũ đúng cách.

Về những thiện cảm mà người dân dành cho các chiến sĩ công an nói chung thì phải thẳng thắn thừa nhận rằng cảnh sát giao thông (CSGT) là lực lượng "thiệt thòi" nhất. Mặc dù thực tế không phải tất cả đều như vậy, nhưng cứ thấy bóng dáng của lực lượng này ở đâu thì bất kể kẻ gian, các đối tượng vi phạm luật giao thông mà cả bản thân những “người ngay" cũng đều "giật mình". Với huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu lại hoàn toàn khác. Người dân các dân tộc ở đây đã quá quen với hình ảnh chiến sĩ công an "áo vàng" tận tình, hết lòng vì đồng bào.

Cả huyện Trạm Tấu rộng trên 74 ngàn héc ta với 12 xã và 1 thị trấn, trong đó trừ thị trấn huyện lỵ thì 11/11 xã đều đứng vào hàng "đặc biệt khó khăn" trên tất cả các lĩnh vực, các tiêu chí từ đói nghèo cho tới điện, đường, trường, trạm. Tổng dân số toàn huyện gần 3 vạn người, dân tộc Mông chiếm tới 77%, dân tộc Thái chiếm trên 16,7%, còn lại là các dân tộc khác. Địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào chưa cao, tỷ lệ người Mông biết tiếng phổ thông lại thấp trong khi lực lượng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CSGT của huyện đếm chưa hết một bàn tay.

Thật vậy, tổ CSGT Công an huyện Trạm Tấu chỉ có 4 CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên địa bàn, nhưng nhiều năm qua, họ không những luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn mà còn giành được nhiều thành tích trong công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự, ma túy ở địa bàn vùng cao nhiều gian khó này. 3 năm liên tục trên địa bàn huyện không xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người nào, số vụ, số người bị thương do TNGT cũng rất thấp. Chỉ một dòng thông tin hết sức ngắn gọn như vậy nhưng đã là quá đủ để nói lên thành tích của những CBCS trong lực lượng đảm bảo giữ gìn trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) vùng cao khi tình trạng TNGT đang trở thành vấn đề nhức nhối, đáng báo động của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng CSGT của huyện đã thực hiện 15 buổi tuyên truyền với trên 200 lượt người tham gia tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tại Trường liên cấp II+III và tại các xã trong huyện, tuần tra kiểm soát 186 ca, bằng 744 lượt, gần 3.000 giờ. Đã phát hiện và lập biên bản gần 390 trường hợp, phạt tiền 284 trường hợp gần 152 triệu đồng và tạm giữ 134 xe mô tô. 3 năm liên tục trên địa bàn huyện không xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người nào, số vụ, số người bị thương do TNGT cũng rất thấp.
Mặc dù công tác quản lý không khó khăn, không nhiều phương tiện tham gia giao thông như các huyện vùng thấp, nhưng vùng cao Trạm Tấu lại có những đặc thù hết sức riêng biệt mà lực lượng CSGT vùng thấp hiếm khi gặp như: địa bàn rộng, chất lượng phương tiện cũng như cơ sở hạ tầng giao thông kém, tỷ lệ đồng bào dân tộc biết tiếng phổ thông thấp nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành Luật Giao thông đường bộ rất khó khăn. Khắc phục tình trạng đó,  lãnh đạo Công an huyện và tổ CSGT đã chỉ đạo và phân công chiến sĩ CSGT là người dân tộc Mông biên dịch tài liệu, tờ rơi rồi cùng anh em trong tổ đến tận thôn, bản, nhà trường tuyên truyền bằng hai thứ tiếng.

Chiến sĩ Giàng A Trang - tâm sự: "Với bà con vùng cao thì việc tuyên truyền có tác dụng cao hơn xử phạt. Vì thế, chúng tôi tranh thủ tuyên truyền tới các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và những người có uy tín trong cộng đồng, tuyên truyền qua các buổi nói chuyện tại trường học cho các em học sinh bằng tiếng dân tộc thu lại hiệu quả cao". 

Đặc biệt, lực lượng CSGT Trạm Tấu đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều đợt tuyền truyền về TTATGT lồng ghép với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" hàng năm tại các xã, thị trấn, cơ quan để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện cùng thực hiện. Bên cạnh tập trung tuyên truyền về văn hóa giao thông, còn kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đảm bảo TTATGT, những tấm gương già làng, trưởng bản mẫu mực vận động con cháu thực hiện và đồng tình ủng hộ giúp CSGT làm nhiệm vụ.

Từ đầu năm đến nay, bằng hình thức tuyên truyền này, lực lượng CSGT Công an huyện Trạm Tấu đã thực hiện 15 buổi với trên 200 lượt người tham gia tại trung tâm giáo dục thường xuyên, tại trường liên cấp II+III và tại các xã trong huyện. Theo đó, nhận thức cũng như kiến thức về Luật Giao thông đường bộ của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt.

Anh Mùa A Páo ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu cho biết: "Nghe cán bộ công an giao thông tuyên truyền ở xã, người dân chúng tôi mới biết đội mũ bảo hiểm (MBH) không đảm bảo chất lượng cũng bị phạt như không đội mũ vì như thế còn không an toàn cho chính bản thân mình". Rồi Mùa A Páo còn kể, hôm trước có một người trong bản của anh suýt ngã vì người đi trước đội MBH không cài quai bị gió làm rơi mũ, may mà tránh được. Sau đó, gặp ngay cán bộ giao thông đi tuần tra nhắc nhở nên bà con mới hiểu ra.

Còn anh Mè Văn Ơn ở bản Hát 2, xã Hát Lừu tâm sự: "Trước đây, trông thấy CSGT nhiều người không thích vì tâm lý bà con hay sợ bị phạt vì thứ nhất là không chịu đội MBH, thứ hai là thường không mang theo giấy tờ xe. Nay được tuyên truyền, bà con hiểu ra là đội mũ có lợi thế nào khi không may xảy ra TNGT và nếu có giấy tờ xe thì ít nhất trường hợp không may người cấp cứu còn biết địa chỉ mà báo cho người thân của mình. Giờ bà con thấy rất gần gũi và quý CSGT của huyện mình lắm". Tuy vậy, những trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: uống rượu, bia, chở quá số người quy định, không đội MBH... vẫn bị lực lượng CSGT xử lý đúng quy định.

Trung tá Bùi Tuấn Anh hướng dẫn chiến sỹ CSGT của tổ sắp xếp và biên dịch các tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ ra tiếng Mông để tuyên truyền cho đồng bào.

Để lực lượng CSGT có được hình ảnh đẹp trong quá trình thi hành nhiệm vụ, Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện thường xuyên quan tâm, kiểm tra, đôn đốc và giáo dục CBCS nâng cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông; đặc biệt là cách ứng xử có văn hóa, chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân, quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, chế độ công tác, các quy định của pháp luật, tránh xảy ra sai phạm, tiêu cực và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, lực lượng CSGT huyện Trạm Tấu đã góp phần không nhỏ vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu gian lận thương mại, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn.

Năm 2013, các chiến sĩ CSGT trong huyện đã xây dựng kế hoạch, tổ chức bắt giữ 56 đầu gỗ pơ mu và 5.000 kg gỗ pơ mu chuyển giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Đặc biệt, qua tuần tra kiểm soát, tổ công tác còn phát hiện nhiều hiện tượng người điều khiển phương tiện có biểu hiện nghi vấn, khi tiến hành dừng phương tiện thì vứt xe bỏ chạy, bỏ lại bao tải chở quả thuốc phiện tươi. Có ca tuần tra CBCS phát hiện xe mô tô tang vật của vụ án trộm cắp tài sản cất giấu ở bụi cây ven đường. Sau đó, qua biện pháp nghiệp vụ các anh phát hiện 2 đối tượng nghi vấn là Sùng A Sinh và Mùa A Seng đang độ tuổi 9x.

Qua đấu tranh tại chỗ, các đối tượng khai nhận đã trộm cắp tài sản tại thị trấn Trạm Tấu. Tổ công tác đã lập biên bản, lấy lời khai ban đầu và đưa 2 đối tượng về bàn giao cho lực lượng chức năng Công an huyện điều tra làm rõ. Còn rất nhiều trường hợp như đối tượng địa phương khác trộm cắp xe máy mang đến huyện bán giá rẻ, buôn bán gỗ pơ mu, rượu thuốc phiện mà qua tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện được, góp phần ổn định địa bàn và đảm bảo giữ vững an toàn giao thông vùng cao.

Trung tá Bùi Tuấn Anh - Tổ trưởng Tổ Tuần tra kiểm soát ATGT tâm sự: "Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, để làm tốt công tác giữ gìn TTATGT ở vùng cao, lực lượng CSGT phải thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử văn hóa của người chiến sĩ công an nhân dân. Đó mới là điều quan trọng để đồng bào hiểu, thông cảm với nghề nghiệp và hợp tác cùng lực lượng công an nói chung, lực lượng CSGT nói riêng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và đảm bảo TTATGT ở vùng cao".

Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT trong lòng dân quả thực không dễ nhưng cũng không phải là quá khó khi mỗi CBCS làm nhiệm vụ đều ứng xử có văn hóa và coi nhân dân, coi đồng bào như chính người thân trong gia đình mình. Gần dân, biết dựa vào dân, để dân hiểu công việc, nhiệm vụ, cùng cảm thông và hợp tác là những điều mà CBCS CSGT vùng cao huyện Trạm Tấu đã và đang làm được, thậm chí làm rất tốt. 3 năm liên tục không có TNGT chết người, tỷ lệ các vụ va chạm giao thông giảm đáng kể là kết quả không phải bất cứ lực lượng CSGT ở huyện, thị nào trong tỉnh cũng đạt được. Kết quả ấy là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt khó của lực lượng công an "ít dành được thiện cảm của người dân" nhất nơi vùng cao còn nhiều gian khó này.

Trạm Tấu, tháng 7/2014
Thanh Hương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục