“Vua” ong trên bản

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/8/2014 | 2:57:01 PM

YBĐT - Câu chuyện chàng trai trẻ "xếp bút nghiên, cất bằng cử nhân" lên rừng nuôi ong và trong tay đang sở hữu 600 đàn ong mật quả thật là hiếm! Tôi nghe đã thích mê, tò mò muốn gặp ngay...

Các đồng chí lãnh đạo huyện Mù Cang Chải trao đổi với anh Nguyễn Văn Toản về hướng phát triển nghề nuôi ong.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Mù Cang Chải trao đổi với anh Nguyễn Văn Toản về hướng phát triển nghề nuôi ong.

Mấy lần cùng ngồi với đồng chí Vũ Tiến Đức - Phó bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, ngoài trao đổi về những kinh nghiệm hay trong công tác xây dựng Đảng là ngần ấy lần, vị Phó bí thư Huyện ủy vùng cao này vỗ đùi khoe gương một thanh niên nổi tiếng nuôi ong trên núi mà không phải người bản địa. Đó chính là anh Nguyễn Văn Toản ở xã Dế Xu Phình.

Nói đến nghề nuôi ong trên núi đối với tôi chẳng có gì xa lạ cả bởi chuyện người dân Mù Cang Chải nuôi ong đã thành truyền thống và lâu đời, thương hiệu mật ong xứ Mù Cang được du khách thập phương ưa chuộng. Nhưng câu chuyện chàng trai trẻ "xếp bút nghiên, cất bằng cử nhân" lên rừng nuôi ong và trong tay đang sở hữu 600 đàn ong mật quả thật là hiếm! Đang phút suy tư về nhân vật hiếm có ấy, tôi bỗng giật mình bởi bàn tay của anh Đức vỗ độp vào vai rồi bảo: Cứ uống rượu đi! Thích thì tí nữa mấy anh em mình cùng đến tận nơi, tha hồ "mục sở thị". Tôi nghe đã thích mê, tò mò muốn gặp ngay. Trong lòng cứ hồi hộp, tưởng tượng ra một chàng thanh niên với cặp đùi rắn chắc, bắp tay vạm vỡ vì ngày đêm leo đồi chăm ong... Ai dè, "vua ong" này có hàm răng trắng tinh, ánh mắt biết cười, nước da ngăm đen, không biết uống rượu bia, không hút thuốc lá, lại nói năng nhẹ nhàng như con gái.

Được anh Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông báo trước, Toản tự tay pha ấm trà xanh đặc trưng của vùng cao đãi khách. Nhấp nhanh chén trà, anh cho biết: "Sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình có 3 anh em ở thành phố Yên Bái, sau khi tốt nghiệp cấp III, mình thi đỗ và tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Thông tin Hà Nội. Ra trường, với tấm bằng cử nhân hệ chính quy trên tay rồi ấp ủ nhiều kế hoạch, dự định mới nhưng mọi thứ đều tan biến sau bao lần vác hồ sơ đi xin việc không thành".

Trong lúc gặp khó, tân sinh viên Nguyễn Văn Toản nhiều lần băng rừng, lội suối đến với bạn bè vùng cao "cho đỡ buồn". Trong cái rủi có cái may, một lần đi dã ngoại, Toản bị một chú ong đốt. Mũi đốt của chú ong rừng làm cho Toản đau buốt đến xương tủy và ý tưởng "lập nghiệp từ ong" cũng nảy sinh từ đó. Nói đến ong, Toản không xa lạ gì bởi bố mẹ anh nuôi ong từ lâu nhưng nuôi theo mùa lấy mật phục vụ gia đình chứ không bán nên không đầu tư. Vì vậy, mỗi khi mùa hoa tàn thì ong cũng rủ nhau bay đi hết.

Anh Toản hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong cho thanh niên trong xã.

Tâm sự về nghề nuôi ong, Toản say sưa kể liền một mạch, quên cả những vị khách xung quanh khiến tôi không khỏi ngạc nhiên bởi niềm say mê kỳ lạ của anh với ong như dân chuyên nghiệp vậy. "Khởi đầu với mấy đàn ong của bố mẹ, qua nghiên cứu các mô hình, sách báo, mình học được kỹ thuật làm ong chúa sinh đàn. Nhờ vậy, đến nay, mình có 600 đàn ong, mỗi năm thu về trên 6.000 lít mật, trừ chi phí cũng cho lãi trên 400 triệu đồng", Toản bộc bạch. Nhưng cái thành công nhất của anh đến nay là đã tự tách đàn ong, điều mà không phải thợ nuôi ong nào cũng làm được. Đúng thế, nghề nuôi ong đâu phải dễ dàng gì. Bởi con ong cũng kén chọn người nuôi. Đặc biệt, muốn có nhiều sản lượng mật, người nuôi phải di chuyển ong theo mùa hoa mà chuyển ong thì phải chuyển vào ban đêm.

Đang tâm sự về nghề với Toản, tôi bỗng ngửi thấy hương thơm tinh khiết của hoa cây sơn tra, hoa của cây ngô và các loại hoa rừng tự nhiên khác bay lẫn trong gió. Anh Toản nói luôn: "Đấy chính là đặc trưng để tạo nên sản phẩm mật ong của Mù Cang Chải đó". Nói xong, Toản dẫn tôi đến một rừng cây sơn tra và những vườn ngô đang mùa rộ hoa, phía dưới là đàn ong nuôi được xếp thành từng thùng vuông vắn. Miệng nói, tay làm, anh đi lật từng khay cầu ong lên rồi đảo chiều ngược lại. Sợ ong đốt, tôi vội kéo áo trùm kín đầu, anh Toản cười trấn an: "Không sao đâu, chưa quen thấy cảm giác sợ chứ chúng không đốt mà đốt cũng không đau đâu". Nói rồi, Toản quay sang nhẹ nhàng lật tiếp những khay cầu ong khác, từng động tác thật gọn gàng.

Tôi hỏi bí quyết thành công trong nghề nuôi ong, không ngần ngại, Toản trả lời ngay: "Nghề nuôi ong mật cũng dễ mà cũng khó. Nghề đòi hỏi người nuôi phải vững kỹ thuật cơ bản, biết chọn ong chúa chất lượng để tạo ra được nguồn ong thợ tốt. Quá trình nuôi phải biết cách chăm sóc, cho ăn, nhân đàn. Nếu phát hiện ong bị bệnh phải cách ly, trị bệnh hoặc chuyển ngay ong đi để thay đổi môi trường và tìm nguồn nuôi khác cho phù hợp. Ngoài ra, người nuôi cũng phải có "duyên" với ong, phải kiên trì, nhẫn nại, cần cù như "con ong chăm chỉ" thì mới trụ được với nghề".

Mải xem Toản chăm sóc đàn ong, tôi toát mồ hôi hột khi có một chú ong đến "hỏi thăm" với một nốt bên cánh tay trái. Thấy vậy, chị Hoàng Thị Thanh Tình - vợ anh Toản cười ồ lên bảo: "Nhằm nhò gì đâu, anh Toản nhà em mỗi ngày cũng bị đốt từ 2 đến 50 nốt. Nhiều lần, em bảo chồng không theo nghề này nữa nhưng anh ấy lại bảo: "Ong đốt là chữa khỏi bệnh thấp khớp và "được du mục" nhiều địa phương trong nước mà không mất tiền". Chỉ thế thôi là cả hai vợ chồng nhìn nhau cười, vỡ òa trong niềm hạnh phúc".

Đến với nghề nuôi ong, anh Toản không được gia đình đồng thuận. Cũng dễ hiểu bởi anh đã có bằng đại học, bố mẹ muốn anh vào làm trong các cơ quan Nhà nước. Nhưng có duyên với nghề nuôi ong, Toản đã vượt qua tất cả những mặc cảm, những khó khăn, thách thức và đi đến thành công trên con đường xây dựng mô hình phát triển kinh tế mà không phải thanh niên nào cũng làm được. Nay thì đồng bào ở huyện vùng cao này gọi anh bằng cái tên "A Toản", nghe tên như đứa con thực sự của núi rừng. Nhưng trong sâu thẳm, Toản biết mình đã được đồng bào nơi đây yêu quý như con cháu trong chính gia đình họ. Đặc biệt là khi anh hết mình cầm tay chỉ việc, truyền nghề cho nhiều thanh niên người dân tộc Mông trong việc xây dựng mô hình nuôi ong để xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, anh Nguyễn Văn Toản sở hữu 600 đàn ong.

Anh Hảng A Thắng ở xã Dế Xu Phình cho hay: "Nhà mình có 20 đàn ong, vì không có kỹ thuật nên khi mùa hoa tàn thì ong bay đi hết. Khi biết A Toản rất giỏi trong nghề nuôi ong, mình đến xin làm và học nghề. May quá, được A Toản tận tình chỉ bảo và truyền đạt nhiều bí quyết hay trong nghề nuôi ong chính là hành trang cho mình phát triển nghề nuôi ong của gia đình". Ngoài A Thắng, Toản còn chỉ dẫn cho A Vàng, A Của, A Dê - những thanh niên này đều nuôi ong nhưng thu nhập thấp - về cách nhân đàn và kỹ thuật giữ ong cả mùa có hoa và mùa không có hoa.

Chia tay với Toản khi cơn mưa rào vừa ngớt, những tia nắng chiều xiên qua núi rừng làm sáng bừng cả phố huyện vùng cao. Hình ảnh những khay mật ong lấp lánh ánh vàng của Toản in đậm trong tôi. Vui hơn, sản phẩm mật ong của Toản ra "lò" đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đó. Hiện mật ong của Toản có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, Toản mong muốn sẽ sớm thành lập Liên hiệp Hội người nuôi ong để có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật và cung cấp thông tin, cung cấp giống, dụng cụ nuôi ong cho đồng bào có nhu cầu và tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, tiêu thụ các sản phẩm từ ong. Đó cũng là giải pháp mà huyện Mù Cang Chải đang hướng tới nhằm khuyến khích nhân dân vực dậy nghề nuôi ong truyền thống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững trên quê hương vùng cao.

Văn Tuấn
(Dế Xu Phình, tháng 7/2014)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục