"Nhà sáng chế" của nông dân Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/8/2014 | 9:52:32 AM

YBĐT - "Thú thực là không có gì to tát, chẳng qua chỉ là tranh thủ lúc rỗi rãi không có khách sửa xe thì em làm thử để giúp bà con đỡ vất vả và tốn kém. Lần đầu chưa chuẩn, đến lần thứ hai thì em thành công và vụ mùa này, nhà nông ở vùng cao Trạm Tấu có thể làm đất bằng "con trâu sắt" nhà em mà không phải mua hàng Trung Quốc"...

"Nhà sáng chế" Trần Văn Trình đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng của sản phẩm.

Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi xuống một số xã của vùng cao Trạm Tấu thấy bà con người Mông, người Thái làm đất vụ mùa bằng những chiếc máy cày nhỏ xinh, rẻ tiền, hiệu quả cao nhưng nhìn kỹ lại không phải máy cày Trung Quốc như thường thấy ở những thửa ruộng bà con nông dân khác vẫn dùng. Hỏi thăm một nông dân đang dắt con “trâu sắt" này ra đồng mới biết, anh đã mua nó trên thị trấn với giá 9 triệu đồng của một người thợ sửa xe máy.

“Chiếc máy cày "của mình" này rẻ hơn máy cày của Trung Quốc từ 5 - 6 triệu đồng/chiếc mà vẫn đảm bảo làm đất tốt như vậy” - anh nông dân kết luận với vẻ rất hả hê rồi vội vã dắt “trâu" xuống ruộng. Tiếp đó là tiếng đề nổ vang rền cùng tiếng nói cười của nhà nông trên những cánh đồng đang vào vụ mới.  Băn khoăn không biết phải tìm "nhà sáng chế" ra con trâu sắt này bằng cách nào thì cậu lái xe của Văn phòng Huyện ủy Trạm Tấu chia sẻ: "Em biết cậu thanh niên này. Lần trước đi xuống sửa xe thấy cậu ấy đang bán máy cày tự chế, em đã hỏi và còn chụp ảnh vào điện thoại rồi". Xem xong những hình ảnh chụp của nhân vật mình đang muốn tìm  bên chiếc máy cày tự chế được lưu trong điện thoại của cậu lái xe càng khiến tôi thêm quyết tâm phải gặp nhân vật này cho bằng được.

Sửa xe máy là công việc chính của Trần Văn Trình.

Trần Văn Trình quả là một thanh niên năng động và nhanh nhẹn. Dường như tiếng gọi "có khách" là phản xạ có điều kiện của mỗi chủ quán, bất kể họ đang làm gì, thậm chí cả giấc ngủ trưa cũng khiến họ bật dậy nhanh chóng. Sau khi biết ý định của tôi, cậu thanh niên nhỏ bé, nước da ngăm đen với đôi mắt sáng thông minh sinh năm 1975 bỗng trở nên rụt rè giống y như chú mèo hiền khô cứ gãi đầu, gãi tai từ chối: "Thú thực là không có gì to tát, chẳng qua chỉ là tranh thủ lúc rỗi rãi không có khách sửa xe thì em làm thử để giúp bà con đỡ vất vả và tốn kém mà thôi".

- Nhưng chị thấy dưới bản nhiều nông dân hài lòng với "con trâu sắt" của em lắm! Điều gì khiến em đang sửa xe máy, lại dồn công vào làm "con trâu" này? Tôi gợi chuyện.

- Em vừa sửa xe vừa bán thêm máy cày mini của Trung Quốc. Lúc rỗi rãi cũng nghiên cứu thấy họ làm đơn giản chẳng có gì phức tạp lắm, mình cũng muốn làm thử xem sao.

- Vậy là em làm và thành công luôn?

- Đâu có. Lần đầu em làm chưa chuẩn, đến lần thứ hai  mới thành công.

- Thế em không lo những chiếc máy cày Trung Quốc nhập về sẽ không bán được à?

- Em làm cũng vì điều này. Nếu mình làm được, dân mình dùng có hiệu quả, giá cả hợp lý thì chẳng tội gì phải tiêu thụ hàng Trung Quốc.

Thế là Trần Văn Trình kể cho chúng tôi nghe câu chuyện làm máy cày của mình ra sao, việc bán buôn thế nào trên mảnh đất còn lắm khó khăn này. Cũng như những thanh niên nông thôn ít có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, Trình rời quê  Chấn Thịnh (Văn Chấn) lên khu 1, thị trấn vùng cao Trạm Tấu lập thân, lập nghiệp với nghề sửa chữa xe máy, hàn, xì các loại giá chở hàng và buôn bán nhỏ. Thu nhập nơi vùng cao cũng gọi là tạm ổn cho cái gia đình 4 miệng ăn. Trình có tính cẩn thận, tỉ mỉ, thông minh, làm nghề có uy tín nên cửa hàng của cậu bao giờ cũng đông khách.

Vốn ham học hỏi và có tư duy sáng tạo nên buổi trưa hoặc những khi vãn khách, Trình lại mày mò, tìm hiểu quy trình hoạt động của chiếc máy cày mini với suy nghĩ: trước là để tận dụng những chiếc nhông, xích xe máy cũ, sau là có thể giúp người dân giảm chi phí vì giá máy cày mini của Trung quốc những 14-15 triệu đồng/chiếc. Sau khi nghiên cứu thấy không có gì khó lắm, đồ dùng, phương tiện có sẵn, Trình quyết định làm thử vào đầu tháng 8/2013 và mang sang thửa ruộng nhà bác Song - một cán bộ huyện đã nghỉ hưu để cày thử. Bữa đó, bác Song và cả xóm cùng xuống xem Trình cày nhưng lần đầu làm thực tế chiếc máy cày vẫn chưa đổ đất, đất cày không được nghiêng, không giống như trâu cày. Mặt khác, do cày đứng nên máy bị giật bởi tải nhông xích xe máy không chắc.

Không nản chí, Trình tiếp tục nghiên cứu để cải tiến, được sự tư vấn, động viên khích lệ và kinh nghiệm thực tế của bà con nông dân, ngày hôm đó, Trình đã về thay con ốc lớn hơn, đặt lưỡi cày nghiêng so với chiếc máy cũ từ 450 lên 600.. Tiếp đó, chế thêm một nút đề có tác dụng đề nổ như xe máy cùng một chiếc cần khởi động đề phòng khi nút đề không nổ có thể đạp khởi động. Đặc biệt, cậu khéo léo thiết kế một tay kéo ga có nấc nhanh, chậm và thêm cái bô lấy từ ống xả xe máy để giảm tiếng ồn trên đồng ruộng.

Lần thứ hai thử nghiệm có rất đông nông dân trong các bản gần thị trấn cùng xuống xem vì hôm đó là phiên chợ. Trình mang máy cày của mình sang bãi đất cứng và khô chuẩn bị san nền bệnh viện để thử nghiệm đã cho kết quả rất tốt trước sự hò reo của mọi người chứng kiến. Đất lật ngọt lịm, sắc miếng và đổ nghiêng, máy cày êm, không bị giật, nút đề nổ rất chuẩn. Như vậy, nếu cày trên ruộng sẽ yên tâm bởi ruộng gặt xong đất bao giờ cũng có độ ẩm nhất định, kể cả làm vụ đông cũng không thể khô như mặt bằng chiếc máy đang cày thử này. Kết quả là một anh nông dân bên bản Hát sau khi cùng nhiều bà con khác được “mục sở thị” sản phẩm đã ngay lập tức đặt mua của Trình chiếc máy cày này với giá 10 triệu đồng để về làm vụ đông, lúc đó là tháng 10/2013.

Trần Văn Trình bên chiếc máy cày tự chế vừa hoàn thành.

Thấy hiệu quả cao mà giá thành lại giảm hơn so với máy cày Trung Quốc, bà con các thôn xa, bản gần đã bảo nhau tới đặt hàng con “trâu sắt" của Trần Văn Trình. Do đời sống kinh tế của bà con nông dân vùng cao còn nhiều người khó khăn, Trình đã tự giảm giá bán xuống còn 9 triệu đồng để giúp đồng bào có điều kiện sản xuất và phát triển kinh tế. Từ chiếc máy cày đầu tiên bán cho nhà nông bản Hát, đến nay, "nhà sáng chế" trên vùng cao Trạm Tấu đã hoàn thành và bán được hơn 10 chiếc máy cày tự chế cho đồng bào các dân tộc trong huyện.

Chia tay anh thợ trẻ giữa trưa hè nắng như đổ lửa, tôi ấn tượng mãi với nụ cười hiền khô cùng lời giải thích rất chân thành, mộc mạc nhưng lại mang ý nghĩa chính trị không nhỏ của Trần Văn Trình khi nói về lý do giảm giá bán máy cày cho bà con chỉ là "Không thích bà con mua hàng của Trung Quốc vì vụ giàn khoan Hải Dương - 981 mà các phương tiện truyền thông đã đưa tin".  Trong cái bắt tay thật chặt, tôi chúc em tiếp tục nghiên cứu để có thể sáng chế thêm nhiều công cụ lao động hữu ích hơn nữa giúp đồng bào vùng cao tăng gia sản xuất mà lòng thầm mong các nhà sáng chế, nhà doanh nghiệp của Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung có cùng suy nghĩ như Trần Văn Trình để chúng ta không phải phụ thuộc mỗi khi "ông bạn láng giềng" chơi xấu.

Thanh Hương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục