Hưởng ứng "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam" (10/8 - 10/9/2014)

“Da cam” thân con, quặn đau lòng mẹ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2014 | 2:49:24 PM

YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ nhưng nỗi đau da cam còn đó, dai dẳng ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Yên Bái có 1.359 nạn nhân da cam, trong đó có 613 nạn nhân thế hệ thứ 2, cũng là ngần ấy lần ruột thắt lòng đau của những người mẹ ngay khi hạ sinh giọt máu của mình với hình hài không toàn vẹn. Và nước mắt đắng lòng ấy vẫn dài theo năm tháng đến tận bây giờ trong sự chịu đựng phi thường cùng cả tình yêu không gì đong đếm nổi của tình mẫu tử.

Vợ chồng bà Hằng và đứa con trai tật nguyền Nguyễn Tiến Độ.
Vợ chồng bà Hằng và đứa con trai tật nguyền Nguyễn Tiến Độ.

Cả đời hy sinh cho con tật nguyền 

Sẽ chẳng có nỗi đau nào lớn hơn trong cuộc đời người phụ nữ khi sinh ra những đứa con không lành lặn. Nỗi đau ấy dài đến hết cuộc đời và có khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không thể an lòng. Hòa bình đã trở lại đất nước hình chữ S xinh đẹp hơn nửa thế kỉ nhưng trong ngôi nhà của bà Trần Thị Hằng ở thôn 6 (xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên), nỗi đau chiến tranh dường như chưa bao giờ kết thúc.

Gần 30 năm qua, trong hạnh phúc làm mẹ còn có cả nỗi đau quá lớn đối với người phụ nữ nhỏ bé ấy. 60 tuổi có lẽ với nhiều người đã ít nhiều được an nhàn bên con cháu nhưng với bà Hằng, kể từ khi sinh em Nguyễn Tiến Độ, chưa bao giờ bà có một đêm yên giấc trọn vẹn chứ nói gì đến việc nghỉ ngơi. Di chứng da cam từ người chồng của bà - ông Nguyễn Công Tứ, đã làm đứa con trai út mãi mãi chỉ sống trên chiếc giường trong căn phòng chật hẹp của gia đình.

Ngồi nói chuyện với tôi ngoài phòng khách nhưng chốc chốc bà lại chạy vào căn buồng nhỏ để xem đứa con trai có vật vã lăn xuống đất không. Bà bảo khi bước chân khập khiễng, tấp tểnh ở trong buồng đi ra: “Không để ý một tí là thằng bé lăn xuống đất sứt đầu mẻ trán ngay. Hôm trước tôi chạy xuống vườn hái nắm rau có tí lên đã thấy nó ngã trầy hết cả mặt mũi”. Gần 30 năm qua, bà chẳng thể rời bước khỏi ngôi nhà của mình bởi Độ không cho bất cứ ai bón cơm hay vệ sinh cá nhân cho mình ngoài mẹ. Để bà an tâm ngồi nói chuyện, tôi đề nghị bà vào phòng của Độ ngồi.

Hình ảnh Độ chân tay co quắp, nằm quằn quại trên chiếc giường gỗ, ánh mắt vô hồn khiến tim tôi tan chảy. Tôi chợt nghĩ về mình, tôi được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, được làm mẹ, con của tôi lớn lên khỏe mạnh bình thường như các bạn và hạnh phúc bình dị ấy của tôi lại là mơ ước không bao giờ có được của bà Hằng.

 Thấy người lạ, Độ có vẻ bị kích động, cánh tay co quắp đập liên hồi xuống giường, rồi đập cả vào người bà Hằng, ánh mắt vô hồn của em mỗi lúc một trở nên dữ dằn. Bà Hằng ra sức nựng Độ: “Giai của mẹ ngoan nào, đừng gồng người như thế. Nhà mình có khách đấy” nhưng chân em vẫn đạp mạnh hơn xuống  giường. Thấy vậy, tôi liền ra ngoài phòng khách. Lúc sau, có lẽ tinh thần của Độ ổn định, bà Hằng mới bước ra: “Dù chân tay co quắp vậy nhưng em nó vẫn quậy phá theo cách riêng của nó. Lúc mà nó cáu lên là không ai giữ được. Có đêm chắc bị đau quá nên còn đạp mẹ xuống khỏi giường”.

 Từ khi được chào đời, tất cả mọi sinh hoạt của Độ đều một tay bà Hằng chăm sóc. Bà Hằng nhìn Độ rồi chép miệng: “Lúc bé nó đau yếu liên miên nhưng còn bồng còn bế được, bây giờ nó lớn và to ra nên không bế nổi. Hôm trước tắm cho nó, không hiểu tức giận cái gì mà nó tát bốp vào mặt mẹ rồi hai mẹ con ngã lăn ra”. Còn chuyện đêm hôm gào thét, quậy phá  là quá thường tình, đến nỗi những người hàng xóm cũng đã quen.

Bao nhiêu năm qua, điều kiện kinh tế eo hẹp nên có đồng tiền nào bà Hằng cũng chỉ đủ đi bốc thuốc nam, thuốc bắc cho con uống. Khi nào bệnh nặng quá  bà mới thuê xe đưa Độ đến bệnh viện. Chỉ có 2 sào ruộng, ít nương đồi cả nhà trông vào đó nên dù Độ được hưởng 80% bảo hiểm y tế nhưng mỗi lần đi viện bà Hằng lại phải chạy vạy khắp nơi. Giờ tuổi cao, sức yếu, trong người cũng nhiều bệnh tật nhưng bà Hằng cũng không dám tới bệnh viện chữa trị, phần vì không có tiền, phần vì đi thì ai chăm sóc Độ. Bị thoát vị đĩa đệm, vôi hóa gót chân trái, viêm khớp mà không được điều trị, nghỉ ngơi nên bây giờ bà Hằng bước thấp bước cao, đi lại rất khó khăn.

Nói đến đây, bà Hằng rơm rớm nước mắt: “Hai năm trước tôi còn mua được bảo hiểm y tế, chứ năm nay không có tiền để mua nên tôi cũng không đi khám chữa gì vì giá các loại thuốc bây giờ cũng rất cao”. Từ khi sinh Độ ra, bà Hằng gần như không thể làm được bất kể việc gì vì phải chăm sóc con. Ông Tứ cũng vì di chứng da cam mà đau ốm liên miên. Kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tiền của và cái gì ngon, cái gì tốt, bà Hằng đều dồn và dành hết cho Độ. Chính tình mẫu tử thiêng liêng đã cho bà sức mạnh để vượt qua khó khăn và chăm sóc cho đứa con tật nguyền.

Cùng chung hoàn cảnh với bà Hằng, bà Phạm Thị Viên ở thôn 5, xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) giờ cũng đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn chưa thôi phải lo lắng cho con. Bà có 6 người con, những tưởng sinh ra đứa nào cũng khỏe mạnh bình thường, tuổi già được cậy nhờ nhưng thật không may, người con trai út là Đào Văn Nam sinh năm 1987 đã bị di chứng chất độc da cam từ người bố từng tham gia chống Mỹ ở chiến trường miền Nam.

Nhìn đứa con trai gần 30 tuổi ngồi góc ghế ngây ngô, bà Viên kể rằng lúc lên bốn lên năm Nam vẫn chưa ngồi được, cũng không biết nhai thức ăn, tất cả mọi sinh hoạt của Nam đều nhờ vào mẹ. "Bây giờ Nam tự đi lại như thế này là gia đình mừng lắm rồi! Bao nhiêu người hỏi tôi là cho cháu uống thuốc gì mà được như vậy. Tôi cũng không biết cháu đi lại được vì thuốc nào, ai mách gì tôi cũng đi tìm hiểu, rồi mua thuốc cho con".

Có lẽ chính sự kiên trì, tình yêu thương bao la của người mẹ nghèo đã thấu đến ông trời. Nam không thể bình thường nhưng em đi lại được đã là hạnh phúc lớn lao của bà Viên. Tận mắt chứng kiến bà Viên tỉ mỉ giải thích, trò chuyện với Nam, tôi thực sự thán phục sự kiên trì của bà. Đến giờ Nam cũng không cho bất kì ai động vào người mình ngoài mẹ, mà tuổi bà Viên thì đã cao, nhìn vậy, ai cũng cầu mong cho bà có sức khỏe để tiếp tục chăm sóc cho cậu con trai.

Với bà Phạm Thị Viên, Nam được như bây giờ đã mừng lắm rồi.

Họ không đơn độc

Sự hy sinh của những người mẹ có con bị di chứng chất độc da cam là quá lớn. Những người mẹ ấy từ khi sinh con ra đã quên mất bản thân mình, dồn hết tình yêu thương cho những người con ấy. Và trên con đường đời chông gai, họ không đơn độc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và có nhiều chế độ, chính sách cho những nạn nhân da cam. Hiện, Độ, Nam cùng các nạn nhân chất độc da cam khác trên địa bàn tỉnh đều được nhận hỗ trợ về cả vất chất lẫn tinh thần từ các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội. Số tiền hơn 1 triệu đồng mà Độ và Nam đang được nhận hằng tháng quả thực là rất đáng quý.

Bà Trần Thị Hằng - mẹ Độ bùi ngùi chia sẻ: "Chế độ chính sách của Nhà nước và những chia sẻ động viên từ những tấm lòng thơm thảo của cộng đồng cho cháu Độ đã phần nào giúp tôi vơi bớt khó khăn, động viên tôi cả về tinh thần". Gia đình bà Hằng vừa được Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng cùng sự hỗ trợ của huyện, đóng góp ngày công của bà con lối xóm hoàn thành ngôi nhà xây, mái lợp khang trang hơn. Bằng cách này hay cách khác, các tổ chức, cá nhân cũng đã và đang giúp đỡ, chia sẻ với những gia đình có nạn nhân da cam, giúp họ vơi bớt khó khăn, có những hộ được hỗ trợ làm nhà, có những hộ lại được tặng bò sinh sản, các nạn nhân được tư vấn, khám chữa bệnh... Đây không chỉ là sự tri ân những người có công với đất nước, sẻ chia khó khăn với những nạn nhân chất độc da cam mà còn là nguồn động viên vô cùng lớn để họ cảm thấy không đơn độc trong cuộc chiến chống di chứng chiến tranh này. Mới đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Yên Bái đã được thành lập và trở thành “ngôi nhà chung” của tất cả các nạn nhân da cam. Ở đó, họ không chỉ được hòa nhập, tìm được niềm vui khi chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh của nhau mà hơn cả là không thấy mình đơn độc.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam, tin tưởng rằng những người mẹ phải chung sống với nỗi đau da cam sẽ không bao giờ đơn độc.

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục