Chàng “khổng lồ” trên đỉnh Xéo Dì Hồ

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/8/2014 | 9:17:58 AM

YBĐT - Khao khát và quyết tâm của Sùng A Dì khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Bởi chúng tôi nhận ra, trong hình hài nhỏ bé ấy, trong ánh mắt sáng và nụ cười tươi tắn ấy là cả một hoài bão lớn lao vượt lên số phận để thực hiện niềm đam mê cháy bỏng của một con người giàu nghị lực.

Sùng A Dì đang học tập bằng chiếc máy tính xách tay do Đại học FPT Hà Nội trao tặng.
Sùng A Dì đang học tập bằng chiếc máy tính xách tay do Đại học FPT Hà Nội trao tặng.

Con đường lầy lội, trơn trượt với những đoạn dốc cao và đá hộc từ cầu Lao Chải (xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) hướng lên đỉnh núi Xéo Dì Hồ như “liều thuốc thử” khắc nghiệt đối với chúng tôi khi đến thăm nhà của Sùng A Dì - học sinh khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lớp 12A6 - Trường THPT Mù Cang Chải. Chiếc xe máy - phương tiện hữu ích ở đường bằng giờ đây đã bám đầy bùn đất và bỗng chốc trở thành một “gánh nặng” thực sự, bởi chỉ có thể “dắt”, “đẩy”, “khiêng” trên đường chứ không còn đóng vai trò “chở người và máy móc” như trước. Đường không quá dài, chỉ khoảng 7 km nhưng cũng phải mất tới gần 3 giờ đồng hồ “vật lộn” chúng tôi mới đến được nơi cần đến.

Đỉnh núi Xéo Dì Hồ hùng vĩ giữa đại ngàn khẳng định tầm vóc của nó với những đỉnh núi khác xung quanh. Từ đó, người ta có thể quan sát bao quát cả một vùng rộng lớn. Thậm chí, so với đỉnh Chống Gầu Bua - đỉnh núi cao nổi tiếng với điểm trường “cắm bản” của xã Hồ Bốn bên cạnh, Xéo Dì Hồ còn có phần nhỉnh hơn.

Từ đỉnh Xéo Dì Hồ, ngược bộ thêm khoảng 2 km đường mòn nữa, tiến sâu vào “thung lũng trên trời”, chúng tôi đến được thôn Hồ Nhì Pá - nơi sinh ra và lớn lên của Sùng A Dì. Khi những mái nhà gỗ đầu tiên của người Mông hiện ra trong áng chiều vàng, chênh chếch những nương ngô đang kỳ làm phấn, cũng là lúc chúng tôi bắt gặp hình ảnh Dì đang tất tả ra đón. Nói là “tất tả” cũng hợp lí, vì sải bước chân của cậu học sinh lớp 12 mà chỉ cao 90 cm, nặng 16 kg ấy đúng bằng một chú bé 4 tuổi phát triển bình thường.

Đi cùng với tôi, phóng viên Đặng Trung Kiên của Thông tấn xã Việt Nam phấn chấn: “Đây á? Nhân vật của mình đây á?”. Vẻ phấn khích của Kiên cũng dễ hiểu, bởi với chúng tôi - những người làm nghề viết, việc tìm cho mình những nhân vật “đặc biệt” là cả một sự trải nghiệm thú vị, nhiều lúc trở thành đam mê, và hầu hết là do may mắn gặp được.

Nhà của Dì nằm gần giữa trung tâm bản Hồ Nhì Pá - bản nằm gọn trong thung lũng được bao quanh bởi các ngọn núi cao chọc trời. Căn nhà gỗ nhỏ không nhiều tiện nghi. Vật dụng đáng giá nhất có lẽ là chiếc giường gỗ kê ở góc trái nhà - nơi ông nội của Dì nghỉ ngơi. Đang mùa đào chín, mận già tím lịm, ngồi chưa ấm chỗ, Dì đã nhanh chóng đưa lên một khay quả giải khát. Những thứ quả chín cây ấy tươi rói, ăn mát lừ, vị ngọt sắc chứ không nhờ nhợ như những thứ quả tôi từng biết. Và câu chuyện của chúng tôi với Sùng A Dì như được tiếp thêm vị ngọt ấy, hào hứng, chân thành cởi mở và đặc biệt là chứa đựng rất nhiều tình cảm.

Dì sinh năm 1995, là con trai thứ 2 trong một gia đình người Mông thuần nông có 4 người con. Trên Dì còn có một người anh nay đã lập gia đình riêng, dưới còn 2 người em, nhỏ nhất mới 3 tuổi. Ngay từ nhỏ, Dì đã được phát hiện mắc bệnh liệt tuyến yên bẩm sinh. Vì thế, cơ thể của em không thể bình thường như bao đứa trẻ khác, tuyến xương không phát triển nên lúc nào cũng chỉ “lớn lên trong hình hài một đứa bé 3 - 4 tuổi”. Kỉ niệm lớn nhất mà thầy giáo Vũ Văn Trung - giáo viên Toán Trường THPT Mù Cang Chải vẫn còn nhớ như in là khi còn công tác ở Trường cấp I - II Lao Chải.

Theo danh sách về độ tuổi của học sinh trong xã, thầy đã tìm đến nhà Sùng A Dì làm công tác tuyển sinh. Đã hẹn trước mà đến nơi, thầy Trung chỉ thấy bố của Dì đang bế một cậu nhóc “bé tẹo” trên tay, nhà chẳng còn ai khác, thầy lại cứ nghĩ gia đình sai hẹn. Đến khi bố của Dì giới thiệu “nhóc tì” ấy chính là Dì thầy giáo mới thực sự bất ngờ, không thể tin đó là cậu học sinh đã từng tham dự cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” lớp 5 của huyện.

Kể từ khi “bỏ qua mặc cảm” để đến với trường lớp, bậc THCS rồi THPT, Dì luôn “biết cách” hòa đồng với bạn bè. Vì thế, chưa bao giờ Dì bị trở thành “trò cười” của chúng bạn trong trường. Hàng ngày, ngoài đảm bảo theo kịp các tiết học, môn học trên lớp, Dì thường tham gia các môn thể thao, các trò chơi ngoài giờ với các bạn như đá cầu, bắn bi…

Suốt ba năm học THPT, Dì luôn đạt hạnh kiểm tốt, lực học trung bình khá nhưng rất đều ở các môn học. Đặc biệt, môn Giáo dục công dân của Dì đạt đến 8,4 điểm trung bình. Và tuy không có được tầm vóc cơ thể tương xứng, nhưng trong mắt các bạn, Dì luôn là một người bạn bình thường như bao người khác.

Em Vàng A Thanh - người bạn thân nhất của Dì, học lớp 11 cùng trường nhận xét: “Bạn Dì rất lễ độ không chỉ với các thầy cô giáo, với người lớn, mà với những người bạn như chúng em, Dì luôn giữ thái độ đúng mực trong giao tiếp.

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong học tập, Dì chưa bao giờ tỏ ra mặc cảm về hình thể của mình. Trái lại, bạn còn thường xuyên giúp đỡ các bạn học yếu, rất hòa đồng với các bạn. Em chơi thân với Dì vì bạn ấy có nghị lực lớn trong học tập cũng như trong cuộc sống, là tấm gương cho chúng em noi theo”.

Thời điểm chúng tôi đến thăm nhà, Dì đang chuẩn bị lên đường để thi vào trường Đại học Tây Bắc tại tỉnh Sơn La - thực hiện ước mơ lớn nhất của mình là được học và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Dì tâm sự: “Với sức học của mình, việc thi vào được đại học là một mơ ước còn rất xa của em. Vì thế, năm nay em không đặt nhiều kỳ vọng mà chỉ đặt mục tiêu cố gắng hết sức mình trong kỳ thi, kết quả không quan trọng. Vì để thực hiện mơ ước của mình, em sẽ tiếp tục cố gắng ôn luyện, không đỗ năm nay thì năm sau, năm sau nữa em sẽ thi tiếp”.

Khao khát và quyết tâm của Sùng A Dì khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Bởi chúng tôi nhận ra, trong hình hài nhỏ bé ấy, trong ánh mắt sáng và nụ cười tươi tắn ấy là cả một hoài bão lớn lao vượt lên số phận để thực hiện niềm đam mê cháy bỏng của một con người giàu nghị lực. Đặc biệt, khi Dì đưa cho chúng tôi xem những tập vở, những bài kiểm tra, nét chữ tròn trịa, ngay ngắn và rất thanh thoát càng khẳng định thêm sự nỗ lực, thái độ nghiêm túc, chuyên cần của em trong học tập.

 

 Dì luôn được các thầy cô giáo và bạn bè yêu mến vì thái độ học tập nghiêm túc trên lớp. 

Thầy giáo Lý A Chơ - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 của Dì chia sẻ: “Là giáo viên chủ nhiệm, với tôi, Dì là một học sinh rất đặc biệt. Đặc biệt không phải vì hình thể của em, mà vì cách em học tập, cách em suy nghĩ về cuộc sống, suy nghĩ về tương lai. Trên lớp, Dì luôn tập trung lắng nghe bài giảng, ghi chép rất đầy đủ và khoa học với thái độ học tập nghiêm túc. Ngoài đời thường, em được các bạn rất quý mến, thường xuyên chăm sóc, giúp đỡ và hòa đồng như những người khác”…

Cũng đúng thôi. Bởi với một con người tràn đầy niềm tin, niềm hi vọng, sự lạc quan như Dì, việc những người xung quanh yêu thương, quý mến em là điều dễ hiểu. Trong đó, phải nhắc đến việc cả bản Hồ Nhì Pá của Dì, từ trước đến nay em mới là người thứ 3 học hết bậc học THPT. Đó chính là lí do chúng tôi gọi em bằng cái tên “người khổng lồ”. Gọi như vậy để thấy rằng, trong cuộc sống này, dù ở bất kì hoàn cảnh nào, may mắn hay nghiệt ngã, điều quan trọng hơn cả là được sống trong niềm vui, niềm tin vào ước mơ và dám nỗ lực để đạt đến cái đích của mơ ước đó. Với Sùng A Dì là vậy.

Bằng sự nỗ lực của bản thân, trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình, thầy cô, bè bạn, em đã dám thực hiện ước mơ của mình. Dù vẫn còn dang dở, nhưng chúng tôi tin rằng, dù ước mơ đó hôm nay mới chỉ như một đốm lửa, nhưng ngày mai sẽ có cơ hội bùng sáng, rạng ngời.

Rời bản Hồ Nhì Pá trên đỉnh Xéo Dì Hồ, chúng tôi chia tay Sùng A Dì khi cơn mưa rừng ập đến. Hứng mưa giữa lưng chừng trời mang tới một cảm giác hết sức đặc biệt, khó tả bởi trên vùng núi cao ấy, những giọt mưa như trong hơn, long lanh hơn, đồng thuận với tâm hồn của những người Mông tiến bộ như Dì… Và một điều hết sức đáng mừng dành cho Dì, khi biết được thông tin và hoài bão trở thành người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của em, Đại học FPT Hà Nội đã gửi tặng cho em một chiếc máy tính xách tay và một khóa học bổng đào tạo chuyên gia lập trình trị giá 60 triệu đồng. Hi vọng Dì sẽ theo học khóa học này trong thời gian tới và đây sẽ là tiền đề cơ bản, là động lực cho em tiếp tục cố gắng học tập để vươn tới mục tiêu cao đẹp của mình.

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục