Lãnh đạo "8X"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/8/2014 | 7:51:25 AM

YBĐT - "… Hôm đó có các bác trên huyện xuống thăm ông nội, Páo lân la tới gần xin ông cho đi học tiếp và nói rằng: "Xin ông bảo bố mẹ cho cháu được học hết cấp ba để đi thi, nếu không thi được cháu sẽ ở nhà làm nương...".

Mùa A Páo (thứ hai, trái sang) trao đổi với lãnh đạo các ban Đảng của huyện về công tác phát triển đảng viên nữ dân tộc Mông ở cơ sở.
Mùa A Páo (thứ hai, trái sang) trao đổi với lãnh đạo các ban Đảng của huyện về công tác phát triển đảng viên nữ dân tộc Mông ở cơ sở.

Nghe các đồng chí lãnh đạo huyện Trạm Tấu khen rất nhiều nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với Phó chủ tịch UBND xã Trạm Tấu tôi mới thấy những lời khen đó dường như vẫn còn khiêm tốn với Mùa A Páo - cán bộ xã "8X" năng động, xốc vác việc bản, việc xã và tận tâm, tận lực với sự học của con em đồng bào dân tộc Mông.

Sinh năm 1985, trong một gia đình người Mông đông con, nhiều cháu, Páo thừa hưởng trọn vẹn sự thông minh, lanh lợi và tính ham học hỏi của ông nội - nguyên Bí thư Đảng ủy xã. Năm học 1992 - 1993, bước vào lớp 1, Páo được bố mẹ cho đi học ở điểm trường của thôn Tấu Giữa. Nhỏ tuổi như vậy nhưng không giống những đứa trẻ người Mông cùng trang lứa, ngoài rắn rỏi và khỏe mạnh, Mùa A Páo có nghị lực và quyết tâm rất lớn. Em nghĩ, các bác đi học trên huyện cao nhất chỉ đến lớp 5 là bỏ về chăn trâu, làm nương giúp ông bà mà cũng chẳng đủ ăn, Páo quyết tâm phải đi học cho bằng được để không khổ như bố mẹ. Sang lớp 2, thấy Páo thích đi học và học hành thông minh, ông nội bảo sẽ làm hồ sơ cho em lên huyện học. Vậy là cuộc sống xa gia đình của cậu bé lớp 2 hiếu học bắt đầu từ buổi sáng khai trường hôm đó. Ông bà nội tiễn thằng cháu đích tôn từ bản Tấu Giữa xuống tận đường cái lớn, rồi Páo được bố đưa lên trường với nhà xây ngói đỏ và rất nhiều bạn mới cùng cờ hoa, trống trường rộn ràng.

Những buổi học đầu tiên tại trường huyện cũng qua đi trong nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ xen lẫn quyết tâm và sự háo hức muốn được "no con chữ" để "sáng cái lòng" của cậu bé người Mông Mùa A Páo. Thỉnh thoảng được nghỉ cuối tuần, Páo về thăm bố mẹ, ông bà và khi quay trở lại trường không quên đem thêm gạo, muối cùng lọ măng ớt để tự nấu ăn. Con đường dài 20 cây số (từ Km 27 của xã Trạm Tấu đến trung tâm huyện) đã in đậm dấu chân nhỏ của Páo đi về mỗi tuần.

Lên tới lớp 3, Páo không còn phải nhờ các anh, các chú nấu cơm hộ nữa mà đã tự mình tập nấu ăn và ở hẳn tại trường để theo học, đến hè hoặc tết mới về thăm nhà. Những lúc hết gạo mà bố mẹ chưa kịp đem lên, Páo sang gặp các anh lớp lớn xin gạo về nấu với quyết tâm "Mình phải học để trước mắt không bị thiếu ăn". Ngày qua ngày, thấm thoắt 9 năm học đã trôi qua cũng là lúc gia đình quyết định không cho Páo tiếp tục đi học nữa vì cậu em thứ ba của Páo cũng đi học, nhà không có người làm nương trong khi các cô, các chú đã lập gia đình và ra ở riêng.

Với cậu bé ham học Mùa A Páo thật không có gì buồn hơn. Xin mãi bố mẹ không được, may sao hôm đó có các bác trên huyện xuống thăm ông nội, Páo lân la tới gần xin ông cho đi học tiếp và nói rằng: "Xin ông bảo bố mẹ cho cháu được học hết cấp ba để đi thi, nếu không thi được cháu sẽ ở nhà làm nương...". Năm đó, lớp cấp ba của Páo có tới 4 bạn học chung từ lớp 1 đến lớp 11 cũng bỏ học về làm nương, 3 bạn nữa học tiếp ngành sư phạm ở Yên Bái, còn Páo thì phải về nhà vì bố mẹ không đủ sức lo cho cả hai anh em đi học.

Năm 2004, về làm cán bộ văn phòng UBND xã Trạm Tấu, đến năm 2006, Mùa A Páo đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thấy Páo làm việc chăm chỉ, có tố chất thông minh, lại ham học, Chủ tịch xã Giàng A Hành đã tạo điều kiện cho Páo đi học lớp đại học luật hệ vừa học vừa làm khóa 4 ở Yên Bái. Mỗi năm học 2 kỳ, năm 2011, Páo tốt nghiệp đại học và được bầu làm Phó bí thư Chi bộ thôn Tấu Giữa rồi làm Phó chủ tịch xã.

Sau khi tham gia học thêm lớp trung cấp chính trị tại tỉnh, năm 2012, tại Đại hội các chi, Đảng bộ cơ sở, cán bộ đảng viên trong thôn đã bầu Páo đảm nhận trách nhiệm Bí thư Chi bộ thôn Tấu Giữa. Vừa làm bí thư chi bộ thôn vừa đảm nhận trách nhiệm phó chủ tịch xã, Mùa A Páo xác định: "Phải xây dựng chi bộ thật tốt mới có thể xây dựng chính quyền vững mạnh".

Theo đó, để giải quyết vấn đề nguồn phát triển Đảng tại chi bộ, Páo đưa ra giải pháp phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ các bạn trẻ đi học trường chuyên nghiệp về nghỉ hè, nghỉ tết ở cơ sở. Với những trường hợp chị em nơi khác đến làm dâu thôn mình, xã mình, Páo lại vận động họ cùng tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, phong trào và tạo điều kiện cho chị em phấn đấu để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Nhờ vậy, Chi bộ thôn Tấu Giữa do Páo làm bí thư mỗi năm đều kết nạp mới thêm từ 2-3 đảng viên.

Năm 2014 này, Chi bộ phấn đấu kết nạp thêm 3 đảng viên. Bí thư Páo tâm sự: "Tuy được Đảng bộ đánh giá là phát triển Đảng tốt, nhưng Chi bộ Tấu Giữa mới có 1/16 đảng viên nữ thì vẫn còn ít và thiệt thòi cho chị em quá. Tôi sẽ có giải pháp để tỷ lệ đảng viên nữ năm sau được kết nạp nhiều hơn".

Là cán bộ đi đầu trong lãnh đạo thực hiện nếp sống văn hóa ở địa phương, Mùa A Páo còn có nhiều cách làm sáng tạo để xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ma chay, cưới xin không còn phù hợp đã bám rễ vào đời sống của đồng bào Mông bao đời. Đó là việc phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong chi bộ phụ trách các hộ gia đình xuống tận nơi tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy ước, hương ước của thôn, bản và xây dựng nếp sống văn hóa bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hàng ngày.

Trước đây, việc ma chay ở địa phương thường có tục lệ người chết được treo lên hoặc đặt lên trên một tấm ván để ngày ngày người sống đến bón cơm và chỉ đưa vào áo quan trước khi đi chôn. Mỗi đám ma như vậy thường kéo dài từ 5-7 ngày và mổ từ 2-5 con trâu bò trở lên, vừa gây mất vệ sinh môi trường vừa làm tốn kém tiền của của nhân dân. 

Hiện nay, gia đình nào không may có người qua đời thì cấp ủy chi bộ cùng trưởng thôn và đảng viên trong chi bộ đến tận nhà giúp đỡ và động viên để đưa người chết vào quan tài trước 6 giờ đồng hồ và không để trong nhà quá 48 giờ, cũng không mổ nhiều trâu, bò như trước. Bằng cách làm này, năm 2010, Chi bộ thôn Tấu Giữa đã vận động thành công 2 hộ gia đình có người chết thực hiện mai táng theo nếp sống mới. Từ năm 2011 đến 2013, tất cả 100% hộ gia đình trong thôn đều thực hiện và làm theo. Tương tự như vậy với việc cưới, từ năm 2010 về trước, đám cưới người Mông không phân biệt giàu nghèo thường tổ chức ăn uống linh đình, ít nhất cũng 2 ngày, 1 đêm với số tiền thách cưới từ 15 - 20 triệu đồng và 3 - 4 tạ lợn thịt, nhiều cặp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống để gia đình có thêm người làm và không phải chia của cho dòng họ khác.

Sau khi được cấp ủy, mà trực tiếp là Bí thư chi bộ Mùa A Páo tuyên truyền, vận động bà con đã hiểu ra và cùng thực hiện tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới. Không thách cưới cao quá 10 triệu đồng, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống giảm rõ rệt, riêng năm 2011 và 2012, không có trường hợp nào tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tỷ lệ sinh con thứ ba cũng giảm theo, cả thôn không có trường hợp cán bộ, đảng viên nào vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt trên 95% trở lên.

Đặc biệt, người dân trong thôn còn tự nguyện đóng góp trên 1 tấn thóc vào quỹ khuyến học của xã, động viên con, cháu tới trường. Từ tết Nguyên đán năm 2011 đến nay, Chi bộ thôn Tấu Giữa đã tuyên truyền, vận động thành công 100% số hộ trong thôn cùng ăn chung một tết với các dân tộc khác. Khi được hỏi về bí quyết vận động, Mùa A Páo chỉ cười mà nói: "Xuất phát từ cái khổ của bản thân và gia đình nên tôi quyết tâm vận động bà con phải xóa nghèo bằng tư tưởng của chính những người ông, người chồng, người cha trong gia đình. Đặc biệt, mình phải nêu gương thực hiện trước thì nói người dân mới nghe theo".

Được biết, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới năm 2012, gia đình Páo đã gương mẫu hiến trên 3.000m2  đất tại 7 vị trí khác nhau để mở đường liên thôn, làm gương cho 40 hộ khác trong thôn hiến trên 6.200m2  đất và tham gia đóng góp hàng trăm ngày công mở mới 2,8 km đường giao thông và bê tông hóa 400m đường nội thôn. Nhờ đó, Chi bộ thôn Tấu Giữa nhiều năm liên tục đạt danh hiệu "Trong sạch vững mạnh", xóa sạch hộ đói và được công nhận thôn văn hóa năm 2013.

Trong thành tích chung của thôn Tấu Giữa và xã Trạm Tấu hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của Bí thư chi bộ thôn, Phó chủ tịch UBND xã Mùa A Páo. Ghi nhận thành tích đó của lãnh đạo xã "8X" này, năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho Mùa A Páo về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ huyện tặng giấy khen về thành tích 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và Páo được tham dự Hội nghị biểu dương đảng viên, đoàn viên trẻ tiêu biểu năm 2014 tại tỉnh.

Niềm vui đến với cán bộ trẻ Mùa A Páo trong năm 2014 là lãnh đạo huyện đã quyết định tạo điều kiện cho em đi học lớp cao cấp chính trị tại Hà Nội vào tháng 9 tới để tạo nguồn cán bộ trẻ cho huyện. Đây vừa là trách nhiệm, cũng là vinh dự lớn với Páo. Tôi tin, Mùa A Páo sẽ phát huy tốt vai trò và năng lực của mình, trở thành hạt nhân tích cực trong sự nghiệp xây dựng nông thôn miền núi.

Thanh Hương (Trạm Tấu, tháng 7/2014)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục