Giáo dục giới tính - đừng né tránh!

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/9/2014 | 2:52:01 PM

YBĐT - Các em gái làm mẹ khi còn là những đứa trẻ, những em bé được sinh ra ốm o, còi cọc, trong khi bố của chúng vướng vào vòng lao lý… là những kết cục đau lòng từ các vụ án “Giao cấu với trẻ em”. Có lẽ, chính tính chất và những hệ luỵ của loại án này mà từ cơ quan điều tra đến cơ quan truy tố và xét xử trên địa bàn huyện Văn Yên đều ái ngại mỗi khi phải đối mặt. Điều đáng nói là các vụ án loại này đang có chiều hướng gia tăng.

Công an huyện Văn Yên, xã Yên Phú gặp gỡ, tuyên truyền các bậc làm cha làm mẹ quan tâm, quản lý con cái nhất là trong lứa tuổi vị thành niên.
Công an huyện Văn Yên, xã Yên Phú gặp gỡ, tuyên truyền các bậc làm cha làm mẹ quan tâm, quản lý con cái nhất là trong lứa tuổi vị thành niên.

Ôm con đợi tuổi cưới chồng

Cùng cán bộ Công an huyện Văn Yên lặn lội vào Mỏ Vàng - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Câu chuyện về những em gái lấy chồng sớm khi chưa đủ tuổi kết hôn ở Mỏ Vàng không là chuyện lạ, bởi tình trạng tảo hôn, dựng vợ gả chồng sớm còn khá phổ biến trong các gia đình đồng bào dân tộc Dao, Mông nơi đây. Trong ngôi nhà tềnh toàng chẳng có tài sản đáng giá, cô bé Đặng Thị C. bế đứa con gái nhỏ bé trên tay với ánh mắt buồn rười rượi.

Sinh năm 1999, năm nay mới 15 tuổi vậy mà con gái C. - bé Đặng Thị Trúc M. đã 13 tháng tuổi. Câu chuyện của em thật đau lòng. Chẳng biết có phải vì nghĩ con gái mình tốt duyên, tốt số không mà bố mẹ C. mặc nhiên chấp nhận cậu trai là Hoàng Mạnh Dũng sinh năm 1988, người ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình - công nhân lái máy xúc đang thi công công trình tại thôn Thác Cá tự do yêu đương và ngủ lại nhà với con gái mình khi em mới 12 tuổi.

Và rồi chuyện gì đến đã đến. Đang ở học kỳ II của lớp 8 thì C. phát hiện mình có thai. Sinh con xong, C. tiếp tục đi học lớp 9 và tốt nghiệp THCS. Khi C. sinh em bé, sự việc vỡ lở vì cô bé vẫn còn là một đứa trẻ. Có đơn tố giác và cơ quan điều tra đã vào cuộc. Hoàng Mạnh Dũng thừa nhận mình là cha của đứa trẻ và bị truy tố về tội “Giao cấu với trẻ em”.

Năm 2012, vụ án đã được đưa ra xét xử, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Văn Yên tuyên phạt Dũng 3 năm 3 tháng tù giam. Kết quả phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh, Dũng nhận mức án 3 năm tù cho hưởng án treo. Hiện tại Dũng vẫn đang trong thời gian chấp hành án. Còn mẹ con C. mặc dù đã được gia đình Dũng chấp nhận song vẫn phải đợi ngày em đủ tuổi kết hôn mới được tổ chức cưới và đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói là tư tưởng dễ dãi trong yêu đương dẫn đến quan hệ tình dục của C. khi đang còn là một đứa trẻ. Giờ mẹ con C. ở nhà trông nhau, tháng tháng lại mong ngóng Dũng về thăm và chờ ngày đủ tuổi được chính thức làm vợ, làm dâu. Chỉ vì bồng bột, dễ dãi, thiếu kiến thức mà C. đã tự bó buộc cuộc đời mình khi còn là một đứa trẻ đã phải ôm trên tay một đứa trẻ khác gọi mình bằng mẹ!

Nhiều hơn C. 2 tuổi nhưng Bàn Thị Nh., thôn Khe Hóp, xã Mỏ Vàng cũng ở vào hoàn cảnh như C.. Trông Nh. già hơn cái tuổi 17. Cũng chỉ vì quan niệm yêu sớm, lấy chồng sớm khá phổ biến trong đồng bào Dao Mỏ Vàng mà Nh. đã làm mẹ ở tuổi 16. Đến tuổi tìm vợ, Triệu Văn Liều, thôn Khe Đâm cách nhà Nh. vài cây số đã để ý tìm hiểu Nh. Bố mẹ hai bên biết cả.

- Thế hai đứa quan hệ có sử dụng biện pháp tránh thai gì không? Tôi hỏi. 

- Không ạ.

- Thế em có biết quan hệ như thế mà không sử dụng biện pháp tránh thai thì rất dễ có con không?

- Em không biết...

Khi có thai đến tháng thứ 3 em mới lờ mờ bảo mẹ. Có thai, Nh. bỏ học, sinh con. Cũng như trường hợp của C., Nh. sinh con khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường nên đã có đơn tố giác và Công an huyện Văn Yên buộc phải vào cuộc điều tra. Kết quả, Triệu Văn Liều bị truy tố và xét xử trước pháp luật. Phiên sơ thẩm TAND huyện Văn Yên kết án Liều 3 năm 3 tháng tù giam; phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh Liều nhận mức án 3 năm tù cho hưởng án treo. Gặp Liều ở nhà Nh., Liều bảo: “Chúng em yêu nhau, xác định lấy nhau. Nhận thức hạn chế nên có biết là vi phạm pháp luật đâu. Bây giờ thì em thấy sợ lắm rồi”.

Không chỉ có Mỏ Vàng, trong thời gian hai ba năm trở lại đây ở các xã: Phong Dụ Thượng, Lang Thíp, An Bình, Yên Phú… cũng có những vụ án về tội “Giao cấu với trẻ em” được đưa ra xét xử. Song, dù cùng là tội “Giao cấu với trẻ em” nhưng tính chất mỗi vụ án lại khác nhau và có thể chia làm 2 dạng điển hình. Một là do tình trạng tảo hôn, dựng vợ gả chồng sớm đã ăn sâu trong đồng bào dân tộc thiểu số; các em thường xác định đi đến hôn nhân, được gia đình chấp nhận. Còn một dạng khác lại xảy ra khi bị hại là những em gái có tư tưởng khá dễ dãi trong quan hệ yêu đương, thậm chí mới quen biết cũng dễ dàng trao thân, đánh mất “cái ngàn vàng”.

Dễ dãi trao “cái ngàn vàng”

Những câu chuyện của C., Nh. có thể cắt nghĩa một phần do bản thân các em nhưng cũng có sự ngấm ngầm ủng hộ của chính những người làm cha, làm mẹ mong con mình sớm có nơi có chốn. Còn ở những địa bàn khác khi không có tình trạng tảo hôn, lấy vợ, lấy chồng sớm mà vẫn xảy ra những vụ án “Giao cấu với trẻ em” khi đơn tố cáo chính từ gia đình các em gái lại được cắt nghĩa, lý giải theo một hướng khác. Đó chính là sự dễ dãi, buông thả trong tư tưởng, trong lối sống của các em. Nhiều trường hợp khi sự việc vỡ lở, gia đình các em làm đơn tố giác với cơ quan điều tra nhưng chính con gái của họ lại là người chủ động, đồng ý cho bạn trai đi quá giới hạn bởi sự dễ dãi trong quan niệm về tình dục.

Trường hợp Đặng Thị M. sinh năm 1997, xã An Bình là một ví dụ. Mới 14 tuổi nhưng M. đã thả mình vào những cuộc phiêu lưu tình ái một cách chóng vánh. Ở xã Yên Phú những vụ án về tội “Giao cấu với trẻ em” gần đây trở nên khá ồn ào và nhiều điều tiếng bất bình. Điển hình là vụ án Nguyễn Ngọc Thìn sinh năm 1988 phạm tội “Giao cấu với trẻ em”. Bị hại của vụ án là Nguyễn Thị Kiều L. sinh năm 1997 khi đó mới 14 tuổi. Thật đau lòng khi L. đã nhận lời yêu với Nguyễn Ngọc Thìn một người đàn ông đã có vợ con và mới ly dị. Trong một lần đi chơi Noel, Thìn, L. và hai người bạn một nam một nữ khác đã uống rượu. Họ cùng về nhà Đức trong nhóm đi chơi và cả 4 ngủ chung trên 1 giường. Thìn và L. đã làm chuyện ấy.

 Quá trình điều tra còn xác định sau đó L. đã nhiều lần đến Thìn chơi và cũng đã nhiều lần họ thực hiện hành vi giao cấu. Sau khi có đơn tố giác của gia đình L., cơ quan điều tra đã vào cuộc. Với hành vi phạm tội của mình, Thìn đã bị truy tố trước pháp luật và TAND huyện Văn Yên tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam. Bố L. buồn rầu tâm sự: “Khi sự việc xảy ra chúng tôi mới thấy mình đã buông lỏng quản lý con cái, không quan tâm sát sao nên nó mới yêu đương như vậy”.

Hay có những trường hợp như Trần Thị Ph. sinh năm 1996, trú tại thôn Yên Thịnh, xã Yên Hợp. Mặc dù có đơn tố giác mình bị Phạm Văn Trình ở xã Xuân Ái cưỡng hiếp nhưng qua kết quả giám định pháp y về tình dục lại xác định, Ph. đã nhiều lần có quan hệ tình dục trước đó. Và có cả những trường hợp các em đi trọ học xa nhà và có quan hệ yêu đương sớm dẫn đến giao cấu với bạn trai khi tuổi còn trẻ như trường hợp em Lương Thị A. sinh năm 1998 ở xã Đông An. Khi gia đình phát hiện và làm đơn tố giác thì A. đã từng hai lần đến nhà người yêu ăn cơm và “trao tình” cho nhau.

Lại có em vô cùng dễ dãi tự “tới bến” ngay trong lần gặp đầu tiên khi quen nhau tại một đám cưới như trường hợp Bàn Văn Phúc sinh năm 1992 và Thiều Thị Th. sinh năm 1997 đều ở xã Quang Minh. Mặc dù chưa đủ 16 tuổi nhưng sau đó Phúc và Th. còn nhiều lần quan hệ với nhau dẫn đến Th. có thai.

Có thể nói, đó là những vụ án hết sức đau lòng cả với gia đình bị hại hay các bị can, bị cáo. Bởi những quan niệm dễ dãi về tình yêu, tình dục, cả sự buông lỏng quản lý của gia đình để rồi dẫn đến những kết cục đau lòng. Vậy phải làm gì để bảo vệ các em gái, bảo vệ chính các bị can trước hành động tội lỗi đáng lên án là cả một câu chuyện dài cần sự vào cuộc các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Đối mặt, không né tránh

Trong ba năm trở lại đây năm nào Công an huyện Văn Yên cũng khởi tố từ 5 - 6 vụ phạm tội “Giao cấu với trẻ em”. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã khởi tố 3 vụ/3 bị can. Điều đáng nói là các vụ án đều khởi tố khi có đơn tố giác từ cơ sở, gia đình người bị hại. Sự cắt nghĩa vì sao loại tội phạm này lại có chiều hướng gia tăng và đáng báo động như vậy trên địa bàn huyện được Trung tá Lê Đức Thọ - Phó Trưởng Công an huyện Văn Yên lý giải khá thuyết phục.

Theo Trung tá Lê Đức Thọ, bây giờ thể chất và tâm sinh lý của các em phát triển sớm. Sớm được tiếp xúc với phim ảnh, ấn phẩm văn hóa trong đó có những nội dung không lành mạnh. Trong khi đó, những kiến thức về giới, về quan hệ tình dục, những hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi lại hạn chế cộng với sự thiếu quan tâm, quản lý, giáo dục nghiêm khắc của gia đình khiến các em không có được những định hướng đúng đắn về tâm lý lứa tuổi. Bởi vậy, trước những tình cảm yêu đương khác giới đầu đời, các em dễ dàng bị cuốn vào và không thể lường trước được những hậu quả của nó.

Thực tế ở Mỏ Vàng, việc đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm “Giao cấu với trẻ em” có khi lại đơn giản hơn. Bởi theo Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng - Đặng Nho Hưng, kể từ khi có 2 trường hợp phạm tội “Giao cấu với trẻ em” bị đưa ra xét xử, tình hình đã có những dấu hiệu khả quan.

Năm 2013, trên địa bàn xã có 13 cặp trong độ tuổi 16 - 17 đã được gia đình tiến hành dạm ngõ nhưng khi được tuyên truyền, vận động các gia đình đều đã chấp hành để con mình đủ tuổi kết hôn mới làm đám cưới. Đặc biệt, họ cũng đã biết “sợ”, khi vị hôn thê của mình còn ở trong độ tuổi được pháp luật bảo vệ. Ở Yên Phú, khi những vụ án “Giao cấu với trẻ em” có chiều hướng tăng, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã lưu tâm đến công tác tuyên truyền. Mới đây nhất, trong đợt phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xã đã tổ chức phát động tập trung, lồng ghép tuyên truyền Luật Hôn nhân - Gia đình, Điều 115, Bộ luật Hình sự về tội “Giao cấu với trẻ em” cho 600 đoàn viên thanh niên trong xã…

Đã đến lúc không thể vì xấu hổ, ngượng ngùng để rồi ngại nói về tình dục, giới tính. Như đã từng đề cập, “vẽ đường cho huơu chạy đúng” việc phải tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức về tình yêu, tình dục về hôn nhân gia đình là hết sức cần thiết phải được sự quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt với đối tượng em gái, em trai trong độ tuổi học đường để các em có đủ kiến thức, đủ hiểu biết bảo vệ mình. Cần quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền chống nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số, sự sát sao, vào cuộc của chính các bậc làm cha làm mẹ, các nhà trường từ việc quan tâm nắm bắt việc thay đổi tâm sinh lý của các em đến giáo dục giới tính, trang bị kiến thức những hiểu biết về tình yêu, tình dục. Luôn luôn gần gũi, nhắc nhở, uốn nắn, hướng cho em đến sự phát triển trong sáng, lành mạnh, có hiểu biết thực sự. Cùng với đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh các vụ án sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa chung trong cộng đồng xã hội… Tất cả, để bảo vệ sự trong trắng của trẻ em gái, vì sức khỏe, vì tương lai của chính các em và sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Ngọc Tú

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục