Truyện cổ tích “Không dành cho em”!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/9/2014 | 10:02:00 AM

YBĐT - Mai An Tiêm bắn chết chú voi rừng đang múa hát; Thạch Sanh đánh trăn tinh bằng các âm thanh “á”, “phập”, “bốp”; Lang Liêu mơ thấy mình “Vào bếp với người nổi tiếng”. Có thể tin hay không, đó chính là nội dung những câu chuyện cổ tích Việt Nam đang đến với trẻ thơ được bày bán trên giá sách?

Những cuốn truyện tranh có tính bạo lực, tình yêu lôi cuốn nhiều thanh thiếu nhi.
Những cuốn truyện tranh có tính bạo lực, tình yêu lôi cuốn nhiều thanh thiếu nhi.

Đã có biết bao tâm hồn trẻ thơ Việt Nam lớn lên gắn liền với những câu truyện cổ tích như: Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau, Thánh Gióng… Những câu truyện cổ tích đậm chất Việt, bình dị nhưng chứa đựng những bài học bổ ích nhằm giáo dục hành vi, cách ứng xử của các em với gia đình, bạn bè. Nhưng thật đáng buồn, hiện nay, có rất nhiều truyện dành cho thiếu nhi xuất xứ từ nước ngoài hoặc loại “cổ tích trời Tây” như vừa kể trên được bày bán tràn lan với nội dung chưa lành mạnh, hình ảnh minh họa phản cảm, ảnh hưởng không tốt đến người đọc, đặc biệt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên…

Dạo quanh một số cửa hàng bán và cho thuê sách, truyện ở thành phố Yên Bái có thể dễ dàng bắt gặp những cuốn không phù hợp với lứa tuổi của thanh, thiếu nhi được bày bán và cho thuê công khai. Truyện đều có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc do các nhà xuất bản ở trong nước phát hành. Có cuốn được ghi dành cho lứa tuổi 15+, 16+ nhưng cũng có cuốn ghi dành cho thanh, thiếu nhi, thậm chí không hướng dẫn gì về lứa tuổi để người đọc phân biệt truyện dành cho đối tượng nào. Những cuốn truyện tranh này có điểm giống nhau là "rỗng" về nội dung, ngôn từ thiếu văn hóa, không mang tính giáo dục mà chứa đựng những yếu tố bạo lực, giết chóc, nhiều cảnh "nóng" khiến người lớn phải đỏ mặt khi xem.

Cửa hàng cho thuê truyện ở đường Bảo Lương, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, hầu như lúc nào cũng có khách hàng là các em học sinh tuổi từ 8 đến 17. Khoảng 11 giờ trưa, cửa hàng vẫn có khách vào thuê truyện.

Em Nguyễn Thị Hiền Trang - học sinh lớp 9, vừa tan học tranh thủ trên đường về ghé vào cửa hàng để đổi truyện. Trang đem theo một túi gần 10 cuốn truyện để đổi. Các cuốn truyện em thuê đều không dành cho độ tuổi của mình như: Mê cung tình yêu, Mối tình tuổi teen, Trường nữ sinh, Công chúa nhân ngư, Chuyện tình nữ sinh... với hình thức hấp dẫn, bắt mắt. Nhưng nội dung của nó mới là điều đáng bàn. Bìa cuốn "Mối tình tuổi teen" là đôi nam nữ được vẽ với hình ảnh lãng mạn, trong sáng nhưng tình yêu của họ trong nội dung truyện lại thật tầm thường, thậm chí không thể chấp nhận. Hay cuốn "Chuyện tình nữ sinh" ngay trang đầu tiên đã thấy hình ảnh nữ sinh với trang phục hở hang; càng đọc càng thấy nội dung và hình ảnh hết sức "nhạy cảm". Thật lạ là truyện như thế nhưng lại do Nhà xuất bản. Văn hóa - Thông tin phát hành. Trong cửa hàng cho thuê truyện còn có khách hàng là cậu bé khoảng 10 tuổi. Em chọn thuê những cuốn như: Túy quyền, Rồng ma trận, Hiệp khách giang hồ… không cần đọc nội dung mà chỉ cần nghe tựa đã thấy mang đậm tính bạo lực.

Khi được hỏi, đã đọc những quyển truyện tranh này từ bao giờ, cậu bé không ngần ngại cho biết: "Từ khi học lớp 3 em đã được bạn cho mượn truyện tranh để đọc. Trong đó, phần lớn là truyện tranh có nội dung đánh nhau. Sau đó, em tự tìm để đọc và đọc nhiều nhất là trong dịp nghỉ hè. Những cuốn truyện tranh kiếm hiệp của nước ngoài em rất thích vì nội dung truyện… hấp dẫn. Ngoài ra, hình vẽ đẹp mắt. Em rất mê hình vẽ trong truyện có lần thuê truyện về nhà có hình nào đẹp em cắt ra để sưu tầm".

Từ nội dung của những cuốn truyện thiếu lành mạnh và việc tiếp xúc thường xuyên với truyện có nội dung như vậy sẽ khiến các em rất dễ kích thích trí tò mò, vì ở lứa này, nhận thức của các em chủ yếu là do cảm tính. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, các loại truyện có nội dung xấu sẽ xâm nhập tâm hồn các em, làm các em dễ dàng học theo những thói hư, tật xấu. Bên cạnh đó, những cuốn truyện này không những không bồi dưỡng kiến thức cho các em một cách đúng đắn mà còn khiến người đọc ngộ nhận, nhân cách phát triển lệch lạc, thiếu định hướng và kém ý chí rèn luyện tu dưỡng. Thậm chí, các em còn bị ám ảnh, chìm đắm trong những câu chuyện có nội dung ma quái, hoang đường, từ đó, dẫn đến những hành vi sai lệch, vi phạm pháp luật, gây hậu quả đáng tiếc.


Những hình ảnh phản cảm trong cuốn truyện tranh có xuất xứ từ nước ngoài.

Chị Lê Thị Phượng ở phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) có cậu con trai học lớp 2, chia sẻ: "Cậu con lớn của tôi rất thích đọc truyện, nhất là truyện tranh. Mỗi lần đưa cháu đi mua truyện cháu đều muốn mua những cuốn như: Đôrêmon, Thám tử lừng danh Conan, Shin cậu bé bút chì… nhưng tôi thì không thích cho cháu đọc truyện đó vì chúng có xuất xứ từ nước ngoài, nội dung cũng không phù hợp với lứa tuổi của cháu. Ngoài ra, cháu nhà tôi bị cận, trong khi xem những hình ảnh minh họa trong những cuốn truyện tranh cháu thích tôi thấy hình ảnh vẽ nhỏ, không rõ ràng, những câu thoại của nhân vật trong truyện chữ in bé, mờ và sắp xếp lộn xộn không tốt cho mắt nên tôi không mua. Tôi hay mua cho con những cuốn truyện cổ tích Việt Nam do nhà xuất bản uy tín phát hành như: Kim Đồng, Nhà xuất bản Mỹ thuật… để cháu đọc vừa để cháu luyện đọc tốt hơn, vừa nuôi dưỡng tâm hồn cho cháu".

Chị Nguyễn Thị Huyền ở phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) có con trai đang học lớp 3, cho biết: "Cháu nhà tôi rất thích đọc truyện tranh. Vì vậy, mỗi khi cháu đạt điểm 10 tôi đều thưởng cho cháu bằng cách dẫn cháu đi mua. Vào cửa hàng chọn truyện, tôi thường để cho cháu được tự do chọn mua những cuốn truyện mà cháu thích, tôi chỉ trả tiền. Tôi thấy cháu hay chọn mua những cuốn truyện như: Ô long viện, Bẩy viên ngọc rồng, Vua quyền, Song hùng kỳ hiệp… Những khi mua truyện cho cháu tôi ít khi xem hay kiểm tra nội dung cuốn truyện mà cháu chọn bởi tôi tôn trọng quyền cá nhân và sở thích của cháu. Thời gian gần đây tôi thấy cháu luôn tự nhận mình là siêu nhân. Khi chơi cùng các bạn trong xóm cháu hay rủ các bạn chơi trò đóng giả làm các nhân vật trong truyện và nói những câu rất sợ như: "Dám cãi lời ta à, cho ngươi một nhát", rồi hoa chân múa tay. Tôi rất lo. Một lần tình cờ xem mấy cuốn truyện tranh của cháu tôi thấy nội dung và hình ảnh trong truyện đều là cảnh đấm đá… Mới hay, thì ra những cuốn truyện từ trước đến nay mua cho cháu đều có nội dung thiếu lành mạnh. Cháu đọc truyện và học theo lời thoại, hành động trong truyện. Sau lần đó khi đưa cháu đi mua tôi thường xem qua truyện nếu thấy nội dung phù hợp với lứa tuổi của cháu tôi mới mua".

Tôn trọng quyền cá nhân và sở thích của con là rất tốt nhưng nó phải được áp dụng đúng lúc, đúng thời điểm để phát huy đúng tác dụng. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy sáng suốt lựa chọn những cuốn truyện hay mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục cho các con. Hiện nay, những cuốn truyện tranh có xuất xứ nước ngoài có nội dung thiếu lành mạnh, không tốt cho sự phát triển của trẻ thì truyện cổ tích được coi là loại truyện dành cho tuổi thơ với những câu chuyện thần tiên, trong sáng cũng đã bị các nhà xuất bản chuyển thể sang truyện tranh và bị cắt gọt, thậm chí xuyên tạc cả về nội dung. Trong truyện có đầy rẫy những hình ảnh bạo lực từ chính những nhân vật cổ tích mà các em ngưỡng mộ như hình ảnh Mai An Tiêm bắn chết chú voi rừng đang múa hát, Thạch Sanh đánh trăn tinh được minh họa bởi những âm thanh mạnh như: "á", "phập", "bốp"... Truyện "Sự tích bánh chưng, bánh dày" có cảnh Lang Liêu mơ thấy mình lạc vào cuộc thi "Vào bếp với người nổi tiếng".

Truyện tranh cổ tích đang dần mất đi dấu ấn về văn hóa, lịch sử của dân tộc mà thay vào đó là những nhân vật lai tạo giống truyện tranh nước ngoài. Với những “sáng tạo” kiểu như trên, truyện cổ tích đã không còn là truyện cổ tích nữa. Và khi những cuốn truyện tranh cổ tích “không dành cho em” như trên tràn lan trên giá sách thì chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy không tốt cho thế hệ sau.

Hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho các em thanh, thiếu nhi nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên có những giải pháp tích cực để quản lý và ngăn chặn những cuốn sách thiếu tính giáo dục và vi phạm thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của trẻ, góp phần làm trong sạch thị trường truyện tranh - một trong những kênh giải trí chính của thanh thiếu niên hiện nay. Các nhà văn cần ưu tiên và sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa cho người đọc là lứa tuổi thiếu nhi. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, định hướng, uốn nắn cho con tới những hoạt động lành mạnh, bổ ích, trang bị cho con em những kỹ năng sống, giúp các em biết phân biệt để có thể tự đánh giá được tốt - xấu, đúng - sai, tránh để các em tự do tìm hiểu tiếp xúc với những cuốn truyện có hại, không phù hợp lứa tuổi của mình.

Thu Hiền

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục