Hướng đi nào cho du lịch cộng đồng?

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/9/2014 | 3:16:27 PM

YBĐT - Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đã được thị xã Nghĩa Lộ xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là hướng tới xây dựng thị xã du lịch văn hóa vào năm 2020. Thế nhưng, thực tế thì đâu sẽ là hướng đi cho sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng?

Khách du lịch thưởng thức ẩm thực ngay tại ngôi nhà sàn đón khách của chị Lường Thị Hồng Chung.
Khách du lịch thưởng thức ẩm thực ngay tại ngôi nhà sàn đón khách của chị Lường Thị Hồng Chung.

Nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò, lại nức tiếng bởi những hạt cơm trắng dẻo thơm, những mâm xôi ngũ sắc và cả những điệu xòe duyên dáng của các cô gái Thái, từ lâu Nghĩa Lộ đã trở thành điểm đến của du khách yêu thích.

Câu ca: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã khiến đoàn “phượt” chúng tôi đổ đèo, qua Tú Lệ về với Mường Lò. Mải mê chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang nên sẩm tối cả đoàn mới về đến Nghĩa Lộ. Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm về ngôi nhà sàn đẹp nhất bản Chao Hạ 1 (xã Nghĩa Lợi) của chị Lường Thị Hồng Chung. Chỉ sau ít phút, cả đoàn đã ngồi quây quần bên mâm cơm để thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. “Mười mấy năm làm phóng viên, đi nhiều nhưng hôm nay mới được ngồi uống rượu và xòe với các cô gái Thái. Thật sáng suốt khi dừng chân ở Nghĩa Lộ” - anh Nhữ Phong, một thành viên của đoàn thốt lên.

Trong điệu hát du dương “Xòe đi anh, xòe đi em...”, chị Chung giới thiệu nhanh: “Đây đều là các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Từ cá nướng, thịt sấy đến rêu đá, xôi ngũ sắc gia đình tự làm cả đấy. Còn các cô gái đang xòe kia là ở trong đội văn nghệ của xã, chuyên đi biểu diễn để giới thiệu các nét đẹp văn hóa cho du khách”. Theo chị Chung, đếm sơ sơ thì ở Nghĩa Lộ cũng có khoảng 20 hộ làm du lịch theo hướng phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ và hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu các nét văn hóa đặc sắc của Mường Lò.

 Đến đây, tôi chợt nhớ ra đã có lần được nghe một anh bạn người địa phương bật mí: “Thị xã vừa qui hoạch 2 làng bản văn hóa truyền thống là Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi và thôn Đêu 1, xã Nghĩa An để phát triển du lịch cộng đồng”. Vậy là, du lịch cộng đồng đã bắt đầu “gõ cửa” từng hộ dân và thị xã cũng đã xác định đây là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế, trong xây dựng thị xã văn hóa - du lịch. 

Với ý định tìm hiểu rõ hơn về hoạt động du lịch cộng đồng, ngay hôm sau, tôi tìm gặp chị Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa thị xã. Sau cái bắt tay, chị thông tin nhanh: Nghĩa Lộ có 17 dân tộc, trong đó người Thái chiếm 48,3%, nếu nơi đây đã hình thành nên những nét văn hóa rất đặc trưng từ các ngành nghề truyền thống đến các món ăn và lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc. Vì thế, thời gian qua, thị xã đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng như: xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí mở lớp dạy tiếng và chữ Thái cổ; khôi phục, bảo tồn lễ hội truyền thống; mở lớp dạy nấu các món ăn truyền thống; mở lớp truyền dạy các làn điệu dân ca dân vũ, nhạc cụ dân tộc; hỗ trợ hoạt động câu lạc bộ văn hóa dân gian và đội văn nghệ cơ sở.

Cụ thể, thị xã hỗ trợ cho hộ gia đình làm du lịch cộng đồng 10 - 15 triệu đồng/hộ; mở lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; tổ chức khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái, các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ truyền thống. Đến nay, thị xã đã có gần 20 hộ làm du lịch cộng đồng, 50 đội văn nghệ, trong đó có 10 đội văn nghệ nòng cốt, trên 30 câu lạc bộ thể thao; 15 cơ sở lưu trú và 20 nhà hàng ăn uống. Chính vì vậy, mảnh đất miền Tây đang ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, riêng năm 2013 đã đón trên 40 nghìn lượt khách du lịch đến thăm. Từ những số liệu trên có thể thấy việc phát triển du lịch cộng đồng là một bước đi đúng của thị xã, nhiều mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động du lịch ở nơi đây còn nhiều khó khăn, lúng túng, mang tính tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết giữa các vùng miền, chưa khai thác và bảo tồn hiệu quả các nét đẹp văn hóa truyền thống, hạn chế trong huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa. Do vậy, từ khóa “du lịch cộng đồng ở Mường Lò” mới chỉ xuất hiện rất khiêm tốn trên các trang web du lịch và cũng chưa được nhiều người biết đến.

 Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Khó khăn trước hết ở đây là manh mún và tự phát. Có nghĩa là hộ nào có tiền, có điều kiện thì hộ ấy làm chứ chưa phải là qui hoạch tập trung trong một vùng, một thôn bản. Do đó, đoàn khách đông phải chia ra nghỉ ở nhiều hộ mà lại cách xa nhau nên cũng hạn chế thu hút khách. Thứ hai là vấn đề vệ sinh môi trường, không riêng ở các hộ làm du lịch mà đường làng, ngõ xóm, nếp sống... cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ đến ấn tượng của khách. Thứ ba là mặc dù được các hộ đầu tư nhưng cơ sở vật chất phục vụ việc ngủ, nghỉ của khách nước ngoài chưa thực sự bảo đảm, ví dụ như phòng vệ sinh, hay phòng riêng cho các cặp đôi...”.

Đồng tình với quan điểm trên, theo ôg Hà Văn Luật, thôn Đêu II, xã Nghĩa An, bất đồng ngôn ngữ, không thông thạo tiếng Anh nên khi đón trả khách tất cả giao dịch đều phải qua phiên dịch cũng là một rào cản rất nhiều.

Cùng với đó, việc lên một số chương trình tiếp đón khách, tham quan để “níu chân” khách ở lâu hơn thì chưa bố trí được các hoạt động hấp dẫn... Từ những nhận định trên, có thể thấy, cái khó với thị xã nằm ở sự hiểu biết, kiến thức, kỹ năng của cả cán bộ và người dân về làm du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Hiện, thị xã vẫn chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch đủ mạnh để cạnh tranh với các điểm du lịch khác. Các tua, tuyến chưa được hình thành rõ nét, công tác quảng bá, giới thiệu về sản phẩm du lịch của địa phương chưa được đẩy mạnh, chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến với thị xã.

Thị xã Nghĩa Lộ đang triển khai thực hiện Đề án thị xã văn hóa - du lịch giai đoạn 2013-2020. Theo đó, một trong những giải pháp mà thị xã đã đề ra là bảo tồn, phát huy các bản sắc của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò nhằm khai thác các giá trị văn hóa làm du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng.

 

Đã có những hộ gia đình người Thái ở Mường Lò biết đầu tư cơ sở vật chất để làm du lịch cộng đồng.

Theo bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND thị xã, mục tiêu của Nghĩa Lộ đến năm 2020 sẽ có 40 cơ sở lưu trú, đón và phục vụ trên 60 nghìn lượt khách. Do vậy, để thúc đẩy và đưa du lịch phát triển bền vững, cần có một chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở tiếp thu những cái hay, cái tốt của các đơn vị bạn và tìm ra cho được một hướng đi của riêng mình. Với phương châm không đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, thị xã đã xác định 8 nhóm giải pháp để phát triển thị xã văn hóa - du lịch, trong đó công tác qui hoạch và tổ chức thực hiện theo qui hoạch được đặt lên hàng đầu.

Trước mắt, thị xã chủ trương quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ và người dân trực tiếp làm du lịch; có các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn, gắn xây dựng thị xã văn hóa với xây dựng nông thôn mới; tập trung hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; làm tốt công tác thu hút đầu tư, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu quê hương nghĩa lộ...

Có thể nói, với những giải pháp mang tính chiến lược và cụ thể đó, thị xã Nghĩa Lộ đã và đang dần tạo nên những diện mạo mới trong phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các hộ dân cũng cần tích cực phát huy nội lực, trao đổi kinh nghiệm, gắn kết giữa các hộ làm du lịch để giúp đỡ tương trợ nhau, trong đón và phục vụ du khách chủ động liên hệ với các công ty du lịch để đón nhiều đoàn khách, lấy chất lượng, uy tín đặt lên hàng đầu; chú trọng xây dựng hình ảnh con người văn hóa, giới thiệu được nhiều hơn đến du khách những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt, trong văn hóa, văn nghệ, trong ẩm thực...

Hùng Cường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục