Đưa văn hóa dân gian vào du lịch cộng đồng

Kỳ II: Cần một chiến lược phát triển

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2014 | 1:39:06 PM

YBĐT - Việc đưa VHDG trở thành sản phẩm của du lịch nên tập trung đi thẳng vào các nhu cầu căn bản của du khách như: ăn, ngủ, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng.

Biểu diễn khèn Mông là một trong những
Biểu diễn khèn Mông là một trong những "đặc sản" văn hóa thu hút du khách trong mỗi sự kiện văn hóa, lễ hội vùng đồng bào Mông.

Kỳ I: “Cầm vàng đừng để vàng rơi”

Du lịch được ví là ngành “công nghiệp không khói”. Ở tỉnh Yên Bái, một số điểm làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã phát huy hiệu quả tốt và trở thành cơ hội cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn vùng cao như điểm DLCĐ người Dao ở xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) hay một số gia đình người Thái, người Mường ở khu vực Mường Lò và Mù Cang Chải. Mỗi điểm bình quân một năm đón tới trên 5 trăm du khách với giá ngủ từ 70 đến 80 nghìn đồng/ngày và 150 nghìn đồng/suất ăn.

Tuy nhiên, tiềm năng này cần phải có quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển ở mức cao hơn đúng với những gì được xác định là tiềm năng và  thế mạnh. Việc quy hoạch trước tiên nên tập trung đầu tư bảo tồn, phát triển trục, tuyến cảnh quan thiên nhiên và không gian trọng điểm chứa đựng các giá trị văn hóa dân gian (VHDG) mang tính tộc người, như tuyến cư trú của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Cao Lan dọc theo Đông hồ Thác Bà từ huyện Yên Bình lên huyện Lục Yên; tuyến cư trú của đồng bào Tày, Dao, Thái, Mường, Mông, Khơ Mú dọc quốc lộ 32 từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải.

Những trục này nếu kết nối du lịch liên hoàn giữa các tộc người sẽ tạo nên sự đa dạng của sản phẩm du lịch; đồng thời, nếu được khai thác tốt sẽ tạo thành trục động lực kích thích hoạt động du lịch ở những vùng xung quanh.
Trong quy hoạch cũng nên chú trọng cả tuyến ngắn bởi nhiều người, nhất là lớp trẻ ở thành phố Yên Bái, các thị trấn, địa bàn giáp ranh các tỉnh   muốn tổ chức sinh nhật, họp lớp, tiếp bạn và tổ chức các hoạt động tập thể khác ở những nơi kết hợp được với các hoạt động giải trí như câu cá, thăm quan, tắm suối, cắm trại, ẩm thực dân tộc.

Những điểm đáp ứng được nhu cầu dã ngoại này có thể kể đến không gian văn hóa của đồng bào Tày xã Việt Hồng; vùng đồng bào Dao ở xã Y Can, Kiên Thành (huyện Trấn Yên) hay vùng đồng bào Dao, Cao Lan ở Tân Hương, Đại Đồng (huyện Yên Bình)... có bán kính tính từ thành phố Yên Bái 10 đến 30 cây số. Ở vùng miền Tây là các điểm vùng ven thị xã Nghĩa Lộ hay xã Suối Giàng, Sơn A, Tú Lệ (Văn Chấn).

Trong quy hoạch còn phải lưu ý đánh giá tiềm năng VHDG ở từng vùng, từng tộc người; quy hoạch trọng điểm khai thác và quy hoạch việc truyền dạy, phổ biến VHDG. Cùng đó là hướng dẫn nhân dân cách làm du lịch, đào tạo nguồn lực có chuyên môn khai thác, quảng bá du lịch, hướng dẫn du lịch và khả năng giao tiếp với khách nước ngoài, biết quản lý và giao dịch qua mạng Internet…

Việc đưa VHDG trở thành sản phẩm của du lịch nên tập trung đi thẳng vào các nhu cầu căn bản của du khách như: ăn, ngủ, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng. Về ăn uống, cơ bản khách du lịch trong, ngoài nước đều thích các món ăn của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, cần khắc phục những hạn chế như việc mâm cơm quá nhiều món và có món trùng lặp hương vị. Chẳng hạn, trong một mâm ở Mường Lò có tới hơn chục món nhưng vừa có thịt gà vừa có thịt vịt; cùng một loại rau nhưng món nộm, món xôi; cùng một món cá nhưng có cá nướng, cá moọc; cùng món thịt lợn nhưng lại có món chả nướng và băm nướng… gây khó khăn cho sự cảm nhận của du khách.

Lượng thức ăn trong mâm quá nhiều nên khách không ăn hết gây lãng phí. Khách thưởng thức các món ăn cần có thời gian nhưng ngồi chưa lâu đã sớm tổ chức giao lưu văn nghệ, chúc rượu khiến khách bị mất tập trung ăn uống, không kịp thưởng thức, tìm hiểu sự độc đáo của ẩm thực địa phương.

Vì thế, chủ nhà cần tư vấn giúp khách tiết kiệm tiền ăn uống để chuyển một phần tiền sang thưởng thức các sản phẩm du lịch khác như ngâm chân, xông hơi, tắm thuốc, mua sắm; đồng thời, nên hướng du khách đến thưởng thức các món ăn vừa bổ dưỡng và trị bệnh bằng chính các nguyên liệu chỉ có tại địa phương. Món ăn không nên chỉ trong phạm vi thực phẩm và cách thức chế biến của một dân tộc nào mà phải tập hợp được các món thế mạnh của các dân tộc bản địa.

Việc chăm lo nơi ngủ nghỉ cho khách cũng là một điều kiện đặc biệt cần chú ý. Cần tránh sự đáng tiếc như ở xã Suối Giàng hay một số xã trong vùng Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải vì không có nơi ăn nghỉ khiến du khách dù muốn kéo dài hành trình khám phá cảnh quan, tìm hiểu cuộc sống của người Mông trong các làng bản nhưng cứ đến trưa hoặc tối là phải “rút lui”. Chăm sóc giấc ngủ cũng có rất nhiều yếu tố VHDG mang lại sự hài lòng cho khách. Chẳng hạn, trước đây, bà con dân tộc đi thăm nhau ở xa chỉ có đi bộ nên trước khi nghỉ chủ nhà bao giờ cũng chuẩn bị cho khách chậu nước ấm pha gừng để khách ngâm chân cho đỡ nhức mỏi.

Có nơi, vào mùa lạnh, theo tục lệ của một số dân tộc, chủ nhà trải sẵn chăn đệm và nằm trước cho hơi ấm lan tỏa trong chăn. Chủ nhà ngủ cùng khách để kể sử thi hay những câu chuyện mà khách chưa từng nghe và giải đáp những vấn đề mà khách muốn tìm hiểu. Tuy vậy, cũng cần phải chú ý đến thói quen của khách như việc khách quen ngủ ở phòng kín nên khi ngủ ở nhà sàn cũng phải cố gắng tạo sự kín đáo. Không nên để khách ngủ quá đông trong một nhà sàn để đảm bảo sự yên tĩnh cho giấc ngủ. 

Các chuyên gia của tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp) đang nghiên cứu thực địa để tư vấn làm du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ.

Với nhu cầu thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng, cần giúp du khách đến được những nơi có di tích, cảnh quan đẹp. Quy hoạch, đầu tư hình thành các điểm làm nghề truyền thống và sẵn sàng giúp khách trải nghiệm các hoạt động sản xuất như: trồng rừng, đánh bắt cá trên hồ Thác Bà; ở miền Tây khách có thể tìm hiểu nghề nấu rượu thóc, nuôi ong mật, hái và xao sấy chè Shan Tuyết, rèn thủ công, chế tác nhạc cụ, trồng và bào chế cây thuốc, dệt vải, đan lát, nuôi trồng cây, con đặc sản. Cũng cần từng bước đầu tư bảo tồn dân tộc học ở những nơi thuần cư của mỗi dân tộc theo mô hình làng bản truyền thống...

Tạo liên kết tốt nhất cho du khách trong cùng một lộ trình được đến với địa bàn cư trú của nhiều dân tộc do đặc thù cư trú đan xen. Đây cũng chính là điều kiện để khách hòa mình nhiều hơn với thiên nhiên và hòa đồng với cuộc sống của người bản địa. Ở một số nơi làm DLCĐ như: Bản Lác, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), Bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), suối khoáng Bản Moòng của thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La)… đã rất thành công việc khai thác tiềm năng này.

Việc đưa các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, giới thiệu phong tục, tập quán, nghi lễ tâm linh với du khách cần đi sâu vào khai thác triệt để yếu tố VHDG của từng tộc người và cùng một lúc nên cho khách được thưởng thức VHDG của nhiều dân tộc để họ nhận diện được sự đa sắc màu văn hóa ở nơi đến. Không nên quá băn khoăn việc du khách không biết tiếng dân tộc sẽ không bị hấp dẫn bởi những loại hình VHDG này vì rất có thể trong số du khách được nghe lại có rất nhiều người chuyên nghiên cứu về VHDG. Hoặc suy từ mỗi chúng ta, tuy không biết tiếng nước ngoài nhưng chỉ cần nghe giai điệu, xem cách diễn xướng opera, dân ca Ấn Độ, kinh kịch của Trung Quốc, kịch nô của Nhật… ta vẫn nhận diện được đó là loại hình nghệ thuật đỉnh cao của con người. Thực tế đã cho thấy, ở khu du lịch xã Vũ Linh, khi khách nước ngoài cùng lúc được xem múa hát dân ca Tày, Nùng, Dao, Cao Lan họ đều rất thích.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục