Về vùng quế Viễn Sơn

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/11/2014 | 2:22:55 PM

YBĐT - Nhắc đến Văn Yên là người dân cả nước nghĩ ngay đến địa danh nổi tiếng của cây quế bởi chất lượng và hàm lượng tinh dầu quế ở đây được xếp vào hàng thứ hai cả nước, sau quế Trà My của Quảng Nam. Song nếu có dịp đến thăm vùng quế Văn Yên mà chưa đặt chân đến Viễn Sơn thì cũng sẽ được coi như là vẫn chưa từng đến bởi nơi đây mới chính là cội nguồn của đất quế...

Đồi quế 6 năm tuổi ở Viễn Sơn.
Đồi quế 6 năm tuổi ở Viễn Sơn.

Chừng mươi năm trước, tôi đã có dịp lên với Viễn Sơn để ngắm những rừng quế bạt ngàn xanh ngút của người Dao các thôn: Đồng Lụa, Khe Dứa, Khe Lợ, Khe Qué... và cảm nhận được từng lời, từng câu chữ trong bài hát “Trăng sáng trên rừng quế” mà cố đại tá, nhạc sỹ Trọng Loan đã sáng tác năm 1980 dành tặng cho đồng bào dân tộc Dao nơi này.

Khi ấy, cây quế trong xã chưa có nhiều như bây giờ nhưng thi thoảng cũng có những cây to đường kính tới 20 - 25cm, cao tít hút khiến chiếc máy ảnh Pen-tắc chụp phim của tôi chẳng thể nào mà "với" nổi. Khi ấy, cây quế Viễn Sơn chủ yếu vẫn còn mọc hỗn giao với nhiều loại cây lá rộng như de, kháo, nhội, mỡ, bồ đề, săng lẻ, bứa... được đồng bào Dao trồng thành vườn rồi thành rừng làm tài sản mỗi khi dựng vợ gả chồng cho con, cháu. Khi ấy, cuộc sống của người Dao các thôn, bản vùng cao Viễn Sơn vẫn còn khốn khó lắm, vẫn còn nhiều hộ đứt bữa, sinh con nhiều phải bán quế non để ăn và khi ấy, Viễn Sơn cũng đâu có nhiều hộ làm được nhà kiên cố, nhà xây cùng những vila, biệt thự lẫn trong rừng quế đẹp đến mê hồn như bây giờ...

Đúng là giờ đây, bộ mặt kinh tế - xã hội của Viễn Sơn đã khác xưa nhiều lắm. Đi trong miên man rừng quế, trong hương thơm nồng nàn ấm áp của vỏ quế khô phơi của các bản vùng sâu như: Tháp Con, Tháp Cái, Đồng Sụng, Khe Viễn, Đồng Bông, Đồng Lụa... mới thấy tự hào vì những đổi thay kỳ diệu của đất và người Viễn Sơn. Tới thăm đồi quế của người Dao ở thôn Tháp Con 2 - cách trung tâm xã gần 10km, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện đã về tận thôn vùng sâu có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống này. Đây là một trong những thôn trước đây có đời sống khó khăn nhất xã bởi trình độ dân trí thấp, đường giao thông cũng như cơ sở hạ tầng hầu như không có gì nên tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức trên 80%.

Hôm nay, luồng gió xây dựng nông thôn mới tràn vào tận nhà, tận ngõ của 52 hộ gia đình người Dao ở thôn Tháp Con 2 cùng sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đã giúp bà con mở rộng tuyến đường giao thông và đưa điện lưới quốc gia về đến tận thôn. Theo đó là việc cán bộ khuyến nông, phụ nữ mang theo kiến thức khoa học kỹ thuật và cây, con giống, tư liệu sản xuất được Nhà nước hỗ trợ xuống tận thôn, tận hộ để "ba cùng" với đồng bào, giúp đồng bào phát triển chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Theo đó, diện tích quế trong thôn cũng tăng từ 110ha năm 2010 lên trên 500ha năm 2014 nhờ được hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, gây trồng đúng khoa học kỹ thuật trên nương rẫy theo phương thức nông, lâm kết hợp nhằm lấy các loại cây màu ngắn ngày để nuôi cây quế dài ngày cho chất lượng cao.

Hiện nay, cả thôn đã có trên 60% số hộ xây được nhà bán kiên cố và kiên cố, số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm xuống dưới 70% theo tiêu chí mới; nhiều hộ đã mua sắm được các phương tiện đi lại và phục vụ sinh hoạt hiện đại, đắt tiền như: xe máy, ti vi, tủ lạnh, quạt điện, giường, tủ....

Là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, Viễn Sơn hiện có 734 hộ với 3.210 nhân khẩu gồm các dân tộc Dao, Kinh, Tày sinh sống ở 11 thôn, bản. Trong đó, dân tộc Tày chỉ có 2,4%, dân tộc Kinh có gần 22%, còn lại chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Ở vị trí đứng đầu về phong trào cũng như diện tích trồng quế của huyện, lãnh đạo xã luôn xác định, quế là cây kinh tế chủ lực, mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nhân dân. Nói đến hộ trồng nhiều quế nhất Viễn Sơn hiện nay phải kể đến gia đình anh Bàn Phúc Hoa ở thôn Đồng Lụa có 50ha, anh Lý Tiến Thắng ở thôn Khe Lợ có 40ha, trị giá hàng tỷ đồng.

Riêng gia đình anh Lý Tiến Thắng, khi các con lập gia đình, anh cũng đều chia cho mấy đồi quế và tất cả nay đã xây được nhà ở khang trang ngay trong những cánh rừng quế bạt ngàn xanh ngút mắt. Ngoài những hộ "giàu có sẵn nhờ trồng quế lâu năm" thì ở Viễn Sơn này, cũng từ cây quế, nhiều gia đình vốn là hộ nghèo mà nay nhờ trồng quế không chỉ thoát nghèo còn vươn lên có cuộc sống khá giả như gia đình anh Triệu Quý Tài, thôn Khe Dứa với 6ha quế, trong đó có gần 1.000 cây từ 20 năm tuổi trở lên, trị giá mỗi cây từ 2 - 4 triệu đồng. Được biết, năm 2013 vừa qua, gia đình anh khai thác gần 100 cây quế cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Anh Tài khẳng định: "Cuộc sống của người Dao gắn liền với cây quế. Quế chẳng những giúp gia đình tôi và các gia đình khác thoát nghèo mà quế còn là cuộc sống tinh thần không thể thiếu của mỗi người Dao Viễn Sơn".

Thật vậy, với người Dao Viễn Sơn nói riêng và người Dao Văn Yên nói chung, tất cả đời sống văn hóa tinh thần của họ đều gắn với cây quế. Trong những ngôi nhà dưới rừng quế, mỗi đứa trẻ người Dao sinh ra đều được ông bà, cha mẹ chia cho vài chục cây quế làm của hồi môn. Để rồi từ đó, chúng lớn lên cùng quế, sớm hôm cầm cuốc, cầm dao lên rừng trồng và mở rộng diện tích quế của gia đình. Sau đó, tiếp tục chăn nuôi, trồng rau màu và chờ đến mùa sinh trưởng mỗi năm hai lần của quế vào mùa chính là các tháng 2, 3, 4 và mùa sinh trưởng phụ vào các tháng 8, 9.

 

Người Dao các xã vùng sâu của huyện Văn Yên phơi quế vỏ.

Khi ấy, trước lúc xuất hiện các chồi lá non cũng là khi lượng nước và tinh dầu trong vỏ quế đều tăng lên, vỏ mầm dễ bóc khỏi thân thì các chàng trai, cô gái Dao lại lên rừng khai thác vỏ quế. Đây thực sự là lúc chứng tỏ sự chăm chỉ, khéo léo và hăng say lao động để những đôi bạn trẻ nên duyên chồng vợ sau mỗi vụ quế bội thu. Trước kia, cũng như các địa phương khác, người Dao Viễn Sơn chỉ thu hoạch quế vỏ thì nay cùng với sự xuất hiện của các nhà máy chế biến tinh dầu, tất cả các bộ phận của cây quế như: cành, lá, ngọn... đều có thể chưng cất tinh dầu đem bán và làm thuốc. Vỏ quế loại 1 đang được các cơ sở chế biến thu mua với giá từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, các sản phẩm phụ như quế chi, quế vụn cũng được bán với giá từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, lá quế bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu từ 2.500 - 3.000 đồng/kg.

Đặc biệt, thân quế sau khi bóc vỏ có đường kính từ 15cm trở lên có thể ngâm làm vật liệu dựng nhà hoặc bán cho cơ sở chế biến gỗ với giá từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/m3. Tuy đã gắn bó từ rất lâu đời với cuộc sống của đồng bào Dao nhưng để quế trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp người Dao Viễn Sơn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu như hôm nay là quá trình đổi mới tích cực của cả bộ máy hệ thống chính trị ở đây.

Đồng chí Triệu Tiến Bảo - Chủ tịch UBND xã tâm sự: "Chúng tôi hiện có trên 2.000ha quế. Mỗi năm, bà con thu hoạch bán được hơn 400 tấn quế khô, ước đạt 5 tỷ đồng; khai thác tận thu 4.500m3 thân cây quế và 2.000 tấn cành, lá quế nấu tinh dầu. Để bảo tồn giống quế và phục vụ khách du lịch, hiện nay, với diện tích 4ha quế có đường kính từ 30cm, cao từ 15m trở lên và 30 cây trội làm giống, trung bình mỗi năm, người dân trong xã có hơn 1 tấn hạt quế giống chất lượng tốt bán ra thị trường. Đây cũng là nguồn thu quan trọng, thúc đẩy kinh tế của xã phát triển hơn xưa".

Được biết, xã đã giao cho hai hộ gia đình ông Trần Văn Huỳnh và Nguyễn Văn Bình ở thôn Khe Dứa quản lý, trông coi và bảo vệ diện tích quế này. Hai ông cũng cho biết, vào mùa đông, mùa xuân song song với tết Nhảy của người Dao cũng là mùa trai gái gặp nhau để hát giao duyên, cúng Lễ cấp sắc và trước khi thu hoạch vụ thu đông là lễ cúng mừng cơm mới được xã tổ chức trong rừng quế này thu hút rất đông bà con người Dao các thôn, bản cũng như khách du lịch về dự.

Có thể nói, mô hình kết hợp du lịch sinh thái rừng quế gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Dao đã, đang và sẽ là nét văn hóa đặc sắc của Viễn Sơn thu hút du khách thập phương về với vùng đất quế Văn Yên để ngắm nhìn, để chiêm ngưỡng và để đi không biết mệt rồi say trong hương thơm của rừng mỗi khi quế vào mùa bóc vỏ. Cũng như đồng bào các dân tộc khác ở 26 xã, thị trấn trong huyện, hôm nay, đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao Viễn Sơn đã được bồi đắp thêm bởi Văn Yên đã có được "chỉ dẫn địa lý" cho sản phẩm quế. Cây quế, sản phẩm quế của người Dao Văn Yên một lần nữa lại được nâng tầm và quảng bá rộng rãi với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Chiếc dấu đỏ mà Cục Sở hữu Trí tuệ đóng vào cây quế Văn Yên sẽ là động lực giúp người Dao nơi cội nguồn đất quế Viễn Sơn có thêm động lực để lao động, phấn đấu và đoàn kết cùng các dân tộc trong huyện tạo dựng cho thương hiệu quế Văn Yên chỗ đứng vững chắc trên thương trường kinh doanh.

Thanh Hương - Viễn Sơn, tháng 10/2014 

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục