“Đằng Trà” trên đỉnh suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2014 | 2:44:26 PM

YBĐT - Chè cổ thụ Suối Giàng, còn gọi là chè Shan Tuyết. Shan là cách đọc chệch đi của “sơn” tức là núi. Chè Shan thì có ở nhiều nơi, chỉ riêng Yên Bái, các xã Púng Luông, Phình Hồ… cũng có chè Shan nhưng không phải là Shan Tuyết. Chè Shan Tuyết thì mặt dưới của những lá non phải có một lớp lông tơ mịn như nhung và trắng như tuyết, chè ngon hay không phụ thuộc vào lớp tuyết này.

Giàng A Đằng bên cây chè tổ.
Giàng A Đằng bên cây chè tổ.

Loại chè này chỉ ở Suối Giàng (Văn Chấn) mới có. Theo thống kê  mới nhất, diện tích chè Shan Tuyết hiện nay Suối Giàng còn gần 400ha, trong đó chè cổ thụ khoảng gần 300ha với trên 3.000 cây, còn lại là chè trồng mới. Lớp chè cổ thụ này ở Suối Giàng đã vài trăm năm tuổi. Có  người đã xếp cây chè cổ thụ ở Suối Giàng là 1 trong 6 cây chè thủy tổ của loài chè trên toàn thế giới.

Cây chè Suối Giàng mỗi năm chỉ cho thu hái được 3, 4 vụ. Vụ chè xuân vào tháng 2, tháng 3 âm lịch là vụ chè có chất lượng tuyệt hảo nhất. Vì chè “ngủ” dài trong giá buốt trên núi cao suốt mùa đông, ủ trong biển mây mù mỗi sớm, nay ngậm từng hạt sương sớm lúc xuân về mà bừng dậy. Những búp chè xuân này hội tụ tinh túy của đất, mây, gió, tuyết, sương mùa xuân rẻo cao nên có hương vị thật đặc biệt. Có người đã gọi loại chè này là chè 5 “cực” (cực khổ, cực sạch, cực hiếm, cực ngon, cực đắt), giá thành 1kg chè loại đặc biệt lên tới hơn 2 triệu đồng.

Người Mông Suối Giàng từ bao đời nay quý cây chè của mình lắm. Trong lễ cúng “ma nhà”, cùng với gà trống đen luôn có cành chè mới hái trên sườn núi và ấm chè do đích thân người chủ gia đình pha mời thần linh. Trong lời khấn cầu thần linh, ngoài cầu sức khỏe, may mắn là lời khấn cầu cho cây chè nhà mình luôn xanh tốt và cho nhiều búp non.

Chè Suối Giàng có ý nghĩa văn hóa tâm linh, ẩm thực và giá trị kinh tế lớn, tự nhiên đã có thương hiệu. Vậy mà, có một thời, người Mông Suối Giàng theo nhau bỏ chè, thậm chí họ còn đào bán cây chè cổ thụ cho khách chơi cây cảnh. Sở dĩ có chuyện đó là vì nhiều cơ sở chế biến chè Suối Giàng đã không bảo đảm chất lượng do chế biến không đúng quy trình, thậm chí có nơi trộn cả chè thường vào chè Shan tuyết đã làm mất thương hiệu của đặc sản này.

Muốn có chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn chất lượng thì chè hái về phải chọn kỹ lấy những búp chè không bị sâu, không quá già, sau đó mới sao trong chảo gang. Củi dùng sao chè phải thật khô, cháy đượm. Lửa sao  phải giữ liu riu thật đều. Người sao phải luôn hơ tay trần trên chảo để biết “cữ” nóng của lửa sao mà điều chỉnh cho phù hợp. Sao rồi phải vò chè bằng tay thật khéo, sao cho chè không bị vữa nát, không làm rơi mất lớp tuyết trắng bám ở búp. Những búp chè sao xong, săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng mới là chè đạt tiêu chuẩn.

Không thể để cho giống chè quý hiếm của tổ tiên bị rẻ rúng, mất giá trên thị trường, Giàng A Đằng - một người con của Suối Giàng, lại với cương vị là  Bí thư Đảng ủy xã, trăn trở bao đêm ngày để tìm hướng đi cho chè Shan tuyết Suối Giàng. Sau nhiều ngày suy nghĩ  bàn  bạc  với  vợ con và bà con con thôn bản, anh quyết định phải bằng mọi cách làm sống lại thứ chè đặc sản quê hương, lấy lại uy tín của giống chè tổ tiên, ông bà để lại trên thị trường trong và ngoài tỉnh, cũng là để cây chè Shan tuyết Suối Giàng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con dân bản. Muốn vậy phải bắt đầu từ khâu chế biến.

Với diện tích vườn chè của gia đình trên 4,5ha, trong đó có trên 500 cây chè cổ thụ, đủ nguyên liệu để mở cơ sở chế biến chè chất lượng cao, Giàng A Đằng cùng những người trong gia đình cho ra đời cơ sở sản xuất chè “Đằng Trà” -  Shan Tuyết cổ  thụ  Suối  Giàng. Nguyên liệu chủ yếu là chè búp của gia đình, có thu mua thêm chè của  bà con trong bản. Tôi hỏi: “Sao  anh lại chọn cái tên: Đằng Trà?”. Giàng A Đằng cười nói: “Đằng là tên của mình rồi. Còn “Trà” cũng có nghĩa là chè nhưng Trà cũng là tên của  vợ mình anh ạ”. Như vậy “Đằng Trà” vừa là chè nhà Đằng lại có ý nghĩa là hạnh  phúc gia đình mình nữa.

Rồi Giàng A Đằng dẫn tôi ra thăm vườn chè của gia đình anh. Khu vườn nằm ngay gần trụ sở UBND xã Suối Giàng, trong đó có 6 cây chè được liệt vào loại “huyền thoại”. Nhìn những cây chè có từ trên 300 năm tuổi, sừng sững, thân chè xù xì, trắng  mốc, rễ chè bám chắc vào  sườn núi cheo leo, tán chè rộng gần cả chục mét vuông xanh mướt mát, những làn mây trắng bảng lảng vờn quanh, hai cháu - con dâu  và con  gái anh Đằng đang trèo lên cây chè, tay thoăn thoắt hái những búp chè  non tơ, mập mạp, trắng tuyết, trông chẳng khác nào như thế giới của thần tiên.

Trở về nhà, anh Đằng dẫn tôi thăm quan dây chuyền chế biến của gia đình, từ lò sao, máy vò tới máy rút không khí khi đóng gói chè… tất cả đều đạt chuẩn để cho ra những sản phẩm  “Đằng Trà” bảo đảm chất lượng cao. Đi ở Suối Giàng giữa mùa chè, tôi cảm thấy không khí nơi đây có vị chè chan chát, quyến rũ lan tỏa nồng nàn đến mức chưa uống mà đã thấy có cảm giác vị trà nơi đầu lưỡi.

Các con anh Đằng đang đóng gói “Đằng Trà”.

Tham quan xong, Giàng A Đằng mời tôi ngồi uống “Đằng Trà” do tự tay anh pha ở chiếc bàn nhỏ đặt ngay ngoài hiên nhà, những làn sương trắng mỏng vẫn vờn quanh mới thấy thú vị làm sao. Anh tươi cười bảo: “Để pha trà Shan tuyết, phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì chén trà mới có hương vị đậm đà và mầu sắc mới tươi. Nước sôi già, tráng qua một lượt để cánh chè giãn ra, loại bỏ chút bụi còn vương lại, sau đó chế nước sôi đầy ấm đến mức bọt trào ra ngoài rồi mới đậy nắp chờ vài phút. Ấm pha trà chọn loại sứ nung già lửa thì nước chè sẽ có hương thơm đúng vị”.

Trong mây núi Suối Giàng, nhấp chén trà sóng sánh như mật ong, dư vị ngọt đượm, cảm giác thật lâng lâng khó tả, con người mình như tan chảy hòa vào mây núi đại ngàn. Tôi hỏi Giàng A Đằng:

- Nghe nói Suối Giàng  mình bây giờ đã khôi phục lại lễ cúng cây chè tổ phải không anh?

Giàng A  Đằng cười tươi trả lời:

- Đúng vậy anh ạ, lễ cúng cây chè tổ vào dịp sau tết, đúng vào lúc người Mông Suối Giàng tổ chức lễ hội Gầu Tào. Bố mình là Giàng A Lử luôn được bà con mời làm chủ lễ đấy. Tết này mời anh lên chơi hội rồi xem lễ cúng cây chè tổ.

Tôi nắm chặt tay anh Đằng mà bảo:

-  Nhất định rồi, đấy là một nét văn hóa đẹp đấy, cần phải giữ gìn để lưu tryền cho con cháu đời sau. Mà nhân đây tôi hỏi anh: Suối Giàng có nghĩa là “suối trời” phải không?

Giàng A Đằng rót thêm tuần trà thứ hai mời tôi rồi mới tủm tỉm:

- Nhiều người cứ nghĩ Suối Giàng là “suối trời”, có cả nhà báo cũng viết là “suối trời” nhưng không phải đâu. Người Mông mình không gọi trời là Giàng. Giàng ở đây chỉ là một họ của người Mông thôi. Con suối này chảy từ bản họ Giàng Cao, xuống bản Giàng Thấp nên gọi là Suối Giàng và cũng trở thành tên của xã luôn anh ạ.

Tôi nắm chặt tay Giàng A Đằng lần nữa. Nhìn người con ưu tú của Suối Giàng đã hết lòng gìn giữ giống chè quý của tổ tiên mà thấy gần gũi thân thiết lẫn cảm phục vô cùng. Đúng là: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền” như lời Bác đã dạy chúng ta.

Hiền Lương (Hội VHNT Yên Bái)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục