Những "thủ lĩnh" chi bộ năng động, sáng tạo

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/11/2014 | 1:50:07 PM

YBĐT - Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của bí thư chi bộ nói chung và bí thư chi bộ thôn, bản (BTCBTB) nói riêng trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở Đảng cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của những "thủ lĩnh" chi bộ cả về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Vũ Thị Lợi - Bí thư chi bộ thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) tranh thủ thời gian lao động sản xuất để tuyên truyền, vận động phụ nữ trong thôn về công tác phát triển đảng viên (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
Đồng chí Vũ Thị Lợi - Bí thư chi bộ thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) tranh thủ thời gian lao động sản xuất để tuyên truyền, vận động phụ nữ trong thôn về công tác phát triển đảng viên (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

Xây dựng, củng cố chi bộ bền vững

Trước hết phải nói tới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ tỉnh trong việc phấn đấu hoàn thành Đề án "Phát triển chi bộ thôn, bản giai đoạn 2006 - 2009" trước gần 2 năm cho kết quả xuất sắc, đạt 188,24% so với mục tiêu đề ra. Theo đó, đến ngày 20/6/2009, Yên Bái đã hoàn thành nhiệm vụ xóa thôn, bản "trắng" chi bộ.

Từ năm 2010 đến nay, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng tiếp tục được quan tâm bằng việc tập trung xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh mà trọng tâm là các chi bộ. Công tác chỉ đạo xây dựng, củng cố chi bộ thôn, bản bảo đảm tính bền vững được tăng cường với tổng số 1.643/1.658 chi bộ (đạt trên 99%) với tiêu chí có từ 5 đảng viên chính thức trở lên.

 Có thể nói, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16 - NQ/TU của Tỉnh ủy, Đảng bộ tỉnh đã từng bước xây dựng được đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, bí thư chi bộ (BTCB) gồm những đồng chí có uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực thực tiễn và kiến thức về công tác xây dựng Đảng. Đây thực sự là đội ngũ "thủ lĩnh" nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác mà Đảng và nhân dân giao phó với sự "đầu tầu, gương mẫu" trong mọi hoạt động ở địa phương để quần chúng tin tưởng và noi theo.

Tính đến ngày 30/6/2014, Đảng bộ tỉnh có 1.658 BTCBTB. Trong đó, BTCB kiêm trưởng thôn có 25 đồng chí, chiếm 1,5%; có 161 đồng chí là nữ, chiếm 9,7% và 1.033 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm 62,3%. Những thành tích nổi bật và sự đóng góp của đội ngũ này được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhiều BTCBTB đã thể hiện sự gương mẫu, vận động đảng viên và nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng, đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đi đầu trong phong trào vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới của các BTCBTB phải kể đến vai trò tiên phong của nữ Bí thư Chi bộ thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) - đồng chí Vũ Thị Lợi. Chi bộ thôn có 12 đảng viên với 90 hộ dân, khắc phục những khó khăn của bản thân và cơ sở, chị Lợi đã lãnh đạo, chỉ đạo các chi hội đoàn thể, nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và nghị quyết của Chi bộ, giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình, đưa Thiên Tuế từ một thôn nghèo đói trở thành thôn có thu nhập bình quân đầu người cao nhất xã đồng thời trở thành điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thượng Bằng La.

Chị Lợi tâm sự: "Năm 2009, tôi được Chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư. Tôi luôn xác định, bên cạnh công tác xây dựng Đảng thì công tác lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho dân phải là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của Chi bộ".

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16 - NQ/TU của Tỉnh ủy, Đảng bộ tỉnh đã từng bước xây dựng được đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, bí thư chi bộ gồm những đồng chí có uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực thực tiễn và kiến thức về công tác xây dựng Đảng. Đây thực sự là đội ngũ "thủ lĩnh" chi bộ nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác mà Đảng và nhân dân giao phó với sự "đầu tầu, gương mẫu" trong mọi hoạt động ở địa phương để quần chúng tin tưởng và noi theo.
Đến nay, sau 4 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng bào trong thôn Thiên Tuế đã trồng được 50ha cây ăn quả có giá trị, gần 480ha rừng kinh tế, 12ha màu, 3ha lúa, 7ha thủy sản, xóa bỏ hẳn số hộ có vườn tạp và các loại cây kém hiệu quả, góp phần nâng mức bình quân thu nhập đầu người lên 23,5 triệu đồng/năm. Có thu nhập cao và ổn định, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, nhân dân đã góp công, góp của xây dựng 6km đường cấp phối, mở mới 1km đường giao thông nông thôn trị giá 420 triệu đồng; hàng chục hộ tự nguyện hiến đất làm đường với tổng diện tích hơn 2.000m2 và đóng góp 150 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn để có nơi sinh hoạt.

Hôm nay, ở Thiên Tuế, 80% số hộ đã có nhà kiên cố, số hộ giàu tăng lên 57%, trong đó có 20 hộ thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, 40 hộ thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng/năm, 2 hộ có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm và gia đình Bí thư Chi bộ thôn cũng đạt mức thu nhập gần 600 triệu đồng/năm. Nhờ đó đã nâng tỷ lệ hộ khá  lên 40%, cả thôn chỉ còn 3% số hộ nghèo (theo chuẩn mới). Đến cuối năm 2013, Thiên Tuế đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và sẽ hoàn thành 7 tiêu chí còn lại vào năm 2015.

Chi bộ mạnh, "thủ lĩnh" gương mẫu

Tại nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, đội ngũ BTCB người dân tộc thiểu số đã và đang góp phần tích cực vào phong trào vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, chống tái trồng cây thuốc phiện nên chẳng những tỷ lệ che phủ rừng của nhiều địa phương tăng nhanh, tình trạng khai thác tài nguyên trái phép và nạn chặt phá rừng giảm hẳn mà đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được cải thiện một bước đáng kể.

Tiêu biểu trong lĩnh vực này là các "thủ lĩnh": Triệu Tài Báo, thôn Động Ĩnh, xã Tân Lĩnh (Lục Yên); Sùng Giống Pha, thôn Làng Ca và Giàng A Cu, thôn Pín Pé, xã Cát Thịnh (Văn Chấn); Hà Đình Cự, thôn Làng Ven, xã Ngọc Chấn (Yên Bình); Nguyễn Mạnh Tưởng, thôn Khe Nhàn, xã Hồng Ca (Trấn Yên); Thào A Sáu, bản Háng Á, xã Hồ Bốn và Sùng A Khua, bản Mú Cái Hồ, xã Nậm Có (Mù Cang Chải)...

Khi được hỏi về bí quyết thành công trong vận động đồng bào dân tộc Mông ăn chung một tết Nguyên đán theo chủ trương của tỉnh, nữ Bí thư Chi bộ bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) - Thào Thị Dở phấn khởi: "Nhờ tích cực vận động bà con trong họ, trong gia đình và tranh thủ uy tín của các già làng, trưởng bản nên năm 2013, tất cả 111 gia đình người Mông của bản đã cùng ăn chung một tết vừa vui hơn, đỡ tốn kém hơn, thêm đoàn kết dân tộc lại vừa dành được nhiều thời gian hơn cho sản xuất vụ đông, tập trung phòng chống đói rét tốt hơn cho đàn gia súc".

Còn Bí thư Chi bộ thôn Quyết Tâm 2, xã Hoàng Thắng (Văn Yên) - Vũ Trung Sẩu và Bí thư Chi bộ thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) - Mùa A Páo lại có cùng tâm sự: "Cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu muốn khá hơn thì trước hết, chi bộ phải mạnh. Muốn chi bộ mạnh thì bí thư chi bộ phải thực sự gương mẫu, phát huy trách nhiệm, vai trò của người "thủ lĩnh" cấp ủy ở cơ sở".

 

Đội ngũ bí thư chi bộ thôn bản rất cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Nhờ xác định đúng và trúng phương châm lãnh đạo của Đảng kết hợp với những kinh nghiệm học hỏi được từ việc tranh thủ uy tín của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ mà các BTCBTB từ vùng thấp tới vùng cao trong tỉnh đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giành được nhiều thành tích trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới cho vùng cao Yên Bái khởi sắc và phát triển.

Kết quả, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2013 toàn tỉnh đạt 20,14 triệu đồng, tăng trên 49% so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 3,5% - 4%; tỷ lệ che phủ rừng năm 2013 đạt 60%, tăng 0,35% so với năm 2011; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa tăng từ 65% năm 2012 lên 67% năm 2013.

Dự kiến, hết năm 2014, toàn tỉnh có 70 xã đạt trên 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trở lên, riêng 29 xã được xác định trong lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi xã sẽ đạt từ 3 - 5 tiêu chí. Niềm vui lớn trong những tháng thi đua cuối năm này, xã Tuy Lộc của thành phố Yên Bái đã về đích sớm hơn dự kiến 2 tháng với 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới hoàn thành nhờ vai trò tích cực tuyên truyền, vận động của đội ngũ BTCB.

Năng động, sáng tạo, hiệu quả trong việc tuyên truyền đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của các BTCBTB: Vũ Thị Lợi, Thào Thị Dở, Vũ Trung Sẩu, Mùa A Páo cùng 21 gương mặt đại diện cho gần 1.700 BTCBTB toàn tỉnh đi dự Hội nghị biểu dương BTCB tiêu biểu vùng Tây Bắc tại tỉnh Hòa Bình cuối tháng 9 vừa qua đã khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và BTCBTB ở mỗi địa phương.

Ghi nhận những đóng góp đó, tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã khẳng định: "Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình có hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, an ninh chính trị được giữ vững. Trong những thành tựu đó, có sự đóng góp rất quan trọng của các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là vai trò của BTCB".

Đây thực sự là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với những BTCBTB các địa phương cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện để nâng cao năng lực và trách nhiệm, xứng đáng là những "thủ lĩnh" cấp ủy cơ sở!                              

 Thanh Hương  

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục