Nuôi trâu “trên vai”

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/11/2014 | 2:49:35 PM

YBĐT - Trong khi hầu hết các địa phương trong tỉnh Yên Bái đều chững hoặc giảm tổng đàn trâu, bò thì ở huyện Trạm Tấu, đàn trâu, bò lại tăng nhanh. Huyện xác định, đây là một lợi thế kinh tế cần khai thác. Đâu là lý do khiến cho một địa phương vùng cao trước đây luôn thường trực mối lo đối diện với rét đậm, rét hại gây chết nhiều gia súc thì nay lại chọn hướng phát triển kinh tế từ nghề chăn nuôi này?

Mùa đông ở Trạm Tấu, trâu được ăn rơm, cây ngô, cỏ trồng nên vẫn béo khoẻ.
Mùa đông ở Trạm Tấu, trâu được ăn rơm, cây ngô, cỏ trồng nên vẫn béo khoẻ.

Nuôi trâu “trên vai”

Tiết trời Trạm Tấu lạnh sớm. Đàn trâu, bò gần chục con của gia đình đồng chí Thào A Tông - Bí thư Đảng ủy xã Pá Hu béo núng nính.

- Các con đi học, đi công tác hết mà nuôi từng này trâu, bò thì cũng vất vả đấy chứ, anh nhỉ? - tôi hỏi vậy.

Nhưng anh Tông bảo:

- Không vất vả đâu vì trước đây thả trâu, bò ra rừng phải chạy theo tìm nó lúc mưa rét thì mới khổ, còn bây giờ nuôi trâu “trên vai” đã đỡ vất vả nhiều nên một mình vợ tôi nuôi được hết mà!

- Nuôi trâu “trên vai”? - tôi ngạc nhiên.

Anh Tông cắt nghĩa:

- Đó là nuôi theo kiểu bán chăn thả rồi lấy rơm, lá ngô, cắt cỏ trồng, cỏ rừng, thái cây chuối trộn muối, cám đổ vào hộc cho trâu, bò ăn.

Cùng Bí thư Đảng ủy xã ra bãi cỏ trồng bên bờ Nậm Tung. Bờ suối dốc tồng tộc, chênh vênh như thế mà gia đình trồng được bãi cỏ voi khá rộng, xanh mướt. Anh Tông bảo: "Mình còn có nhiều chỗ trồng cỏ như thế này! Chiều nào đi làm về, mình cũng tranh thủ cắt bó cỏ to đèo về cùng vợ thái cho trâu, bò ăn. Mình phải làm như thế thì dân mới làm theo".

Chỉ tay về phía vạt rừng trồng những đám cỏ voi, cỏ Guatemala xanh tươi, anh nói tiếp: “Bà con ở đây, ai cũng nuôi từ một đến vài con trâu, bò trở lên nên không trồng cỏ thì mùa đông lạnh giá lấy đâu cỏ cho chúng ăn”.

Nhìn sang bên kia bờ Nậm Tung thuộc xã Trạm Tấu, cỏ voi, cỏ Guatemala cũng trồng xanh mướt ven đường, ven suối. Khi sang xã Trạm Tấu, chúng tôi gặp Hà Sông Thao - Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện cùng mấy anh em Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang xuống xã đôn đốc bà con phòng chống đói, rét cho trâu, bò.

Hà Sông Thao nói: “Lực lượng thì mỏng, địa bàn lại rộng nên không làm rốt ráo có thể gây nguy cơ cho đàn gia súc vì rét đậm đang về rồi, anh ạ!”. Ngô hè thu đã chắc hạt, các anh hướng dẫn bà con chặt ngay ngọn ngô về để ủ làm thức ăn dự trữ trong mùa đông cho trâu, bò. Thân ngô, cỏ voi, cỏ Guatemala, cỏ rừng nếu ủ men vi sinh sẽ bảo đảm giữ được chất lượng thức ăn từ 4 đến 5 tháng cho gia súc.

Chẳng riêng gì xã Pá Hu và Trạm Tấu, tất cả các xã khác trong huyện, bà con người Mông bây giờ cũng đều nuôi trâu "trên vai" cả. Nói như Thào A Sinh ở thôn Km14 rằng: “Bây giờ, ngoài rừng, ngoài ruộng, chỗ nào cũng toàn lúa, ngô, sắn. Nhà mình thì nuôi hai con trâu đực, nếu không mang cỏ về cho nó ăn, thả nó ra nó phá ngô, phá lúa của nhà khác thì không đủ tiền đền”.

Nhìn bạt ngàn lúa, ngô, khoai sắn như thế thì thả rông gia súc quả là khó thật! Mấy anh em cán bộ nông nghiệp huyện cho biết, mấy năm trước, cứ vào mùa đông là rất vất vả để tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị thức ăn, làm chuồng trại, chống rét, dịch bệnh cho trâu, bò. Nay thì đỡ nhiều vì bà con đã nhìn thấy hiệu quả lớn từ chăn nuôi nên ý thức tự giác chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc đã chuyển biến mạnh. Các anh quả quyết, nếu đi bất cứ nẻo đường nào trong các thôn bản ở Trạm Tấu sẽ đều thấy những khoảnh đất ven đường, ven suối từ 10 mét vuông trở lên là bà con cũng trồng cỏ. Tổng diện tích trồng cỏ toàn huyện ước tính khoảng trên dưới 200ha. Rơm vụ mùa sau thu hoạch cũng không còn bị bỏ phí ở ngoài đồng như trước.

Thí điểm mô hình mới

Sự chuyển biến đồng bộ từ công tác lãnh đạo đến sự thay đổi trong nhận thức, hành động của nhân dân đã mang lại kết quả thật đáng khích lệ. Vụ rét hại kéo dài 45 ngày năm 2008 - 2009 đã làm chết trên 1.300 con trâu, bò; vụ rét 2009 - 2010 chết trên 1.000 con, làm cho tổng đàn trâu, bò của huyện chỉ còn trên 3.000 con.

Nguyên nhân chính là do bà con vẫn quen tập quán thả rông gia súc và chưa biết cách phòng chống đói rét cho trâu, bò. Từ vụ rét năm 2011 - 2012 đến nay, tình trạng trâu, bò chết vì đói rét, bệnh dịch không còn nên đến hết tháng 10 năm 2014, tổng đàn trâu đã có tới 6.729 con, đàn bò 3.262 con, ngựa gần 600 con, dê 3.366 con và ước tính mỗi năm, đàn trâu tăng 1,5%, đàn bò tăng 2%.

Rơm và cỏ voi là nguồn thức ăn được bà con chủ động chuẩn bị đầy đủ cho trâu, bò trong mùa giá rét.

Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh cho biết, khi ở những nơi khác, việc chăn nuôi trâu, bò chững lại hoặc giảm đàn thì Trạm Tấu sẽ dành lợi thế thị trường chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp phát triển tạo nên nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào đã tác động mạnh đến nhu cầu phát triển chăn nuôi trâu, bò của người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện chủ trương phát triển nông - lâm nghiệp tập trung tiếp tục khai thác tốt một số lợi thế như: phát triển cây sơn tra, trồng ngô năng suất cao theo hướng canh tác bền vững để tạo thành vùng ngô hàng hóa rộng lớn.

Riêng với chăn nuôi đại gia súc, huyện tiếp tục chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và vận động nhân dân thực hiện tốt hình thức chăn nuôi nông hộ đồng thời quyết tâm thí điểm mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ. Huyện chủ trương thí điểm mô hình này vì ở Trạm Tấu, có nhiều nơi trên núi cao không có người ở, không phù hợp canh tác nông nghiệp nhưng ở đó lại có những đồng cỏ đủ để nuôi hàng trăm đầu gia súc. Nếu nuôi theo mô hình này sẽ vừa dễ kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, giảm nhân lực chăn thả vừa chia sẻ được nhân lực với những hộ neo người cũng có thể tham gia phát triển chăn nuôi.

Đồng thời, nuôi trâu, bò theo mô hình nhóm hộ cũng tiện lợi cho việc đầu tư khoa học kỹ thuật, tạo nguồn thức ăn cho gia súc, chia sẻ gánh nặng giữa các gia đình trong đầu tư tiền làm chuồng trại, đầu tư con giống… Anh em cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ có rất nhiều yếu tố khả thi vì bản chất vấn đề là sự chia sẻ về nhân lực và hợp tác đầu tư để mỗi gia đình vừa có thể tham gia chăn nuôi vừa có thời gian canh tác lương thực ở nhà. Mô hình này có thể liên kết rộng hay hẹp do người dân tự quyết định. Quan hệ họ hàng trong đời sống của đồng bào Mông rất gắn bó, thân thiện. Vì thế, liên kết các nhà trong dòng họ hoặc anh em, cha con trong một gia đình thành nhóm hộ chăn nuôi sẽ tạo nên yếu tố bền vững và phát triển.

Tháo gỡ nút thắt

Đi đôi với phát triển chăn nuôi, huyện cũng tập trung tư vấn cho bà con người Mông biết sử dụng hiệu quả giá trị kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như đầu tư mở rộng sản xuất. Huyện phải coi trọng vấn đề này vì như Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh cho biết, ở Trạm Tấu đã có những hộ biết bán trâu, bò lấy tiền để mua ô tô kinh doanh vận tải nhưng cũng vẫn còn rất nhiều người quen nếp nghĩ cũ, coi hình ảnh những đàn trâu, bò đông đúc sẽ mang lại cho chủ nhà niềm hãnh diện về sự giàu có. Bởi thế, có những hộ chăn nuôi trên núi Cột Cờ, Xà Hồ có tới bốn, năm chục con trâu, bò mà vẫn không bán bớt, cứ tiếp tục nuôi nên nhiều con không thể lớn hơn được, gây lãng phí công chăn thả, chăm sóc.

Nguồn rơm rạ sau thu hoạch vụ mùa được bà con người Mông tận dụng, bảo quản để bổ sung thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.

Ở xã Bản Mù, có nhà nuôi con trâu đực được khách từ Đồ Sơn (Hải Phòng) trả giá tới 80 triệu đồng nhưng chủ nhà không bán. Hoặc có người bán được con trâu 60 triệu đồng nhưng ông chủ dùng hết số tiền ấy đi mua ngay một chiếc xe máy, điện thoại “xịn” về diện. Trường hợp Thào A Sinh ở xã Trạm Tấu cũng thế, nhà có hai con trâu đực to trị giá tới 120 triệu đồng nhưng khi được hỏi vì sao không bán bớt trâu đực để nuôi trâu nái sinh sản, A Sinh trả lời rằng: “Không bán đâu, chỉ để xem thôi!”.

Nuôi được nhiều trâu, bò mà trong nhà vẫn thiếu tiện nghi, không biết quay vòng vốn để phát triển sản xuất thì quả là mối băn khoăn của Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu giống như một nút thắt cần tích cực tháo gỡ. Tháo gỡ được nút thắt này cùng với phát huy lợi thế nuôi trâu “trên vai” hay chăn nuôi theo mô hình nhóm hộ chắc chắn sẽ càng phát huy mạnh mẽ hiệu ứng làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Trạm Tấu và trực tiếp là nâng cao đời sống của đồng bào Mông ở huyện vùng cao này.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục