Lặng lẽ cho cuộc sống bình yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/12/2014 | 8:37:41 AM

YBĐT - Vào ngành công an có lẽ nhiều người mong muốn trở thành một cảnh sát giao thông, đi trên chiếc xe mô tô phân khối lớn, thổi một tiếng còi là cả đoàn xe dừng lại hoặc trở thành những chiến sỹ cảnh sát điều tra, hình sự tham gia vào những chuyên án lớn.

Cán chiến sỹ Đội Quản lý hành chính - Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Trạm Tấu gặp gỡ, thăm hỏi người dân.
Cán chiến sỹ Đội Quản lý hành chính - Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Trạm Tấu gặp gỡ, thăm hỏi người dân.

Nhưng, trong ngành công an có một lực lượng đông đảo nhưng công việc của họ khá âm thầm, lặng lẽ, phần lớn thời gian làm việc ở dưới xã, dưới thôn. Họ cùng ăn, cùng ở với dân để giữ vững an ninh trật tự (ANTT), bảo vệ sự bình yên trong cuộc sống - đó là những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) công an phụ trách xã.

Trò chuyện với Trung tá Nguyễn Tiến Quỳnh - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính - Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT Công an huyện Trấn Yên, tôi mới vỡ ra một điều rằng, công an phụ trách xã rất nhiều việc. Anh em lăn lộn ở cơ sở, bám địa bàn, nắm tình hình và xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Trung tá Quỳnh cho biết: "Từ một cảnh sát hình sự, sau nhiều năm công tác tại Công an tỉnh, tôi được tổ chức điều động về huyện Trấn Yên phụ trách Đội”. Sinh ra trong gia đình có truyền thống công an nhân dân (bố, mẹ và em trai Trung tá Quỳnh đều công tác trong ngành) nhưng tôi không thể hình dung hết được nỗi vất vả của CBCS khi làm việc dưới xã. Anh em vẫn thường bảo, công an phụ trách xã chính là trưởng công an huyện cỡ nhỏ.

Nắm chắc tình hình cơ sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo đảm ANTT; tổ chức xây dựng lực lượng và hướng dẫn nghiệp vụ cho ban công an xã và đặc biệt là phát động, duy trì phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Vai trò của công an phụ trách xã là không nhỏ nhưng nhiều người lại cho rằng anh em rất nhàn, xuống xã chủ yếu "chơi". “Mọi người đâu có biết, với chúng tôi, "chơi" cũng là làm việc, qua gặp gỡ trao đổi để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình nhằm giữ vững ANTT, không để vụ việc xảy ra, đó mới là điều quý nhất. Đôi khi, anh em xuống thôn, về bản chỉ để thăm hỏi động viên, gặp gỡ người già, trẻ nhỏ, có lúc là dự một đám cưới, viếng một đám tang, tham gia ứng cứu một vụ hỏa hoạn hay lũ lụt… xây dựng hình ảnh người công an nhân dân gần gũi và thân mật với đồng bào" - Trung tá Quỳnh mở lòng.

Tôi ngược vùng cao Trạm Tấu để được nghe những câu chuyện thân thương, đời thường nhưng cũng rất vẻ vang của CBCS công an phụ trách xã. Mới đầu đông nhưng tiết trời khá lạnh, sương mù trắng đục, quyện vào mái nhà, chui cả qua khe cửa như muốn làm cái lạnh thêm buốt giá. Bản Tống Ngoài, xã Túc Đán ở cheo leo trên sườn núi.

Sau khi "đánh vật" với con dốc Tam Khoanh, chúng tôi đến nhà A Páo ngay đầu bản, anh Nguyên Hữu Tốt, công an phụ trách xã làm một tràng tiếng Mông: "Puôk muôx lênhx tưl nhaoz tsêr os? Tôr tuôx chuôr ntôr nax!" (Ai ở nhà không? Tôi lên thăm đây!). Nghe thấy tiếng gọi, mấy người trong nhà A Páo ngó ra rồi họ cười nói, hỏi han nhau thân tình, cởi mở giống như người thân xa nhau lâu ngày mới gặp. Bên bếp lửa hồng, anh Tốt và cán bộ công an viên bản Tống Ngoài hỏi han tình hình thu hoạch ngô, việc phòng, chống rét cho đàn trâu, việc thu, nộp vũ khí, không săn, bắn thú rừng… Thật hay và thật lạ, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cứ như tâm tình vậy! Chúng tôi rất bất ngờ với khả năng cũng như kết quả làm việc của đồng chí Tốt.

Nói như vậy bởi anh là một cảnh sát khu vực thuộc Công an phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. Tháng 6 năm 2012, anh tình nguyện lên vùng cao Trạm Tấu theo Đề án Tăng cường cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Yên Bái cho hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Đã tình nguyện đi là sẵn sàng đối diện với khó khăn nhưng anh không thể hình dung Bản Công, Túc Đán khó khăn đến vậy, nào ngôn ngữ bất đồng, nào phong tục, tập quán, riêng đi bộ, leo núi... cũng đã là một nỗi vất vả khó gọi thành tên. "Khó khăn đấy nhưng phải khắc phục và phải hoàn thành vì đó là nhiệm vụ, cái may mắn của tôi là đã có mấy năm rèn luyện trong quân đội, đóng quân nơi tiền tiêu của Tổ quốc" - anh tâm sự. Được biết, hai năm lên Trạm Tấu công tác, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đây có lẽ là nguồn động viên, an ủi lớn cho vợ anh - một cán bộ ở thành phố sẵn sàng chờ chồng đi xa.

Câu chuyện của Trung tá Trịnh Văn An - Công an huyện Trạm Tấu đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Vào ngành từ tháng 8 năm 1978, từ đó đến nay, Trịnh Văn An liên tục công tác ở Đội Quản lý hành chính - Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT Công an huyện. Hơn 30 năm công tác, anh đã đến tất cả các thôn, bản ở tất cả các xã thuộc huyện Trạm Tấu, từ Tà Xi Láng, Phình Hồ, Bản Mù, đến Pá Hu, Pá Lau… đâu đâu cũng ghi dấu bước chân anh. Trung tá An có một thống kê vui: "Khoảng 10 năm đầu (1978 - 1988) mỗi khi từ nhà đến đơn vị, tôi đều phải cuốc bộ 30km từ thị xã Nghĩa Lộ lên vì không có phương tiện khác.

Giai đoạn 1998 - 2008, giao thông nông thôn khá phát triển, đường về xã đã khá nhưng về thôn thì chưa có hoặc rất khó đi, cứ đà này, tôi tin, mấy năm nữa đường về các thôn, bản đều hoàn thiện. Nhưng tiếc quá, khi ấy mình đã nghỉ hưu rồi!". Thế mới thấy, cuộc đời công tác của đồng chí An gắn liền với những chuyến đi.

 

Ban Công an xã Minh Quán (huyện Trấn Yên) triển khai phương án tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự dưới sự hướng dẫn của cán bộ Công an huyện.

Hơn 30 năm qua, đôi chân anh cứ bước một, bước một về các thôn, bản, quãng đường cộng lại chắc cũng đã đủ đi vòng quanh Trái đất! Làm việc dưới xã, dưới bản, gần gũi với đồng bào Mông, người con mảnh đất Thái Bình đã trở thành đứa con của người Mông Trạm Tấu một cách rất tự nhiên. Anh nghe, nói được tiếng Mông, hiểu rõ phong tục, tập quán, nghi lễ cưới hỏi, ma chay, dựng nhà mới, sinh con… của đồng bào và nhờ thế mà công việc của anh đã thuận lợi hơn rất nhiều, thành tích trong công tác đã dày thêm theo năm tháng dù nhiệm vụ có là triệt phá thuốc phiện, thu, nộp vũ khí, phòng, chống tà đạo…

CBCS công an phụ trách xã, nhất là các xã vùng cao còn đau đáu một nỗi lo, đó chính là khả năng công tác của ban công an các xã còn rất yếu. Họ là người địa phương, nắm rõ tình hình, nắm rõ địa bàn nhưng trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ năng làm việc còn nhiều hạn chế, đôi khi còn ảnh hưởng bởi anh em, dòng họ, đặc biệt chế độ chưa đáp ứng điều kiện công tác… "Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm trong việc hướng dẫn nghiệp vụ, tuyên truyền hướng dẫn… Mong Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đội ngũ công an xã, từ đào tạo đến chế độ thụ hưởng, có vậy, ban công an cấp xã mới lớn mạnh, đủ sức cùng với chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao" -  các cán bộ công an phụ trách xã luôn trăn trở như thế .

Không ít đồng chí công an đã vui vẻ kể về thành tích của mình đơn giản như: "Cả xã đã biết trồng rau ăn nhờ mấy luống rau và hốc su su mình đã trồng trước sân trụ sở xã"; "Xã mình phụ trách được công nhận “trắng” về ma túy"; "Mùa đông này tin tưởng sẽ không có chuyện trâu, bò chết đói, chết rét như mấy năm trước"… Thế mới thấy anh em CBCS công an ở xã đã trở thành một cán bộ khuyến nông, một tuyên truyền viên về văn hóa, y tế, giáo dục, bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn ANTT. Nỗ lực của họ không hề nhỏ, chiến công của các anh là rất lớn, hàng ngày các anh vẫn âm thầm, lặng lẽ về với đồng bào, xây dựng thế trận an ninh nhân dân để bản làng yên vui, nhà nhà đầm ấm.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục