“Hợp tác xã” dê trên đỉnh Mồ Dề

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/12/2014 | 2:33:32 PM

YBĐT - Người nông dân nuôi dê, đấy là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nông dân người Mông nuôi dê, có thể gọi là hơi chút lạ nhưng cũng là chuyện thường thôi. Thế nhưng mấy chục hộ nông dân người Mông mang dê “góp” lại cùng nuôi theo mô hình tập trung kiểu “hợp tác xã” thì có lẽ là hiếm, mới và rất mới ở Mù Cang Chải...

Mô hình nuôi dê theo kiểu “hợp tác xã” ở Mồ Dề với số lượng lên đến hàng trăm con đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi dê theo kiểu “hợp tác xã” ở Mồ Dề với số lượng lên đến hàng trăm con đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Câu chuyện mấy chục hộ gia đình người Mông ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải) “bắt tay” với nhau để cùng chăn nuôi, chăm sóc đàn dê sinh sản lên tới hàng trăm con trên những đỉnh núi cao vời vợi khiến tôi liên tưởng đến mô hình những “hợp tác xã” ở miền xuôi trước kia. Háo hức mãi rồi cũng được ghé thăm và kể từ lúc ấy, trong tôi cứ lâng lâng một cảm giác khó tả, hình ảnh của một cộng đồng đoàn kết hiện lên với đầy đủ những nét tiến bộ trong cách nghĩ, cách làm và cách nhân rộng mô hình kinh tế đầy hiệu quả khiến tôi khâm phục…

Nuôi dê núi ở Mồ Dề

Người nông dân nuôi dê, đấy là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nông dân người Mông nuôi dê, có thể gọi là hơi chút lạ nhưng cũng là chuyện thường thôi. Thế nhưng mấy chục hộ nông dân người Mông mang dê “góp” lại cùng nuôi theo mô hình tập trung kiểu “hợp tác xã” thì có lẽ là hiếm, nếu không muốn nói là mới, rất mới ở cái xứ sở vùng cao đầy nắng và gió này… Vậy nên, tôi mới quyết tâm “đòi” đi cho bằng được.

Con đường sình lầy ngược dốc lên bản Sáng Nhù (cách trung tâm huyện cả chục kilômét đường đất) đúng là “không nên đi vào ngày mưa” như lời Mùa A Sở nói. Là cán bộ địa chính, kiêm Phó ban Phát triển xã Mồ Dề thuộc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn II của huyện, Mùa A Sở chính là người kể cho tôi nghe về câu chuyện nuôi dê núi lý thú này. Anh còn tình nguyện dẫn đường lên bản trước sự “hăng hái quá mức” của tôi. Không đi được xe thì đành cuốc bộ. Thế là tôi và Sở gửi xe, bọc kín máy móc, đội hai cái áo mưa lên đầu rồi “bò” lên núi Mồ Dề.

Trên đường đi, Sở kể rất nhiều chuyện. Đầu tiên là “cái duyên” của Sở với Dự án giảm nghèo; kế đến là “cái duyên” với lũ dê ở đỉnh núi Sáng Nhù này. Sở bảo, kể từ khi tham gia các chương trình giảm nghèo của Dự án, học được nhiều hơn, biết nhiều hơn và càng biết thì càng thấy chưa đủ. Mỗi mô hình kinh tế, mỗi tiểu dự án, mỗi nhóm dân cư hưởng lợi đều mang lại cho Sở những bài học quý trong công việc cũng như trong cuộc sống. Rồi Sở cho tôi hay cái lí do mà ở Mồ Dề giờ đây nuôi dê sinh sản nhiều đến vậy. Vốn mua dê thuộc chương trình Dự án Giảm nghèo giai đoạn I hỗ trợ cho người dân Mồ Dề vào năm 2010. Hồi ấy là nuôi dê lấy thịt “chứ không phải nuôi dê sinh sản, nhân giống như bây giờ đâu”.

Mới đầu có khoảng chục hộ nuôi, mỗi hộ nuôi 1 – 2 con thôi. Rồi hết Dự án, dê nuôi chung lâu ngày, nhiều nhà dê sinh sản mạnh số lượng đàn dê cứ thế nhân lên từng ngày; nhiều người dân không bán đi mà để lại nuôi tiếp, thậm chí còn có nhu cầu mua thêm dê giống về nuôi để tăng số lượng đàn. Sau đấy thì Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân xã… cùng vào cuộc.

Thành viên của các tổ chức này đều được tham gia các chương trình vay vốn ưu đãi, đặc biệt là Hội Nông dân với sự trợ giúp đắc lực từ phía Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Qua các kênh này, người dân được tiếp cận với nguồn vốn và bắt đầu hình thành tư tưởng làm giàu trong cộng đồng dân cư. Nhà này làm, nhà kia học theo, tự nhiên trở thành phong trào. Và đến giờ, khi Dự án Giảm nghèo giai đoạn II tiếp tục hỗ trợ, Sáng Nhù đã có tới 30 hộ gia đình nuôi dê với tổng đàn dê xấp xỉ cả trăm con. Những hộ đã có kinh nghiệm, có tích lũy về vốn, mỗi năm cũng đem về cả chục triệu đồng từ nuôi dê.

Anh Mùa A Sở (đứng giữa) đang chia sẻ với các hộ dân ở Mồ Dề về cách chăn nuôi dê sinh sản đạt hiệu quả cao.

Đúng “chất” hợp tác xã

Bản Sáng Nhù có 130 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cứ như lời của anh Vàng A Rùa – Trưởng bản thì đến hôm nay, nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi dê sinh sản, kết hợp nuôi dê lấy thịt tại địa phương, tất cả các hộ gia đình đều có nhu cầu được hỗ trợ hoặc vay vốn để mua dê giống về nuôi. Thế nhưng chương trình dự án có hạn, giờ mới chỉ có 30 hộ, tức là nhu cầu của người dân còn lớn lắm, có tới trăm hộ “chưa có gì”. Anh Rùa cũng không quên bày tỏ mong muốn có thêm thật nhiều hộ gia đình trong bản của mình được tham gia dự án, được hỗ trợ vốn và được chuyển giao khoa học, kĩ thuật, công nghệ trong chăn nuôi dê sinh sản nói riêng, chăn nuôi các loại đại gia súc khác nói chung.

Về chuyện nuôi dê theo kiểu “hợp tác xã”, bắt nguồn từ việc được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản do Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức, nhận ra những đặc tính bầy đàn, giao phối rất đặc trưng của loài dê, cũng theo gợi ý của những người có kinh nghiệm, những hộ gia đình nuôi dê trong thôn đã bàn với nhau nên tập trung đàn dê về một nơi, vừa tiện chăn thả lại tiện cho việc dê giao phối, lấy giống. Thế là từ đầu năm 2014, toàn bộ 30 hộ dân trong bản đã họp, bàn bạc và đi tới thống nhất cùng nhau tổ chức mô hình chăn nuôi dê tập trung.

Cụ thể, 30 hộ được chia làm 3 nhóm theo khu vực địa lý gần nhau, mỗi nhóm 10 hộ và bầu ra 1 nhóm trưởng phụ trách. Hàng ngày, mỗi nhóm cử 1 đến 2 người đưa tổng đàn dê của nhóm đến khu vực tập trung - đây cũng là những người chịu trách nhiệm chăn thả, trông đàn dê trong ngày hôm đó, những người còn lại được nghỉ ngơi, dành thời gian làm việc khác.

Cuối chiều, nhóm nào nhóm nấy lại lùa dê về trả cho từng nhà. Cứ như vậy luân phiên, ngày này qua ngày khác, ai cũng được nghỉ và ai cũng được tận tay chăm sóc đàn dê của mình. Làm chung, thành quả chia nhau theo số đầu dê mình sở hữa, ai cũng được hưởng lợi…
Khi tôi đến thăm, cảnh tượng cả trăm chú dê chen nhau kiếm thức ăn dưới tán cây rừng thật thích mắt. Lại thấy mấy anh chị trông nom đàn dê, vuốt ve từng con trong đàn, chăm sóc chúng hệt như những đứa trẻ, quý chúng như một thứ tài sản cực kỳ đặc biệt, tôi chợt vui lây, cũng “xoắn vào”.

Hôm ấy là “phiên trực” của 6 người, qua lời giới thiệu của anh Vàng A Ninh – một trong ba trưởng nhóm, tôi rất ấn tượng với chị Giàng Thị Chú bởi hộ gia đình chị tham gia chăn nuôi dê từ những ngày đầu tiên, hiện đang có tới 8 con dê. Điều đặc biệt hơn, đàn dê nhà chị đã có thể tự gây giống. Chị Chú bảo: “Mình mang đàn dê, trong đó có con dê đực nhà mình đến đây nuôi tập trung để nó gây giống cho đám dê cái của nhà khác. Người cùng bản với nhau, giúp nhau ấy mà”.

Theo chị Chú, chăn nuôi dê sinh sản hay dê thịt cũng đều phải có kinh nghiệm để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời những bệnh dịch ở vật nuôi. Với kinh nghiệm lâu năm của mình, chị đã chia sẻ với những người mới nuôi dê, dạy họ cách phát hiện bệnh cũng như cách chăm sóc dê khi sinh sản…

Qua trò chuyện với Vàng A Váng – người mới được nhận hỗ trợ của Dự án Giảm nghèo giai đoạn II của huyện, cũng là lần đầu tiên bắt tay vào nuôi dê sinh sản, kết hợp nuôi dê lấy thịt, tôi nhận thấy rõ ràng sự phấn khích trong câu chuyện của chàng thanh niên này. Váng chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên em được hỗ trợ mua dê giống về nuôi, được tham gia cùng với bà con như thế này em thấy vui lắm. Trước cứ ao ước mãi, giờ niềm mong muốn đã thành sự thật, nhà em đã có cơ hội thoát nghèo. Mong sao cho đàn dê của nhà em và của tất cả mọi người trong bản nhanh lớn, nhanh đẻ con”… Niềm mơ ước của người nông dân trên vùng núi cao này đơn giản, tựu chung lại là có cơ hội thoát ra khỏi cái nghèo, cái khó đã đeo đẳng suốt bao đời.

Bừng sáng niềm tin

“Ít rồi nó sẽ nhiều. Giờ mình có 3 con, sau nó đẻ ra thêm, lại nuôi tiếp, rồi lại đẻ, lại nuôi… thế là có cả đàn” – triết lý của người Mông là vậy, nhưng mà đúng. Sự chất phác, thật thà thể hiện luôn qua câu chuyện đàn dê. Ở đó, niềm tin và hi vọng không hề nhỏ, phảng phất trong đó có cả tham vọng làm giàu. Tôi thấy vui lắm. Chẳng biết từ lúc nào tôi yêu cái sự gắn bó vùng cao này, yêu những con người chất phác, mộc mạc đến đơn giản. Trong họ, có lẽ cuộc sống chưa bao giờ phức tạp, có chăng thì chỉ thấy họ có đôi chút suy nghĩ nhiều hơn về chuyện “nuôi làm sao cho dê mau lớn, nhanh sinh sản, nhân thêm đàn”… Và tôi cũng tin lắm, như niềm tin của người Mông nơi đây, rằng với cách làm này, đàn dê sẽ ngày càng đông hơn, tiền bạc đến nhiều hơn, hiệu quả kinh tế hiện hữu trong một ngày không xa, để tỉ lệ hộ nghèo trong bản sẽ không còn là con số trên 60% nữa. Mô hình này cũng đáng để học tập lắm chứ!

Đường về, mưa đã dứt từ lâu! Con đường từ đỉnh núi Sáng Nhù xuống huyện không còn trơn tuột và khó khăn như lúc mới lên nữa. Ông mặt trời chín đỏ chiếu những tia nắng chiều vàng ruộm qua tán lá rừng làm bừng sáng cả đỉnh Mồ Dề và lớp cỏ non xanh mềm mượt trên đỉnh núi Sáng Nhù quanh năm mây phủ…

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục