Tái cơ cấu - điều kiện Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Bài 1: Những kết quả vượt bậc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/1/2015 | 3:02:51 PM

YBĐT - Đã hết rồi cái thời sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, con trâu đi trước cái cày theo sau. Giờ đây, sản xuất không chỉ lấy năng suất, sản lượng mà phải lấy giá trị kinh tế làm thước đo cho mỗi héc-ta canh tác, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả, phát triển toàn diện, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách vững chắc.

Mùa chè. (Ảnh: Đặng Phương Lan)
Mùa chè. (Ảnh: Đặng Phương Lan)

Thành quả đáng trân trọng

Không có lợi thế về đất đai nhưng bằng những định hướng cụ thể, cách làm phù hợp cùng với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nền sản xuất nông nghiệp Yên Bái đã có những bước phát triển vượt bậc. Đã một thời Yên Bái lao đao, khốn khó về bài toán lương thực. Mỗi năm toàn tỉnh thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực. Cái đói "tháng ba ngày tám" diễn ra khắp các vùng quê, mơ ước lớn nhất của người dân lúc đó chỉ là "cơm độn sắn" chứ đâu dám nghĩa hơn. Hàng ngày, từng đoàn xe nối đuôi nhau kìn kìn chở lúa, gạo từ xuôi lên bán cho người dân Yên Bái.

Không thể đói trên đồng đất quê mình và với mục tiêu từng bước bảo đảm an ninh lương thực tại các địa phương vùng thấp, chương trình "Cấp một hóa giống lúa" mang tầm thế kỷ đã được áp dụng trên các vùng trọng điểm lúa. Vùng cao thì tích cực khai hoang ruộng nước, xóa bỏ tập quán canh tác một vụ. Manh nha từ năm 1991 và đi vào sản xuất đại trà, năm 1994, toàn bộ diện tích lúa vùng thấp đã được cấp I hóa giống lúa.

Song song với đó, qua việc từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân đã biết đầu tư thâm canh... Năng suất lúa tăng lên trông thấy, từ 55-60 tạ/ha năm 1990 lên 70 rồi 80 tạ/ha năm 1994 - một con số chỉ cách đó vài năm còn là niềm khát khao của cả ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Không dừng lại ở đó, Yên Bái tiếp tục thực hiện chương trình lúa lai, lúa lai hai dòng kết hợp đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi Từ Hiếu, Noong Phai, Gốc Bục... bảo đảm nước tưới cho sản xuất.

Một lần nữa năng suất, chất lượng lúa gạo nâng lên một tầm cao mới, không phải là 80 nữa mà đã là 100, thậm chí có nhiều nơi đạt 115-120 tạ/ha. An ninh lương thực được bảo đảm, các xe lúa, xe gạo từ xuôi lên đã giảm dần. Kết thúc năm 2014, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 285.919,9 tấn - một con số khá ấn tượng.

Khi đã đủ ăn, Yên Bái đi vào sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa và thị trường với diện tích hàng ngàn héc-ta. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp đạt trên 5%. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản, giá trị và hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt, sản phẩm hàng hóa từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trên từng cánh đồng, trong mỗi chuồng trại, ở từng địa phương, sức bật của lĩnh vực nông nghiệp thực sự ngày càng thể hiện rõ, đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng thâm canh lúa 5.000ha, vùng sản xuất ngô 15.000ha, vùng sắn cao sản 8.000ha, vùng chè thâm canh trên 9.000ha, vùng quế đặc sản 27.000ha và vùng cây ăn quả trên 3.000ha, vùng cây nguyên liệu giấy 300.000ha, vùng tre măng trên 3.000ha...

Lĩnh vực chăn nuôi được khôi phục và phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng, tổng đàn gia súc chính đạt trên 622 ngàn con, tăng 5,6% so với năm 2013 (trâu tăng 1,93%, bò tăng 3,24%, lợn tăng 6,55%). Thêm sự tiếp sức của các chương trình, dự án trong phát triển nông nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho nông dân là kết quả khó ai có thể phủ nhận.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Thành công khi doanh nghiệp vào cuộc

Nói là vậy nhưng để có được những kết quả như hôm nay, Yên Bái cũng đã phải trải qua bao biến cố, thăng trầm khi “trải nghiệm” những chương trình, dự án nông nghiệp. Vẫn biết để đạt được những thành công đối với các chương trình, dự án lớn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thị trường là rất khó, bởi nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố (khí hậu, thời tiết, diễn biến thị trường, con người, cơ chế...). Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo sát sao, định hướng cụ thể và làm một cách căn cơ, bài bản, đến nay đã có những dự án thành công, đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn.

Tiêu biểu là Dự án tre măng Bát Độ, được thực hiện từ năm 2002 tại huyện Yên Bình và Trấn Yên. Lúc đầu, Dự án chưa được người dân mặn mà đón nhận. Song sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành và sự tự ý thức của người dân một vùng nguyên liệu tập trung đã dần hình thành. Tuy nhiên, do chưa có nhà máy chế biến, thị trường tiêu thụ không ổn định, người dân cũng hoang mang, lo lắng, hàng trăm héc-ta măng bị bỏ hoang, vào thời điểm năm 2003 chỉ còn lại hơn 60ha quy đông đặc. Duy nhất chỉ còn lại vùng măng Kiên Thành (huyện Trấn Yên) còn lại các địa phương khác người dân phá bỏ trồng các loại cây nguyên liệu giấy. Dự án chỉ thực sự hiệu quả và phát triển có chiều sâu vào năm 2005, khi cây tre măng bắt đầu cho thu hoạch, huyện Trấn Yên đã ký kết với Công ty Vạn Đạt  thu mua hết nguyên liệu cho dân với số lượng không hạn chế. Song song với Công ty Vạn Đạt, ở vùng Đông hồ (huyện Yên Bình) cũng có Công ty Yên Thành vừa trồng vừa ký kết hợp đồng với người dân. Thế là nhà nhà trồng măng, người người trồng măng, diện tích măng tăng lên theo mỗi năm và đến nay diện tích măng đã đạt gần 2.000ha.

Tính từ năm 2005 đến nay, Công ty Vạn Đạt đã thu mua sản phẩm măng với số lượng trên 100.000 tấn, giá trị hơn 100 tỷ đồng. Xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) đã có vùng măng rộng trên 1.200ha, chỉ tính riêng năm 2014 này đã thu hoạch trên 5.000 tấn, thu về gần 20 tỷ đồng. Từ Dự án măng tre Bát Độ, nhân dân trong vùng Dự án đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế, đã có nhiều gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Giá trị kinh tế mỗi héc-ta trồng măng cho thu 25-30 triệu đồng mỗi năm.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng chè thâm canh quy mô lớn. Ảnh: Thu hái chè ở Thịnh Hưng (Yên Bình).

Bên cạnh Dự án măng tre Bát Độ, chương trình, Dự án trồng cây ăn quả ở Văn Chấn cũng thành công ngoài mong đợi. Từ những cây cam, quýt cằn cỗi, quả ăn chua nhức răng thì nay đã trở thành vùng cam, quýt có thương hiệu với diện tích lên 650ha, sản lượng đạt 6 ngàn tấn mỗi năm, doanh thu đạt trên 120 tỷ đồng. Chương trình trồng và chế biến sắn cũng mang lại những thành công nhất định. Trồng sắn thì đã có từ xa xưa nhưng trồng làm hàng hóa gắn với chế biến thì được bắt đầu từ năm 2001 khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Phía bên Đông hồ, huyện Yên Bình cũng quy hoạch 20 xã với diện tích trên 3.000ha. Sắn được trồng khắp các địa phương trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã có trên 16.000ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn nhưng thực tế còn cao hơn.

Bên cạnh dự án tre măng, cây ăn quả, sắn còn có chương trình phát triển chè, ngô đồi ở vùng cao cũng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Vùng quế trên 30 ngàn héc-ta sản lượng khai thác hàng chục ngàn tấn quế vỏ và phần lớn được xuất khẩu sang các nước xứ lạnh. Thương hiệu quế Văn Yên đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước... Quan trọng hơn là người dân phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Những cái được trong sản xuất nông nghiệp những năm qua là không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế, rào cản cần tháo gỡ.

Thanh Phúc

(Bài 2: Những rào cản cần tháo gỡ).

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục