Người mẹ... không tự kỷ

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/3/2015 | 10:37:46 AM

YBĐT - Trang đời của người mẹ ấy tràn đầy hạnh phúc khi lên xe hoa. Niềm hạnh phúc nhân đôi khi con nhỏ cất tiếng khóc chào đời nhưng rồi chóng vánh tiêu tan khi chị biết con trai đã bị bệnh tự kỷ. Đáng khâm phục thay những người mẹ như chị Phùng Thị Kim Quỳnh ở tổ 10, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đã vượt qua những đau khổ, "tự kỷ" của mình mà vươn lên như những bức tường thành chở che, nâng đỡ cho những đứa con bất hạnh, góp cho đời thêm một niềm tin yêu vào cuộc sống...

Các bà mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để nuôi, dạy con tự kỷ  (ảnh minh họa).
Các bà mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để nuôi, dạy con tự kỷ (ảnh minh họa).

Chiều cuối đông, giữa cơn mưa phùn và cái lạnh se sắt khiến ta bất giác cô đơn và luôn cần một vòng tay để chở che. Quán Café Điệp bên đường Nguyễn Tất Thành giờ này khá vắng khách. Tôi hẹn gặp chị - người mẹ không tự kỷ mà hồi hộp bởi mọi trao đổi giữa tôi và chị chỉ qua điện thoại. Đồng hồ điểm 18 giờ và người phụ nữ 34 tuổi ấy cũng đến. Cảm nhận ban đầu là một phụ nữ chững chạc, rắn rỏi. "Công việc cuối năm khá bận nên chị đến trễ, em đợi lâu rồi phải không?" - chị Quỳnh hỏi. Tôi đáp: "Chị dành thời gian gặp em là tốt rồi! Cảm ơn chị!". Chị gọi một tách cà-phê đen thật đặc và không đường.

"Đặc, đắng là sở trường của chị" - chị nói rồi hướng cái nhìn lạc quan, đầy tự tin về phía tôi. Nhâm nhi cà-phê và nghe những câu chuyện về cuộc đời chị, trong tôi trào dâng những xúc cảm đặc biệt và cảm phục chị vô cùng. Trang đời của "người mẹ không tự kỷ" này đã có lúc thật viên mãn và tràn đầy hạnh phúc. Năm 25 tuổi, chị lên xe hoa về nhà chồng. Niềm hạnh phúc nhân đôi, khi con nhỏ cất tiếng khóc chào đời vào cuối năm đó. "Quãng thời gian vô cùng đẹp đẽ sẽ là kỷ niệm không bao giờ phai dấu với tôi. Cháu trai, hơn 3kg, hồng hào, đẹp đẽ và khỏe mạnh. Gia đình hai bên mừng vui, hạnh phúc…" - chị hồi tưởng.

Trong cuộc đời, mấy ai học được chữ "ngờ". Càng đẹp đẽ, hạnh phúc bao nhiêu thì càng kết thúc chóng vánh bấy nhiêu. Chốc lát đấy thôi mà, đen tối bao trùm, niềm vui tiêu tan, một bầu không khí nghẹt thở ập đến với chị nhanh như một cơn lũ quét, xóa tan mọi kỉ niệm ngọt ngào, hạnh phúc. Năm cháu Đinh Đăng Đạt - con trai chị tròn 11 tháng tuổi, cũng là năm chị dần nhận thấy có một sự không bình thường từ phía đứa con nhỏ đầy yêu thương của mình.

"Cháu không có một chút phản xạ với âm thanh dù tôi cố bật nhạc to, vỗ tay mạnh, hay gọi tên cháu… Thật vô ích! Tôi mới 26 tuổi, hoang mang, lo lắng, không biết cháu bị làm sao!". "Có bệnh thì vái tứ phương", chị Quỳnh đưa con xuống Hà Nội để kiểm tra về nhận thức nhưng cũng phải đến khi cháu 18 tháng tuổi thì chị chắc chắn một điều: "Con tôi là người không bình thường, cháu bị tự kỷ".

Hai từ "tự kỷ" khiến chị bàng hoàng, đau đớn, có nhiều lúc nghĩ "quẩn" nhưng rồi tình yêu thương của người mẹ với con đã dần giúp chị lấy lại tinh thần. Chị luôn thầm động viên mình: "Nhiều đêm thức trắng hay ngủ chập chờn trong nước mắt, mẹ già đi nhiều. Nhưng rồi mẹ cũng cố vươn lên vì mẹ hiểu rõ rằng, nếu mẹ không cố gắng, con sẽ thêm thiệt thòi". Năm Đạt 3 tuổi, chị đưa con xuống Hà Nội điều trị 2 tháng, rồi đưa cháu về Yên Bái tham gia học mẫu giáo có giáo viên kèm riêng với chi phí 100 nghìn đồng/buổi (rất tốn kém thời gian đó). Đạt vẫn hiền lành, ngây thơ và không hề chuyển biến. Chị một lần nữa đi Hà Nội cho cháu theo học đến 5 tuổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng lại một lần nữa, kết quả vẫn là "con số không tròn trĩnh".

Không cam chịu, chị đọc hàng trăm, hàng nghìn trang tài liệu về bệnh tự kỷ trên Google với hy vọng mong manh sẽ tìm được điều gì đó áp dụng cho con vì tự kỷ ở các nước phát triển dường như có sớm hơn đến vài chục năm và có rất nhiều tài liệu. Thậm chí, chị đọc rất nhiều tài liệu về y học - một lĩnh vực mà có lẽ nếu không có hai từ ấy, chị sẽ chẳng bao giờ ngó đến. Các trung tâm hướng dẫn các bà mẹ có con tự kỷ ở Hà Nội hay bất cứ đâu cũng đều có mặt chị.

Cô giáo ở một lớp trung tâm tại Hà Nội khi hướng dẫn mẹ và con bị tự kỷ cũng phải thốt lên: "Tôi chưa từng thấy một người mẹ nào yêu con như chị. Nếu chị cần tôi hỗ trợ gì thì bất cứ lúc nào, tôi luôn sẵn sàng!". Năm Đạt 7 tuổi, chị thử cho học lớp một để con có thể hòa nhập với các bạn. Thay vào đó, Đạt chơi một mình một kiểu không giống bất cứ đứa trẻ nào, luôn rập khuôn, có lúc phấn khích hoặc không bằng lòng là khóc và hét đến cả trường nghe thấy. Đạt không khóc trong một chốc mà có thể cả ngày liền, một lần nữa chị lại đưa con về.

"Những lần chị đi xin học và chẳng thành công, hóa ra, tự kỷ của con "đáng sợ" đến nhường vậy! Nhưng mẹ sẽ luôn cố gắng yêu thương con và chấp nhận con vô điều kiện. Là ép mình không la mắng con ngay cả những khi con nghịch ngợm quá đà mà điều này thì xảy ra thường xuyên lắm và hậu quả cũng rất... nặng nề" - chị nói như tự sự. Khi Đạt đòi ăn, cháu không gọi hoặc chỉ tay mà kéo chị đến đồ ăn mình thích rồi đưa ánh mắt về phía đó. Một lần khác, kẹo để trên bàn uống nước, Đạt đòi ăn, chị bảo cháu tự làm lấy, cháu không nói mà quỳ xuống, dùng mồm "gặm" kẹo. "Đau đớn lắm, em ơi! Lúc đó vừa giận nhưng lại thương con nhiều lắm, hay những đêm cháu cứ ngồi đó nhìn mình đến sáng, có khi lại khóc tròn đêm, khóc đinh tai, nhức óc mà không làm sao hiểu nguyên nhân… Nhiều lúc chị chỉ mong cháu luôn là đứa bé 2 tuổi để mình có thể ôm ấp, vỗ về. Cháu càng lớn, mình lại càng lo sợ…" - chị nói.

Những ngày đen tối trong cuộc đời chị dần lui đi. Trong những lần tham gia các lớp tập huấn tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái (mà nhiều người vẫn gọi với cái tên quen thuộc "Trường SOS") cũng như các tổ chức hướng dẫn về cách chữa trị bệnh tự kỷ, chị đã quen với một số bà mẹ có hoàn cảnh tương tự. Chị nhờ cô giáo năm xưa tư vấn và cô đã hướng chị thành lập câu lạc bộ dành cho các bà mẹ và con bị bệnh tự kỷ. Câu lạc bộ của chị được thành lập ban đầu có 3 rồi lên 5 bà mẹ ở Yên Bái và lấy nhà chị làm nơi chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Lớp học dành cho 5 cháu bị tự kỷ cũng thật vất vả, chị phải họp cùng các mẹ thuê hai cô giáo đứng lớp.

Toàn bộ giáo án đều do chị Quỳnh và các mẹ biên soạn qua các lớp nghiên cứu và quá trình nuôi dạy con tự kỷ xây dựng nên. Cách dạy cũng thật nghiêm túc và bài bản, cô giáo đứng lớp cũng phải là người tâm huyết, yêu nghề, hy sinh rất nhiều cho các trò. "Ban đầu, một số cô tham gia giảng dạy nhưng do quy tắc của giáo án cũng như việc uốn nắn các cháu khó hơn trẻ bình thường rất nhiều nên các cô bỏ giữa chừng. Đến bây giờ thì chúng tôi đã tìm được 2 cô thật sự tâm huyết và rất thương yêu các cháu. Có lẽ các cô thực sự hiểu và thông cảm với những bậc phụ huynh như chúng tôi" - chị Quỳnh chia sẻ.

Giáo án chia làm 2 phần cơ bản gồm phần dạy thô và dạy tinh. Phần thô thì đơn giản hơn, hướng các cháu vào các hoạt động thường ngày như ngồi khoanh chân, giơ tay, đứng lên, ngồi xuống… lặp đi, lặp lại nhiều lần đến khi nhuần nhuyễn. Phần dạy tinh thì khó hơn, đòi hỏi sự tập trung cao độ cũng như phát triển tư duy cho các cháu như: xâu vòng và tô màu… Giáo án được biên soạn phải tuân thủ làm mới hàng tuần theo sự thích nghi và có nhận thức của các cháu mà thay đổi cho phù hợp.

Cuối tuần, các mẹ cùng cô giáo kiểm tra con mình có chuyển biến tốt hơn không bằng cách các cô yêu cầu các cháu thực hiện các hoạt động thô và tinh, các mẹ phải đứng bên ngoài nén nhìn… "Phải như vậy thôi, chứ các cháu biết có mẹ thì không tập trung và cũng không nghe lời cô giáo. Đối với trẻ tự kỷ là như vậy…" - chị Quỳnh chia sẻ. "Vậy chị thấy các cháu có chuyển biến không?" - tôi hỏi. "Có chứ, tốt hơn nhiều, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến! Cháu đã có thể tự mặc được quần áo, tự xúc cơm ăn, tự rửa mặt, các cháu khác cũng có nhận thức tốt hơn. Cứ như này, mặc dù còn chậm nhưng dần dần, các cháu sẽ có thể thích ứng với cộng đồng" - chị Quỳnh phấn khởi. Gần một năm thành lập, câu lạc bộ của "những người mẹ không tự kỷ" đã và đang phát huy tốt và đã có nhiều phụ huynh có con tự kỷ tìm đến với chị Quỳnh xin cho con tham gia và học cách kinh nghiệm nuôi, dạy.

"Mình rất muốn giúp các mẹ nhưng bệnh tự kỷ rất đặc thù, không thể tập trung đông trẻ được mà chỉ theo nhóm nhỏ thôi, có như vậy chất lượng nuôi dạy mới bảo đảm. Mình luôn hy vọng, Yên Bái sẽ mở một trung tâm tư vấn, hướng dẫn và nơi trao đổi kinh nghiệm cho các bà mẹ có con tự kỷ đồng thời cũng có một trung tâm dành riêng cho các cháu tự kỷ…" - chị Quỳnh mong muốn. Một môi trường để các cháu không may mắn mắc phải chứng bệnh tự kỷ được học tập và hòa nhập cộng đồng là điều mong mỏi của hầu hết các bà mẹ đang phải chịu sự thử thách này.

Ngoài trời mưa đã tạnh, đèn đường đã bật và chiếu sáng khắp phố phường, Café Điệp khách ra vào cũng đông đúc hơn, xóa tan giá lạnh của những ngày cuối đông. Vẫn ánh mắt đầy tự tin, yêu đời và luôn hướng về một ngày mai tươi sáng của chị Quỳnh, trong tôi cũng thấy vui lây và thầm chúc chị một năm mới tràn đầy sức khỏe, nghị lực vươn lên và không đầu hàng số phận. Chị sẽ là một trong những người mẹ "không tự kỷ" đầu tiên của Yên Bái sẵn sàng đối diện và vượt qua.

Trước khi chia tay, chị vẫn khẳng định một điều - một điều mà biết bao bà mẹ có con tự kỷ khác phải khâm phục và học tập. Và giờ đây, sau rất nhiều năm tháng sống cùng con với hai chữ "tự kỷ", đã và vẫn đang tìm hiểu, tự suy ngẫm khá nhiều, nếu ai hỏi chị tự kỷ là gì, chị khẳng định với con chị rằng: "Bất kể tự kỷ là gì thì nó vẫn là một phần trong con và cũng là một phần của cuộc đời mẹ. Mẹ không phải là người hay than thân trách phận nhưng có một điều mẹ muốn con luôn luôn ghi nhớ rằng, tự kỷ - nó càng đáng ghét bao nhiêu thì mẹ lại yêu con thêm vạn, vạn lần".

 Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục