Ở nơi dân theo Đảng làm giàu

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/3/2015 | 4:00:20 PM

YBĐT - Là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, song nhờ có một Đảng bộ mạnh với những cán bộ, đảng viên đều tay, hay việc, sẵn sàng đến tận hộ gia đình để tìm hiểu, lắng nghe rồi hướng dẫn, trao đổi và bày cách làm ăn cho dân nên nhiều năm qua Đảng bộ xã Bạch Hà chẳng những liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh mà còn là một trong những địa bàn xã vùng sâu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào phong trào xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở địa phương.

Mô hình nuôi gà trong vườn bưởi của gia đình chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho thu nhập kinh tế cao.
Mô hình nuôi gà trong vườn bưởi của gia đình chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho thu nhập kinh tế cao.

 Đảng viên đi trước

Vốn nổi tiếng với sản phẩm gạo trắng nước trong nhưng diện tích ruộng nước của Bạch Hà không nhiều (gần 280ha cả năm) tập trung ở một vài thôn sát chân Núi Là quanh năm mây phủ. Không những thế, năm 2008 lũ lụt kéo về làm vùi lấp của xã hơn 20ha lúa từ thôn vùng sâu Ngọn Ngòi trở ra. Mặc dù Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ cho 1ha lúa bị vùi lấp ấy 5 triệu đồng giúp nhân dân khắc phục sản xuất nhưng thực sự là khó khăn với người Dao nơi vùng sâu này.

Trước tình hình đó, Đảng bộ xã Bạch Hà đã họp và chỉ đạo phải tập trung sức mạnh tập thể của Ban Chấp hành tìm hướng phát triển kinh tế ở cả 8/8 thôn, bản bằng chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong. Đầu tiên phải kể đến sự gương mẫu của gia đình Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Lập. Lo cho dân thì lo thật nhưng nếu dân nghèo thì không thể làm bất kể việc gì cho dù đó là góp công làm đường chứ chưa nói đến chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Dân ở đâu cũng vậy thôi, họ không thể làm theo nếu cán bộ chỉ phát động phong trào chung chung, đồng bào dân tộc ở Bạch Hà cũng không ngoại lệ.

Chủ tịch Lập chia sẻ tâm sự khi cùng vợ là chị Đỗ Thị Lý dẫn tôi đi thăm mô hình nuôi gà trong vườn bưởi rộng mênh mông. Cũng giống như các gia đình khác ở trong thôn Hồ Sen, vườn bưởi sai trĩu quả này trước đây là khu vườn tạp với những loại cây ít có giá trị kinh tế. Sau khi có nghị quyết của Đảng bộ, anh chị đã thực hiện chuyển đổi trồng giống bưởi Diễn nhanh cho thu hoạch và nuôi gà thả vườn. Năm đầu cây bưởi nhỏ gia đình nuôi hai trăm gà mái, sau đó tự cho ấp và nhân đàn với quy mô rộng hơn lên tới gần 1.500 con, chưa kể hàng ngàn gà con đang được chị Lý chăm sóc riêng. Nhìn nét mặt hân hoan và đầy quyết đoán của người phụ nữ đảm đang khi đứng ngắm thành quả do bàn tay lao động của mình làm ra, tôi tin vào sức bật của những hội viên phụ nữ nơi vùng sâu này.

Chị Lý cho biết: "Không riêng gì nhà cán bộ, đảng viên đâu mà trong xã hiện có rất nhiều hộ gia đình quần chúng kinh tế mạnh nhờ chuyển dịch cây trồng, vật nuôi bởi các cấp, các ngành, đoàn thể đều cùng vào cuộc".

Thành quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của những cán bộ, đảng viên ở xã Bạch Hà thật đáng trân trọng. Đó là sự đổi mới về nội dung và hình thức trong công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chấp hành Đảng ủy xã. Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy xã đã ban hành 50 nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác kinh tế, quân sự, an ninh, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Theo đó, bộ máy tổ chức của HĐND, UBND, các đoàn thể xã thường xuyên được củng cố cả về tổ chức và cán bộ. Lãnh đạo Ban Thường vụ Đảng ủy xã phụ trách cụm, Ban Chấp hành phụ trách thôn, đảng viên phụ trách hộ gia đình và lấy kết quả phấn đấu của các cụm, thôn, bản, hộ gia đình để đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm. Phương thức lãnh đạo ấy của Đảng bộ xã Bạch Hà đã tạo ra một khí thế thi đua cạnh tranh lành mạnh và tích cực giữa các thôn, bản và cán bộ đảng viên trong xã với nhau.

Quả thật, có nghị quyết, có chủ trương, lại được sự đồng lòng nhất trí của toàn thể Ban Chấp hành Đảng bộ nên gần 2.000ha diện tích còn lại của xã được nhân dân tập trung vào trồng rau màu và cây lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, Bạch Hà trồng mới từ 50-70ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng trong xã lên trên 600ha. Một thế mạnh nội lực được người dân Bạch Hà phát huy đó là trồng và chế biến sắn tại chỗ bằng những xưởng chế biến mi ni tại các thôn nên năng suất của 260ha đất trồng sắn liên tục đạt 20 tấn/ha đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân năm 2014 vừa qua của xã lên 20 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ khá giàu tăng từ 25 - 30%, hộ nghèo giảm xuống dưới 15%.  

Làng nước theo sau

Cụ Hữu Thị Chung, dân tộc Tày ở thôn Hàm Rồng nay đã bước sang tuổi 85 nhưng vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn vừa đan đó vừa tâm sự: "Xưa các bà chỉ có cái thuổng, cái cuốc lên rừng đào củ mài về nuôi con, nay nhờ ơn Đảng, ơn Bác mà cuộc sống đã ổn định, sung túc hơn rất nhiều. Xưa, để có hạt thóc, hạt gạo phải dậy từ ba, bốn giờ sáng mà đâm, xay, giày, đạp, ai mà bận con mọn thì khổ lắm. Giờ, dân nghe theo Đảng làm giàu, chỉ cần đặt bao thóc lên ô tô, xe máy phóng ù ra chợ xay vài phút là xong, đúng là sướng thật".

Khó có thể kể hết niềm vui của người dân nơi đây khi "theo Đảng làm giàu" bởi nay chẳng những họ đã thoát hẳn cuộc sống đói nghèo mà nhiều hộ đã trở thành những gia đình "có máu mặt" trong xã. Đó là những hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hồng ở thôn Ngòi Sen có vườn bưởi năm rồi bán hơn trăm triệu đồng cộng với xưởng chế biến sắn mỗi năm thu hàng trăm triệu nữa, nâng mức thu nhập của gia đình năm 2014 lên 50 triệu đồng/người. Đó còn là gia đình anh thôi Đức Lượng, dân tộc Cao Lan ở thôn Ngòi Giàng chăn nuôi hàng trăm đầu lợn thịt cho thu nhập 30 triệu đồng/người/năm; gia đình anh Lương Văn Bảo, dân tộc Tày ở thôn Hàm Rồng có vườn bưởi hơn 100 cây nhờ chuyển đổi cây trồng theo nhà Chủ tịch xã, năm vừa qua cũng thu về hơn 70 triệu đồng; gia đình anh Phạm Ngọc Kim ở thôn Phai Thao chăn nuôi lợn thịt, lợn nái và trồng ngô cho thu nhập gần 40 triệu đồng/người/năm; gia đình anh thương binh Hoàng Ngọc Dương ở thôn Phai Thao nuôi cá, lợn, gà và trồng lúa thu nhập 30 triệu đồng/người/năm...

Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Hồng và chị Triệu Thị Kiên ở thôn Ngòi Sen chúng tôi thật ngỡ ngàng trước sự bứt phá của đôi vợ chồng sinh năm 1969 này. Chỉ mươi năm trước gia đình anh chị vẫn còn là một trong những hộ khó khăn của thôn nhưng nhờ có sự tận tình hướng dẫn cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của cán bộ, đảng viên trong xã đến nay họ đã là chủ của một cơ ngơi khang trang, bề thế nhất nhì thôn.

Ngôi nhà xây hiện đại rộng hơn 200m2 với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, 1 xưởng chế biến sắn mỗi năm hơn 600 tấn sắn tươi cho hơn 200 tấn tinh bột/vụ, vườn bưởi Diễn hơn 100 gốc quả sai trĩu cành, năm 2013 bán được gần 60 triệu đồng, năm 2014 bán hơn 100 triệu đồng là thành quả công sức lao động không mệt mỏi và sự kiên trì theo Đảng làm giàu của đôi vợ chồng Hồng - Kiên. Hiện gia đình anh Kiên đang thuê 10 lao động, trả công 130 ngàn đồng/ngày để chăm sóc vườn bưởi và chế biến tinh bột sắn, tổng thu nhập từ các nguồn năm 2014 lên tới trên 200 triệu đồng.

Ngôi nhà xây khang trang của gia đình anh chị Nguyễn Văn Hồng và Triệu Thị Kiên ở thôn Ngòi Sen.

Anh Hồng tâm sự: "Ban đầu là sự do dự nhưng thấy các bác cán bộ làm có kết quả, lại được vận động đúng lúc nên chúng tôi làm theo thế là hết nghèo. Giờ thôn 5 Ngòi Sen 30 hộ có nhà xây khang trang như gia đình tôi, thậm chí nhiều nhà xây sau còn đẹp và hiện đại hơn chúng tôi rất nhiều".

Phải thừa nhận sự sáng tạo và nhạy bén trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ xã Bạch Hà giúp dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đã mang lại lợi ích kinh tế lớn. Đó là việc chuyển từ giống bưởi Đại Minh sang trồng bưởi Diễn quả đẹp, ăn ngon, thơm và đặc biệt là ra vào dịp tết nên bán rất được giá. Kế đó là việc trồng giống cây thanh long ruột đỏ từ mô hình 1ha năm 2014 của các hộ gia đình ông Nguyễn Viết Sinh, bà Bùi Thị Lát, ông Phạm Đình Huân, Trần Văn Thành, Nguyễn Kim Cảnh... mà năm 2015 này, xã tiếp tục nhân rộng ra các thôn và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp giúp người dân từ vùng ngoài tới vùng sâu trong xã ổn định cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Văn Lập (giữa) thăm trang trại trồng bưởi của gia đình anh chị Hồng - Kiên.

Sức mạnh là đoàn kết trong Đảng

Thực tế công tác Đảng lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế ở Bạch Hà đã khẳng định, huy động sức mạnh nội lực trong dân đem lại thắng lợi 1 thì sức mạnh đoàn kết trong Đảng đem lại thắng lợi 10. Sự so sánh ấy quả thực không ngoa chút nào khi được tai nghe, mắt thấy những tâm sự, những đổi thay trong cuộc sống của hơn 960 hộ đồng bào các dân tộc ở 8 thôn, bản nơi vùng sâu Bạch Hà.

Đoàn kết trong Đảng được thể hiện ngay từ sự tôn trọng nhau trong công việc của đội ngũ cán bộ từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tới các bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản ở đây. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo được đề cao trong mỗi tổ chức, đoàn thể bởi sự dân chủ, minh bạch và vai trò trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sự nêu gương của người đứng đầu mỗi ban, ngành, đoàn thể. Theo đó là sự đồng tâm hiệp lực trong chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị cơ sở từ Đảng ủy, chính quyền tới các tay ngành, tay xã khi quyết định một vấn đề có quan hệ tới cuộc sống của người dân.

Sự dân chủ ngay từ việc lấy ý kiến nhân dân trong đóng góp xây dựng các công trình công cộng cho tới việc thống nhất và ra nghị quyết đều được bảo đảm đúng trình tự, quy định, sát thực tế, hợp lòng dân. Cũng bởi Đảng gần dân, nghe dân, dân tin Đảng mà theo Đảng nên đã làm thay đổi ngày một nhiều hơn bộ mặt kinh tế, xã hội và văn hóa nơi nông thôn vùng sâu.

Bên cạnh những cây trồng cho giá trị kinh tế cao như gạo Bạch Hà, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, nhờ tích cực trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp, đến nay tổng đàn trâu của Bạch Hà đã tăng lên 812/688 con, đạt 118%; đàn bò 174 /159 con, đạt 109,4%; đàn lợn 5.227/5.200 con, đạt 100,5%; đàn gia cầm 53.150 con, đạt 104,2%; đàn dê có trên 1.000 con so với Nghị quyết Đảng bộ đề ra. Đặc biệt, năm 2014 với tổng dự nợ hơn 8 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 12 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp dân Bạch Hà vươn lên có cuộc sống khá giàu, góp phần hoàn thành được 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Dân giàu đang là mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ xã Bạch Hà trong năm cuối của nhiệm kỳ này. Vì thế, công tác phát triển Đảng và trẻ hóa cán bộ đảng viên luôn được Đảng bộ chú trọng đẩy mạnh ở cả 11/11 chi bộ, góp phần nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 152 đồng chí, năm 2014 vừa qua là năm thứ 10 liên tiếp Đảng bộ xã Bạch Hà đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh với những tấm gương cán bộ, đảng viên "nói dân nghe, làm dân tin" như: Phạm Đình Huân - Bí thư Đảng ủy, Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch UBND, Lại Đức Hạnh - Phó chủ tịch UBND, Bùi Xuân Quý - Chủ tịch HĐND, Lý Công Đoàn - Chi bộ Ngọn Ngòi, Đỗ Thanh Bình - Chi bộ Hàm Rồng, Lê Thanh Tùng - Đoàn trường Tiểu học, Nguyễn Thị Hồng - Chi bộ Trường Mầm non...

Xin được dành phần kết bài viết này bằng lời nhận xét rất chân thành của ông Đặng Văn Lý - Trưởng thôn người Dao xa nhất Bạch Hà khi nói về vai trò lãnh đạo của Đảng: "Đảng mạnh là vì đoàn kết, dân giàu vì biết nghe theo Đảng. Đảng lo cho dân có nhà định cư, có đường đi lại, dân tin Đảng, nghe theo Đảng nên năm nay 144 hộ người Dao ở Ngọn Ngòi đã nuôi được hơn 600 con dê, trồng cây lâm nghiệp, trồng bạch đàn mô khiến cuộc sống no ấm hơn. Thôn hiện đã xây dựng được chi bộ 11 đảng viên rồi. Năm 2015 này cả thôn sẽ đoàn kết để tăng thêm sức mạnh đổi mới". Đây cũng chính là mong ước của cả 8 trưởng thôn, bí thư chi bộ và là mục tiêu phấn đấu của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã trong năm 2015 và những năm tiếp theo để đem lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc nơi vùng sâu Bạch Hà.

Thanh Hương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục