Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/5/2015 | 2:38:18 PM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Yên Bái đã đến mức báo động. Vậy, tình trạng này hiện như thế nào ? Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào nhằm khống chế và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?

Tỷ lệ bé trai hiện nay cao hơn so với bé gái.
Ảnh: Cô và trò Trường mầm non xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trong giờ học. (Ảnh: Hồng Duyên)
Tỷ lệ bé trai hiện nay cao hơn so với bé gái. Ảnh: Cô và trò Trường mầm non xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trong giờ học. (Ảnh: Hồng Duyên)

Thực trạng

Thăm một lớp mẫu giáo thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở  Văn Lãng (huyện Yên Bình), dễ nhận thấy số bé trai nhiều hơn bé gái. Được biết, trong tổng số học sinh của Trường thì tỷ lệ bé trai chiếm trên 60%. Đây không phải là trường hợp cá biệt mà hiện nay ở nhiều trường học, cấp học toàn tỉnh, tỷ lệ  học sinh nam vẫn nhiều hơn số học sinh nữ.

Theo các nhà chuyên môn, chỉ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là bình thường trong khoảng 103 đến 107 trai/100 gái. Tại tỉnh Yên Bái, theo báo cáo của Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) thì chỉ số giới tính khi sinh năm 2010 là 123,6 bé trai/100 bé gái; năm 2011 là 118/100; năm 2012 và 2013 là 112,3 đến 112,8/100 và năm 2014 là 111,5/100.  Đây là con số báo động về mức chênh lệch giới tính giữa bé trai và bé gái. Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn cho thấy, sự chênh lệch về giới tính đặc biệt tăng cao ở những trường hợp sinh con thứ 3.

Điều đáng quan tâm là sự chênh lệch giới tính khi sinh đang có xu hướng tăng ở chính những khu vực có điều kiện trình độ dân trí, mức sống cao hơn. Chỉ số giới tính khi sinh chung của toàn tỉnh năm 2014 là 111,5 bé trai/100 bé gái nhưng ở địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và khu vực thị trấn lại tăng cao với mức từ 112 đến gần 115 bé trai/100 bé gái. Riêng huyện Lục Yên, chỉ số này là 127/100, cao nhất tỉnh. Việc lựa chọn giới tính thai nhi hiện nay đã khiến không ít sản phụ, gia đình áp dụng biện pháp nạo phá thai sau khi biết được giới tính thai nhi. Nhiều cặp vợ chồng đã áp dụng đủ mọi cách để có được giới tính đứa con như mong muốn từ áp dụng ăn uống, thời điểm thụ thai cho tới áp dụng theo những thông tin có trên mạng Internet.

Nguyên nhân

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại tại Việt Nam. Hiện ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 111,5 bé trai/100 bé gái (năm 2014) và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Một xã hội thừa nam, thiếu nữ sẽ dẫn đến mất cân bằng trong đời sống tình cảm của mỗi gia đình, xã hội. Và hệ lụy từ mất cân bằng giới, trước hết là phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tình trạng bạo lực giới và tình trạng mại dâm, buôn bán phụ nữ… Chưa nói tới những hệ lụy kéo theo trong khoảng 15 đến 20 năm tới, tình trạng thừa nam, thiếu nữ đã và đang gây ra những phức tạp trong đời sống hiện nay. Đó là, để có được con trai, nhiều phụ nữ đã phải nạo hút thai, đẻ nhiều, chịu sức ép tinh thần rất lớn khi không sinh được con  trai như mong muốn. 

Năm 2014, trên địa bàn thành phố Yên Bái có khoảng 1.200 trẻ ra đời, trong đó tỷ lệ là 112 bé trai/ 100 bé gái. Ông Nguyễn Ngọc Long - Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ thành phố Yên Bái cho biết: Từ ảnh hưởng của quan niệm lạc hậu "trọng nam, khinh nữ" dẫn đến việc cố ý làm lệch cân bằng tự nhiên ở những người có hiểu biết, có ý thức về tác hại của mất cân bằng giới tính. Đặc biệt, ở những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, có mức độ vi phạm cố ý. Năm 2014, thành phố có 2 trường hợp sinh con thứ 3 và điều đáng chú ý là cả 2 trường hợp này đều là  cán bộ, đảng viên có chức vụ trong cơ quan nhà nước.

Trong những năm qua, mặc dù Bộ Y tế cấm tuyệt đối các cơ sở y tế, phòng khám siêu âm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhằm tránh lựa chọn giới tính, nhưng thực tế cho thấy nhiều cơ sở vẫn phớt lờ, nhất là các cơ sở y tế tư nhân... Chính sự bất tuân thủ này, đang khiến sự chênh lệch giới ngày càng trầm trọng. Khi đến một khu dân cư ở phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) để tìm hiểu vấn đề này, qua trò chuyện với những phụ nữ đã và đang mang thai hoặc thông qua người thân của họ chúng tôi được biết hầu như họ và gia đình họ đều biết giới tính của con, cháu họ sau khi đi siêu âm.

Bà Phạm Thị Bé ở tổ 41 kể rằng: Khi có thai đứa con đầu, con dâu tôi đi siêu âm về và nói với tôi là cháu nội tôi sắp chào đời là con gái. Tuy vậy, tôi vẫn vui vì nó là đứa cháu đầu tiên của gia đình. 3 năm sau con dâu tôi lại mang bầu, đi siêu âm về nó buồn lắm và khi gặng hỏi nó bảo: Bác sỹ siêu âm nói đứa này “giống mẹ”!

Chị Phạm Thanh Hằng ở tổ 35 đang mang thai đứa con thứ hai ở tháng thứ 5 cũng không giấu giếm khi chúng tôi hỏi là đã biết đưa này là con trai hay con gái. Chị cười vô tư :  "Mỗi lần đi siêu âm là mất 150 nghìn đồng mà không biết trai hay gái thì đi làm gì? Đứa thứ hai của em lại là “ con vịt giời" rồi chị ạ. Hai gái càng tốt, em đỡ phải lo nhà cho chúng nó".

Thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong triển khai các biện pháp nhằm giảm sự gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng chỉ số mất cân bằng khi sinh giữa bé trai vẫn cao hơn bé gái. Nghị định số 114 của Chính phủ ban hành ngày 2/10/2006 về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em đã quy định: Hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bắt mạch, xác định qua triệu chứng, bói toán hoặc bằng các hình thức khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi mà có tính chất trục lợi, hoặc phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi qua sách, báo, tài liệu... bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu  đồng. 

Siêu âm, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào, cung cấp hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp loại bỏ thai nhi khi biết người mang thai muốn lựa chọn giới tính, tàng trữ tài liệu, phương tiện chứa nội dung về phương pháp tạo giới tính... bị phạt từ 3 đến 7 triệu đồng. Dùng vũ lực, đe dọa, ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính, phá thai mà biết rõ người mang thai muốn lựa chọn giới tính sẽ bị phạt từ 7 đến 15 triệu đồng... Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Thanh tra Sở Y tế vẫn chưa xử lý được trường hợp nào.

Giải pháp

Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013 ngày 14-11-2011 đã lựa chọn phương án "can thiệp tích cực" với mục tiêu: "Chỉ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 115/100 vào năm 2020".  Để góp phần cùng các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện được mục tiêu trên, ngành y tế Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Đó là, tăng cường truyền thông để người dân hiểu và thực hiện việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.

Tiếp tục duy trì mô hình đã triển khai như mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Y tế và phòng y tế các huyện, thị, thành phố tổ chức các đợt thanh tra những cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai để tuyên truyền những văn bản, quy định về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách dân số. Tuy nhiên,  để khống chế và từng bước giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, bên cạnh những nỗ lực của ngành dân số thì rất cần sự chung tay nhập cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương và phải coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Cùng với đó, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân trong việc quyết định sinh con theo tự nhiên.

Bạch Liên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục