Tan giấc mơ đổi đời

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/6/2015 | 9:56:25 AM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, người dân ở một số xã của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái lại rộ lên phong trào "xuất ngoại" sang Trung Quốc lao động. Những tưởng cuộc sống mới nơi đất khách quê người sẽ đem lại cho họ cơ may đổi đời, thì giờ đây nhiều người phải sống trong cảnh mất tự do, hiểm nguy luôn rình rập cũng chỉ bởi ra nước ngoài lao động tự do bằng con đường bất hợp pháp.

Cán bộ Công an huyện Văn Yên thường xuyên thăm hỏi, động viên giúp đỡ gia đình có lao động xuất cảnh trái phép.
Cán bộ Công an huyện Văn Yên thường xuyên thăm hỏi, động viên giúp đỡ gia đình có lao động xuất cảnh trái phép.

Những người về từ bên kia biên giới

Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên mới học hết cấp 2, Bàn Văn Đời (dân tộc Dao) ở xóm Mới, thôn Khe Trang, xã An Bình đã phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn chẳng khấm khá là bao nên tháng 1/2014 theo lời giới thiệu của một người phụ nữ cùng xã, Bàn Văn Đời đã xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê cho một xưởng gỗ. Tưởng sang đó công việc an nhàn, lương cao sẽ tích cóp được tiền gửi về phụ giúp bố mẹ như lời dụ dỗ nhưng thực tế Đời phải sống trong cảnh cực khổ, bị đánh đập và bóc lột sức lao động thậm tệ. Trở về nhà đã hơn 6 tháng nay, Bàn Văn Đời dần khỏe lại nhưng vẫn chưa tin nổi mình có thể bình an trở về trong sự mừng vui khôn xiết của gia đình và bà con chòm xóm.

Ông Phạm Quốc Hội - Trưởng Công an xã An Bình:

Hầu hết các gia đình có con em bị lừa gạt đi lao động làm thuê đều là hộ nghèo và cận nghèo. Việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời của lực lượng công an đã tránh được thiệt hại kinh tế cho các hộ dân, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.   

Chị Trương Thị Cam - Thôn Khe Trang, xã An Bình:

Sang đến Trung Quốc, lao động như chúng tôi phải tự túc nơi ở, chỉ được tạm ứng tiền ăn sáng và ăn đêm, chủ xưởng không trả lương theo như thỏa thuận. Lao động vất vả, ăn uống kham khổ, có khi nhịn đói, nhịn khát cực không chịu nổi, chúng tôi tìm cách trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng.

Sau giây phút ngại ngùng, Đời kể: "Chúng cháu được nhận làm thuê cho một  xưởng sản xuất gỗ. Thời gian làm việc hàng ngày từ 13 đến 15 tiếng. Họ chỉ ứng tiền để chi phí cho ăn, còn tiền lương không trả. Do phải làm việc quá sức, ăn uống lại không đảm bảo nên sức khỏe bị giảm sút trầm trọng, do xin nghỉ nên cháu đã bị chủ xưởng đánh đập tới đứt gân chân. Nhiều lần cháu có ý định trốn khỏi xưởng nhưng không thành do bị quản lý chặt, mọi sinh hoạt lại chỉ ở trong xưởng, không được liên lạc với bên ngoài. Đến khi công an Trung Quốc tới kiểm tra và bắt giữ thì cháu mới có cơ hội được trở về nhà".

Cũng nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của người môi giới, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Giới và Trương Thị Cam cùng ở thôn Khe Trang, xã An Bình đã gửi con cho ông bà trông giúp để sang Trung Quốc lao động, chị Cam buồn rầu cho hay: "Do tin tưởng bà B là người cùng xã giới thiệu nên chúng tôi mới đi theo. Bà B hứa sẽ chuyển tiền công hàng tháng về cho gia đình nên vợ chồng tôi cũng yên tâm để đi...”. Còn anh Đặng Kim San - Thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn đã có vợ và 1 con nhỏ giãi bày: "Nhân lúc nông nhàn định đi làm kiếm thêm chút tiền giúp gia đình chứ biết đi tận Trung Quốc tôi cũng chẳng đi làm gì cho khổ!"…

Trước mắt chúng tôi là những con người còn rất trẻ, đa số ở vào độ tuổi 20 - 26. Họ đều là những trụ cột của gia đình và đều rất muốn có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định... Nhưng vì sự nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về pháp luật mà bị bọn xấu lừa gạt.     

Đi tìm nguyên nhân

Không chỉ anh Giới, anh Đời, chị Cam ở xã An Bình, hay anh San, anh San ở xã Viễn Sơn mà còn hàng trăm lao động ở các xã: Quế Thượng, Quế Hạ, Mỏ Vàng, Lâm Giang, Lang Thíp… của huyện Văn Yên đang có chung một giấc mơ là được đổi đời, hy vọng có thu nhập cao hơn để cuộc sống bớt khốn khó. Những người dân ở đây cho biết, từ năm 2008, một số lao động địa phương đã bắt đầu xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và một số phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Trung Quốc đã làm cầu nối đưa lao động của ta sang Trung Quốc. Từ đầu năm 2012 đến nay, số lao động sang Trung Quốc đã tăng lên nhiều.

Theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Tiến Mạnh - Phó trưởng Công an huyện Văn Yên: "Nguyên  nhân của tình trạng này chủ yếu là do đời sống của người dân ở vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm nên thu nhập rất thấp. Mặt khác, nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch nhưng không đáp ứng được yêu cầu về chi phí, trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn theo yêu cầu của người sử dụng lao động... Trong khi đó, nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, một số người nhẹ dạ cả tin bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa đưa ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp".

Thủ đoạn chính của các đối tượng môi giới và lừa đảo để đưa người lao động sang biên giới làm việc là tìm cách gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh ở bên kia biên giới công việc ổn định, lương cao, có chỗ ăn nghỉ thuận lợi. Đối với những trường hợp không có tiền sẽ được các đối tượng ứng toàn bộ chi phí xuất cảnh, sau đó sẽ khấu trừ vào tiền lương hàng tháng.

Thực tế cho thấy, các trường hợp xuất nhập cảnh qua biên giới làm việc đều là những lao động phổ thông, trình độ học vấn thấp, không có tay nghề cho nên thường phải làm những công việc nặng nhọc, thời gian và cường độ lao động lớn nhưng điều kiện làm việc không bảo đảm, việc trả lương không đúng thỏa thuận hoặc không tương xứng với công sức bỏ ra.  Không ít trường hợp còn bị chủ sử dụng lao động quỵt tiền, thậm chí nhiều người trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, phụ nữ bị ép làm gái bán dâm, bị mua đi bán lại. Rút cục người lao động phải tự bỏ về hoặc chỉ đến khi bị công an Trung Quốc bắt giữ họ mới được trở về Việt Nam.

Đâu là giải pháp?

Trước thực trạng đáng báo động đó cùng những hệ lụy của việc xuất nhập cảnh trái phép, lực lượng công an huyện Văn Yên đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực xuất, nhập cảnh; cảnh báo về hậu quả, tác hại và những rủi ro có thể xảy ra với người lao động khi xuất cảnh trái phép. Đồng thời tăng cường bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong công tác quản lý nhân khẩu, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng lôi kéo, đưa người lao động qua biên giới làm thuê trái phép để trục lợi cá nhân.

Từ năm 2012 đến nay, Công an huyện Văn Yên đã phối hợp với Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh khởi tố 3 vụ với 4 đối tượng có hành vi môi giới, lừa đảo tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Mới đây nhất  vào tháng 2 năm 2015, Công an huyện Văn Yên đã điều tra và đưa ra khởi tố đối tượng Lương Thị Biển, sinh năm 1973 trú tại thôn 3, xã An Bình, huyện Văn Yên với hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Hiện đối tượng Lương Thị Biển đang được tại ngoại để chờ xét xử. Do có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng công an, đến nay tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung quốc tìm việc làm tại một số địa bàn trước đây từng được xem là "điểm nóng" của huyện Văn Yên đã giảm đáng kể.

Tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê không chỉ ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất và thực hiện các chế độ chính sách tại địa phương mà quan trọng hơn là tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sự vào cuộc của  cấp ủy, chính quyền địa phương là vô cùng cần thiết trong việc giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có như vậy tình trạng xuất nhập cảnh trái phép mới được giải quyết triệt để, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

* Theo báo cáo của Công an huyện Văn Yên: Tổng số đối tượng có hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới Việt - Trung trên địa bàn huyện là 494 trường hợp. Trong đó tự đi 454 trường hợp, 40 trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc. Các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép chủ yếu với mục đích làm thuê.

*Riêng năm 2014, lực lượng công an huyện đã phát hiện mới 130 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Điều đáng lưu ý là trong số 130 trường hợp này có trên 80 trường hợp là người dân tộc thiểu số.

* Tại Điều 275 Bộ luật Hình sự quy định: Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 275 Bộ Luật Hình sự với mức phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

 Quỳnh Nga 

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục