Sao không học nữa đi em?

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/6/2015 | 10:11:07 AM

YênBái - YBĐT - Không phải học sinh nào trong vùng đồng bào Dao ở Văn Yên tốt nghiệp THCS cũng học lên THPT như mong muốn. Sao không học lên nữa đi em? Chúng tôi đem câu hỏi này đến bản người Dao ở Khe Tới xã Phong Dụ Hạ, Khe Viễn xã Viễn Sơn (Văn Yên) và nhận những câu trả lời từ các em, các phụ huynh, lãnh đạo nhà trường, cán bộ địa phương trong niềm day dứt và lo lắng về sự học ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số này...

Đặng Thị Mấy sinh năm 1999. Em là con gái anh Đặng Tòn Quốc và chị Đặng Mùi Ton ở bản Khe Tới, thôn Phiêng Ca, xã Phong Dụ Thượng. Mấy học đến lớp 9, Trường THCS xã Phong Dụ Thượng, nghỉ học đã một năm. Mấy trắng trẻo, xinh gái. So với những em gái cùng tuổi, đã ra dáng thiếu nữ lắm rồi. Khi chúng tôi đến, Mấy đang chơi đùa với cháu Đặng Mùi Ghến (khoảng 6 - 7 tuổi) cùng em trai ngay con ngõ hẹp và dốc.  Đồ chơi là chiếc xe gỗ tự chế nhưng không có bánh trước. Cả ba thay nhau ngồi trượt xuống dốc rồi lại kéo lên trượt xuống.

Trưởng bản Phiêng Ca - anh Hoàng Văn Xuân hỏi: “Chơi lâu chưa?”. Cháu Ghến trả lời: “Chơi lâu rồi”. “Chơi từ lúc nào?”. “Chơi từ lúc ăn cơm xong”. “Ăn cơm xong từ lúc nào”. “Từ lúc chị Mấy lên chơi”. Chuyện với cháu gái chừng 6 - 7 tuổi thế cũng là đủ. Chúng tôi vào nhà Mấy. Đó là ngôi nhà khang trang, có điện chạy quạt mát, chạy ti vi, nền nhà lát gạch xanh bóng. Quanh nhà, quế tốt um. Trước nhà là ao cá. Đầu chái bếp rinh rích tiếng gà, ụt ịt tiếng lợn. Nhà lúc này có ba người. Bà nội là Đặng Mùi Phám. Bà nói: “Tôi sinh năm 1935, năm nay 68 tuổi”. Anh Xuân cộng trừ, nói: “Cụ 80 mới đúng”. Người thứ hai là chị Đặng Mùi Ton, mẹ đẻ cháu Mấy. Chị không nói tuổi nhưng trong trang phục Dao, nhác trông giông giống mẹ chồng. Thứ ba, là Mấy. “Sao Mấy nghỉ học?” - anh Xuân hỏi. Mấy không nói gì, chạy ra sân đảo thóc, xua gà.

Tôi đi theo Mấy, sắp ra ba cái ghế nhựa ở giữa hiên nhà mời bà nội, chị Ton và Mấy vào chụp ảnh. Ba người phụ nữ, ba độ tuổi. Mấy là người học cao nhất. Bà và mẹ đều học xóa mù nhưng nói thật là cái chữ không còn nhiều. “Cũng bảo học nhưng nó không học nữa” - bà nội nói. “Đi học thì không có ai làm giúp việc nhà, ở nhà thôi” - chị Ton nói. Mấy không nói gì. Gia cảnh nhà đại thể: nhà có bà nội, hai vợ chồng, ba đứa con, tổng cộng 6 khẩu. Quế có trên 2.000 gốc.

Ruộng có 2 sào. Có lợn, gà, trâu và không thuộc diện hộ nghèo. Chị Ton ra sân cùng đảo thóc với Mấy. Tôi ngồi xổm ở sân phơi và nhâm nhấm mấy hạt thóc. Tôi hỏi lại ý của trưởng thôn: “Sao cháu không học lên nữa đi?”. Mấy đáp: “Cháu tốt nghiệp THCS năm học 2013 - 2014. Cháu đi thi THPT nhưng không đỗ. Gia đình bảo thôi không thi nữa, ở nhà làm thôi, thế là cháu ở nhà”. “Phải không chị Ton?” - tôi hỏi. Chị Ton nói: “Nó học chỉ đến thế thôi, ở nhà làm việc cũng tốt thôi. Phụ nữ Dao ở đây toàn ở nhà làm quế, làm ruộng đấy”. Bà nội Mấy thì vẫn ngồi cười, chuyện với trưởng bản Xuân. Bà đã đồng ý với anh Xuân rằng, bà sinh năm 1935 thì nay phải là tuổi 80 mới đúng...

Cháu Đặng Thị Mấy ở bản Khe Tới, thôn Phiêng Ca, xã Phong Dụ Thượng tốt nghiệp THCS hiện nghỉ học ở nhà. Thời gian rỗi, Mấy chơi với các cháu nhỏ hàng xóm hoặc giúp việc gia đình.

Bà nội Mấy thì ngồi cười nhưng chị Đặng Thị Tin vợ của ông Đặng Nguyên Đức ở bản Khe Viễn, xã Viễn Sơn - là mẹ của cháu Đặng Tòn Thắng thì không cười. Không cười vì bà vừa đội nắng trên nương về mà tật đau người mấy năm nay vẫn hành hạ. Chồng bà cũng đau luôn. Thầy giáo Mạc Thiện Lượng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Viễn Sơn đi cùng tôi hỏi: “Làm ăn thế nào chị Tin?”. Chị Tin đáp: “Cũng khó khăn lắm!”. Tôi hỏi: “Giá quế vỏ vụ này bán giá bao nhiêu, chị?”. Chị nói: “Đầu vụ bán giá 42.000 đồng/kg, cuối vụ còn có 35.000 - 38.000 đồng/kg”. “Nhà có mấy ha quế hả chị?”. Chị đáp: “Có hơn 2 ha, bóc tỉa thưa hàng năm thôi, không bán đồi đâu”.

Quế ở Viễn Sơn có giá nhất huyện Văn Yên. Người Dao ở Viễn Sơn cũng trồng nhiều quế nhất nhì huyện. “Viễn Sơn đã có mấy nhà bán quế mua ô tô 4 chỗ, vì bán quế đồi thì nhà ít nhất cũng có ngay bạc tỷ” - anh Lượng nói. Tôi để anh Lượng và anh con rể chị Tin đang cởi trần hút thuốc lào rồi rủ cháu Thắng ra thăm vườn. Cũng bốn bề quế xanh um. Ao thì nhiều gấp 4 lần nhà cháu Mấy ở Khe Tới. Trâu có 3 con, lợn bảy, tám con. “Thắng học hết lớp 9 rồi mà người nhỏ nhỉ?” - tôi gợi chuyện. Thắng cười. “Cháu bao nhiêu cân”. Thắng đáp: “Cháu 34 kg”. “Thế nghỉ học ở nhà làm việc gì?”. “Cháu cày ruộng, thả trâu, lấy cỏ cá, nuôi lợn”. “Lịch làm việc thế nào?”. “Sáng lấy cỏ cá, cho lợn ăn. Chiều thả trâu hoặc làm ruộng, làm nương”. “Bé thế này làm có được không?”. “Cháu làm được!”.

Tôi chụp ảnh cháu Thắng nhỏ bé đang sửa tấm ngăn cửa ao rộng lớn bên chân đồi bạt ngàn những thân quế lực lưỡng. Khó ai ngờ đây là một trong những học sinh thông minh, học lực rất khá của lớp 9A - Trường PTDTBT THCS Viễn  Sơn. Học xong lớp 9, năm học 2014 - 2015, Thắng đi ôn thi để thi lên THPT vài ngày rồi nghỉ hẳn. “Sao thế em?” - tôi hỏi. Thắng trả lời: “Vì em thương bố mẹ em không có người làm giúp việc nhà”. Chúng tôi trở lại nhà, mẹ cháu Thắng đang nói chuyện với thầy Lượng. Anh con rể vẫn cởi trần ngồi hút thuốc lào ngoài hiên. Ngoài đó, trên chõng tre là mấy đứa con, đưa cháu ngồi, nằm hóng gió trưa hè ...

Cháu Đặng Tòn Thắng - học sinh khá lớp 9A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Viễn Sơn đã tốt nghiệp THCS, hiện ở nhà làm việc giúp gia đình.

Đã vào hè, trường học vắng tanh. Trên này không có tiếng ve như những ngôi trường ở vùng thấp. Trường tĩnh lặng nhưng trong lòng Hiệu trưởng Trường THCS xã Phong Dụ Hà - thầy giáo Hoàng Ngọc Lân không tĩnh chút nào. Thầy Lân đã có tuổi, tóc đã bạc trắng. “Khó khăn lắm, cứ tết xong lại đi bản vận động các cháu đi học. Tết năm 2015, phải mất hơn một tháng học sinh mới ra đủ lớp. Mưa lũ đã đành, bình thường nhiều cháu học sinh khối 7 - 8 vẫn nghỉ học. Lớp 9 học xong, nhiều cháu nghỉ luôn. Bà con khoán trắng việc học của các cháu cho chúng tôi!” - thầy Lân nói. Tôi đem chuyện của cháu Mấy ở Khe Tới chia sẻ với thầy. Thầy lắc đầu và cho tôi những con số: năm học 2014 - 2015, có 47 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó 15 em không thi chuyển cấp, ở nhà; năm học 2013 - 2014, khoảng 15 em học xong lớp 9 cũng ở nhà. Phong Dụ Hạ có 9 thôn, 20 bản. Số học sinh tốt nghiệp THCS ở nhà tập trung chủ yếu các bản Khe Đen, Khe Tới, Khe Hao, Khe Kìa...

Phong Dụ Hạ thì vậy, còn ở Viễn Sơn, thầy giáo Mạc Thiện Lượng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Viễn Sơn cũng sẻ chia với tôi nhiều tâm tư. Thầy nói: “Năm học 2013 - 2014, tổng số học sinh nhà trường là 212 em, 1 học sinh bỏ học. Trong 53 em tốt nghiệp THCS, có 30 em ở nhà, 1 em đi học nghề. Năm học 2014 - 2015, tổng số nhà trường có 207 học sinh, có 2 em bỏ học. Trong 52 học sinh tốt nghiệp THCS có 30 em thi xong ở nhà”. Như vậy, chỉ tính riêng hai năm học này, số học sinh tốt nghiệp THCS ở Viễn Sơn không thi lên THPT là 60 em, gần bằng 1/3 tổng số học sinh của trường trong một năm học và cao hơn tổng số học sinh lớp 9 của một năm. Con số nhỏ lẻ nhưng cũng đủ để tâm tư. Còn đây là con số lớn hơn và tâm tư hơn nhiều: năm học 2011 - 2012, số lượng học sinh lớp 9 ở 29 xã, thị trấn của Văn Yên tốt nghiệp lớp 9 THCS là 1.736 em. Trong đó, số học sinh dự thi tuyển vào lớp 10 THPT chỉ có 1.058 em, tỷ lệ là 60.9%.

Năm học 2012 - 2013, tổng số học sinh tốt nghiệp lớp 9 là 1.623 em, dự thi tuyển vào lớp 10 THPT chỉ có 988 em, tỷ lệ là 61,31%. Năm học 2013 - 2014, học sinh lớp 9 tốt nghiệp là 1.501 em, trong đó 907 em thi tuyển lớp 10 THPT, tỷ lệ là 62,6%. Nghĩa là, bình quân có tới 37 - 38% số học sinh tốt nghiệp THCS ở Văn Yên không thi lên THPT, hầu hết các em ở nhà, số đi học nghề không đáng kể.

Tôi đem câu chuyện của cháu Mấy, cháu Thắng ở Khe Viễn và mẹ của hai cháu với thầy Lân, thầy Lượng. Và tôi nói chuyện với anh Ngô Xuân Tuyển - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, anh Lê Văn Thọ - Phó chủ tịch UBND xã Phong Dụ Hạ; anh Trần Ngọc Trác - Bí thư Đảng ủy xã Viễn Sơn... Các chị, các anh đều đánh giá: học sinh tốt nghiệp THCS  không thi vào lớp 10 THPT ở xã bình quân gần 40% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Lý do là nhà nghèo, nhận thức và trách nhiệm với việc học của phụ huynh chưa cao, một bộ phận học sinh học lực yếu nên không thi hoặc thi không đỗ...

Anh Lê Văn Thọ - Phó chủ tịch UBND xã Phong Dụ Hạ nói một ý riêng: “Học THCS thì các cháu có hỗ trợ của Nhà nước, học lên THPT thì các cháu không có hỗ trợ nên nhiều cháu không đi học”. Ý này thì nên xem lại các quy định, chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào dân tộc đã quy định trong các văn bản, chính sách của Nhà nước. Nhưng tôi thấy, nhiều bậc cha mẹ của học sinh người Dao ở Văn Yên, hoặc thêm các vùng khác ở Lục Yên, Yên Bình... còn chưa quan tâm đến việc học hành của con cháu.

Tâm sự của thầy giáo Hoàng Ngọc Lân và cái lắc đầu của anh phần nào cho thấy nhận xét này không chủ quan. Những gia đình mà tôi đến ở Khe Tới, Khe Viễn không phải hộ nghèo. Tôi đi cũng nhiều và thấy những gia cảnh mà tôi đến cũng không đến nỗi nhưng rõ là cái quan niệm “học thế là đủ” đang như “chiếc vòng” mà mỗi lần nới ra thì lại thêm thít chặt trong tư duy, nhận thức của số phụ huynh này. Tôi hỏi cháu Mấy và cháu Thắng rằng, đồng lứa với chúng nghỉ học rồi thì có ai sau đó lấy vợ lấy chồng sớm không? Chúng trả lời vanh vách với sự trong sáng, thành thực của con trẻ...

Con số mà ngành GD-ĐT Yên Bái đưa ra năm học trước là có trên 1/3 số học sinh tốt nghiệp THCS không thi vào lớp 10 THPT. Thực trạng này đã không còn là vấn đề riêng của ngành giáo dục, mà nó đã là vấn đề lớn có tính xã hội. Hệ lụy thì ai cũng biết, nhưng có điều lạ là ở đâu đó vẫn có người cho là chuyện... thường thôi! Giờ thì nói về giải pháp, các cán bộ địa phương, nhà trường đề xuất tăng cường hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành; tăng cường vận động học sinh, cha mẹ học sinh; hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số học THPT... Rất đúng, rất cần thiết, nhưng cái gốc chính là cần tập trung đầu tư hơn nữa các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội cho vùng dân tộc, vùng cao để người dân có thêm cơ hội thay đổi nhận thức lạc hậu, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Chừng nào, cái quan niệm “học thế là đủ” xuất phát từ phong tục, tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu của đồng bào vẫn còn ảnh hưởng, còn chi phối thì chừng đó, việc học sinh tốt nghiệp THCS người dân tộc thiểu số ở Yên Bái nói chung, ở Văn Yên nói riêng học lên THPT sẽ vẫn còn khó khăn!

Tuấn Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục