Cần lắm sự bao dung của cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2015 | 3:05:28 PM

YênBái - YBĐT - Hơn 20 năm chìm đắm trong sự khoái lạc của ma túy, Vũ Văn Quang, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ không thể nhớ nổi mình đã đốt hết bao nhiêu tiền của gia đình. Nghĩ lại quãng thời gian 20 năm làm khổ vợ con, bố mẹ và người thân, trong Quang giờ đây chỉ còn lại sự ăn năn, hối hận. Đó cũng là tâm trạng chung của các học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Yên Bái.

Các học viên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Yên Bái tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn.
Các học viên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Yên Bái tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn.

20 năm làm bạn với ma túy

Không phải ngẫu nhiên xã hội dùng từ “con nghiện” để nói về những người đã có thời gian gắn cuộc đời mình với “nàng tiên nâu”. Trước đây, cũng vì nghĩ rằng: “Gói bột trắng nhỏ xíu ấy đơn giản sẽ đưa mình lên mây thoáng chốc” mà Vũ Văn Quang phung phí 20 năm của cuộc đời mình trong bi kịch. Ma túy - thứ thuốc độc hủy diệt toàn bộ phần người, thứ biến con người vốn đẹp đẽ thành “con nghiện” sẽ phá hủy tất cả, dù con người có thoát khỏi nó cũng trở nên thân tàn ma dại. Sinh năm 1974, con đường đến với ma túy của Vũ Văn Quang kịch bản quen thuộc với nhiều người nghiện ma túy. Qua các mối làm ăn, buôn bán gỗ lạt, Quang quen và chơi nhiều với những người bạn ngoài xã hội.

Năm 1995, Quang cưới vợ nhưng theo lời rủ rê của bạn bè, Quang đã “vô tư” bước vào con đường nghiện ngập mà không biết đích đến bi kịch của nó. “Lúc đó, mình nghĩ chơi ma túy rất bình thường, không ý thức được tác hại của nó nên chìm đắm, đam mê lúc nào không hay” - Quang nhớ lại. Ban đầu, số tiền dành cho ma túy chỉ là 10.000 - 20.000 đồng, càng những năm sau số tiền càng tăng dần lên khi Quang chuyển từ hút thuốc phiện sang hít hêrôin, rồi đến ma túy tổng hợp và cuối cùng là tiêm chích ma túy.

Quãng đời bi đát nhất của Quang là những năm 2008 - 2011, mỗi ngày tiêu tốn 500.000 - 1.000.000 đồng cho tiêm chích ma túy. Khi tôi hỏi tiền ở đâu ra để đốt vào ma túy nhiều như vậy, Quang chỉ im lặng không nói. Tôi hiểu Quang đang nghĩ đến vợ con, bố mẹ, anh, chị em trong gia đình bởi số tiền đó là do người thân cho và trộm cắp mà có. Sinh ra trong gia đình có 8 anh, chị em, Quang là con út nên được chiều nhất nhà, cũng được anh, chị yêu thương nhất.

Quang kể: “Mỗi lần nhìn thấy mình là mọi người lại khóc. Các chị bảo, cho tiền chú là chị giết chú, các anh cũng vậy. Thế nhưng, tất cả mọi người lại không đành lòng nhìn thấy mình khi lên cơn vật vã. Thế rồi, mỗi người cho một ít để mình qua cơn. Hàng đêm, mình đi gỗ từ Trạm Tấu về thị xã Nghĩa Lộ, mỗi ngày, cũng kiếm được đôi ba trăm nghìn đồng nhưng không đủ thỏa mãn cơn nghiện, lúc đó, chỉ còn cách trộm cắp nên không tránh khỏi những trận đòn thừa sống thiếu chết khi bị bắt”. Câu chuyện của chúng tôi càng cởi mở hơn khi Quang muốn bộc bạch sự hối hận của mình. Quang cho biết, những lúc không có tiền, anh lại phải xoay sở bằng nhiều cách. Với người nghiện không có việc làm, cách xoay sở duy nhất là trộm cắp, bên ngoài không được thì trộm trong nhà. Ban đầu, chỉ là những thứ đồ vụn vặt, về sau đến bàn ghế, ti vi, tủ lạnh cũng đội nón ra đi. 

Gian nan tìm đường về

Năm 2012, Quang vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh để cai nghiện. Nghĩ đến vợ, đến đứa con đang học đại học không dám ngẩng đầu nhìn bạn bè, Quang lại thấy đau đớn càng quyết tâm cai để trở về với cộng đồng. Song đây không phải là lần đầu Quang quyết tâm cai nghiện mà đã rất nhiều lần rồi nhưng đường về không hề đơn giản với Quang. Sau 2 năm cai bắt buộc, đầu năm 2014, Quang trở về nhà, khó khăn lớn nhất là phải đối mặt với những ánh mắt nghi ngờ, cảnh giác của hàng xóm.

Quang tâm sự: “Gặp người quen mình chưa kịp chào họ đã quay đi, có người nhìn thấy mình còn nhanh đóng cổng chỉ sợ mình vào, tủi nhục lắm! Mình chỉ muốn nói với họ mình không còn nghiện ma túy nữa, chỉ vậy thôi”. Sự xa lánh của mọi người khiến Quang không có lấy một người bạn, để rồi những người bạn cũ ngoài xã hội lại tìm đến rủ rê, tụ tập và sau một lần bị tai nạn xe máy, Quang lại quay về với ma túy. Đến tháng 10/2014, Quang xin tự nguyện trở lại Trung tâm cai tiếp 2 năm. Đến nay, sau 6 tháng, trong người đã không còn ma túy nhưng Quang hiểu rằng, đây là môi trường tốt nhất để anh phục hồi sức khỏe, chuẩn bị tâm lý trở về xã hội. Điều mong mỏi nhất của Quang lúc này là lấy lại lòng tin của người thân trong gia đình, làng xóm. “Mình chỉ mong mọi người hãy nhìn mình, ghi nhận sự nỗ lực của mình cho mình một cơ hội làm lại cuộc đời” - Quang chia sẻ.

Có thể khẳng định, sự kỳ thị của xã hội là một trong những nguyên nhân đẩy người nghiện ma túy sâu hơn vào con đường của tệ nạn và cũng là rào cản lớn nhất khi họ muốn quay trở lại với xã hội. Ông Lê Công Huấn - Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh khẳng định: “Đối với công tác cai nghiện, cắt cơn chỉ là một phần nhỏ, từ 4 - 5 ngày cũng đã có thể cắt cơn nhưng tại sao phải cần đến hai năm là bởi người nghiện là người bệnh đặc biệt, nhiều người bị suy kiệt, nhiễm HIV, lao phổi... cần có thời gian để phục hồi sức khỏe. Đồng thời, đây cũng là khoảng thời gian để họ điều chỉnh nhân cách. Việc này không phải ngày một ngày hai. Đây cũng chính là vấn đề tâm lý”.

Cuộc sống tập thể, ăn có giờ, ngủ có giấc, lao động tập thể, tập luyện thể dục thể thao dần giúp họ điều chỉnh lại cuộc sống buông thả. Những buổi học văn hóa, tiếp xúc trao đổi là để giải tỏa sự ngăn cách, khép kín của người nghiện đối với cộng đồng. Đối với người nghiện, việc rèn giũa nhân cách, dạy cho họ một cái nghề, dạy từ người mù chữ để biết chữ đã là một thắng lợi lớn.

Anh Nguyễn Minh Hoàng - cán bộ phụ trách cai nghiện tại Trung tâm cho biết: “Để chữa trị cho người nghiện ma túy cần tới một hệ thống tổng thể các giải pháp. Cắt cơn nghiện chỉ là giai đoạn đầu tiên, tiếp theo là đưa vào các chương trình giáo dục, tư vấn kiến thức về luật pháp, giá trị sống... để họ tái hòa nhập cộng đồng, cụ thể hơn nữa là định hướng các ngành, nghề mà họ có thể làm để có cuộc sống ổn định, duy trì được kết quả cai nghiện”.

Khó có thể nói hết bi kịch của những gia đình có người nghiện, họ cần xã hội hiểu và chia sẻ nỗi đau và nhất là có thể cảm thông, tích cực hỗ trợ người sau cai nghiện. Thái độ của những người xung quanh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nỗ lực tự vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng của những người nghiện ma túy. Sự kỳ thị, phân biệt, đối xử không những không thể giúp người nghiện từ bỏ được ma túy mà nó còn khiến người nghiện rơi vào cảm giác bị bỏ đi nên dễ tái phạm các tệ nạn xã hội. Hầu hết những người nghiện ma túy đều muốn từ bỏ ma túy khi họ tỉnh táo nhưng việc đó vô cùng khó khăn. Nếu mọi người hiểu và coi họ là những người bệnh, là nạn nhân của ma túy để thông cảm, có thái độ đối xử tích cực hơn, bao dung hơn thì sẽ giúp người nghiện ma túy có quyết tâm cai nghiện để thay đổi, trở về với cuộc sống bình thường.

Anh Dũng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục