Lênh đênh... làng ơi!

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/10/2015 | 9:56:18 AM

YênBái - YBĐT - Thôn Vĩnh An nằm cách quốc lộ 70 gần 7 km, trung tâm xã 9 km và thành phố Yên Bái 30 km được biết đến như là thôn nghèo nhất trong 16 thôn của xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Cả thôn có diện tích 7 ha với 49 hộ và hơn 200 khẩu nhưng lại có trên 90% là hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Túp lều của bà Bàn Thị Tốc.
Túp lều của bà Bàn Thị Tốc.

Không thể nghèo hơn!

Tứ bề là nước, Vĩnh An như một ốc đảo nhỏ được bao quanh bởi mênh mông nước hồ Thác Bà. Điểm vào bức tranh ấy là những ngôi nhà "đơn sơ", nằm chông chênh bên hồ và khu đất rừng của Công ty Bảo Minh. Nhà trưởng thôn Vĩnh An – ông Đặng Văn Ba, một trong những hộ khá của thôn có nhà sàn song xung quanh trống hoác, đón gió hồ lồng lộng.

"Ở đây mát lắm, mùa hè không cần phải dùng quạt" - Trưởng thôn Ba chia sẻ. "Thế mùa đông thế nào anh?" - tôi hỏi. "Quen rồi, chả sao, có mấy khi ngủ ở nhà đâu, toàn trên thuyền thôi! Dân ở đây chỉ biết kiếm sống bằng nghề đánh rọ tôm... còn hết mùa nước ngập lại ăn đong! Nhà mình thế này còn khá chán, chút nữa đến các gia đình khác, nhà báo mới thấy được cái sự nghèo trọn vẹn". Ngay lập tức, tôi giục anh Ba lên đường.

Trải qua 3 vòng đồi uốn lượn, chúng tôi có mặt tại gia đình anh Lý Văn Thiện. Nếu nói là nhà thì cũng chẳng phải vì giống như một cái lán dựng lên để ở tạm bợ, trong ngoài trống huếch, nhà chẳng có gì đáng giá ngoài đám xoong, nồi, bát, đĩa chỏng chơ, chăn, màn, quần áo vứt tứ tung, bếp củi nguội ngơ ngắt. Chủ nhà đi vắng, chỉ có cô con gái Lý Thị Tươi ngồi tư lự bên cái bình có chứa vài nắm thóc. Thấy khách, Tươi vội vàng kéo tấm bạt che kín cái bình đi.

- Bố mẹ em đi đâu? - tôi hỏi.

- Mấy hôm vừa rồi có người giúp nhà em đánh đất để dựng nhà nên giờ bố mẹ em phải đi bóc gỗ cho người ta trả công! - Tươi thật thà.

- Em đã ăn cơm chưa, hôm nay có đi học không?

- Em chưa ăn, thóc chưa kịp đập! Hôm nay, em nghỉ học vì không có ai trông nhà! Tươi ngượng ngùng.

- Đợt này làm gì có gạo mà ăn, có ít ruộng thì nước ngập hết rồi. Hàng năm, nếu nước mà rút từ tháng Một và tháng Hai thì bà con còn cấy được, không thì chỉ có đi làm thuê hoặc đánh rọ tôm để đổi gạo ăn thôi, đói lắm! - Trưởng thôn Ba đỡ lời.

Tạm để lại cái đói nghèo của gia đình anh Thiện, chúng tôi đến gia đình ông Trần Văn Bảo và chị Lý Thị Chín - một trong những hộ đặc biệt nghèo của thôn. Phải mất hơn nửa giờ đồng hồ đánh vật với đoạn đường dài chưa đầy 2 km, mãi hơn 12 giờ trưa chúng tôi mới đến được với gia đình ông Bảo. Chị đồng nghiệp đi cùng phải thốt lên: "Nhà đây ư! Cái lều thì đúng hơn! Như này sống sao nổi?".

Nếu tuổi thơ ai đã từng ở vùng quê chiêm trũng khi nhìn thấy cái lều của ông Bảo sẽ khẳng định đây là cái chòi canh cá, còn với tôi thì thực nao lòng. Lều của ông nhỏ như chính con người của ông vậy, vỏn vẹn 10 mét vuông, khách không thể vào hết vì sợ bị sập và không đủ chỗ ngồi. Bên trong chỉ có duy nhất cái đài ra-đi-ô cũ kỹ làm bạn và chiếc đèn dầu thắp sáng mỗi khi đêm xuống.

Ông Bảo điếc nặng nên gặng hỏi mãi mới nghe được ông trả lời: "Ăn cơm rồi! Giờ nằm ngủ trưa! Chiều đi đập nốt nắm thóc là qua bữa. Mấy ngày tới tính tiếp, chứ có tuổi làm được gì nữa đâu!"... Đứa bé hàng xóm đưa cho chúng tôi xem cái hũ đựng thóc của ông Bảo, bên trong chưa đầy 2 nắm tay đứa trẻ và nhanh nhảu: "Mấy hôm nay, ông Bảo toàn húp cháo loãng. Từ sáng đến giờ, ông ấy chưa đi đập thóc. Chiều nay chắc lại đói thôi!". Ông Bảo có 4 người con, một sống ở Tuyên Quang, còn 3 con đang ở đây cùng ông. Cuộc sống cũng rất khó khăn nên không lo cho bố mẹ được nhiều. Đầu năm vừa rồi, ông cấy 10 mét vuông lúa nhưng do sâu bệnh nên thu hoạch chỉ có 10 kg...

Đối diện với lều của ông Bảo chính là lều của vợ ông, bà Bàn Thị Tốc. Do cái đói, cái nghèo nên cuộc sống của họ cũng trở lên mẫu thuẫn, bà quyết không ở cùng ông, ông quyết không ở cùng bà song tựu chung hai người nhìn qua nhau là một sự đói dài và bất mãn với chính cuộc sống của mình. Lều ông Bảo đã bé, lều bà Tốc còn bé hơn, ông Bảo còn có 10 mét vuông ruộng, bà Tốc thì tuyệt nhiên không có. Hỏi bà, giọt nước mắt lăn dài cam chịu: "Chẳng có gì cả, tôi sẽ cứ nằm đây, chết cũng ở cái lều này thôi! Mót được ít sắn vụn về mà mệt đứt hơi! Nằm nghỉ đây!"...

Còn gia đình chị Lý Thị Chín cũng chung cảnh ngộ. Nước hồ dâng cao nên không cấy được lúa. Từ đầu năm đến nay, chị Chín phải đi làm thuê hoặc vay mượn lo bữa qua ngày. Cũng chỉ vì quá nghèo mà 3 đứa con của chị đều không được đến trường. "Ăn còn chẳng đủ, nghĩ gì đến học hả chú! Thôi về gia đình kiếm được cái gì ăn cái đó vậy!" – chị Chín lý giải.

Đói thì phải lao vào làm nhưng những con người nơi đây, họ khá bình thản với cái nghèo và bằng lòng với cuộc sống. Chỉ cần kiếm được miếng cơm qua bữa hay đợi gạo cứu đói giáp hạt, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước là mọi việc để "mai tính tiếp"... Chính sự "hờ hững" của họ đã ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, tính cách "bằng lòng" của con em mình.
                                       
Hệ lụy từ cái nghèo

Thôn Vĩnh An tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao với 49 hộ và trên 200 khẩu. Do địa thế khó khăn, đất canh tác ít, nước hồ Thác Bà ngập úng thường xuyên nên rất khó có thể gieo cấy. Diện tích rừng khá lớn nhưng lại thuộc quản lý của Công ty Bảo Minh. Hộ nào tranh thủ thì trồng xen lấn còn không thì cũng chẳng biết làm gì. Chăn nuôi manh mún, gia đình thuộc diện khá thì may ra có con trâu, con bò, còn không thì chỉ có mấy con gà...

Anh Hà Đình Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ái cho biết: "Nhiều hộ gia đình sống bên ven hồ, tranh thủ làm thuyền đi đánh rọ tôm cũng phần nào khắc phục khó khăn trước mắt. Gia đình nào không chịu lao động thì nghèo đói là chắc chắn. Vừa rồi, chúng tôi cũng hỗ trợ một số gia đình mua trâu, bò về chăn nuôi nhưng đây chưa phải là giải pháp lâu dài”.

Gốc rễ cái nghèo vẫn do quan điểm sống của chính đồng bào nơi đây, bằng lòng với cách sống thuận theo tự nhiên. Điều này được minh chứng qua rất nhiều lần Đảng ủy, chính quyền xã Bảo Ái đến từng hộ gia đình vận động đồng bào di cư về khu vực thôn Tân Lập, cách thôn Vĩnh An 2 km, đất đai có, diện tích rừng nhiều, nước ngập không ảnh hưởng... nhưng đồng bào quyết không nghe.

“Đến đó chúng tôi không biết làm gì, ở đây còn ít ruộng gieo cấy và đánh rọ tôm” - chị Lý Thị Chín quả quyết. Chủ tịch UBND xã Bảo Ái - Nông Văn Bắc cho biết: “Ngoài vận động đồng bào di cư đến nơi có điều kiện tốt hơn để ổn định cuộc sống, hàng năm, Đảng và Nhà nước còn hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt, Chương trình 135, hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ chăn nuôi, hỗ trợ giống cây trồng, hỗ trợ con em đồng bào đến trường. Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng ủng hộ, hỗ trợ các dịp lễ, tết... nhưng tất cả chỉ mang tính chất tình huống, còn ổn định và lâu dài thì bà con phải thay đổi tư duy, tập tục và chịu khó lao động”. 

Gia đình chị Chín, anh Thiện, ông Bảo, bà Tốc... chỉ là những điển hình cho những người dân nghèo nơi đây. Bố mẹ nghèo khó, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày thì con cái họ sẽ là người tiếp tục đón nhận hệ lụy, thiệt thòi đó. "Chỉ có một cháu gia đình nhà Dương Văn Chanh là học cấp ba, 7 cháu đang theo học bán trú tại Trường THCS Bảo Ái và được hỗ trợ toàn diện. Còn lại các cháu chỉ học xong cấp 1 là nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình" - Trưởng thôn Ba chia sẻ.

Cách trung tâm xã 9 km, những ngày nắng còn đỡ chứ mưa gió thì gần như các em đều phải nghỉ học. Nói như đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ái - Đặng Thanh Hải: "Bây giờ còn đỡ, chứ trước đây không có đường và điện, mỗi lần chúng tôi đi tiếp xúc cử tri hoặc bầu cử HĐND toàn phải đi đò bê hòm phiếu qua".

Đói nghèo sẽ tiếp tục đeo bám những con người nơi đây nếu không có những giải pháp quyết liệt từ Đảng ủy, chính quyền địa phương và trên hết là ý thức tự vươn lên của chính đồng bào. Với chúng tôi - những người làm báo khi đến đây thật sự cảm thấy lo lắng cho họ, đặc biệt là những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng có thể lại bước tiếp con đường của những người thân đi trước. Lại những túp lều, lán dựng tạm bợ, lại những giọt nước mắt lăn dài khi cơm độn sắn không có mà ăn và lại những câu chuyện nghèo... 

Thiết nghĩ, phải tạo được ngành nghề cho lao động không chỉ trong thôn mà còn hướng đến các khu vực công nghiệp địa phương và trong tỉnh lúc nông nhàn; di cư đến vùng mới nhưng phải bảo đảm đất sản xuất, chăn nuôi để đồng bào có thể yên tâm. Đường đã có nhưng phải được tôn tạo, tu sửa để người dân đi lại thuận tiện hơn, các cháu nhỏ được cắp sách đến trường; cần phải tuyên truyền, tập huấn cho đồng bào để thay đổi tư duy và biết cách tổ chức sản xuất, lao động...

Gió hồ Thác Bà vẫn thổi và Vĩnh An vẫn đang mong đợi một điều gì đó để được đổi thay...

Ngọc Sơn - Minh Huyền

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục