Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ở Yên Bái: Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2015 | 9:35:32 AM

YBĐT - Hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Yên Bái đạt 45%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Yên Bái đã đạt 45%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Yên Bái đã đạt 45%.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm tới công tác đào tạo nghề từ xây dựng chính sách, bố trí cán bộ đến đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng trong thời gian tới, Yên Bái cũng gặp không ít khó khăn, cần được tháo gỡ kịp thời...

Khẳng định kết quả

Những năm qua, mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn có bước phát triển mạnh. Tỉnh được Chính phủ phê duyệt xây dựng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái đến năm 2020 thành trường chất lượng cao của cả nước với 1 nghề có cấp độ quốc tế, 4 nghề đạt cấp độ ASEAN; xây dựng 2 trường trung cấp nghề với 6 nghề đạt cấp độ quốc gia. Trong đó, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ thực hiện đào tạo nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú. Tỉnh cũng xây dựng 37 chương trình đào tạo nghề để áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu học nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương, từ năm 2010, Yên Bái là tỉnh đầu tiên cả nước thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trên nguyên tắc đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, đơn giá, thời gian thực hiện nhiệm vụ đào tạo dạy nghề theo quy định của cấp có thẩm quyền; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, dạy nghề gắn với sử dụng nguồn nhân lực sau khi đào tạo xong; coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ đào tạo, dạy nghề của các cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài công lập; phân cấp tối đa cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đặt hàng đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng thuộc phạm vi cấp huyện quản lý.

Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đều khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch phù hợp, sát thực tế với nhu cầu học nghề của từng địa phương.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Yên Bái đào tạo nghề cho 11.327 người, đạt 81% so với kế hoạch (tăng 5,9 % so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó, cao đẳng nghề 480 người; trung cấp nghề 1.006 người; sơ cấp nghề 3.570 người; dạy nghề dưới 3 tháng 6.271 người. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 6.202 người.

Ông Nguyễn Bình Minh - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH cho biết, từ 2010 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 60 ngàn người, trong đó có trên 31 ngàn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956, đã có trên 70% lao động có việc làm sau học nghề.

Hoạt động dạy nghề đã đóng góp quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 45%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Mỗi năm, tỉnh có hàng ngàn lao động sau khi học nghề được các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng.

Mới đây, Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH nghề đã phối hợp với Công ty TNHH Unico Global, Công ty TNHH Daesung Global tuyển dụng 500 lao động nghề may công nghiệp theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động, dạy nghề theo địa chỉ sử dụng.

Một lớp học nghề may được tổ chức tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên.

Còn những khó khăn

Bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Yên cho biết: “Với nhiều giải pháp thiết thực: tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới hoạt động dạy nghề; dạy nghề theo nhu cầu của lao động... huyện Văn Yên đã có 54,4% lao động qua đào tạo, 38,7% lao động đã qua đào tạo nghề.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của thời kỳ đổi mới, việc dạy nghề ở Văn Yên vẫn gặp một số khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, do một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ, ý thức học nghề chưa cao, chưa muốn học nghề để đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế...”.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp lớn trong nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với Yên Bái hiện nay, lao động qua đào tạo chủ yếu từ trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng; tỷ lệ nhân lực có trình độ cao (từ trung cấp trở lên) còn thấp; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng của tỉnh.

Công tác tuyển sinh dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề của các trường dạy nghề gặp nhiều khó khăn vì nhận thức xã hội còn nặng tâm lý coi trọng học đại học.

Mặt khác, công tác hướng nghiệp, việc phân luồng học sinh chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ học sinh học các trường dạy nghề thấp. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp của tỉnh ít, quy mô sử dụng lao động không nhiều; chỉ tiêu được giao (hệ được cấp ngân sách) còn thấp, trong khi mức thu học phí cũng thấp, gây ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo; các trường dạy nghề chưa có sức hút đối với người học. Định mức kinh phí ngân sách Nhà nước cấp (phân bổ chi khác trên mỗi học sinh sinh viên) ở các trường dạy nghề là quá thấp so với mặt bằng chung của các tỉnh trong vùng nên chưa đáp ứng yêu cầu về vật tư thực tập cho đào tạo (định mức hiện bằng với các trường chuyên nghiệp là 1,7 triệu đồng/năm/học sinh đối với hệ trung cấp; 1,8 triệu/năm/học sinh đối với hệ cao đẳng). Liên kết đào tạo giữa các trường dạy nghề trong tỉnh với các trường ngoài tỉnh còn nhiều khó khăn.

Chỉ tiêu biên chế giáo viên các trường dạy nghề chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề giỏi, có kỹ năng nghề cao, đặc biệt đối với các nghề trọng điểm cấp quốc tế, Asean, cấp quốc gia. Sau khi sáp nhập, các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện thừa giáo viên dạy văn hóa, thiếu giáo viên dạy nghề. Các trung tâm gặp khó khăn trong hoạt động do hướng dẫn của các bộ chưa có quy chế về tổ chức hoạt động của các trung tâm. Tỉnh chưa có chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp (đặc biệt là chính sách với cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề và người học nghề). Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trung cấp nghề Lục Yên thiếu biên chế giáo viên dạy nghề cơ hữu, do đó, gây khó khăn trong hoạt động đào tạo.

Những vấn đề cần tập trung giải quyết

Học sinh dân tộc Mông học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Yên Bái. (Ảnh: Sơn Nam)

Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của dạy nghề được xác định là nâng cao chất lượng, tăng cường dạy nghề theo đơn hàng, địa chỉ sử dụng, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, Yên Bái cần tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, nhu cầu thị trường lao động về số lượng, chất lượng, bảo đảm cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo. Cùng với đó, cần điều tra, khảo sát, đánh giá chất lượng lao động, tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường lao động, tham mưu ban hành gói chính sách khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng cường kiểm định chất lượng dạy nghề, nâng cao tỷ lệ, chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đặc biệt là khu vực nông thôn... Cần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tăng cường dạy nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ của doanh nghiệp.

Trong đó, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp về số lượng và cơ cấu ngành nghề. Đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề theo hướng đạt chuẩn về kỹ năng nghề, nhất là những nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN, cấp quốc gia; đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; triển khai thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là giữa các trường với các doanh nghiệp trong bố trí giáo viên đi thực tế, học sinh, sinh viên thực tập, doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở dạy nghề đánh giá kỹ năng nghề của người học trước khi tuyển dụng, thành lập bộ phận quan hệ với doanh nghiệp, phát triển các trung tâm thực hành sản xuất và hợp tác đào tạo tại các trường dạy nghề.

Ông Nguyễn Bình Minh nhấn mạnh: “Cần đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh theo nhu cầu của thị trường lao động, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, các địa phương, gắn với xuất khẩu lao động. Thí điểm tổ chức các lớp đặt hàng dạy nghề theo cơ chế “3 bên” giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp; liên kết đào tạo với các trường dạy nghề ngoài tỉnh để đào tạo những ngành nghề mà các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu nhưng các cơ sở dạy nghề của tỉnh chưa đào tạo... mới đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”. 

Thành Trung

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục