"Thầy" Then đất quế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 3:30:54 PM

YBĐT - Đã 78 tuổi, nhưng bà Hoàng Thị Quán ở thôn Làng Chiềng, xã Ngòi A, huyện Văn Yên giọng vẫn trầm bổng, mượt mà bài hát Then truyền thống của người Tày “Đợi nàng”.

Bà Quán hàng ngày vẫn miệt mài nghiên cứu sưu tầm các bài hát Then của người Tày.
Bà Quán hàng ngày vẫn miệt mài nghiên cứu sưu tầm các bài hát Then của người Tày.

Nàng a lới.. Mì slim mà vạ pí ơi noọng a.. nỏ
Thả căn pây háng chiêng tềng lẻ kéo
Ơi .. nàng a nỏ nàng .. a .. lơi...
(Gọi nàng a ơi
Qua núi qua đèo thiết tha nàng à, nàng ơi..
Mùa xuân lá hoa nở
Riêng anh thiếu nàng a.., nàng ơi...)...

Chúng tôi nghe mà lòng cứ cuốn theo, say sưa, mê đắm từng lời. Càng nghe, càng thấm và chúng tôi đã hiểu niềm đam mê ấy chất chứa trong từng tiếng rung, độ vang ngân, lời ca say sưa của bà. “Ngay từ khi còn bé, mỗi lần nghe hát Then, bố tôi thường nói đây là làn điệu truyền thống của đồng bào mình nên con cần phải giữ lấy nó nhé. Như “ngấm” vào máu thịt, tâm hồn, cứ nghe, cứ ngẫm, rồi say từ lúc nào không rõ.

Hơn 40 tuổi bà đã thực sự trở thành “Thầy then” nơi đất quế này. “Lấy chồng tận Than Uyên (Lai Châu), sinh 11 người con, cuộc sống lam lũ kiếm miếng ăn, nhưng tôi vẫn yêu Then lắm". Một lần về quê, nghe lại điệu Then, cùng với sự động viên của bố, người thân trong nhà muốn tôi “nối nghiệp then”.

Thế là, bà bàn với chồng chuyển về quê sinh sống. Từ đó, bà có điều kiện nghiên cứu và học thêm các điệu then cổ. Mặc dù đến với “nghiệp” then muộn, song không vì thế mà niềm đam mê, yêu thích hát Then trong bà giảm đi mà nó đã phá tan rào cản của tuổi tác. Sau một vài năm chuyên tâm nghiên cứu, học cách lấy hơi, ngắt nhịp, các phách trong những giai điệu Then, giọng hát “trời ban” của bà đã “nổi tiếng” khắp vùng.

Năm 2007, bà đại diện cho Đoàn văn nghệ quần chúng của huyện Văn Yên tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ 9 với tiết mục hát Then “Khảm hải” bà đạt giải B đơn ca. Cùng năm đó, bà vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh bởi những đóng góp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Bà ơi, hát Then có khó không và nguồn gốc của các làn điệu Then ? Tôi hỏi.

- Hát then không chỉ là một làn điệu dân ca thông thường, mà nó tổng hòa nhiều môn nghệ thuật và phong tục khác như: hát, múa, đàn và tín ngưỡng.

Lời hát vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Lúc đầu hát Then chỉ có một người, tay đệm đàn, miệng hát, chân xóc chùm lục lạc.

Lời Then, hoà trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng sóc lục lạc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa bà Then, ông Then đến với "mường Trời" để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người. Do đó, người hát Then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

- Vậy, theo bà hát Then của người Tày và hát Khắp của người Thái có khác nhau không?

- Có chứ! Cách hát Then không khó nhưng đòi hỏi người hát phải giữ được giọng trầm, không cao và cũng không thấp, nhưng khi hát phải có độ vang, ngân. Còn hát khắp của người Thái lại là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ, một bài thơ, một truyện thơ, đồng thời cũng là một bài hát. Hát khắp đòi hỏi người biểu diễn phải có âm vực cao, độ ngân dài và đặc biệt phải có sự thay đổi âm tiết trong lúc hát lên cao.

Nghi lễ làm Then của người Tày.

Gần 80 tuổi và hơn 30 năm gắn bó với Then, bà Quán đã sưu tầm và viết lại khá nhiều sách để lại cho thế hệ sau. “Tôi rất tự hào vì mình là một trong những người còn gìn giữ được những nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào Tày huyện Văn Yên. Nhưng cũng khá buồn vì hiện nay tuổi đã cao vẫn chưa tìm được người để tôi truyền dạy và gìn giữ báu vật của tổ tiên, cha ông để lại”.

Chia tay bà Quán giữa hương thơm ngạt ngào, cay nồng của quế và mang theo những thanh âm mượt mà, sâu lắng của hồn người chứa chất. Những làn điệu Then ru dương bên tai như lời mời gọi mùa xuân:

Xe tang sai tháo lên
Các nọi khơi cho phép ý giàng ơi
Cho phép với chính phủ an tàng khăm nhang yên
Các nòi khòi, du mường à...
(Dân tộc Tày múa xòe đón xuân
Đón mùa màng tốt tươi
Cho mọi nhà hạnh phúc, ấm no).

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục