"Thủ lĩnh" vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:13:20 PM

YBĐT - "Từ trẻ nó đã có chí rồi. Nó nhanh nhẹn, hoạt bát và có tâm huyết xây dựng quê hương nên mới là thanh niên người Mông đầu tiên ở bản Dế Xu Phình vào đại học. Rồi được bầu làm Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch UBND huyện và đến nay đã là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải. Lớp trẻ nó hơn hẳn chúng ta rồi...".

Đồng chí Giàng A Tông - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra mô hình trồng ngô vụ đông.
(Ảnh: A cớ)
Đồng chí Giàng A Tông - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra mô hình trồng ngô vụ đông. (Ảnh: A cớ)

Trong cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông vùng cao, khi lớp băng trắng xóa trên những ngọn thông không ngừng dày thêm bởi luồng không khí lạnh tăng cường, tôi hiểu lắm lòng tin, sự tự hào xen lẫn niềm phấn khởi trong từng lời nói của ông Giàng A Di, 62 tuổi ở bản Khao Mang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang về "Thủ lĩnh" người Mông trên quê hương mình.

Cũng giống như ông Di, ở các xã đặc biệt khó khăn chúng tôi qua, cán bộ và đồng bào đều dành cho Giàng A Tông những tình cảm chân thành và quý mến. Một phần, đó là niềm tự hào khi người con của quê hương trưởng thành, phần khác, Giàng A Tông là cái đích phấn đấu, là mục tiêu cho các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng ở 116 thôn, bản lấy làm gương dạy dỗ con, cháu.

Xưa là thầy giáo của Giàng A Tông khi còn công tác trong ngành giáo dục, nay là đồng chí, đồng nghiệp cận kề giúp đỡ hỗ trợ Giàng A Tông trong chỉ đạo, điều hành công việc của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải - Vũ Tiến Đức khẳng định: "Đồng chí Giàng A Tông là cán bộ trẻ, có nhiều triển vọng, có trình độ, năng lực trong chỉ đạo, quản lý. Gương mẫu, tận tâm trong công việc, có uy tín, biết lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân. Dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm nên được bà con cũng như cán bộ, đảng viên rất quý mến".

Tôi biết Giàng A Tông và có ấn tượng đặc biệt khi anh làm "Thủ lĩnh" của hàng chục ngàn đoàn viên thanh niên Mù Cang Chải. Khi đó, anh nổi bật trong các Bí thư Huyện đoàn vùng cao lãnh đạo thanh niên tham gia chiến dịch tình nguyện mở con đường huyền thoại lên xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu). Ngày làm đường, mở lối vào bản, đêm đốt lửa trại giao lưu văn nghệ với những ca khúc cách mạng đầy nhiệt huyết cháy bỏng trong ngực trẻ.

Song, việc quản lý, dìu dắt, bồi dưỡng thanh niên vào Đảng ngay trên công trường tình nguyện vẫn được Giàng A Tông làm đâu ra đấy. Lớp trẻ vùng cao "nể" anh chàng người Mông, chắc nịch và cương trực ấy lắm. Nói là làm, việc gì cũng dứt khoát, không có chuyện nể nang dòng họ hay anh em, chú bác gì cả. Càng người trong nhà, càng "bị" Giàng A Tông “rèn” cho tới nơi tới chốn. Sở dĩ anh nói được, làm được như vậy cũng bởi ý chí quyết tâm "học lên cao" luôn chất chứa trong lòng.

Lớn lên trong gia đình người Mông đông con, nhiều cháu, Giàng A Tông hiểu lắm cái khốn khó của đứa trẻ khi không biết chữ, cái vất vả, lo toan khi ngày tết cận kề của người chủ gia đình nên anh quyết tâm "vào đại học cho bằng được".

Những năm 2000 về trước, chuyện học trò người Mông vùng cao học tới cấp hai trường huyện đã là hiếm lắm, nhưng với Giàng A Tông lại khác. Học xong cấp hai trường huyện, anh quyết tâm xa gia đình, vượt gần 200 cây số ra tỉnh học nội trú. Tinh thần học tập ấy của Giàng A Tông đã được đền đáp xứng đáng bằng niềm vui của cả bản, cả dòng họ khi nghe tin anh đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Nghị lực, ý chí quyết tâm của Giàng A Tông một lần nữa được khẳng định trong môi trường đại học. Từ cậu bé người Mông nhút nhát, hiếu học nơi vùng cao trở thành một thanh niên cần cù, chịu khó, không ngừng cầu tiến chốn đô thành hoa lệ. Gia đình nghèo, bố mẹ chỉ có 1 triệu đồng, vài bộ quần áo với chiếc hòm tôn cho anh về Thủ đô. Vì thế, ngay năm thứ nhất, Giàng A Tông đã vào xin việc làm tại căng - tin của nhà trường để có thêm tiền chi tiêu và mua sách vở học tập.

Thấy cậu sinh viên người Mông thật thà, chất phác, cán bộ nhà ăn đã đồng ý để anh vào rửa bát, bưng bê và phụ việc bếp núc với mức thù lao 400 ngàn đồng/tháng. Vậy là ngoài giờ lên lớp, Giàng A Tông có mặt ở căng - tin làm việc, tối đến học bài, ôn bài. Cứ như vậy, hết 4 năm đại học, Giàng A Tông chịu khó chắt chiu, tiết kiệm từng đồng và không phải xin thêm tiền của gia đình. Tốt nghiệp đại học, anh được nhận về làm việc tại UBND huyện Mù Cang Chải, đến năm 2004 trở thành Bí thư Huyện đoàn.

Giàng A Tông luôn gương mẫu đi đầu cùng thanh niên vận động đồng bào xóa bỏ cây thuốc phiện, làm lúa nước hai vụ, ăn ở hợp vệ sinh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin và xây dựng đời sống văn hóa, xóa nhà dột nát, xây dựng trường học cho em thơ vùng cao. Bà con tin yêu, lãnh đạo đánh giá cao vai trò và khả năng tập hợp thanh niên của anh. Năm 2011, Giàng A Tông được bầu làm Chủ tịch UBND huyện, tháng 6/2015, anh đã vinh dự được giữ trọng trách Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải.

Lần này, gặp Giàng A Tông tôi thấy anh đĩnh đạc hơn, trưởng thành hơn trong vai trò người đứng đầu. Anh điều hành cuộc họp Ban Thường vụ cụ thể, chi tiết đến từng nội dung, anh sâu sát cơ sở, thôn, bản đến từng vấn đề an sinh cuộc sống. Giống như khi làm công tác Đoàn, thi thoảng Giàng A Tông vẫn chủ động xuống bản bằng xe máy để "sâu sát hơn với cơ sở".

Anh bảo, như thế mình chủ động tới bất cứ địa bàn nào khi có sự việc cần thiết. Ví như năm 2012, huyện triển khai vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán theo chủ trương của tỉnh. Buổi sáng vừa quán triệt trên Hội nghị, buổi chiều cậu em họ báo tin "bản Kim Nọi đang chuẩn bị ăn tết rồi".

 Giàng A Tông giận lắm, phóng xe máy lên xã gặp ngay mấy ông nam giới đang say rượu, mấy chị phụ nữ vẫn đang ngồi khâu váy áo, anh khẩn trương triệu tập họp bản. Gặp Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Gia (là bác họ), anh nói dứt khoát: "Là Bí thư xã, nếu nhà anh không bảo nhau được, lại còn ngồi uống rượu thì mai anh nghỉ làm bí thư luôn đi!".

Tối đến, đợi ông bác đỡ say, Giàng A Tông mới thủ thỉ: "Chủ trương của tỉnh đúng đắn như vậy, cháu đã quán triệt rõ ràng trên huyện, bác đã đồng ý. Vậy mà, làm thế này còn gì gọi là đảng viên đi trước nữa?". Nghe vậy, Bí thư xã Kim Nọi hạ giọng: "Bác xin hứa sẽ bảo con cháu dừng ngay, không ăn nữa đâu".

Lần khác, ở xã vùng sâu Chế Tạo có người nhà một cán bộ không may qua đời, gia đình muốn để mấy hôm bón cơm rồi mới đem chôn, đang bận họp ở tỉnh, nghe tin, Giàng A Tông gọi ngay cho Bí thư Đảng ủy xã: "Anh đã học nghị quyết chưa? Chế tạo là xã hiếu học và tiến bộ thì không được để người chết trong nhà lâu thế. Nếu ngày không đẹp thì phải chọn giờ đẹp mà chôn cất cho đảm bảo vệ sinh môi trường và thực hiện nếp sống văn hóa mới".

Giàng A Tông tâm sự: "Nhiều vấn đề rất nhạy cảm vì là phong tục tập quán bao đời của bà con nên mình tuyên truyền vận động vừa mềm dẻo nhưng cũng phải cương quyết nếu không sẽ rất khó triển khai".

Lần này xuống cơ sở, Giàng A Tông đã có bằng lái ô tô nên trực tiếp cầm lái đưa chúng tôi đi nắm tình hình địa phương. Trên đường đi, anh kể cho nghe rất nhiều chuyện trong triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống, giúp dân xóa đói nghèo.

Từ chuyện người Mông các xã đã tự giác làm vụ đông xuân nên huyện không phải cứu đói, nhiều hộ biết làm giàu từ nuôi ong, nuôi dê, trồng thảo quả, sơn tra, tới chuyện thực hiện nếp sống văn hóa mới, dự trữ rơm rạ, làm chuồng trại che chắn cho trâu bò không bị chết đói, chết rét trong mùa đông.

- Dân là vậy, còn cán bộ thì sao? Tôi hỏi vui. Giàng A Tông trả lời đầy ý nhị nhưng không giấu nổi sự phấn khởi: Đường lên Mù Cang Chải giờ thuận lợi hơn nên nhiều cán bộ, đảng viên đã và đang học lái ô tô. Ở xã Nậm Khắt còn mời giáo viên lên mở riêng một lớp để học. Cô hiệu trưởng nhà trường mua được ô tô riêng đi làm rồi đấy!.

- Thế còn Bí thư?

- Giàng A Tông cười lớn:

- Mình phải lo cho dân sướng trước đã chứ!. Rồi vỗ vai anh chàng lãnh đạo xã Khao Mang một cái thật mạnh.

Nụ cười sảng khoái của “chàng trai” Bí thư Huyện ủy thế hệ 7X giữa trời đông giá rét như xua tan hết những nhọc nhằn, vất vả, như gạt đi tất thảy những âu lo, nghèo đói về phía sau.

Thanh Hương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục