Đầu xuân gặp người "ép đất" nở hoa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:16:35 PM

YBĐT - Như đã hẹn, đầu giờ sáng anh Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Đông An (Văn Yên) đợi chúng tôi tại trụ sở đưa đi thăm trang trại của một người nông dân “nói ít, làm nhiều”.

Anh Đông (trái) cùng lãnh đạo xã Đông An (Văn Yên) thăm diện tích chanh tứ mùa mới trồng năm 2014 đã cho thu hoạch.
Anh Đông (trái) cùng lãnh đạo xã Đông An (Văn Yên) thăm diện tích chanh tứ mùa mới trồng năm 2014 đã cho thu hoạch.

 Đã 12 năm trôi qua, tôi mới có dịp trở lại thăm trang trại của gia đình anh, thật ngỡ ngàng với những đổi thay ở một vùng đất trước đây bỏ hoang toàn chè vè, lau lách, nay đã được anh và các hộ dân nơi đây phủ xanh bằng cây quế, chanh, bưởi, nhãn…

 Hàng trăm héc-ta nối dài từ thôn Lâm Trường của xã Đông An vào đến thôn Khe Lép, xã Xuân Tầm. Bằng sự năng động và nghị lực “phi thường” anh Ngô Thành Đông -  thôn Đức Tiến, xã Đông An (Văn Yên) đã đi đầu làm “thức dậy” cả một vùng đất hoang hóa để bà con nhân dân trong vùng học tập làm theo, có cuộc sống khá giả như hôm nay.

Để chuẩn bị cho cuộc hành trình lên núi, chúng tôi đã chăm sóc con “ngựa sắt” khá chu đáo, nhưng lại không phải sử dụng nó, vì anh “nông dân” chân lấm, tay bùn trước đây, giờ đã sắm được chiếc xe ô tô bán tải hạng sang của Nhật lái xe đưa chúng tôi đi thăm trang trại.

Ngồi trên chiếc xe TOYOTA vượt dốc, qua suối nhuần nhuyễn theo sự điều khiển của anh Đông, tôi miên man nhớ lại kỷ niệm khi chúng tôi cùng đi chiếc xe máy của Trung Quốc qua suối cách đây hơn chục năm, mấy anh em còn phải dừng lại để khênh xe qua, thế mà bây giờ đã thay đổi nhiều quá. Con đường đất từ Xã Đông An vào thôn Khe Lép, xã Xuân Tầm khoảng gần chục ki-lô-mét đã được mở rộng, nhưng chỉ xe ô tô bán tải và xe tải 2 cầu mới đi được.

Cho xe dừng, anh Đông vừa mời mọi người xuống xe vừa giới thiệu: “Đây là thôn Lâm Trường của xã Đông An, giáp ranh với thôn Khe Lép của xã Xuân Tầm. Từ đây vào hơn 3 km, phía bên phải là trang trại của tôi đã trồng quế, bưởi, chanh tứ mùa và nhãn, còn bên trái là rừng quế của các hộ dân ở thôn Khe Lép, xã Xuân Tầm...”.

- Ôi trời, trang trại của anh bây giờ chắc phải có hàng trăm héc-ta?

- Ừ, cũng khoảng 300 ha, đất trong sổ đỏ được sử dụng là 260 ha, diện tích còn lại 40 ha là rừng phòng hộ phía trên mình cũng nhận trông coi bảo vệ.

- Anh làm cách nào mà mua được nhiều đất để làm trang trại lớn thế này?

- Kể ra chuyện dài lắm. Năm 2003, lúc chú lên thăm rừng keo của anh, khi đó gia đình mới mua được 40 ha, trồng keo và quế được hơn 2 năm. Sau khi khai thác chu kỳ đầu, mình thấy đất bà con bỏ hoang để chè vè, lau lách mọc thấy tiếc quá, vậy là dồn hết vốn liếng và vay thêm ngân hàng để mua mỗi năm một ít, đến nay mới có được trang trại này.

- Anh đầu tư vào trang trại hết bao nhiêu tiền rồi?

- Khoảng vài chục tỷ đồng, mình cũng lo lắm nhưng phải cố thôi, tý vào đến khu một uống nước xong, anh sẽ đưa các chú đi thăm vòng quanh trang trại ra phía ngoài, rồi ta về luôn.  

Cho chiếc xe dừng lại ở khu một, anh Đông mời chúng tôi vào ngôi nhà sàn, anh dựng để cho người lao động trong trang trại có chỗ ăn, nghỉ hàng ngày khi đi làm về. Rót chén trà nóng mời khách, anh chậm rãi nói: “Anh mời các chú vào thăm trang trại thay cho luyện tập thể dục thể thao, tý về ta uống với nhau chén rượu ngày đầu xuân thôi, đừng đưa anh lên báo, anh đã làm được gì đâu, viết lên ngại lắm!”.

- Tính anh ấy vẫn thế chú ạ! Làm được nhiều việc rồi mà vẫn rất khiêm tốn. Đã mấy lần các nhà báo đặt vấn đề đến thăm, tìm hiểu về chuyện làm trang trại của anh Đông, nhưng anh ý đều tìm cách từ chối khéo, đúng là “người thật, việc thật” chỉ biết làm thôi, không muốn khoe đâu” - anh Nguyễn Mạnh Hùng lên tiếng.

- Vâng. Em cũng biết mà, trước đây gia đình anh Đông, chị Yến cũng chỉ buôn bán dịch vụ nhỏ, khi có chút vốn đầu tư mua đất trồng rừng phát triển kinh tế hộ, nay đã xây dựng được cơ ngơi khang trang thế này rồi, em viết “người thật, việc thật” chứ không hề có ý định “lăng xê” gì đâu mà ngại - tôi đáp lời anh Hùng - Chủ tịch UBND xã.

Uống xong chén trà nóng, anh Đông cài cầu xe, tiếp tục đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh trang trại rộng 260 ha. Đường lên đỉnh Khe Lép - khu anh Đông mới đầu tư trồng những vườn bưởi, chanh tứ mùa, hoa nở thơm ngát cả vùng.

Dừng xe trên đỉnh đồi cao nhất, anh Đông chỉ tay xuống sườn đồi phía trước giới thiệu: “Khu vực này rộng hơn 60 ha, mình quy hoạch để trồng cây ăn quả. Năm 2014, đầu tư hơn 6 tỷ đồng làm đường, mua giống bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, chanh tứ mùa, phân bón, thuê nhân công... trồng được gần 40 ha, năm nay chanh bắt đầu cho thu hoạch rồi, còn bưởi đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Ngoài bưởi, chanh ra, năm 2015, mình cũng được dự án trồng cây ăn quả của huyện hỗ trợ 100 triệu đồng để trồng 4 ha nhãn chín muộn và năm nay sẽ cố gắng trồng thêm khoảng vài chục héc-ta nhãn chín muộn nữa. Diện tích còn lại từ đây ra, mình đã trồng được 200 ha quế 4 đến 5 năm tuổi, chỉ khoảng 3 năm nữa tỉa lá bán cũng được 500 - 700 trăm triệu/năm. Mời anh em lên xe, ra khu ngoài ta thăm quế, xong về ngoài nhà uống chén rượu xuân không muộn mất”.

Chiếc xe bán tải lại gồng mình “cõng” ba anh em chúng tôi vượt qua hàng chục quả đồi đường đất, hết lên dốc lại xuống dốc, có đoạn đường sạt lại phải chờ anh Đông gọi máy cuốc ra sửa đường mới tiếp tục đi được.

- Tuyến đường vòng quanh trang trại của anh bao nhiêu km?

- Khoảng trên 15 km, những năm trước, mình thuê máy cuốc làm được 8 km tốn kém quá, thỉnh thoảng hỏng lại phải đi thuê sửa đường, năm ngoái phải đầu tư mua máy cuốc và thuê một người làm thêm được 7 km nữa để chuyển phân bón lên chăm sóc cây và cũng để thuận lợi cho việc thu hoạch sản phẩm sau này.

- Anh làm lớn thế này bà con sao theo kịp được?

- Chú xem, phía bên kia đường hàng trăm héc - ta quế toàn là của nhân dân xã Xuân Tầm đấy. Trước đây, bà con cũng bỏ đất trống nhưng khi họ thấy mình mua đất trồng quế phát triển rất nhanh, bà con cũng trồng không ai bán đất nữa vì họ thấy được giá trị của cây quế rồi...

Ở khu ngoài trang trại của anh Đông cũng dựng một căn nhà gỗ 3 gian, thuê cấp dưỡng nấu cơm cho 30 lao động đi phát cỏ, chăm sóc quế về có chỗ ăn, nghỉ. Tôi ghé vào bếp hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Hợi ở xã Đồng Thịnh, Yên Lập (Phú Thọ) làm cấp dưỡng ở đây đã được 2 năm.

Chị Hợi tâm sự: “Mình làm việc ở đây mỗi năm chỉ về thăm nhà được 2 đến 3 lần vì công việc bận lắm, lúc nào cũng có người làm. Khu ngoài này có lúc lên đến 50 lao động, khu trong cũng thế, mùa cỏ mọc nhiều, hàng trăm lao động làm cũng không xuể.”

Lao động như chị Hợi, mỗi tháng được anh Đông trả 3 triệu đồng và nuôi ăn ở tại trang trại, còn các lao động phát cỏ quế vất vả hơn được trả 4 triệu đồng/tháng... Tôi nhẩm tính, tổng chi phí thuê người làm của gia đình anh mỗi năm phải hết vài tỷ đồng.  

Chúng tôi “say” chuyện làm trang trại của anh Đông quên đi cả thời gian. Vượt qua 15 km đường vòng quanh trang trại, trở về ngôi biệt thự anh xây tại trung tâm xã thay thế cho ngôi nhà tranh tre, nứa lá trước đây. Nhấp chén rượu gạo quê nấu bằng men lá địa phương, với các “sản phẩm sạch”: gà, cá, thịt lợn, rau... trồng ở trang trại, chúng tôi rôm rả chuyện.

Anh Hùng rót chén rượu đầy mời tôi và “bật mí” thêm: “Nói thật với chú, anh Đông khiêm tốn thôi, ngoài làm trang trại, anh còn xây dựng một nhà máy nấu tinh dầu quế, tiêu thụ sản phẩm và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động gián tiếp và 20 lao động trực tiếp tại nhà máy. Ngoài ra, đến vụ sắn phải thuê hàng trăm người băm sắn, tận dụng nhiệt khi nấu dầu quế sấy sắn bán cho các nhà máy ở các tỉnh miền xuôi lên đặt hàng... Trong hai năm gần đây, mỗi năm Doanh nghiệp của gia đình anh Đông đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 2 tỷ đồng và rất tích cực ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các chương trình khác của địa phương...”.

Chia tay với gia đình anh Đông, trong không khí ấm áp của mùa xuân mới, gia đình sum họp khi hai con của anh chị đang học đại học ở Hà Nội cũng về nghỉ tết. Tôi thầm chúc cho trang trại và doanh nghiệp của anh sẽ ngày càng phát triển, tạo được nhiều công ăn việc làm cho nhân dân các xã vùng thượng huyện Văn Yên và đóng góp tích cực hơn nữa cho ngân sách địa phương để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Khe Lép, tháng 1/2016
Minh Hằng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục