Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh- liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016)

Cuộc đời của mẹ

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2016 | 9:05:50 AM

YBĐT -Nếu như nỗi đau của mẹ Sinh là mất đi 2 người con dứt ruột đẻ ra, thì Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Tha, 92 tuổi cũng là nỗi đau mất đi người chồng, người con trai của mình.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Tha quây quần bên con cháu.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Tha quây quần bên con cháu.

Làng quê Hòa Cuông (Trấn Yên) của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sinh giờ đã có đường bê tông trải dài khắp các thôn. Những cánh đồng bạt ngàn ngô, lúa. Chiếc cầu mới xây đưa chúng tôi về với mẹ gần hơn. Cảnh vật đổi thay, không còn dấu vết hoang tàn của chiến tranh, bom đạn giặc Mỹ quét xuống từ những năm 60 thế kỷ trước, khiến nhà cháy, làng quê tan nát, mẹ cùng các con sơ tán. Có một gia đình 4 người đã không chạy kịp và mãi mãi thân vùi dưới đất sâu. Cũng năm bom đạn như mưa ấy, mẹ Sinh tiễn đưa 2 người con trai của mình tham gia chiến trường miền Nam, để rồi các anh mãi mãi không về. Nỗi đau thương mất mát đó, giờ vẫn còn hằn sâu trong mẹ.

Trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng bởi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hôm nay - trước ban thờ, mẹ Sinh đã ngoài 90 tuổi lại thắp nén nhang tưởng nhớ đến 2 người con của mình. Lần nữa, đôi mắt ngầu đục vì thời gian lại ngân ngấn lệ. Mẹ nhớ các anh, nhớ về ký ức tuổi ấu thơ lam lũ, vất vả, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Rồi những đêm hè khuya vắng, mẹ ru các anh ngủ bằng làn điệu dân ca đầy ắp tình yêu thương...

“Bố đi kháng chiến, là con trai cả nên chúng vất vả lắm, các cháu à! Vừa phải chăm nom các em, công việc đồng áng, chăn trâu phụ giúp mẹ. Quần áo chỉ có một bộ duy nhất, nên nhiều hôm, đi chăn trâu không có đồ thay nên chúng lại mang ra bờ ao tự giặt rồi vắt khô mặc tiếp. Hình ảnh của chúng vẫn còn nguyện vẹn trong tâm trí của bà!”- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sinh bồi hồi nhớ lại.

      Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sinh.

Mẹ Sinh có 8 người con, trong đó, 2 người con trai lớn là Đào Xuân Bính sinh năm 1946 và Đào Xuân Kỷ sinh năm 1949. Năm 1966, anh Bính lên đường nhập ngũ, cũng là quãng thời gian vùng quê Hòa Cuông bị giặc Mỹ ném bom điên cuồng và anh Kỷ cũng mới 17 tuổi. Trước cảnh quê hương bị tàn phá, các anh quyết lên đường thỏa nguyện chí làm trai vì quê hương, đất nước.

Ngày các anh đi, chỉ nhắn nhủ lại mẹ Sinh: “Con đi công tác. Mẹ và các em ở nhà yên tâm. Sống thì con sẽ trở về, không cần đưa tiễn con!”. Đấy cũng là những lời cuối cùng của các anh khi từ biệt mẹ Sinh. Mẹ Sinh chỉ còn biết gạt dòng nước mắt khuyên nhủ, các con lên đường nhớ giữ gìn sức khỏe. Anh Bính tham gia vào đội quân Thành đội Huế. Còn anh Kỷ tham gia chiến đấu tại chiến trường tại Bình Định. “Tôi còn nhớ như in hình ảnh hai anh trai mình khi chăn trâu. Do sơ ý để trâu vào vườn rau của người khác. Mẹ tôi chỉ mắng nhẹ, rồi khuyên nhủ các anh. Vậy mà…!” - anh Đào Xuân Tuất, người con trai thứ 5 của mẹ Sinh kể lại.

Câu chuyện về anh Bính, anh Kỷ qua những dòng thư gửi về hỏi thăm sức khỏe mẹ Sinh, những trận đánh dữ dội, những lời hứa sau hòa bình sẽ về bên mẹ và lấy vợ để mẹ có cháu bồng bế, bỗng trùng xuống, nghẹn lại. Mái tóc bạc trắng rủ xuống, khuôn mặt già nua như trũng lại, những giọt nước mắt tiếp tục lăn dài trên gò má của mẹ Sinh. Ngày 5/5/1968 - ngày mà chẳng người mẹ nào mong muốn khi nghe tin đứa con trai thứ hai Đào Xuân Kỷ đã anh dũng hy sinh tại Bình Định.

Nỗi đau này chưa nguôi thì đến tháng 3/1975 - chỉ còn hơn một tháng nữa là đất nước hòa bình thì mẹ Sinh tiếp tục nhận được hung tin, người con trai cả của mẹ hy sinh tại Huế. Nỗi đau dồn nỗi đau khiến mẹ Sinh tay bấu chặt thành ghế để nuốt từng cơn nấc nghẹn ứ trong cổ và những cái rùng mình mỗi khi nghĩ về các anh. Tôi cùng anh cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, chị cán bộ xã Hòa Cuông, tuy không ai nói ra nhưng đều một lòng thương cảm với nỗi đau của mẹ. “Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ vào Huế và Bình Định để tìm hài cốt anh trai của mình, nhưng cũng phải đến năm 2008 mới đưa hài cốt của anh Bính về quê. Còn anh Kỷ đến nay vẫn chưa tìm thấy!”- anh Tuất cho biết thêm.

“Mẹ thương thằng Kỷ lắm! Nó đi bộ đội khi còn quá trẻ! Vậy mà, nay vẫn chưa tìm được hài cốt của nó. Mẹ chỉ mong muốn, trước khi nhắm mắt có thể đưa hài cốt của Kỷ về quê cha, đất tổ. Có như vậy, mẹ mới an lòng”- mẹ Sinh lau nước mắt.

Nếu như nỗi đau của mẹ Sinh là mất đi 2 người con dứt ruột đẻ ra, thì Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Tha, 92 tuổi cũng ở thôn 8 xã Hòa Cuông là nỗi đau mất đi người chồng, người con trai của mình. Mẹ Tha là em cô của mẹ Sinh. Lúc còn khỏe, đi lại được, hai mẹ thường ngồi tâm sự, an ủi nhau cho vơi nỗi lòng để lấy thêm động lực động viên con cháu. Từ khi mẹ Tha bị tai biến không thể đi lại, mẹ Sinh tuổi cao, tai điếc thì những câu chuyện của họ chỉ là những lời động viên, hỏi thăm từ con cháu.

Mẹ Tha ngồi nhìn các cháu nô đùa, ánh mắt hiền từ trìu mến, rồi lại ngước lên bức chân dung của chồng, con trai: “Các con, các cháu đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Tôi đã giữ đúng lời hứa với ông!”. Nhìn sang bức chân dung của người phụ nữ gần 40 tuổi bên cạnh, mẹ Tha tự nhủ: “Chị ơi, nỗi đau lớn nhất của em chính là đã không bảo vệ được con trai của chị. Nhưng chị ơi, con tham gia chiến trường miền Nam đã được thăng là thượng sỹ, tiểu đội trưởng D94, K5. Mong chị ở dưới suối vàng, hãy hiểu cho nỗi lòng của em!”. Mẹ Tha hai hàng nước mắt lại tuôn trào, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng thương cảm.

Mẹ Tha là vợ thứ hai của ông Nguyễn Văn Phúc. Năm 1954, khi ông Phúc ra chiến trường làm chiến sỹ dân công hỏa tuyến mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đã để lại cho mẹ Tha 5 người con thơ dại. Để ông Phúc yên tâm lên đường, bà đã động viên: “Mình cứ đi, việc nhà đã có tôi”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Nhà nhà đón người thân trở về, còn mẹ Tha vẫn luôn đứng trước ngõ ngóng chồng. Thay bằng hình bóng người chồng thân thương là tờ giấy báo tử. Ông Phúc hy sinh ngày 28/3/1954, trong lúc đang làm nhiệm vụ ở Khe Lụa, Nghĩa Lộ. Mẹ Tha cùng người vợ cả của ông Phúc chỉ còn biết kìm nén đau thương để gắng gượng nuôi các con khôn lớn. Với một người phụ nữ mới hơn 30 tuổi như mẹ Tha mất đi người chồng trụ cột gia đình, chỗ dựa tinh thần, tình cảm, là mất mát rất lớn mà không gì có thể đổi được.

“Nhiều đêm, khi các con đã ngủ, mẹ tôi lại ra đầu ngõ nhìn về phía Tây như mong ngóng một điều gì đó từ rất xa. Mẹ tôi khóc, khóc âm thầm không nên tiếng. Bởi những hy sinh của mẹ mà anh em chúng tôi luôn động viên nhau vươn lên để an ủi, động viên mẹ phần nào!”- ông Nguyễn Văn Thúc, người con trưởng của mẹ Tha chia sẻ.

Ngỡ sóng gió qua đi, thì giông bão lại kéo đến. Vừa lúc mẹ Tha dần lấy lại tinh thần thì một lần nữa, bom đạn của giặc Mỹ lại dội xuống làng quê nghèo Hòa Cuông. Lần này, bom đạn đã cướp đi sinh mạng của người vợ cả của ông Phúc. Trước khi lâm chung, bà cả nắm tay mẹ Tha mà rằng: “Tôi không qua khỏi, con cái của tôi trông cậy hết ở bà!”. Bà cả qua đời để lại 4 người con, cùng với 5 đứa con của mình đã khiến cho mẹ Tha gánh nặng càng lớn hơn. Tuy khó khăn, thiếu thốn, nhưng với một lời hứa và đều là con của chồng nên mẹ đã không quản ngại gian khó chăm lo cho tất cả, ai cũng như ai. Rồi anh Nguyễn Văn Lễ - người con của bà cả được mẹ Tha hết mực yêu thương, nuôi dưỡng trưởng thành đã lên đường nhập ngũ.

“Lúc thằng Lễ vào chiến trường, lòng tôi cảm thấy vô cùng lo âu! Nhưng chí con đã quyết, đất nước lại gian nguy, tôi chỉ lén nhìn theo tiễn con lên đường". Người con trai trưởng của mẹ Tha là Nguyễn Văn Thúc, vì lo cho anh Lễ nên cũng đăng đơn nhập ngũ. Anh Lễ đi và rồi mãi mãi không về. Còn anh Thúc thì bị nhiễm chất độc da cam. Ngày nhận được tin anh Lễ hy sinh, cũng là ngày mẹ đau đớn nhất. Mẹ đã mất chồng, rồi lại mất con. Mặc dù không phải mẹ sinh ra, nhưng mẹ đã nuôi anh khôn lớn. Mẹ còn đau hơn vì trước lúc qua đời, bà cả có nhờ vả mẹ chăm các con. Vậy mà, mẹ đã không thể giữ trọn lời hứa. Mẹ khóc ròng bao đêm và lần mò tin tức về anh. Mãi sau này, có người cùng đơn vị của anh Lễ báo tin, hài cốt của anh đã được quy tập an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Dù đau buồn, thương xót, nhưng mẹ cũng thật tự hào về người con trai của mình. “Nhiều lần mẹ muốn được vào Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn để thắp cho thằng Lễ nén nhang cho nó bớt hiu quạnh, vậy mà không thực hiện được” - mẹ Tha nghẹn ngào.

Mẹ Tha, mẹ Sinh là 2 trong 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống hiện nay ở huyện Trấn Yên. Các mẹ đều có chung một nỗi đau, đó là mất đi người thân yêu nhất của mình. Mặc dù, các mẹ luôn tỏ ra cứng rắn, song trong sâu thẳm, các mẹ vẫn đau đáu nỗi đau người chồng, người con đã mãi mãi ra đi không trở về. Ai có biết những đêm trường mẹ nằm khóc lặng! Ai có thấu, một mình hiu quạnh bên đời. Chỉ có mẹ với nỗi đau và chỉ có mẹ mới hiểu nó đau nhường nào! Chiến tranh đã đi qua, cuộc sống yên bình cho mỗi gia đình. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn có chính sách quan tâm, động viên, hỗ trợ các mẹ để phần nào giúp các mẹ vơi bớt đi nhọc nhằn, gian khó.

Chị Đỗ Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên cho biết: “Ngoài tiền trợ cấp cho mỗi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên 3 triệu đồng/tháng và hơn 1 triệu đồng cho người nhận phụng dưỡng các mẹ thì từ ngày 1/7/2016, địa phương đã vận động các ngành, các tổ chức nhận phụng dưỡng các mẹ. Giá trị những khoản tiền trợ cấp tuy không lớn, nhưng nó phần nào cũng động viên các mẹ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”. Bên cạnh đó, vào các ngày lễ, tết, các địa phương, các ngành chức năng luôn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các mẹ.

Chiến tranh luôn song hành với đau thương! Mất mát lớn nhất là mất mát về con người. Đau thương lớn nhất là nỗi đau của người mẹ mất con, vợ mất chồng. Cho dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mẹ vẫn đau nỗi đau xé lòng, buồn nỗi buồn khô cạn, sống với kỷ niệm không phai, hình ảnh không mờ của những người thân yêu nhất. Nhưng các mẹ đều hiểu được cái giá của độc lập, tự do, nên các mẹ luôn tự động viên mình trước những mất mát, hy sinh, nỗi đau trải dài suốt cuộc đời. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sỹ đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang, chói lọi của dân tộc ta. Cuộc đời và sự cống hiến cực kỳ to lớn của các mẹ, mãi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ học tập và noi theo.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục