“Thấy sông, lòng mới thỏa…”

Kỳ II: “Thấy sự thật, lòng mới chừa”

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2016 | 10:10:21 AM

YBĐT - Trước mặt chúng tôi là người đàn bà Mông khá lầm lũi. Chị tên Phàng Thị Mai, ở thôn Sán Trá, xã Bản Công (Trạm Tấu) cũng trở về sau vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Dân bản bảo từ khi chị trở về cứ hay lầm lũi thế, ít nói, ít cười. Khi chúng tôi nhắc chuyện vượt biên, người đàn bà ấy bật khóc ngay lập tức...

Cán bộ phụ nữ xã Hồng Ca (Trấn Yên) thăm hỏi, động viên chị Hờ Thị Kề (người phụ nữ thứ 2, phải sang) sau khi từ Trung Quốc trở về.
Cán bộ phụ nữ xã Hồng Ca (Trấn Yên) thăm hỏi, động viên chị Hờ Thị Kề (người phụ nữ thứ 2, phải sang) sau khi từ Trung Quốc trở về.

>> Kỳ 1: Ảo vọng cuộc sống mới

Hé mở sự thật bên kia biên giới

Một căn nhà bằng phên nứa vẻn vẹn có vài mét vuông, một ít ruộng và hai đứa con cùng cái bụng bầu đã gần đến ngày sinh nở - đó là cuộc sống giờ đây của chị Hờ Thị Kề ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca (Trấn Yên). Chị trở về từ Trung Quốc vào hồi tháng 4 năm nay với cái bụng bầu này. Chồng chị đã lập gia đình với người phụ nữ khác.

Chị Kề gạt nước mắt mà nói: "Cuộc sống bây giờ rõ ràng cũng khổ, rất khổ, khổ hơn trước lúc đi rất nhiều. Nhưng như vậy, so với ở bên Trung Quốc vẫn là còn sướng hơn. Ở bên đó, tôi bị đưa qua nhiều gia đình, khổ lắm. Rồi tôi phải nói dối nhà chồng là chỉ về thăm con rồi sẽ sang ngay thì mới trốn được về Việt Nam".

Còn chị Dùa ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù (Trạm Tấu) như vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi sau những ngày vượt biên trái phép. Ánh mắt người đàn bà Mông này luôn cụp xuống suốt câu chuyện kể. "Họ bảo là sang đấy được sống sung sướng lắm, vẫn sẽ lấy chồng mới, rồi chẳng phải làm gì, chỉ việc ở nhà mà có cả bao tải tiền để tiêu. Cuộc sống của mình ở đây tuy cũng không thiếu ăn nhưng làm lụng vất vả. Mình nghĩ, nếu được sống sung sướng như thế thì con gì bằng. Nhưng khi sang đến bên kia, mình thấy toàn rừng với núi, mình bảo muốn về thì họ không cho về…".

Biết mình bị lừa, chị Dùa đã tìm cách trốn khỏi nơi bị nhốt. Nhiều ngày trời ròng rã vừa đi vừa chạy, đói, khát, mệt rồi chị được một người phụ nữ chỉ cho đến nơi có công an Trung Quốc và chị được trở về nhà. "Những nơi đi qua bên đó, không rừng núi thì toàn đất đá trơ trọi, trông còn nghèo khó hơn ở quê mình, thế thì lấy đâu ra cuộc sống sung sướng được. May mà trở về được và chồng vẫn chấp nhận, tha thứ, an ủi. Nếu không trốn được, chả rõ cuộc sống của mình giờ sẽ ra sao nữa" - người đàn bà Mông này không biết bao lần đưa tay lên gạt nước mắt. Anh chồng lặng lẽ bên cạnh, còn những đứa con cũng rơm rớm nước mắt theo mẹ. 

Trước mặt chúng tôi là người đàn bà Mông khá lầm lũi. Chị tên Phàng Thị Mai, ở thôn Sán Trá, xã Bản Công (Trạm Tấu) cũng trở về sau vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Dân bản bảo từ khi chị trở về cứ hay lầm lũi thế, ít nói, ít cười. Khi chúng tôi nhắc chuyện vượt biên, người đàn bà ấy bật khóc ngay lập tức. Chị kể, chị đi là do chị dâu họ cùng thôn rủ đi. "Chị ấy bảo tôi là người ta nói đi sang Trung Quốc sống sung sướng lắm. Chị ấy tuy cuộc sống ở nhà chẳng vất vả mấy mà chị ấy cũng đi nữa là.

Khi ấy, tôi cũng đang có chuyện buồn. Bố chồng cứ hay mắng chửi, hắt hủi nên tôi thấy chán. Thế rồi tôi đi cùng chị ấy, nghĩ rằng sẽ có cuộc sống tốt hơn. Khi chúng tôi vừa sang đến đất Trung Quốc thì bọn người đưa chúng tôi đi bắt đầu quát nạt. Chúng bảo chúng tôi không được khóc, không được buồn, thậm chí không được ho to. Ai mà bỏ trốn, chúng bắt được sẽ đánh cho sống không bằng chết, sẽ xẻo một bên ngực và châm tàn thuốc vào mặt… Chúng tôi sợ hãi vô cùng.

Rồi trong vòng 3 ngày, tôi bị chuyển giao qua bốn chủ buôn người. Lúc tôi và một chị người Kinh ở Yên Bái đang bị nhốt trong xe để bọn chúng đưa đi thì may mắn được công an Trung Quốc phát hiện, giúp đưa trở về Việt Nam. Cũng may chồng tôi vẫn tha thứ và chấp nhận tôi…". Cuối câu chuyện, người đàn bà này nói trong nước mắt một câu tục ngữ Mông, đại ý rằng: "Đúng là thấy sông, lòng mới thỏa, thấy sự thật, lòng mới chừa". 

Chị Sùng Thị Dùa ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù (Trạm Tấu) gạt nước mắt kể lại chuyện vượt biên trái phép.

Nỗ lực phòng chống buôn bán người

Ông Mùa A Của - Trưởng ban Công an xã Túc Đán cho biết: "Thời gian qua, trường hợp những phụ nữ đi khỏi địa phương thường thì cũng phải sau 1 ngày gia đình họ mới đến trình báo công an chúng tôi. Vì khi đó, các gia đình cũng mới biết là người nhà đã mất tích khi không thấy trở về, gọi điện không liên lạc được. Hơn nữa, người Mông có tục bắt vợ, sau một ngày nhà trai mới thông báo cho nhà gái biết khiến nhiều gia đình lại cứ nghĩ con gái họ theo trai về làm dâu nhà người ta nên có khi 2 đến 3 ngày sau mới đến trình báo. Thời điểm nắm được tình hình thường như vậy, nên việc tổ chức lực lượng truy tìm khó khăn. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện người thân vắng nhà, không liên lạc được cần sớm trình báo cho lực lượng chức năng biết để nắm tình hình kịp thời".

Ông Sùng A Mang - Trưởng ban Công an xã Nậm Có (Mù Cang Chải) cho hay: "Qua thực tế ở xã cho thấy, kẻ xấu thường hẹn chị em lên xe khách ra gặp bọn chúng ở những nơi xa, cách địa phương 50 đến 100 km như: Nghĩa Lộ, thị trấn Mù Cang Chải, có khi lên tận Than Uyên (Lai Châu) để lừa và đưa đi. Sau khi bị lừa sang Trung Quốc, nhiều chị em bỏ trốn, trở về được địa phương nhưng chúng tôi cũng khó khăn trong khai thác thông tin để đấu tranh với tội phạm vì bọn buôn người hay dùng tên giả, địa chỉ giả và khi bán thường qua nhiều đối tượng nên chị em không nhớ nổi tên tuổi. Cũng có những trường hợp chị em còn không chịu hợp tác khai báo thông tin, có lẽ vì tâm lý mặc cảm về những chuyện xảy ra trong thời gian ở bên Trung Quốc".

Nói về vấn đề này, Trung tá Lý Thị Cung - Phó trưởng Công an huyện Mù Cang Chải cho biết: "Do trình độ nhận thức hạn chế nên chị em thường nhẹ dạ, cả tin, dễ bị các đối tượng dụ dỗ vượt biên trái phép. Những chiêu lừa của kẻ xấu thường là tán tỉnh yêu đương, sau đó rủ nhau đi chơi ở nơi xa rồi đưa đi hoặc vẽ ra viễn cảnh cuộc sống sung sướng bên Trung Quốc, dụ dỗ chị em bỏ nhà đi. Lúc chị em đi thường nói là đi chợ, đi nương, đi với bạn trai rồi đi luôn. Khi các chị em bỏ đi thì thường từ 1 đến 2 ngày, thậm chí 3 đến 4 ngày gia đình mới báo cho chính quyền địa phương và công an nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình đấu tranh chống tội phạm".

Bà Lưu Thị Quế - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Trên địa bàn huyện Trạm Tấu, chị em phụ nữ bị lừa dụ dỗ vượt biên trái phép thường ở một số xã nằm giáp ranh với huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ có đường giao thông đi lại thuận tiện như xã Túc Đán, Trạm Tấu, Bản Công… Chị em bị dụ dỗ thường có hoàn cảnh khó khăn hoặc thiếu nữ mới lớn đang tuổi yêu đương, nhưng cơ bản vẫn là do nhận thức còn hạn chế của chị em. Chúng tôi đã và đang tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho chị em, nhất là sử dụng tư liệu tuyên truyền bằng hình ảnh về câu chuyện của chính những chị em đã vượt biên và may mắn trở về được".

Theo Thượng tá Sùng A Ly - Tổ trưởng Tổ công tác tăng cường cơ sở Công an tỉnh tại xã Bản Công (Trạm Tấu) thì qua nắm tình hình cho thấy, các đối tượng lừa đảo bằng cách nào đó không chỉ có được số điện thoại mà có khi còn nắm được cả thông tin gia cảnh của người phụ nữ mà chúng định dụ dỗ nên chúng càng dễ dàng dụ dỗ, lừa gạt chị em. "Xuất cảnh trái phép để lại nhiều hậu quả. Một mặt, chúng tôi tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân không để bị dụ dỗ, lừa gạt. Mặt khác, tăng cường nắm bắt tình hình cơ sở và triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm liên quan đến vấn đề này" - Thượng Tá Sùng A Ly trao đổi.

Thu Hạnh - Đức Hồng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục