Chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2016)

Nhịp cầu nối những bờ vui

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/9/2016 | 8:45:40 AM

YBĐT - Dòng sông Hồng đoạn qua Yên Bái gần 120 km hiện đã có bốn cây cầu lớn bắc qua sông, giờ thêm hai cây cầu mới đã rõ hình hài, các trụ cầu và đường dẫn đã hoàn tất… Với tiến độ như hiện nay, đến năm 2020 Yên Bái có sáu chiếc cầu hiện đại đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh đề ra.

Cầu Yên Bái - cây cầu chiến lược đầu tiên trên địa bàn tỉnh nối nhịp đôi bờ sông Hồng năm 1992. (Ảnh: Hoàng Đô)
Cầu Yên Bái - cây cầu chiến lược đầu tiên trên địa bàn tỉnh nối nhịp đôi bờ sông Hồng năm 1992. (Ảnh: Hoàng Đô)

Tôi vẫn thế, ngoài 40 tuổi rồi mà vẫn còn vẩn vơ nghĩ suy về những tháng ngày đã qua. Đôi lúc ngồi một mình thả hồn theo những “mớ” suy nghĩ liên miên từ góc bếp, ra đường, đến chợ, rồi lòng vòng chạy ra phố với người và người, lắng nghe mọi âm thanh, ngắm nhìn những điều diễn ra xung quanh… cứ miên man thế rồi quay trở lại hiện thực. Có những ngày nghỉ, tôi tự thưởng cho mình được nằm lì trên giường đọc tiểu thuyết, lúc lại lăng xăng sang hàng xóm buôn chuyện hoặc dành cả ngày lang thang theo bọn trẻ ăn quà vặt ở các ngóc ngách thành phố. Nhưng sớm nay, khi mở cửa, tôi thấy cả con phố rực rỡ cờ hoa, ngoài đường chính băng zôn, khẩu hiệu chăng đầy, chợt nhận ra đã đến ngày hội lớn của đất nước - Quốc khánh 2/9.

Tôi bước ra đường thì có điện thoại. Phía bên kia, anh bạn ở Văn Yên mời gia đình tôi lên chơi, năm nay cháu lớn của anh chị đỗ đại học. Vừa là ngày lễ vừa là ngày cháu chuẩn bị nhập trường, anh chị làm bữa cơm đoàn viên. Vậy là chúng tôi quyết định ngược về vùng đất quế.

Tôi đã đi Văn Yên nhiều lần, mỗi lần là một cảm nhận khác nhau. Lần này, tôi nhận thấy con đường như mềm mại, êm ái hơn, cảm giác khoan khoái khi nhìn về phía dòng sông Hồng thấy bãi bồi xanh mướt lúa, ngô, thi thoảng lại thấy hàng chục ghe chở cát xuôi dòng. Hỏi ra mới biết ghe chở cát cho công trình cầu Bách Lẫm và cầu Tuần Quán đang trong giai đoạn đổ móng. Tôi nhẩm tính, dòng sông Hồng đoạn qua Yên Bái gần 120 km hiện đã có bốn cây cầu lớn bắc qua sông, giờ thêm hai cây cầu mới đã rõ hình hài, các trụ cầu và đường dẫn đã hoàn tất… Với tiến độ như hiện nay thì đến năm 2020 Yên Bái có sáu chiếc cầu hiện đại đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh đề ra. Đến lúc đó thành phố sẽ đẹp xiết bao, hai bên dòng sông, các công trình, đường phố có lẽ sẽ tấp nập lắm! Quả là một kỳ tích.

Nhớ lại những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, người dân bên hai dòng sông Hồng này chỉ biết qua lại với những bến phà Âu Lâu, Trái Hút, những tên bến, tên phà, tên thuyền, tên đò là tiếng gọi thân thương mà cũng tiềm ẩn những âu lo khi mùa nước về. Tôi nhớ lắm, ngày 3/1/1990 lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có một sự kiện trọng đại: Khởi công xây dựng cầu Yên Bái - cây cầu hiện đại đầu tiên bắc cầu qua sông Hồng. Hôm đó, thực sự là ngày vui, từ người già đến người trẻ đều háo hức, tò mò.

Trong dòng người đến dự lễ khởi công, có người phơi phới niềm tin bởi Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh Yên Bái đi vào hiện thực và cả một  kỳ vọng về sự phát triển của ngành cầu đường Việt Nam nói chung, Yên Bái nói riêng. Có người lại tiếc nuối những hồi ức về bến phà Âu Lâu lịch sử. Tôi khi ấy còn là một thiếu nữ 15 tuổi cũng khát khao mong được nhìn những nhịp cầu đầu tiên, ước ao được đi - về trên cây cầu ấy. Rồi niềm vui đã thực sự vỡ òa, đúng vào ngày 30/12/1992, (trước tết Dương lịch năm 1993 chỉ 1 ngày) cầu Yên Bái đã được khánh thành đưa vào sử dụng.

Không thể nào tả hết được nụ cười, ánh mắt của những người lái xe ô tô khách, xe chở hàng lần đầu tiên qua cầu; nhân dân hai bên bờ sông Hồng qua lại cây cầu xuýt xoa tận hưởng như thể một kỳ quan bậc nhất thế giới. Rồi những dòng người từ dưới xuôi qua cầu Yên Bái vào Văn Chấn, Nghĩa Lộ, lên Mù Cang Chải, Trạm Tấu rồi sang Lai Châu, Sơn La cứ nườm nượp ngược xuôi… Bến phà Âu Lâu lùi dần vào quá khứ.

Nhận thấy rõ lợi ích kinh tế và tầm chiến lược của cầu Yên Bái, trong năm 1992 cây cầu thứ hai của tỉnh bắc qua sông Hồng ra đời đó là cầu Mậu A. Từ đây, trục động lực kinh tế của huyện Văn Yên được phát huy hiệu quả, việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, khu công nghiệp huyện được hình thành, việc khai thác quế, lâm sản, khoáng sản thuận lợi vì thế mà bộ mặt huyện lỵ có nhiều khởi sắc…

Đến giữa cầu Mậu A, tôi tấp xe vào ven cầu, tranh thủ hít thở không khí thiên nhiên, rồi ngắm nhìn một vùng huyện thị, bên tả, bên hữu, nhìn những dòng phương tiện đi lại mới thấy cây cầu chính là “linh hồn” của mảnh đất này. Tôi thả mình tưởng tượng, nếu như không có cây cầu thì những cảnh đời, những hình hài thị tứ kia sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ không ai hình dung rằng có ngày hàng trăm, hàng ngàn chiếc ô tô kia có mặt ở nơi này, nhà máy, xí nghiệp, công trường mọc lên ở nơi đây, bao con em được đến trường thuận lợi và có công ăn việc làm.

Vậy là ý tưởng trong tôi cứ dần hiện rõ. Tôi quyết định sẽ dành một ngày cho dòng sông này - nơi “nâng đỡ” những nhịp cầu tương lai của quê hương. Tôi vượt lên cầu Trái Hút - điểm cầu đầu tiên từ lúc con sông Hồng hòa vào tỉnh Yên Bái, cảm giác thật choáng ngợp. Khoảng cách cao gần 100 m từ đỉnh cầu xuống lòng sông làm tôi hơi sợ bởi phía dưới nước chảy xiết, có lẽ đoạn này khi thi công rất khó khăn, tôi nghĩ vậy.

Ngồi trong quán nước ở chợ An Bình, anh Bàn Quốc Thắng - người dân địa phương cho biết: “Trước năm 2010, khi ấy chưa có cầu, năm nào bến Hút này (bến phà Trái Hút) cũng có người chết đuối, mùa cạn thì đỡ, mùa nước lớn cả tháng chỉ có vài lượt người bên xã Đông An, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng sang thôi. Khổ nhất là học sinh và những người làm ăn buôn bán. Từ ngày có cầu, học sinh sang bên này học đông hơn, các xe chở quế, sắn, gỗ rừng đi lại nườm nượp, chợ An Bình trở nên tấp nập, hàng hóa phong phú, ai cũng vui lắm!”.

Trở về Yên Bái, tôi không về nhà mà thong thả cho xe chạy dọc quốc lộ 32C, dừng lại bên cầu Văn Phú. Còn nhớ ngày nhỏ, mỗi lần đi xa về chỉ cần nghe loa tàu thông báo về tới ga Văn Phú là tôi mừng khấp khởi vì biết sắp về đến nhà. Khi ấy, ngồi trên tàu, mẹ tôi thường chỉ ra bờ sông, nơi có con đò năm nào cũng đứng đó như đợi sẵn kể: “Ngày mới tái lập tỉnh Hoàng Liên Sơn, mẹ thường phải qua bến phà kia sang sông cùng mọi người đi về Minh Quân, Hiền Lương mua thóc, gạo, thực phẩm về cho cơ quan. Lúc ấy là thời bao cấp, khó khăn lắm, hôm nào mua được thóc gạo thì tuần ấy mọi người không phải ăn độn mỳ, ngô, sắn nữa…”.

Câu chuyện về bến đò ấy gợi lại trong tôi. Tôi cố lục tìm trong trí nhớ mà không nhận thấy dấu vết xưa nữa, có gì đó tiếc nuối nhưng lòng tự bảo lòng rằng bến đò đã hoàn thành sứ mệnh của mình, giờ đây cây cầu Văn Phú đang thay thế nó. Ở thành phố này, cầu Văn Phú là cây cầu thứ 3 (khánh thành và đi vào sử dụng năm 2002) bắc qua sông Hồng giờ như một “chàng trai tuổi 17”, nó đã trở thành cây cầu nối thành phố Yên Bái với trục cao tốc Nội Bài - Lào Cai mở ra một một thời kỳ mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nếu như trước kia, khi chưa có đường cao tốc, cầu Văn Phú vẫn được cánh lái xe đường dài nhớ đến đầu tiên khi rời Yên Bái về các tỉnh dưới xuôi. Vai trò, vị trí của nó là “thai nghén” cho một thành phố phát triển mở rộng sang bên sông.

Nhìn ngược dòng tôi nhận thấy rõ mặt trời đang chiếu thẳng một trục, trên dòng lấp lánh thêm hai nhịp cầu, tạo thành ba tam giác đồng dạng khổng lồ. Kia cầu Tuần Quán rõ ràng hai nhịp cầu và một đường cầu tạm chênh vênh bắc ngang sông. Xa nữa, cầu Bách Lẫm cũng hiên ngang trụ giữa dòng nước, những cần trục đang vươn lên trời cao trút những dòng bê tông mềm mại xuống mố cầu … Trong khoảnh khắc tôi tự hỏi kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 này, Yên Bái sẽ trở thành “phượng”, “rồng”, “thiên nga” hay một cái tên gì đây khi mà một trục động lực kinh tế đang hiện hình rõ nét: những dự án sân golf Ngôi Sao Yên Bái quy mô 27 lỗ kết hợp với nghỉ dưỡng, nằm trong khu du lịch sinh thái Hồ Đầm Hậu, huyện Trấn Yên; dự án Vincom Shophouse Yên Bái trên bán đảo công viên Yên Hòa; dự án Trung tâm thương mại, khách sạn Hoa Sen Yên Bái… và nhiều dự án khác đã và sẽ đầu tư vào Yên Bái hứa hẹn thay đổi bộ mặt của tỉnh, giúp Yên Bái bắt kịp xu hướng của thời đại, kết hợp kinh doanh độc đáo, hỗ trợ tạo nhiều việc làm cho người dân trong tỉnh, tạo nên những trung tâm kinh tế vùng, là đòn bẩy kinh tế giúp Yên Bái khai thác được những tiềm năng sẵn có, trở thành trung tâm kinh tế giữa vùng Tây và Đông Bắc.

Chiều buông. Cảnh sắc thiên nhiên đã chuyển màu, nhường lại cho không gian cả một dải ánh sáng lung linh từ những ánh đèn cao áp. Tôi thấy rõ hai bên dòng sông những tòa nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại, công trình Bệnh viện 500 giường nổi bật nằm trung tâm giữa 3 cây cầu… Tôi tin lắm, không xa đâu thành phố miền núi này sẽ xứng tầm đô thị loại II như tiêu chí đặt ra. Trên con đường ven sông này, ngày thêm tấp nập những chuyến tàu sắt vào ra sân ga, những công chức, học sinh đến công sở, nhà trường, những gương mặt rạng rỡ của các anh chị công nhân đến xưởng máy, những chuyến xe ngược xuôi chở hàng hóa hòa vào trục cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi muôn nơi; lại thấy người người ở mọi miền đến với Yên Bái du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng và trên dòng sông đỏ ánh phù sa kia, Yên Bái sẽ nằm trong trục giao thông đường thủy Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai - Trung Quốc… Sự sống đang tràn đầy trong từng khoảnh khắc của thành phố. Tiếng “hát” từ những nhịp cầu ấy sẽ nối những bờ vui tương lai.

Thanh Thủy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục