“Nhuộm” ruộng hoang bằng sắc vàng hoa cải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2016 | 7:03:36 AM

YBĐT - Mù Cang Chải sẽ “nhuộm” sắc vàng rực rỡ của hoa cải lên hàng trăm héc-ta ruộng bậc thang ở các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và nhiều xã khác ngay trong vụ đông xuân 2016 - 2017 này. Cái tin ấy đã khiến tôi chẳng ngại đi quãng đường 200 km để lên huyện miền núi đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực thu hút khách du lịch.

Những cánh đồng hoa cải rực rỡ sẽ thu hút khách du lịch đến với vùng cao Mù Cang Chải. (Ảnh: Tô Hải)
Những cánh đồng hoa cải rực rỡ sẽ thu hút khách du lịch đến với vùng cao Mù Cang Chải. (Ảnh: Tô Hải)

Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Trọng Khang xác nhận: “Đúng! Chúng tôi đã quyết tâm làm và chắc chắn thành công! Cả nông dân, doanh nghiệp và huyện đã nhìn thấy cái lợi từ việc trồng cải”. Những ai gắn bó với vùng cao Mù Cang Chải đều biết, nơi đây ruộng đất không thiếu; sức sáng tạo và tinh thần chịu khó lao động, cộng với sự hỗ trợ của Chính phủ đã giúp bà con vỡ đất, khai hoang được khoảng 4.000 ha ruộng trên các sườn đồi, vệ núi.

Những cánh đồng La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đẹp như một bức tranh, trở thành danh thắng cấp quốc gia. Ruộng không ít nhưng nhiều hộ vẫn thiếu lương thực vì khí hậu nơi đây khắc nghiệt lắm. Mùa đông lạnh giá, nhiều diện tích đất chỉ bỏ hoang. Lúa cấy xuống là chết, có sống được cũng không ra bông, có năm ra bông rồi mà không thể chín. Vậy là cả nghìn héc-ta đấy bỏ hoang, màu đất thâm nâu, lơ phơ gốc rạ trong gió rét vùng cao.

Tìm kiếm loại cây trồng bảo đảm yếu tố phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là dễ tính, dễ làm, phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc Mông luôn là khát khao, là sự ấp ủ của nhiều thế hệ cán bộ từ huyện tới tỉnh. Với sự nỗ lực rất cao ấy những cây trồng mới đã, đang và sẽ được đưa vào gieo trồng đại trà ở Mù Cang Chải như: khoai tây, lúa mì và từ năm 2016 này sẽ là cây cải dầu.

Ý tưởng trồng cây cải dầu đến từ ông Đào Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Đạt. Là người gắn bó với vùng cao Mù Cang Chải, lại chung suy nghĩ, làm gì để người Mông nơi đây sản xuất được trên những thửa ruộng bậc thang sau khi thu hoạch vụ lúa mùa. Và cũng giống như bất kỳ ai khác, khi ăn thủy, hải sản, hương vị cay nồng của mù tạt dường như không thể thiếu.

Mù tạt chiết xuất từ hạt cải, nhu cầu ăn mù tạt ngày càng cao, vậy nhà sản xuất phải dùng lượng nguyên liệu hạt cải ngày càng lớn để ép tinh dầu! Ý tưởng nông dân Mù Cang Chải trồng cây cải lấy hạt để cung cấp cho các nhà sản xuất chợt lóe lên và được ông Đào Xuân Thịnh đưa ra bàn luận rất nghiêm túc với cán bộ lãnh đạo huyện Mù Cang Chải.

“Nghe chuyện trồng cải là tôi khoái ngay, bao đời nay người Mông mình trồng cải rồi nên chuyện phù hợp với đất đai, khí hậu hay trình độ canh tác thì khỏi bàn. Nguồn lợi mỗi héc-ta thu 30 triệu đồng tiền bán hạt thì đã rõ nhưng trồng cải dầu mà chỉ lấy hạt thì chưa đủ đâu, còn bao cái hay từ cây cải nữa” - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Giàng A Tông vẫn vẻ hóm hỉnh nói với chúng tôi như vậy.

Qua trồng khảo nghiệm cho thấy, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, bà con làm đất gieo hạt cải, khoảng 20 đến 25 ngày sau là rau sẽ lên xanh. Thời điểm ấy, thời tiết vùng cao rất buốt giá gần như chẳng có một loại sâu nào sống nổi nên bà con không mất công sức và tiền bạc cho việc phun thuốc sâu và điều đó đồng nghĩa với việc rau bà con làm ra sẽ là rau sạch.

Hương vị cải dầu cũng chẳng khác gì cây cải của đồng bào Mông, ăn giòn, ngon, ngọt khi đem xào, luộc, nấu canh và nhất là nhúng lẩu, chắc đây sẽ là thứ rau khó có thể bỏ qua của các bà nội trợ dù là bình dân hay giới thượng lưu ở các thành phố lớn.

Đồng bào Mông trồng rau cải trên những thửa ruộng bậc thang sau khi thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Anh Hải)

Theo tính toán, ở mức độ chăm sóc vừa phải, điều kiện thời tiết bình thường (không băng tuyết như vụ rét lịch sử đầu năm 2016 ở Mù Cang Chải) mỗi héc-ta rau cải sẽ cho thu 2 tấn hạt, giá thu mua mà doanh nghiệp cam kết, tối thiểu là 15 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi héc-ta sẽ cho thu 30 triệu đồng. Vậy là tổng thu cao hơn cấy lúa nhưng lợi nhuận còn hơn lúa vì chi phí thấp, làm không vất vả. Vậy là hàng nghìn héc-ta ruộng không phải bỏ hoang; hàng trăm hộ dân, hàng nghìn lao động sẽ có việc làm, thu nhập.

Nhưng đúng như lời Bí thư Huyện ủy Giàng A Tông: “Cái hay của việc trồng cải dầu không dừng lại ở đó mà sắc hương hoa cải sẽ mời gọi, cuốn hút du khách thập phương lên với Mù Cang Chải”. Vụ cải bắt đầu từ tháng 11, tháng 12, đến thời điểm tháng 2, tháng 3 hoa nở. Hãy thử hình dung 500 ha rau cải cùng đua nhau nở hoa, biến cả một vùng đất dọc quốc lộ từ Cao Phạ, qua La Pán Tẩn, Dế Xu Phình đến Chế Cu Nha đều vàng rực hoa cải trong tiết xuân Tây Bắc sẽ mê đắm du khách đến nhường nào.

Hoa cải nở bung sắc vàng khi đào rừng đỏ thắm vừa kết thúc và khi hết mùa hoa cải lại đến mùa nước đổ, nhà nông Mù Cang Chải lấy nước vào ruộng, cày bừa, làm đất gieo cấy lúa. Đó hẳn là những “đặc sản” mà chỉ ở Mù Cang Chải mới có để thu hút du khách đến khám phá và cảm nhận!

Ông Hờ A Tông - một trong những hộ dân đầu tiên ở La Pán Tẩn trồng thử nghiệm cây cải dầu kể: “Khoảng tháng 10/2015, anh Đào Xuân Thịnh cùng cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải về xã vận động bà con trồng cây cải dầu. Hạt giống phía Công ty cấp không, hạt thu được phía Công ty cam kết mua hết. Khi nghe cán bộ nói là trồng cải để lấy hạt nên bà con mình còn ngại, chưa muốn làm ngay, vì cái mới, cái lạ bà con mình chưa hiểu được".

"Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã quyết định, 100% cán bộ xã tiên phong làm trước, tôi là Chủ tịch Hội Nông dân xã nên không những trồng mà còn cho nhiều anh em trong xã mượn toàn bộ khu ruộng của gia đình ngay dưới trụ sở xã để trồng. Không cần phải đầu tư chăm sóc nhiều, 2 ha rau lên rất mạnh. Tiếc là vụ rét vừa rồi xảy ra băng tuyết, La Pán Tẩn bị nặng nhất nên nhiều diện tích cải bị chết. Khoảng nửa héc-ta gieo sớm và ở vị trí thấp, khuất gió nên chịu được. Rau ăn rất ngon. Tháng 2, hoa nở rực rỡ, nhìn rất thích mắt, du khách từ khắp mọi nơi đến ngắm nhìn và chụp ảnh” - ông Hờ A Tông nói.

Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn - Hảng Xáy Chông cho biết thêm: “Vụ cải dầu đầu tiên không thể nói là thành công nhưng người Mông ở La Pán Tẩn này biết rõ cải là cây dễ trồng, hiệu quả kinh tế, vì thế mà anh em cán bộ xã tin tưởng sẽ gieo trồng được hơn 100 ha ngay khi kết thúc thu hoạch vụ lúa mùa này. Huyện sẽ đưa cán bộ xuống cùng chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật. Về đầu ra thì yên tâm hơn vì doanh nghiệp cam kết tiêu thụ hết. Họ còn gửi sẵn tiền ở ngân hàng huyện để bảo lãnh. Anh em chúng tôi đang triển khai cho dân làm. Hẹn các bạn và du khách dịp tháng 2, tháng 3 lên La Pán Tẩn ngắm sắc vàng hoa cải”.

Từng đoàn khách du lịch vẫn kéo lên Mù Cang Chải để ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín, để thả mình trong làn nước suối trong, dưới tán rừng nguyên sinh Chế Tạo, thưởng thức hương cốm mới hay nồi thắng cố nóng hổi. Chúng tôi chia tay Mù Cang Chải khi lúa mùa đang chuyển sắc vàng, hẹn xuân sang lên ngắm đào rừng đỏ thắm, ngắm biển vàng hoa cải nương và thưởng thức nhiều đặc sản khác của huyện miền núi này.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục