Ở nơi “tấc đất, tấc vàng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2016 | 7:15:50 AM

YBĐT - Nằm trọn vẹn trong lòng chảo Mường Lò rộng lớn, có lẽ hiếm địa phương nào của huyện Văn Chấn lại thanh bình, trù phú như Thanh Lương. Sự chuyển mình của đất khởi nguồn từ thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới với sự năng động, nhạy bén của chính những nông dân chân lấm tay bùn đã trả về cho Thanh Lương những giá trị khác biệt mà không phải địa phương nào trong vùng cũng có, khi mỗi tấc đất ở đây thực sự là một “tấc vàng”.

Chị Hoàng Thị Mừng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc dưa hấu với anh Hà Văn Sinh - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã.
Chị Hoàng Thị Mừng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc dưa hấu với anh Hà Văn Sinh - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã.

Chuyện đất đai ở Thanh Lương hiếm nghe thì lạ nhưng đó lại là chuyện thật. Chủ tịch UBND xã - Hà Văn Đoàn bộc bạch: “Phải nói là đất ở Thanh Lương rất ít. Toàn xã mới chỉ có hơn 311 ha đất tự nhiên. Thanh Lương cũng là xã có diện tích đất ít nhất của huyện Văn Chấn. Chính sách chia ruộng đất năm 1992, bình quân mỗi khẩu ở địa phương được 730 m2, hiện diện tích đất bình quân chỉ còn được khoảng chừng 500 m2/khẩu. Dân số của xã giờ đã tăng lên trên 3.000 người với gần 900 hộ. Khó khăn là những người sinh sau năm 1992 không có ruộng. Định suất ruộng chủ yếu được chuyển từ ông bà, cha mẹ sang cho con cháu. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với địa phương khi mà trên 40% số hộ làm nông nghiệp thiếu đất sản xuất”…

Thế nhưng, hơn 4 năm bền bỉ, quyết tâm xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của bà con đã khấm khá lên trông thấy. Bản làng cũng ngày một khang trang, đẹp đẽ hơn. Rõ nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa về đến tận ngõ xóm; thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác vượt mức trên 100 triệu đồng/1ha... đã trả về cho Thanh Lương những giá trị khác biệt mà không phải địa phương nào trong vùng cũng có.

Vào Thanh Lương mùa này, có cảm giác như đang đi giữa vùng quê lúa Thái Bình, chứ không phải ở một địa phương thuộc vùng núi của tỉnh Yên Bái. Những bản làng trù phú gợi lên một cuộc sống đủ đầy, sung túc. Nhịp sống yên ả của một làng quê thơ mộng mang dáng dấp phố núi khiến cho những ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này khó lòng mà rời xa.

Thong dong trên con đường bê tông chạy dài giữa cánh đồng ngút ngát một màu xanh của lúa, ngô và cả những tràn ruộng chỉ riêng trồng dưa hấu, mới thấy người dân Thanh Lương quả là rất cần cù, chịu khó. Chính sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường của những nông dân “một nắng hai sương” đã không chỉ mang về cho đồng đất Thanh Lương những loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao mà những tổ hợp tác xã, ngành nghề mới cũng đã và đang được nhân rộng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 40% lao động nông nghiệp dôi dư ở địa phương. Xu hướng ly nông không ly hương nhìn thấy rõ nhất ở lớp trẻ, khi mà trên mỗi tấc đất của cha ông để lại đã cho họ cơ hội để trở thành những triệu phú của làng.

Đưa chúng tôi đến thăm cánh đồng dưa hấu của cặp vợ chồng trẻ Hoàng Văn Khương - Hoàng Thị Mừng, sinh năm 1991 ở thôn Bản Khinh, anh Hà Văn Sinh - cán bộ địa chính, nông nghiệp của xã nói như khoe: “Lớp trẻ bây giờ tư duy làm kinh tế năng động lắm, lại dám nghĩ dám làm nữa. Dưa hấu, dưa lê là những cây trồng mới, đang cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Thế nhưng, đầu tư làm lớn, quy mô bài bản theo cách dồn điền đổi thửa thì mạnh nhất lại là những chủ ruộng trẻ tuổi”.

Ngắm nhìn những luống dưa xanh chạy dài, thẳng đều tăm tắp nổi cao trên mặt ruộng, những trái dưa căng tròn, khoe mình trên mặt luống phủ ni lon, tôi tin vào điều mà anh Sinh nhận định, ấy là có đất đai thì làm giàu ở nông thôn Thanh Lương không phải là quá khó.

Hỏi chuyện trồng dưa hấu, chị Mừng nở nụ cười tươi rói: “Dưa hấu năm nay được mùa, giá cả lại khá ổn định do thị trường đầu ra thuận lợi nên tâm lý nông dân rất phấn khởi. Dưa hấu trồng được cả 3 vụ trong năm, năng suất đạt khoảng 3 tấn/1.000 m2/vụ; giá giao động từ 7.000 đồng - 10.000 đồng, có lúc lên tới 12.000 đồng/kg bán buôn ngay tại vườn, tính ra thu nhập cao gấp mấy lần làm lúa mà chi phí chỉ mất khoảng 1/3. Nhà nông chúng em trồng cấy ra sản phẩm mà có thương lái đến tận vườn thu mua thì còn gì mừng hơn!”

Chỉ tay về phía cuối ruộng dưa, chị bảo: “Ruộng nhà có ít nên vợ chồng em phải đấu thầu thuê lại đất ruộng lân cận của những hộ trong thôn không có nhu cầu làm nông nghiệp để mở rộng diện tích gieo trồng. Toàn bộ diện tích canh tác dưa hấu của gia đình đang có chừng 5.000 m2, chỉ trồng chuyên một loại giống dưa Bắc Ninh, ruột đỏ, vỏ mỏng, ngọt đậm, tiêu thụ dễ”. Được biết, vụ dưa năm ngoái, mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm chăm bón, thế nhưng mức thu nhập của gia đình anh Khương, chị Mừng cũng đạt tới trên 400 triệu đồng.

Tại thôn Bản Khinh, ngoài mô hình trồng dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao của vợ chồng chị Mừng, còn phải kể đến ông chủ trẻ Hoàng Văn Chuyên, sinh năm 1986 có diện tích trồng dưa hấu trên 3.000 m2, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng. Không ồ ạt làm theo phong trào, hiện xã Thanh Lương có hơn chục hộ chuyển đổi thành công đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây rau màu, chủ yếu là dưa hấu và dưa lê, với diện tích khoảng 6 ha. Trong đó, có trên 3 ha trồng dưa hấu, tập trung chủ yếu ở thôn Bản Khinh.

Cũng là người nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường để chuyển dịch hướng đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, anh Sinh không chọn cách độc canh một loại cây trồng mà kết hợp nhiều loại cây, con. Trên diện tích đất hơn 4.000 m2 anh dành ra 2.000 m2 đất trồng dưa hấu, phần còn lại trồng bí đỏ.

Anh Sinh cho hay: “Trồng dưa năng suất nhưng lại tốn công chăm sóc mà gia đình thì neo người làm nên chọn cây bí đỏ để trồng là phù hợp. Tuy năng suất thấp, chỉ đạt 1tấn quả/1.000 m2/vụ nhưng giá bí quả lại rất ổn định, bình quân 10 nghìn đồng/kg, tiêu thụ dễ dàng quanh năm”. Sử dụng 100% giống lúa thuần chất lượng cao trên diện tích 2.000 m2 gieo cấy lúa 2 vụ, kết hợp với nuôi cá ruộng chủ yếu ở vụ thu đông, cộng với phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, tổng các nguồn thu nhập một năm, gia đình anh Sinh đạt xấp xỉ 250 triệu đồng - con số mà không một nông dân nào không mơ ước.

Mô hình canh tác lúa - cá của gia đình ông Hà Nguyên Đính, thôn Khá Hạ cho hiệu quả kinh tế cao.

Không khó để nhận ra sản xuất nông nghiệp ở Thanh Lương đang phát triển và chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa. Với gần 169 ha gieo cấy lúa, chỉ riêng trong 5 năm qua, diện tích sản xuất từ 2 vụ tăng lên 3 vụ của xã đã đạt con số 150 ha, tăng 45 ha so với năm 2010. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất, trong đó diện tích lúa nước áp dụng phương pháp thâm canh SRI tăng từ 30% lên 70%; giống lúa thuần chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích gieo cấy; cây ngô trồng trên đất 2 vụ lúa đạt năng suất 5 tấn/ha, tăng 1,5 tấn... đưa tổng lương thực có hạt của xã vượt ngưỡng 2.400 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt xấp xỉ 800 kg/năm. Không còn là điều mơ ước khi mà giờ đây trên đồng đất Thanh Lương giá trị thu nhập đã đạt con số 110 triệu đồng/ha. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được nông dân chú trọng ứng dụng. Sức người đang dần được thay thế bằng máy nông cụ khi cả xã đã có tới 85 máy cày, máy bừa - điều mà chỉ vài năm trước thôi, nhiều nông dân còn chưa dám nghĩ tới.

Rời Thanh Lương, đã nghe trong gió hương lúa mới quấn quýt khói lam chiều quanh những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường, Thái. Nhìn những ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà sàn cột bê tông, tôi chợt nhớ tới câu nói của Chủ tịch UBND xã - Hà Văn Đoàn khi chia sẻ về cách làm của địa phương trong việc huy động nguồn lực sức dân tham gia dựng nông thôn mới: “Hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có công sức và trí tuệ đóng góp rất lớn của dân. Ví như tiêu chí về nhà ở - một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao, địa phương đã thực hiện thành công nhờ vào sáng kiến làm đổi công, giúp công xây dựng của Tổ hợp tác xã Xây dựng Bản Lào. Hay như những cách làm mạnh bạo, hiệu quả trong xây dựng các tổ hợp tác xã...”.

Thanh Lương đang chuyển mình bắt nhịp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, rõ nhất đó chính là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người dân. Chẳng còn quá xa vời khi mục tiêu và đích đến cao nhất của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân thì điều này đã hiện hữu ở Thanh Lương. 

Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục