Rạo rực mùa quế Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/10/2016 | 2:47:42 PM

YBĐT - Tháng Chín Âm lịch, nắng gay gắt hanh hao. Chúng tôi đi hết xã này đến xã khác của huyện Trấn Yên đúng trong kỳ thu hoạch. Dưới đồng ngào ngạt lúa vàng. Trên đồi, quế nồng nàn tỏa hương. Mùa thu hoạch quế gần như kết thúc, nhưng tất cả lại bắt đầu với quế ở chu kỳ mới - vụ trồng mùa thu.

Năm 2015, sản lượng quế vỏ trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt khoảng 2.850 tấn. (Trong ảnh: Người dân thôn 7, xã Đào Thịnh thu hoạch quế).
Năm 2015, sản lượng quế vỏ trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt khoảng 2.850 tấn. (Trong ảnh: Người dân thôn 7, xã Đào Thịnh thu hoạch quế).

>>Trấn Yên: Sâu róm phá hại 132 ha quế

Cuối buổi, mấy tràn ruộng ở thôn 5, thôn 6 xã Đào Thịnh chỉ còn trơ gốc rạ, vắng người. Mải ngắm đoạn đường bê tông uốn lượn đậm màu xi măng, tiếng máy cưa vang vọng lẫn trong tiếng nói, tiếng cười từ trên quả đồi đầy nắng ngay trước mắt, chúng tôi mới biết mình vào đến “khu sản xuất” khi nào không hay.

Anh Đặng Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh chỉ ngược lại con đường nói với chúng tôi: “Đóng góp mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tháng Tám vừa rồi chúng tôi đã hoàn thành bê tông hóa gần cây số đường từ “khu nhà xây” vào đến “khu sản xuất” này. Khoảng 700 triệu đồng, người dân đóng góp trị giá trên 300 triệu đồng đấy! Nhưng bà con phấn khởi vì việc vận chuyển ra - vào khu sản xuất ở thôn 7 tiện lợi rất nhiều”.

Thì ra khu sản xuất mà Phó Chủ tịch Trung nói chính là vùng trồng cây lâm nghiệp, mà quế là chính. Thế mới hiểu tại sao mấy em, mấy chị chúng tôi vừa gặp cứ thơm nức với những cuộn vỏ quế trên vai. Không biết hương lan tỏa từ đồi đang khai thác hay từ đồi quế vừa khép tán đang xào xạc trong gió bên kia suối, nhưng không gian trở nên rạo rực, nồng nàn.

Anh Nguyễn Trí Tuệ - người đứng đầu của một tổ hợp tác sản xuất lâm nghiệp ở thôn 7 này lại là người ở thôn 5, xã Đào Thịnh. Sau khi xuất ngũ, năm 1993 anh Tuệ vào thôn 7 nhận đất trồng rừng với suy nghĩ đơn giản là để có công ăn việc làm. Sau hơn hai chục năm anh Tuệ lại “đứng mũi” cùng 6 hộ khác trong tổ hợp tác “thâm canh rừng” trên diện tích 32 ha, trong đó gần 7 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, 3 ha măng tre Bát độ và cây chè Bát tiên, còn lại là quế.

Đồi nọ tiếp đồi kia trước là cây nguyên liệu giấy, giờ dặt chỉ có quế, tới gần hai chục héc-ta. Đồi thưa cây là quế đã có trên 10 năm tuổi, chỗ dày mới trồng, chỗ lại mới tỉa cho cây khép tán. Chuyển sang trồng quế vì gia đình anh Tuệ cùng các gia đình trong tổ hợp tác đều biết rõ hiệu quả của cây quế.

Tổ trưởng Tuệ bộc bạch: “Năm nay có 2 ha quế được khai thác, anh em tôi trồng bổ sung 2 ha nữa và sẽ lại là quế. Nói thật, quế là cây kinh tế lại có thể phòng hộ, nên chúng tôi đang mong muốn được Nhà nước đồng ý cho chuyển nốt 8 ha rừng bảo vệ sang trồng quế đấy, hiệu quả hơn nhiều vì diện tích đó giờ cũng toàn cỏ gianh, lau lách”.

Chà! Ham thế! Nhưng chính cây quế đã làm giàu cho anh Tuệ và các thành viên tổ hợp tác, làm giàu cho người dân ba thôn 5, 6, 7 và một số thôn khác của xã Đào Thịnh. Ba thôn có trên 300 hộ dân thì khoảng 80% số hộ đã xây nhà kiên cố. Cái tên “khu nhà xây” mà lãnh đạo xã nói tới chính là nơi có 80% số hộ có nhà xây, là khu vực chiếm tới 2/3 diện tích trồng quế của xã, nơi tập trung nhiều tỷ phú, triệu phú nhất ở Đào Thịnh.

Trong câu chuyện về quế, Phó Chủ tịch Trung có kể về thời kỳ thực hiện chính sách giao đất giao rừng. Chẳng ai nghĩ tới chuyện vào rừng, chẳng ai muốn nhận đất. Vì chỉ tiêu trên giao, có cán bộ xã phải ghi tên mình vào danh sách, để sau này phải nhận tiếng “lấy hết” rừng của dân. Rồi quế giống nhận về không đem trồng mà người dân đổ ra suối nên có chuyện “quế giống làm tắc dòng chảy”.

Giờ thì đã khác, năm 2016 xã Đào Thịnh có kế hoạch trồng 60 ha quế, trong đó 70 hộ đăng ký trồng 45 ha, hộ ít cũng 0,5 ha, đạt diện tích để tỉnh hỗ trợ.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên Nguyễn Tiến Chiển phấn khởi xen vào câu chuyện của lãnh đạo xã Đào Thịnh: “Cả huyện đã có 10.300 ha quế rồi, người dân giờ năng động lắm. Bà con trồng quế mật độ dày hơn trước, đến năm thứ tư bắt đầu tỉa thưa để có thu nhập, năm thứ 10 mật độ mới ổn định để dăm năm sau thu tiền tỷ. Vỏ, lá, cây, cành ngọn thu tất, giá trị lắm nên ai cũng bỏ phân chăm sóc. Năm ngoái sản lượng vỏ quế của huyện đã xấp xỉ 2.900 tấn rồi đấy anh ạ!”.

Hiệu quả thế, giá trị thế nên người dân các địa phương chứ chẳng riêng gì Đào Thịnh đã “thích và ham” với cây quế. Quế đã được trồng ở tất cả các xã thị trấn của huyện Trấn Yên, trong đó 18 xã có diện tích trồng tập trung.

Một số xã có diện tích quế lớn là: Kiên Thành, Hồng Ca, Tân Đồng, Y Can, Đào Thịnh, Hòa Cuông, Minh Quán… Nếu chẳng bởi con đường trở ngại thì chắc hẳn sẽ có nhiều người sẽ đến Y Can để tham quan vùng quế và chiêm ngưỡng những ngôi biệt thự dưới chân rừng cây xanh ngát.

Xã rộng 3.524 ha thì có tới 2.900 ha đất lâm nghiệp, trong đó trên 850ha được phủ lên bằng cây quế, còn lại là cây nguyên liệu giấy. Nghề rừng đã bám dễ, ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân Y Can từ thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Ở đây từng có những đội lâm sinh của Lâm trường Việt Hưng nổi tiếng. Con cháu những cán bộ công nhân của Lâm trường giờ đây tiếp nối nghề, thêm đó là ảnh hưởng của truyền thống trồng quế lâu đời của đồng bào Dao trong vùng nên tất cả đều trở nên giàu có.

Anh Nguyễn Văn Hoạt - người có thâm niên làm cán bộ địa chính kinh tế xã Y Can dẫn chúng tôi vào sâu những thôn trồng quế. Trên đường, anh Hoạt  “khoe” rất nhiều về những thôn nhiều cây, lắm của. Đó là hộ Triệu Đức Lợi ở thôn Minh An có 5 ha quế chưa khép tán (khoảng 4 năm tuổi) mà người ta đã trả giá tới 1 tỷ 650 triệu đồng.

Rồi chuyện những ngôi biệt thự của hai chục hộ ở thôn An Hòa (giáp Đồng Song, xã Kiên Thành) được xây lên hoành tráng nhưng không có điện sinh hoạt. Họ bàn nhau, mỗi hộ đóng góp 5 triệu đồng kéo điện từ thôn Đồng Song về dùng cho sướng. Rồi những Triệu Đình Khoa ở thôn Minh An; Dương Đức Văn thôn An Hòa, Lê Trung Toàn thôn Khe Chè, Dương Trung Nguyên ở An Thành… toàn là tỷ phú.

Dừng chân bên ngôi biệt thự mới tinh của vợ chồng anh Nguyễn Văn Chiến và Triệu Thị Hiền ở thôn An Hòa. Lấy nhau chưa đầy hai chục năm, nhưng đó chính là khoảng thời gian anh chị bỏ công kiến thiết được chừng 20 ha rừng. Diện tích ấy giờ có hơn nửa là quế, nửa là keo và bồ đề. Trong ngôi biệt thự tiền tỷ, câu chuyện vợ chồng anh Chiến luôn tỏ ra khiêm tốn khi nói về diện tích rừng của mình.

- Chẳng làm được mấy đâu! Năm nay tôi khai thác cả quế, cả bồ đề chắc khoảng 4 ha. Tới đây tôi trồng lại 4 ha, nhưng chỉ quế thôi đấy.

- Sao anh chỉ trồng quế? Tôi hỏi.

- Giờ bão lốc nhiều, trồng keo và bồ đề dễ bị gãy đổ, quế có đổ nhưng ít hơn! Mà nhà báo cũng thấy rồi đấy, trồng quế, trừ gốc cây không đào được còn chúng tôi thu tất; 4 - 5 năm tỉa thưa lần một và bắt đầu có tiền.

Nói rồi anh Chiến dẫn chúng tôi ra vườn giới thiệu về số quế giống được che chắn cẩn thận. Đây là số quế giống gia đình vừa mới nhận từ vườn ươm đạt chuẩn, chờ có mưa, bớt nắng là sẽ mang trồng. Tôi chợt nhớ đến lời Phó Chủ tịch UBND xã Y Can Nguyễn Thanh Tuyến khi trao đổi về mục tiêu phát triển vùng quế, trong đó quy hoạch tập trung ở khu Đá Mài, Đá Trắng, Khe Sâu, Khe Chè.

“Anh cứ vào xem quế đi, chỉ dăm ba năm nữa thôi, ở vùng này sẽ có tới 80% hộ dân có nhà xây cao tầng” - Phó Chủ tịch Tuyến thôi thúc chúng tôi. Được biết, năm 2014, cả xã Y Can có 731 ha đến nay đã tăng thêm được 150 ha nữa. Năm nay, đã có 145 hộ ở 8 thôn đăng ký trồng mới 189,3 ha quế. Thực tế chắc cao hơn nhiều, vì đây chỉ là những hộ đăng ký trồng từ 0,5 ha trở lên để được nhận 3 triệu đồng/ha theo chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn An Hòa, xã Y Can  kiểm tra quế giống chuẩn bị cho vụ trồng cuối năm 2016.

Phó Chủ tịch Tuyến cho hay: “Xã chỉ đạo trồng thay thế và chuyển đổi diện tích trồng keo, bồ đề kém hiệu quả sang trồng quế. Đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương theo chủ trương của tỉnh đấy anh ạ! Dân mình thấy quế giá trị là làm ngay. Chúng tôi tin sẽ có thị trường và cùng hướng đến mục tiêu đưa diện tích quế của huyện lên 15.000 ha vào năm 2020”.

Vậy ra chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển vùng trồng cây hàng hóa tập trung đã đến xã, đến thôn và người dân Trấn Yên như vậy. Và cũng phải đến thôn, đến xã mới biết người dân hồ hởi, hăng say với cây quế thế nào. Vậy nên kế hoạch 6.910 ha quế trồng mới từ nay đến năm 2020 trên địa bàn là hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Ngay năm 2016 này, huyện dự kiến trồng mới khoảng 1.500 ha, thế mà diện tích người dân đã trồng và đăng ký trồng tới 2.300 ha, trong đó diện tích từ 0,5 ha/hộ trở lên đạt trên 1.000 ha.

Anh Nguyễn Tiến Chiển cho hay: “Chúng tôi phối hợp với các xã thực hiện nghiêm túc các bước nghiệm thu từ đất trồng, vườn giống, thời vụ trồng và nghiệm thu tỷ lệ cây sống; đảm bảo làm sao để nguồn hỗ trợ của tỉnh được thực hiện hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện kế hoạch trồng quế hàng năm của huyện từ nay đến năm 2020”.

Đang kiểm tra việc chuẩn bị đất trồng quế thì chuông điện thoại của Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đổ dồn. “Xã gọi điện báo là người dân đăng ký thêm diện tích trồng mới đấy anh ạ!” - Chiển cho biết ngay sau khi gác máy. Một chiếc xe chở đầy cây giống đi qua. Giống quế đấy! Giống tiếp tục về các vườn hộ để mấy bữa nữa có mưa là quế lên đồi. Trấn Yên trở nên rạo rực khi mùa trồng quế nữa lại cận kề!

Tháng 10/2016
Quang Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục