Giáo viên mầm non: Bộn bề vất vả, chồng chất thiệt thòi

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2016 | 8:26:54 AM

YBĐT - “Mùa xuân ai đi hái hoa mà em đi nuôi dạy trẻ…”- cô giáo Thanh Hoa cất giọng hát nhè nhẹ rồi quay ra nói với tôi: “Hay không anh, đẹp nữa chứ? Lời ca hay và đẹp nhưng giáo viên mầm non chúng em thiệt thòi và tủi thân lắm!”.

Cô và trò Trường Mầm non xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải trong giờ học.
Cô và trò Trường Mầm non xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải trong giờ học.

Lời tâm sự của cô giáo Hoa giữa lúc mọi người đều hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam đã khiến tôi quyết định tìm hiểu công việc của ngành học mầm non để biết thêm công việc, nỗi vất vả và sự thiệt thòi của các cô.

Biết tôi đi thực tế để viết bài về nghề nuôi dạy trẻ, bà xã liền bảo: “Cứ ở nhà trông hai đứa con 1 ngày thôi là biết ngay trông trẻ sướng hay khổ”. Nhớ lại hôm vợ vắng nhà hai buổi, tôi phải đánh vật với hai đứa con, một lên 4 tuổi, một lên 2 tuổi, khiến tôi lại thấy sợ.

Nó nghịch ngợm, quấy khóc, vệ sinh rồi thay đồ, tắm gội, cho ăn, ru ngủ… nói nhẹ không nghe, quát mắng chúng lăn ra khóc. Trông hai đưa trẻ mà còn dễ stress đến vậy, các cô giáo mầm non ngày nào cũng chăm sóc mấy chục đứa thì vất vả biết nhường nào, chẳng thế mà đến thăm các lớp học bất cứ giờ nào cũng thấy các cô tất bật.

Nếu như các ngành trong khối nhà nước thời gian làm việc từ 7 giờ 30 phút sáng thì giáo viên mầm non phải có mặt tại trường muộn nhất cũng là 7 giờ. Đến sớm quét dọn, lau chùi, mở cửa cho thông thoáng phòng học, chuẩn bị đồ dùng dạy học, mọi công việc phải nhanh chóng để đến giờ là ra cửa lớp đón trẻ - một phần việc không hề đơn giản tý nào, đặc biệt vào các thời điểm đầu năm học hoặc thứ Hai. Khi nề nếp chưa ổn định, các cháu thích ở nhà chơi hơn đi học nên rất nhiều cháu quấy khóc; một bạn khóc đòi mẹ, nhiều cháu khác đang ngoan bỗng khóc theo, thế là cả lớp biến thành “dàn đồng ca mùa hạ”.

Thi thoảng có cháu đang viêm họng khóc to quá nên nôn, ói ra quần áo, lớp học, thế là các cô vừa phải dỗ dành vừa quay ra lau dọn, thay áo và cho cháu uống sữa bù. Đón trẻ xong, cô giáo tiến hành hoạt động theo quy định: nào thể dục, múa hát, vẽ tranh, đọc thơ theo các chủ đề, như: nghề nghiệp, gia đình…

Giờ ăn trưa, các cô chia thức cho từng cháu, hướng dẫn các cháu tự xúc, những cháu nhỏ hơn hoặc lười ăn thì lại dỗ dành, bón đút, không để cháu đói bụng, quấy khóc, rồi giảm cân, suy dinh dưỡng. Chạy góc này bón cho một cháu, chạy sang góc kia bón cho cháu kia, tiếp đến là khen ngợi cháu này ăn tài, động viên cháu khác ăn chậm…

Gần 1 tiếng trẻ mới ăn xong, giáo viên làm vệ sinh cho trẻ rồi cho chúng đi ngủ. Bấy giờ, mới đến giờ các cô ăn thì bát cơm đã không còn nóng, âu canh cũng đã nguội. Có lẽ bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội cũng có giờ nghỉ trưa hoặc nghỉ giữa ca, riêng ngành học mầm non thì hoàn toàn không! Hơn 2 tiếng buổi trưa, khi các cháu ngon giấc thì các cô lại cặm cụi làm đồ dùng, đồ chơi, soạn mấy trang giáo án, thi thoảng lại ngừng tay để quan sát trẻ ngủ, đề phòng có cháu thức giấc trêu chọc bạn hoặc nghịch dại.

Các ngành học, bậc học khác thời gian đứng lớp ít hơn giáo viên mầm non rất nhiều, nếu phải ở lại trông trưa thì nhà trường đều thu tiền của phụ huynh để bồi dưỡng cho các cô, riêng ngành học mầm non thì tuyệt đối không. Các cô mầm non mặc nhiên phải làm quần quật từ 7 giờ sáng đến 4 giờ 30 phút chiều, nếu phụ huynh nào vì bận công việc không đi đón được thì cô phải tiếp tục kiên nhẫn đợi hoặc phải đưa cháu về tận nhà.

Cô giáo Minh Huệ ở xã Khao Mang (Mù Cang Chải) cho biết: “Ngoài việc nuôi dạy trẻ như mọi người đã biết, phần lớn giáo viên mầm non phải làm rất nhiều công việc kiêm nhiệm khác như: y tế học đường, sách thiết bị, phổ cập giáo dục, thủ quỹ…”.

Tất cả những vất vả kể trên đại bộ phận các cô đều cố gắng vượt qua hết, riêng áp lực tạo ra bởi chính phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội đang khiến các cô rất tủi thân. Chẳng hạn như: nhiều phụ huynh xúc phạm, mắng, chửi cô giáo nếu con họ bị ngã, bị bạn cào xước hay đùa nghịch va chạm làm xây xát...

Một cô giáo đề nghị không nêu tên ở thị trấn Yên Thế (Lục Yên) tâm sự rằng: “Mấy chục năm chăm chỉ, cần mẫn làm việc tốt, đến một hôm, không may học sinh bị tai nạn, thế là phụ huynh đến chửi bới, rồi viết đơn thư đi khắp nơi; mạng xã hội tung hình ảnh, bài viết để rồi mọi người tha hồ ném “gạch đá”. Rất ít người động viên, chia sẻ rằng, đó chỉ là một tai nạn không mong muốn, cô quan sát, giữ gìn làm sao hết mấy chục đứa trẻ đang tuổi hiếu động; có cô nào muốn trẻ cào xước mặt nhau, cắn vào tay bạn chảy máu, đẩy bạn ngã mà họ quy kết trách nhiệm, mặc sức chửi bới rồi đơn thư kiện cáo cô giáo”.

Các cô giáo cho trẻ ăn tại Trường Mầm non Cường Thịnh (Trấn Yên).

Theo tính toán, giáo viên mầm non làm việc 9 giờ/ngày và 5 ngày/tuần; như vậy 1 năm, các cô sẽ phải tham gia khoảng 2.000 giờ dạy; so với các cấp học còn lại, số giờ dạy của giáo viên mầm non ở mức rất cao. Cụ thể ở bậc tiểu học giáo viên dạy 23 tiết/tuần, tương ứng với 805 giờ dạy/năm; đối với cấp trung học cơ sở thì giáo viên dạy 19 tiết/tuần, tương ứng với 735 giờ dạy/năm; đối với cấp trung học phổ thông thì giáo viên dạy 17 tiết/tuần, tương ứng với 629 giờ dạy/năm; tại các trường dân tộc nội trú, số giờ dạy của giáo viên còn thấp hơn nữa.

Như vậy, ngành giáo dục và đào tạo đang để giáo viên mầm non làm thêm giờ nhưng không trả công, điều ấy có nghĩa là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Lao động! Dự thảo quy định thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố suốt từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được thông qua và áp dụng nên câu chuyện “giáo viên mầm non dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày làm việc 6 giờ, làm vượt sẽ được nhận tiền lương dạy thêm giờ” mà Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra chưa biết bao giờ mới thành hiện thực, dù rất đúng chính sách, pháp luật.

Bộn bề vất vả, chồng chất thiệt thòi nhưng đại bộ phận các cô giáo ngành học mầm non từ thành phố tỉnh lỵ, đến bản Mông Trạm Tấu, Mù Cang Chải vẫn yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết với công việc của mình, có lẽ bởi vì cô “quá yêu thương những đôi môi đỏ, những đôi má tròn”, cô yêu “từng đôi mắt sáng, long lanh như những giọt sương…” mà nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã viết trong bài hát “Cô đi nuôi dạy trẻ”.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục