Từ trong mây trắng đi ra

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2017 | 10:13:45 AM

YBĐT - Đi về phía Tây Nam của thành phố Yên Bái, tôi gặp lại sông Hồng. Tôi men ngược dòng trôi, đi về phía núi đồi, về một miền đất có cái tên rất thân quen: Phong Dụ. Tôi tin ở gió, tin ở sông cứ ngược dòng trôi mà đi. Hơn bảy mươi cây số, nơi ngòi Hút đổ vào sông là bến sang Phong Dụ.

Quế - cây làm giàu của đồng bào Dao huyện Văn Yên.
Quế - cây làm giàu của đồng bào Dao huyện Văn Yên.

Nghe kể, ngày xưa Phong Dụ là cả một vùng rừng núi mênh mông, đường giao thông, xe cộ vào ra rất khó khăn. Vài ba tháng máy bay trực thăng từ Hà Nội bành bạch trên trời vòng vo mãi mới đáp xuống được mặt đất để chở quế về xuôi. Thời điểm ấy, quế thanh là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Bởi vậy, quế Phong Dụ được ưu tiên vận chuyển bằng máy bay trực thăng. Trên địa bàn xã có tới hai, ba bãi đỗ trực thăng. Ngày nào thấy tiếng máy bay kêu bành bạch trên trời là làng, xã vui như ngày hội. Người người từ heo hút tận đâu đâu trong khe, trong núi gùi quế ra bãi đỗ trực thăng vừa là để bán, vừa là để được xem cái máy bay vô cùng lạ lẫm và để lòng cũng rưng rưng cảm xúc về sự ưu ái của Chính phủ đối với mình.

Xã mênh mông quá, chỉ có núi, có rừng với gần một vạn người là bà con các dân tộc chung sống bên nhau. Đầu năm 1965, Phong Dụ được chia tách thành ba xã: Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng và Phong Dụ Hạ. Lần đầu tiên, tôi gặp Phong Dụ ở một thung lũng đẹp. Những rừng quế xanh mướt mát như nắm tay nhau vây tròn lấy lòng thung thả hương thơm vào gió, vào từng căn nhà bình dị, vào mái tóc thơ ngây của trẻ đến trường. Bên kia thung lũng là những bãi ngô, bãi lúa. Không biết có phải cái thung lũng này mang cái tên xưa cũ là làng Lụ hay làng Nhón, nhưng bây giờ người ta quen gọi là khu trung tâm của vùng Phong Dụ.

Nơi đây có trạm y tế khu vực với dăm bảy giường bệnh; có cửa hàng, cửa hiệu; có quán điện tử, có quán hát karaoke. Đêm xuống, rừng đã ngủ yên nhưng vẫn cứ nghe “Tình ca” của Hoàng Việt qua giọng hát đẳng cấp của ca sỹ Trung Kiên, rồi lại nghe cả chuyện tình của biển “Ngày xưa biển không có sóng vỗ bờ và gió, gió cũng thật êm và mây, mây trôi thật mềm...”. Niềm vui và niềm yêu chợt đến, chợt lạ. Còn rừng thì rừng không ngủ, yên ắng thế thôi nhưng cứ miệt mài tỏa hương thơm vào gió, vào đêm. Trong êm ả, bình yên người ta vẫn đau đáu nỗi nhớ nơi biên cương, nơi đảo xa và sóng gió nơi chân trời biển cả.

Anh bạn cùng đi nghỉ nhờ ở trạm y tế khu vực để ngày mai đi Phong Dụ Thượng. Còn tôi, lang thang vượt dốc chân bước qua cái ranh giới giữa Phong Dụ Hạ và Phong Dụ Thượng. Trời chiều buông xuống vội vã, chợt thấy bơ vơ. May thay, những bếp lửa nhà sàn, những ngọn đèn dầu bật sáng như mời, như gọi khiến lòng tôi ấm áp đến bình yên trở lại.

Tôi bước vào làng, xin nghỉ nhờ ở một ngôi nhà không quen biết. Bữa tối, tôi được ăn cùng gia đình, là cơm xôi nếp nương chấm muối hạt sẻn thơm như đĩa muối hạt tiêu. Bên cạnh là đĩa cá nướng đánh được từ ao lên, mùi cá trắm đen nướng than hồng thơm ngậy.

Ngôi nhà tôi nghỉ nhờ nằm chênh vênh, tựa lưng vào núi, hướng nhìn về phía thung sâu mịt mù trong sương lạnh. Đêm đầy cảm xúc. Ngồi ở gian khách nghe người Dao hát xướng. Chưa nghe thấu được lời ca, chỉ ngồi nghe âm hưởng và giai điệu mà rưng rưng như nghe thấy gió núi và tiếng suối reo nơi đầu thác, lòng tôi như chạm được vào cổ tích thiêng liêng của miền đất đẹp.

Sang ngày thứ hai, chúng tôi gặp lại nhau ở Phong Dụ Thượng, đứng ở làng Tham, làng Dẹt nhìn xuống, thăm thẳm dưới kia là ruộng bậc thang, nương bãi của Phong Dụ Hạ như nằm sâu trong lòng đất. Dòng suối Hút mảnh mai như sợi chỉ giăng mắc giữa nương bãi đang vào mùa. Thì ra, đêm qua tôi ngủ ở lưng chừng núi đầy mây và gió.

So với nhiều nơi khác, cuộc sống bà con nơi đây khó khăn hơn. Đất canh tác chỉ có những đám ruộng bậc thang chạy ven dòng ngòi Hút và những bãi nương trong lòng thung hẹp hoặc ở chân núi, chân đồi. Sau lưng làng là núi, bà con phải dựa vào rừng để sống nên nhiều nhà còn nghèo, khói bếp lam chiều chỉ thơm cơm trong mùa gặt. Thế nhưng cái nghèo ở nơi này lạ lắm, không xác xơ, không héo mòn vô vọng như cái nghèo ở nơi khác, bởi lẽ những con người nơi đây biết yêu thương nhau, biết chung nhau từng ấm áp, biết sẻ chia ngày no, ngày đói; biết đỡ nhau đứng dậy khi sảy chân lỡ bước, có vướng mắc thì thương thảo với nhau. Đã sinh ra ở rừng thì ruộng đồng, nương bãi, hạn hẹp bà con bảo nhau, nâng giúp nhau dựa vào rừng mà sống. Dấu tích trên rừng Phong Dụ có những cây quế vài chục năm tuổi, từ thuở cha ông để lại.

Đây là những cây quế tổ, đến mùa là nở hoa, kết hạt. Hoa quế xòe ra sáu cánh, trông giống như quả khế cắt ngang, mỗi cánh hoa bọc ấm bên trong một hạt. Hạt quế già tách vỏ theo gió rụng rơi hay bởi những con chim gieo hạt mang đi mà có những nơi quế mọc thành rừng. Tôi sinh ra đã thấy cây quế rồi. Những lời thơm cay của quế đã ru tôi lớn lên trên lưng mẹ, để đôi chân rắn chắc của tôi bước đi cùng đồng đội, lên biên giới đánh giặc năm nào. Giặc tan, tôi lại trở về quê lang thang đi chín bản mười mường không biết mỏi, để tìm lối cho cây quế trở thành rừng, thành hạt ấm hạt no cho vợ con và cho mỗi ngôi nhà. Bí thư Đảng ủy xã nói lời như thế. Anh lấy sức trẻ của người đảng viên làm gương cho bà con làm theo. Vợ chồng anh như đôi chim gieo hạt, ngày nắng phát cây đốt rẫy, ngày mưa gieo hạt xuống đất.

Mười lăm năm sau, nương quế đầu tiên đến tuổi khai thác, tiền cầm một nắm trong tay. Ngày mùa, những nương quế nhà Bí thư âm thầm thả hương vào gió, khói bếp nhà này thơm cơm lúa mới loang qua bếp nhà kia, tiếng cười nhà này vang tận nhà khác. Thế là phong trào trồng rừng bằng cây quế loang ra khắp làng, khắp xã, nhà nhà lên xã xin nhận đất trồng. Nhà ít có một, hai, nhà nhiều có dăm bảy đến hàng chục héc ta. Tháng năm, tháng mười đến mùa bóc vỏ nhà nào cũng có tiền trong tay cầm về. Trải qua mấy mùa gieo hạt, Phong Dụ Thượng có gần hai nghìn héc - ta quế mọc thành rừng mênh mông, bát ngát. Dưới gầm sàn nhà Bí thư ăm ắp những quế, phải tính bằng con số hàng tấn trở lên, mỗi tấn có giá vài trăm triệu bạc.

Nói một cách công bằng, Phong Dụ Hạ mới là trung tâm của quế. Hay nói đúng hơn, Phong Dụ Hạ là nơi khởi xướng ra phong trào trồng quế thành rừng. Những năm trước, cứ đến mùa xuân là bà con người Dao, người Thái, người Tày nghe theo lời Bác Hồ lên rừng trồng quế. Năm Bác Hồ đi xa, thương tiếc Bác vô hạn, bà con làng Lụ, làng Nhón nước mắt rơi lã chã lên nương, lên đồi, mỗi làng, mỗi bản trồng một rừng quế, mang tên “Rừng quế Bác Hồ”. Từ đấy, ở Phong Dụ Hạ quế mọc thành rừng, rừng nối tiếp rừng để trở thành một vương quốc quế...

Con đường từ đất Đông An đi Phong Dụ đã là đường cấp tỉnh rộng và phẳng, xe chạy êm ru như cuộc dạo chơi đầy cảm xúc và bất ngờ. Con đường mới đã vượt qua Phong Dụ Hạ lên đến Phong Dụ Thượng - cái nơi mà một lần tôi đã đi bộ, chiều xuống bỗng giật mình đứng giữa chơi vơi. Trên dòng sông Hồng, bóng dáng con phà kéo tay qua sông đón khách đã đi vào cõi xa xăm nhường chỗ cây cầu bê tông đẹp và hiện đại.

Qua khỏi vùng đất triền sông mỡ màu nương bãi, tôi gặp lại Phong Dụ một miền đất đẹp, cái vẻ đẹp ấm áp, bình yên, được vẽ lên bằng những màu xanh của rừng, bằng màu vàng nương bãi ngày mùa, bằng cung bậc của cuộc sống hòa quện giữa dáng vẻ của hoang sơ và hiện đại. Làng Lụ, làng Nhón, cái thung lũng có rừng quế bao quanh bên bờ ngòi Hút ngày nào còn phảng phất vẻ hoang vu nay đã thành phố xá nhộp nhịp, huyên náo của phố trung tâm.

Phố nhỏ sầm uất, khang trang, nhà nghỉ cao tầng, có cửa hàng, cửa hiệu, điện sáng lung linh đủ sắc, đủ màu. Cuộc sống nơi đây đang bắt nhịp với thời hiện đại. Trạm y tế mà bạn tôi xin ngủ nhờ ngày nào nay đã trở thành bệnh viện khu vực. Xe cộ vào ra nhộn nhịp. Xe vào chở hàng hóa, vật liệu xi măng, sắt thép xây nhà tầng thấp, tầng cao. Nhiều hơn cả vẫn là hàng hóa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như phân bón, thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi. Xe ra chở những sản vật quí của rừng, nào quế vỏ cho xuất khẩu, cành lá quế cho các cơ sở chưng cất tinh dầu và cả những sản phẩm của nông nghiệp như lợn, gà, cá.

Cũng thật lạ, ngày xưa bà con ở đây thèm cá, may mắn lắm mới mua được mấy lạng cá biển khô do tiểu thương từ đâu đem đến. Bây giờ, ở Phong Dụ nhiều gia đình có ao nuôi cá, khí hậu thiên nhiên hiền hòa, nguồn nước suối mát trong nuôi được cá trắm đen, cá lăng - là những loại cá quí hiếm có giá trị cao.

Cái buổi chiều tôi lỡ bước được ăn xôi nếp nương chẩm chéo hạt sẻn với cá nướng than hồng bên bếp củi, chủ nhà thổ lộ niềm mơ ước là lấy được giống cá hồi nổi tiếng của thế giới về nuôi vì ở đây quanh năm mát mẻ, núi cao rừng thẳm chả mấy ngày không có mây mờ bay lởn vởn mỗi sáng, mỗi chiều, nguồn nước từ lòng đất chảy ra mát và trong như nước lọc. Mới chỉ ước mơ và phỏng đoán nhưng là mơ ước đẹp. Tôi khuyến khích chủ nhà cứ níu lấy ước mơ để rồi làm thử xem sao, bởi lẽ chẳng có ước mơ chẳng còn gì là thi vị của cuộc sống.

Bên bữa cơm xôi nếp nương thơm lựng ngày mùa. Bà con còn ước mơ có được một con đường ô tô từ Phong Dụ Hạ đến Phong Dụ Thượng để không còn phải cuốc bộ trên con đường mòn, hàng hóa không còn phải gùi trên vai và thồ trên lưng ngựa. Bây giờ, con đường mơ ước thuở nào nay không chỉ nối liền từ Phong Dụ Hạ lên Phong Dụ Thượng, còn vươn dài vượt lên đỉnh núi cao nối liền với Gia Hội, Tú Lệ phía trời tây của Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Trong mênh mang của niềm vui và bâng khuâng mơ mộng, tôi lại đi trên con đường mới về nơi đỉnh núi, ranh giới của hai vùng đất. Mây mờ lảng vảng, nhìn về Phong Dụ, một miền đất đẹp bởi những cung bậc cuộc sống đậm sắc màu, bởi chính dấu vết của hoang sơ đang hòa vào hiện đại.

Cuối thu, những loài hoa tôi không biết tên nở hồn nhiên vàng trên những triền đồi, nương bãi. Rừng cây, rừng quế bỗng xanh hơn, sương mờ giăng mắc. Suối Hút trong, xanh ngắt bóng cầu. Phong Dụ như từ trong mây trắng đi ra, kỳ vĩ của một miền cổ tích.

Bội Đông

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục