Tín ngưỡng - mê tín: Đâu là ranh giới?

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/3/2017 | 2:01:02 PM

YBĐT - Hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có nghi lễ hầu đồng để đưa về đúng giá trị thực của nó là việc cần làm, nên làm.

Sau tháng Giêng là một trong hai thời điểm được gọi là mùa hầu thánh (hầu đồng nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Tam Phủ - Tứ Phủ (Đạo Mẫu) của người Việt). Yên Bái tuy không phải là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu, song với sự phát triển của đời sống và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, hệ thống đình, đền ở địa phương nhiều năm nay được tôn tạo tu bổ.

Thời điểm này, khắp các đền trong tỉnh đều có các đoàn hầu đồng trong và ngoài tỉnh. Hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có nghi lễ hầu đồng để đưa về đúng giá trị thực của nó là việc cần làm, nên làm.

Những ngày này, qua một số đền, điện trên địa bàn thành phố Yên Bái, có thể thấy, không khí tấp nập, tiếng hát, tiếng nhạc lúc réo rắt, lúc dồn dập, tiếng vỗ tay theo nhịp trống tạo không khí vui nhộn những ngày đầu xuân của các đoàn hát cung văn. Những người tham dự hầu đồng không chỉ là con nhang đệ tử mà cả khách đến xem.

Cuối năm 2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Tam phủ” của người Việt đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) biểu quyết công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại càng khiến cho lễ hầu đồng mùa xuân thêm tấp nập.

Nhiều con nhang đệ tử còn phấn khởi chia sẻ trong các khóa hầu: “Thờ Mẫu đã được cả thế giới công nhận tôn vinh” hay “Hầu đồng đã được là di sản phi vật thể của thế giới”. Đây là quan niệm sai bản chất vấn đề. Cũng chính quan niệm sai lầm này đã khiến nhiều con nhang đệ tử nhẹ thì mất hàng trăm triệu đồng, nặng thì khánh kiệt gia sản chỉ vì hầu đồng.

Không ít người dân ở Yên Bái đứng trước bệnh hiểm nghèo thay vì tìm thầy thuốc thì đã tìm đến thầy bói, thầy cúng để “bắc ghế hầu thánh” mong bệnh tình thuyên giảm. Không những bệnh không khỏi mà tiền đổ vào cho các khóa hầu đồng không ít, “tiền mất mà tật vẫn mang”.

Việc hiểu sai, hiểu lập lờ, lệch lạc này khiến hoạt động tín ngưỡng bị méo mó, biến tướng. Hơn nữa, hiện nay, có hiện tượng đua nhau trình đồng, cứ hễ đi “xem”, “thầy” phán có “căn” là hầu mong được lộc, được thăng quan tiến chức, được kinh doanh thuận lợi... bất biết bản chất ý nghĩa của việc hầu đồng ra sao.

Hầu đồng tại đền Tuần Quán, thành phố Yên Bái.

UNESCO không vinh danh tín ngưỡng dưới góc độ tôn giáo hay tâm linh mà vinh danh dưới góc độ văn hóa trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng... Đây là sự ghi nhận những sáng tạo văn hóa của cộng đồng không ngừng được tiếp nối, được bảo vệ, gìn giữ.

Vùng Đông Cuông thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng Ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Tiến sỹ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều trung tâm nhưng vùng Đông Cuông được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn. Tất cả cái chất của rừng núi, từ tích cổ đến trang phục, tạo hình... làm nên hình tượng Mẫu Thượng ngàn”.

Hầu đồng trên sân khấu.

Vì được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn nên đền Đông Cuông có rất nhiều đoàn hầu với những giá hầu lớn nhỏ. Có những ngày, không gian đền Đông Cuông nhỏ như vậy mà có đến hai gánh hầu, bên này lên giá ông Hoàng Bảy, bên kia lên giá ông Hoàng Mười, lời hát văn cứ va nhau chan chát, khiến cho không gian thiêng trở lên hỗn độn. Đó còn chưa kể đến việc những giá hầu lớn xếp đồ cúng lễ từ trong ra ngoài sân đền, không những chiếm hết cả lối đi của khách đến chiêm bái mà còn gây tốn kém, lãng phí với cả một xe ô tô đồ mã.

Ban Quản lý đền Đông Cuông cũng như ban quản lý các đền, đình trong tỉnh đều không thể áp đặt được hầu lành mạnh hay hầu biến tướng. Khi các biện pháp quản lý văn hóa chỉ có tác dụng ở góc độ nào đó thì tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ có thể thuần túy là văn hóa tín ngưỡng tâm linh khi chúng ta thực sự hiểu đúng về di sản, hiểu đúng về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để tín ngưỡng không bị lợi dụng, hình thức diễn xướng hầu đồng không dùng để sử dụng vào mục đích nào khác không thuần túy là tín ngưỡng.


Ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: PHÁT HUY CÁI TỐT, TẨY CHAY CÁI XẤU

P.V: Thưa ông! Cuối năm 2016, UNESCO đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu” của Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhiều người cho rằng, việc tổ chức UNESCO đã công nhận thực hành tín ngưỡng thờ mẫu của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chính là công nhận hoạt động hầu đồng, hầu bóng là di sản văn hóa, cách hiểu này đúng hay sai?

Ông Nguyễn Lâm Tới: Thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ có lên đồng mà còn bao gồm nhiều hình thức như: lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng… với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa được kết hợp một cách nghệ thuật như là “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như: trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc văn hóa tộc người.

Sức mạnh và ý nghĩa của “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu” chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

P.V: Có thể nói, đây là một vinh dự lớn, tuy vậy cũng đặt ra một thách thức đối với những nhà quản lý văn hóa làm sao để vừa bảo tồn giá trị của di sản lại vừa bảo đảm di sản không bị lợi dụng để trục lợi. Xin ông cho biết, ngành có những biện pháp gì để việc thực hành tín ngưỡng tại Yên Bái lành mạnh?

Ông Nguyễn Lâm Tới: Việc UNESCO đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu” của Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại là một vinh dự lớn đối với đất nước chúng ta.

Tuy nhiên, nhiều phần tử xấu đã lợi dụng đức tin của nhân dân vào Thánh Mẫu, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, làm xấu hình ảnh của tín ngưỡng thờ Mẫu. Các am, đền, điện dựa vào lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin và cả sự sợ hãi của người dân đã tổ chức cho xin số, xin xăm và "phán" cúng các lễ giải hạn, cầu tài lộc với cái giá đắt đỏ.

Bởi tín ngưỡng là đức tin, luôn ẩn chứa yếu tố huyền bí và ranh giới giữa đức tin và mê tín rất mong manh. Vì vậy, nhằm bảo tồn giá trị của di sản và tránh hiện tượng lợi dụng để trục lợi, để sinh hoạt tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh thực sự là văn hóa, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh cũng đã triển khai một số biện pháp:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo…) đến người dân.

Hai là, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, cần làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của di sản và mặt trái của nó, từ đó có ý thức đấu tranh, tẩy chay cái xấu, phát huy cái tốt. Không để diễn ra hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng nói chung và các hoạt động hầu đồng nói riêng gây hậu quả xấu cho xã hội cả về vật chất và tinh thần.

Ba là, ngành đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; trong đó, nhấn mạnh về nội dung: tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước chặt chẽ các tổ chức hoạt động lễ hội đầu năm 2017 tại các di tích đình, đền, chùa có tổ chức lễ hội, chống mọi biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh để hành nghề mê tín, dị đoan, bói toán, xóc thẻ, giải thẻ, tổ chức lên đồng, giải hạn tại các đình, đền, chùa và truyền bá văn hóa  có nội dung mê tín dị đoan, lợi dụng các trò chơi đánh bạc, đổi tiền lẻ…

Nghiêm túc thực hiện các văn bản quy định của trung ương và của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Từng bước xóa bỏ hiện tượng mê tín, lợi dụng tổ chức hầu bóng, hầu đồng, giải hạn, giải oan đốt vàng mã tràn lan, lưu hành các văn hóa phẩm ở một số đình, đền, chùa làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, khách thập phương đến tham quan… đặc biệt là dịp lễ hội đầu xuân tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 và các năm tiếp theo.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tại các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng các cấp (đền) có diễn ra hoạt động hầu đồng, bảo đảm Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh vừa tuân thủ các quy định của pháp luật.

P.V: Xin cảm ơn ông!


Ông Hà Lâm Kỳ - Phó Chi hội trưởng Chi hội Văn hóa dân gian tỉnh: NIỀM TIN THÁI QUÁ, KHÔNG BIẾT SUY XÉT LÀ MÊ TÍN

P.V: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vừa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian, ông có thể giải thích rõ hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và về di sản mà UNESCO vừa công nhận?

Ông Hà Lâm Kỳ:Xuất phát từ nền văn minh lúa nước và có lẽ cũng ảnh hưởng của tư tưởng mẫu hệ, người Việt tôn thờ tứ phủ mẫu gồm: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn; tam phủ gồm: Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Mẫu Đệ Tam Thoải Cung.

Có thể thấy, đây chính là tôn thờ trời, đất, nước, rừng với tâm lý mong muốn canh tác nông nghiệp hài hòa, cuộc sống yên lành.

Với cái mục đích tâm lý này, gần như các dân tộc trên đất nước ta đều có những cách tôn thờ khác nhau, những cách gọi khác nhau về các vị thần cai quản các vùng trời, đất, nước, rừng. Tín ngưỡng thờ mẫu là một cách gọi, là sự tôn vinh với trời đất nước, rừng nhằm hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn.

UNESCO vừa công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chứ không phải tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” không chỉ có hầu đồng mà chứa đựng cả hệ thống sáng tạo văn hóa bao gồm những sáng tác văn chương văn hóa của các nhân vật được phụng thờ, âm nhạc, vũ đạo, tạo hình... Mẫu là mẹ, tín ngưỡng đề cao người phụ nữ thông qua hình tượng Thánh Mẫu. Việc đề cao vai trò người phụ nữ trong xã hội xưa còn gọi thời Nho giáo với tất cả những tâm nguyện tới một cuộc sống yên lành. Việc đề cao hình tượng người mẹ trong tín ngưỡng thờ mẫu là tư tưởng có giá trị nhân văn rất cao.

P.V: Dưới góc độ văn hóa, làm thế nào để phân biệt được tín ngưỡng lành mạnh và mê tín nói chung và trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu nói riêng, thưa ông?

Ông Hà Lâm Kỳ: Tín ngưỡng và mê tín đều có chung là niềm tin. Nếu niềm tin đó thái quá, tin một cách mù quáng vào những cái thần bí, vào những chuyện thần thánh ma quỷ, số mệnh, không biết suy xét, đến mức độ mê muội, cuồng tín với những hành vi cực đoan, thái quá, phi nhân tính, phản văn hóa, gây ra hậu quả tiêu cực đến đời sống xã hội thì đó là mê tín dị đoan.

Sinh hoạt tín ngưỡng có mục đích là thể hiện nhu cầu chính đáng của đời sống tinh thần, đời sống tâm linh nhưng người mê tín có những hành động mê muội, gây ảnh hưởng đến đời sống của mình, của người khác.

Trong lĩnh vực sinh hoạt tín ngưỡng không có người làm việc chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, thì những người hoạt động mê tín dị đoan hầu hết là hoạt động bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp. Xã hội có người tham vọng làm giàu bằng nghề này.

Những người có sinh hoạt tín ngưỡng thường sinh hoạt định kỳ tại cơ sở thờ tự (ngày mùng Một, ngày rằm âm lịch hàng tháng ra đình làm lễ thánh; hàng năm đến ngày giỗ bố mẹ ông bà, phải làm giỗ…) thì những người hoạt động mê tín dị đoan hoạt động không định kỳ, vì người đi “xem” chỉ gặp “thầy” khi trong nhà có việc bất thường xảy ra để giải tỏa tâm lý (không phải giải hạn).

Sinh hoạt tín ngưỡng được pháp luật bảo vệ, được xã hội thừa nhận thì hoạt động mê tín dị đoan bị xã hội lên án, không đồng tình. Do vậy, ngoài cơ quan chức năng nhà nước, thiết nghĩ, báo chí, văn học nghệ thuật cũng phải góp phần phê phán mê tín dị đoan, trả lại hoạt động tín ngưỡng đúng với văn hóa.

Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng được thực hiện để tôn vinh vị Mẫu thì đó là tín ngưỡng, là đúng, là hay, bởi trong đó chứa đựng văn hóa mà ta hay gọi là văn hóa tín ngưỡng. Nhưng khi cá nhân hay một nhóm người lại mượn hầu đồng để trục lợi cho mình,  cầu lợi, cầu danh cho bản thân thì đó là mê tín. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là hoạt động tín ngưỡng lành mạnh hay là hoạt động mê tín đều phụ thuộc vào thái độ của mỗi người.

P.V: Xin cảm ơn ông!


Nghệ sỹ Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Nghệ thuật tỉnh): CẦN DỰA TRÊN SỰ HIỂU BIẾT

P.V: Thưa Nghệ sỹ Nguyễn Văn Tiến, được biết, anh có 15 năm kinh nghiệm hát chầu văn phục vụ biểu diễn nghệ thuật và cả thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Anh có thể chia sẻ quan điểm của mình về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu và hầu đồng?

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Tiến: Trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có nghi thức hầu đồng, hầu bóng, là hình thức diễn xướng tâm linh, bởi nó diễn ra tại không gian thờ tự, tạo một cảm nhận sự giao thoa giữa đời thực và thế giới siêu nhiên.

Khi một người hóa thân vào một nhân vật siêu nhiên hay những vị có công với đất nước thì gọi là các giá đồng. Khi hầu, thanh đồng hoàn toàn là đồng tỉnh, không phải đồng mê.

Thanh đồng mượn bóng các vị siêu nhiên, mượn lời phán truyền cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc lộc, hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người, thể hiện ước vọng về cuộc sống tươi đẹp, chứ không phải thánh nào, cô cậu nào về nhập vào thanh đồng mà phán truyền. Trong hầu đồng, việc phối hợp giữa thanh đồng và hát văn rất quan trọng.

Những bản văn đều là văn cổ, là những điển tích, chúng tôi đều phải học, giá nào thì lời văn đó. Để phong phú thêm, nghệ sĩ hát văn cũng có thể sáng tác thêm, phóng tác thêm nhưng vẫn phải xoay quanh những tích cổ. Với nghệ sỹ, hát văn như chúng tôi, sân khấu nào cũng là phục vụ nhân dân.

P.V: Hiện nay, có những người hầu đến giá ông Hoàng Bảy thì thanh đồng mượn bóng chơi “sâm” (một trò chơi bài hiện đại) ngay trên sàn hầu, anh nghĩ sao về điều này?

Nghệ sỹ Nguyễn Văn Tiến: Theo tích, ông Hoàng Bảy chơi tổ tôm, trong văn cổ vẫn có, nên nếu như trong giá hầu ông Hoàng Bảy chơi “sâm” là thanh đồng làm sai. Cổ nhân có câu “Làm lính có công, làm đồng có phép”, có nghĩa là làm thanh đồng phải đúng phép tắc. Trên mạng lan truyền có những người hầu nhảy cả hip-hop, trong hầu đồng như thế là không đúng.

Đây là văn hóa dân gian cả thanh đồng và hát văn đều có thể phóng tác những động tác múa hay lời hát nhưng vẫn phải dựa theo văn tích, điển tích cổ, không ngoài ca ngợi vẻ đẹp, công ơn của các vị có công với đất nước, vị siêu nhiên được thờ phụng.

Hát văn, hầu đồng là hoạt động diễn xướng, diễn tả lại điển tích của các vị thần, các vị có công với đất nước. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, hát văn hầu đồng thực sự là hoạt động mang ý nghĩa văn hóa rất cao.

P.V: Với nhiều năm phục vụ trong thực hiện nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu trong và ngoài tỉnh, nghệ sỹ có thể chia sẻ với độc giả về hầu đồng ở Yên Bái hiện nay và phân biệt hầu đồng lành mạnh và hầu đồng mê tín?

Nghệ sỹ Nguyễn Văn Tiến: Theo tôi, cơ bản hầu đồng ở Yên Bái theo đúng chuẩn mực, theo đúng điển tích, trừ một số trường hợp. Tôi biết và phục vụ nhiều thế hệ thanh đồng, có những thanh đồng năm nay 70 - 80 tuổi ở Yên Bái, có những người 40 - 50 năm hầu đồng, họ rất am hiểu và giữ được nét cổ.

Phối hợp với những thanh đồng am hiểu và lành mạnh, cung văn rất dễ dàng bắt nhịp, phối hợp giữa lời văn với hành động của thanh đồng, tạo sự uyển chuyển, thăng hoa. Bất kể loại hình nghệ thuật nào đều rất cần sự thăng hoa.

Những thanh đồng không am hiểu điển tích sẽ không phối hợp được với cung văn sẽ thấy sự chệch choạc trong hoạt động diễn xướng mà người ta vẫn hay gọi là “giá hầu không bốc”.

Quan điểm của cá nhân tôi, có thể phân biệt được hầu đúng văn hóa tín ngưỡng hay mê tín. Giá đồng mượn bóng tiên thánh phán truyền lời hay ý đẹp, chứng tâm cho lòng thành của đệ tử được toại nguyện trong cuộc sống đó là giá đồng lành mạnh.

Nhưng nếu với mong ước của người cầu xin mà lại phải yêu cầu làm cái này, phải dâng cái kia, lễ chỗ này, phải làm cái kia thì đó là mê tín. Niềm tin đối với tín ngưỡng hoàn toàn được trân trọng nhưng niềm tin đó phải dựa trên sự hiểu biết thì mới là thực hành tín ngưỡng lành mạnh.

P.V: Xin cảm ơn nghệ sỹ!

Nhóm PV VH-XH

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục