Đánh án giữa mùa hoa pơ lang

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/3/2017 | 8:00:23 AM

YBĐT - Tháng Ba, rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ, những bông hoa pơ lang rực cháy trên thân già cổ thụ chẳng khác nào ngọn lửa khổng lồ trong bếp lửa nhà rông. Đoàn cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh vừa kết thúc thắng lợi Chuyên án mang bí số 217C, bắt gọn đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Trần Văn Cường, sinh năm 1979, thường trú tại tổ 5, thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn). Sau khi phạm tội giết người, Cường đã bỏ trốn 10 năm trời.

Ban Chuyên án 217C bàn phương án vây bắt tội phạm.
Ban Chuyên án 217C bàn phương án vây bắt tội phạm.

Tây Nguyên mùa này đẹp lắm! Ánh nắng chan hòa, hoa tươi khoe sắc, ong bướm tung tăng bay lượn, mặc sức hút mật. Rừng đại ngàn lay động trước mỗi cơn gió xuân. Mùa xuân người Thượng mở nhiều lễ hội đặc sắc, như: lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi, bỏ mả... Chàng trai, cô gái Ê-đê, MNông ánh mắt rạng ngời, khóe môi tươi tắn.

Đông vui lắm, hấp dẫn lắm nhưng anh em cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh lên Tây Nguyên không phải để vui hội, ngắm cảnh và uống rượu cần mà để bắt bằng được đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm theo tinh thần chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh: “Phải tập trung truy bắt những đối tượng tội phạm về trật tự xã hội đặc biệt nguy hiểm”.

Tháng 7/2007, một vụ án nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Tà Đằng, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu. Vụ án được tóm tắt như sau: ngày 9/7/2007, Trần Văn Cường, sinh năm 1979, thường trú thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn), Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1968, thường trú thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn), Đồng Văn Đại, sinh năm 1982, thường trú tại xã Thạch Lương (Văn Chấn), Nguyễn Trung Tiến, sinh năm 1978, thường trú tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, cả bốn đang trông coi gỗ thuê ở khu vực núi Pàng Đu, xã Tà Xi Láng.

Phát hiện ra một số đồ dùng như nồi, gạo, gỗ… của mình bị mất cắp, nhóm đối tượng nghi ngờ anh Đinh Văn Kiên ở xã Cát Thịnh lấy cắp. Cả bọn tìm gặp anh Kiên, dùng hung khí như: gậy, kiếm đánh đập anh Kiên hết sức dã man (bắt quỳ, chặt đứt ngón tay, dùng kiếm đập nhiều phát vào người…), buộc anh Kiên phải nhận tội và khai thêm cùng với anh Da và anh Làng lấy cắp. Tối ngày 9/7/2007, nhóm đối tượng bàn nhau: “Bắt được Da thì phải cắt tai, nếu bỏ trốn thì đánh chết để làm gương”.

6 giờ sáng ngày 10/7/2007, nhóm đối tượng bắt được anh Da, chúng dùng dây trói tay anh Da về phía trước, bắt anh quỳ xuống rồi cả bọn dùng gậy, kiếm, chân, tay đánh đập anh Da rất tàn bạo, Nguyễn Trung Tiến còn dùng mũi kiếm đâm đứt tai phải của anh Da. Thấy nhóm đối tượng đánh đập người rất dã man, ông Hờ A Khay ở gần đó đến can ngăn nhưng cả bọn vẫn hành hạ anh Da đến chết.

Gây án xong, cả bốn đối tượng không nhận ra sai trái, tự nguyện ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước mà đã bỏ trốn tới nhiều địa phương khác nhau. Với tính chất nghiêm trọng của vụ án, lực lượng công an đã lần lượt bắt giữ được 3 đối tượng.

Riêng đối tượng Trần Văn Cường, bằng thủ đoạn tinh vi đã lẩn trốn qua nhiều địa phương khác nhau, hắn không quay về nơi cư trú và tuyệt đối không liên lạc gì với bất cứ người thân nào sống tại địa phương nên việc truy bắt rơi vào ngõ cụt. Công tác tuyên truyền, vận động đầu thú của cơ quan công an càng không đạt kết quả.

10 năm là quãng thời gian khá dài, chắc chắn đối tượng Cường đã tạo cho mình một “vỏ bọc” khá an toàn hoặc tiếp tục di chuyển để phòng tránh lực lượng truy bắt. Đối với ngành công an, đặc biệt là lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm, các biện pháp nghiệp vụ vẫn được áp dụng triệt để với mục tiêu cao nhất là bắt bằng được thủ phạm để trừng trị kẻ giết người trước pháp luật.

Đầu tháng 2/2017, một nguồn tin cho biết, tại một gia đình anh em của Trần Văn Cường ở tỉnh Bình Dương xuất hiện một đối tượng có nhiều điểm nhận diện giống với Trần Văn Cường. Lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh bằng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành xác minh. Nhận thấy, khả năng đó là tên tội phạm đang có lệnh truy nã rất cao, hắn đang ẩn náu tại tỉnh Lâm Đồng nhưng Cường đang ở đâu, làm gì, thực sự là một câu hỏi lớn.

Trung tá Nguyễn Bá Thỏa - Đội trưởng Đội Truy nã tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm kể lại: “Tây Nguyên rộng lớn lắm! Công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu nơi đây còn nhiều bất cập nên tìm được đối tượng Cường đang làm gì, ở buôn làng nào chẳng khác gì mò kim đáy bể”.

Đứng trước tình hình đó, lãnh đạo đơn vị tiếp tục triển khai phương án, điều tra, xác minh. Được sự giúp đỡ của Công an tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đơn vị bạn, địa điểm ẩn náu của Trần Văn Cường đã được xác định đó là xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Đặc biệt, hắn tin rằng, mình vẫn an toàn khi đã có cái tên mới là Quang, đã lấy vợ và sinh một con nhỏ. Trong cuộc sống, Cường đã tạo ra được “vỏ bọc” khá an toàn với lối sống kín tiếng, không có biểu hiện vi phạm pháp luật, ngày ngày chịu khó chăm sóc cà phê, đến mùa vụ thì đi mua gom cà phê cho các cơ sở chế biến.

Thời cơ bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt đã đến, kế hoạch công tác đã được Ban Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt. Tổ công tác do Thượng tá Nguyễn Văn Định chỉ huy đã có mặt tại Bảo Lâm, Lâm Đồng. Được sự giúp sức của cán bộ, chiến sỹ đơn vị bạn, sáng ngày 2/3/2017, tổ công tác đã xác định Trần Văn Cường đang có mặt trong ngôi nhà của mình, giữa nương cà phê rộng lớn.

Nhận thấy đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, quyết tâm lẩn trốn đến cùng, rất có thể hắn sẽ bỏ chạy lên rừng hoặc chống trả quyết liệt lực lượng bắt giữ, tổ công tác nhanh chóng xây dựng phương án với yêu cầu là bí mật, bất ngờ và bắt giữ bằng được đối tượng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sỹ. Sử dụng “cơ sở” đưa đối tượng ra khỏi nhà là phương án tối ưu nhất.

 

Đối tượng Trần Văn Cường tại cơ quan công an.

Sau một cú điện thoại gọi ra quán nước bàn chuyện làm ăn, Cường không mảy may nghi ngờ, hắn di chuyển ra quán nước cách nhà mình khoảng 2 km và nơi đó đã có 5 cán bộ, chiến sỹ công an với nhiều bộ dạng khác nhau mật phục chờ thời cơ. Cái gật đầu của lãnh đạo Phòng xác định, đây chính xác là Trần Văn Cường, dù bộ dạng đã khác nhiều so với bức hình trên lệnh truy nã. Nhận mật lệnh, Trung tá Thỏa tiến lại phía Cường hỏi nhỏ nhưng đanh gọn: “Cường, mày biết tội mày không?”.

Nghe thấy người giọng Bắc gọi đúng tên mình, Cường giật mình nhưng không kịp phản ứng, chiếc còng số tám đã tra vào tay hắn. Giọng run run, Cường cất lời: “Vâng, em là Cường, các anh đến bắt em phải không? Em biết thể nào ngày này cũng xảy ra mà!”.

Những thủ tục bắt giữ tội phạm nhanh chóng thực hiện, đến ngày 8/3/2017, tổ công tác đã di lý đối tượng Trần Văn Cường ra Yên Bái một cách an toàn. Chuyên án mang bí số 217C đã kết thúc thắng lợi. Những thủ tục bàn giao tội phạm cho đơn vị giam giữ đến hơn 22 giờ ngày 8/3 mới kết thúc. Định bụng mua bông hoa tặng vợ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng hàng hoa nào cũng đóng cửa, anh em chỉ biết cười rồi dặn nhau về động viên vợ rằng: “Làm vợ cảnh sát truy nã thiệt thòi như thế đấy!”.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục