“Nóng” chuyện vỉa hè

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/4/2017 | 6:37:25 AM

YBĐT - Vào Google gõ từ khóa “vỉa hè” là có ngay 14.900.000 kết quả, trong khi từ “đảo Đầu Lâu”, phim bom tấn công chiếu ở Việt Nam đã thu hàng trăm tỷ đồng cũng chỉ có 4.310.000 kết quả. Điều đó cho thấy sự quan tâm của dư luận, người dân và độ “nóng” của vấn đề.

Đoàn công tác phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đo đạc, xác định hành lang vỉa hè trên đường Điện Biên.
Đoàn công tác phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đo đạc, xác định hành lang vỉa hè trên đường Điện Biên.

Tại thành phố Yên Bái, chuyện vỉa hè cũng đang “nóng” lên từng ngày khi các tuyến đường chính như đang biến thành “công trường” với hình ảnh nhà nhà, người người khoan, cắt, tháo dỡ, sửa sang bậc thềm, mái che…

Chủ trương đúng, hợp lòng dân

“Cạch, cạch, cạch”, “roẹt, roẹt, roẹt”, âm thanh phát ra từ máy khoan, cắt xi măng khiến cả dãy phố bỗng trở nên ồn ào. Bà Liễu, chủ một cửa hàng thời trang ở Km 7, đường Đinh Tiên Hoàng thành phố Yên Bái thì thào: “Nhà ông Hưng cắt bậc thềm rồi. Người ta là cán bộ, đảng viên gương mẫu sửa trước. Chắc mai kia, nhà tôi cũng phải làm thôi”.

Những tiếng xì xào bắt đầu lớn dần: “Nhà tôi phải cắt đi 2 bậc”, “Còn nhà tôi phải cắt gần đến cửa”, “Nếu mọi người làm thì nhà tôi cũng làm. Sửa hết đi cho đường thông, hè thoáng, chứ nhà thò ra, thụt vào như thế này xấu lắm”.

Tưởng chuyện về hành lang, vỉa hè chỉ rôm rả ở Km 7 nhưng đến đâu cũng thấy người ta đàm luận, nói về việc lập lại hành lang trật tự đô thị. Vậy ra, chuyện giành lại vỉa hè đâu chỉ diễn ra ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh… mà ở đô thị miền núi như Yên Bái, cả chính quyền và người dân cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này.

Quả là chủ trương đúng, hợp lòng dân để xây dựng một đô thị văn minh, sạch - đẹp. Dạo một vòng quanh các tuyến đường chính từ Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên, Nguyễn Thái Học đến Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Ngô Minh Loan, Lý Thường Kiệt, Yên Ninh… đều thấy mái che, mái vảy, mái hiên di động đã cơ bản được tháo dỡ; nhiều gia đình đã sửa, cắt bậc lên xuống vi phạm hành lang an toàn giao thông.

Có mặt tại khu vực cống Ngòi Yên vào sáng ngày 3/4/2017, khi lực lượng chức năng của phường Nguyễn Thái Học ra quân tháo dỡ, xử lý các trường hợp còn để mái che, ống thoát nước, biển quảng cáo, bậc lên xuống vi phạm quy định. Chúng tôi ghi nhận được thái độ hợp tác, đồng tình, ủng hộ chủ trương của đại bộ phận người dân.

Ông Trần Công Vinh ở tổ 1A, phường Nguyễn Thái Học gật đầu nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ. Đây là việc làm chính đáng, mang lại vỉa hè, tiện ích cho người đi bộ. Nếu nhà nào cũng chấp hành như thế này thì đường thông, hè thoáng, phố xá đẹp biết bao”. Theo ông Mã Đức Thành - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Yên Bái, quan điểm của chính quyền thành phố trong việc giải tỏa hành lang, vỉa hè là làm dứt điểm, quyết liệt đến nơi, đến chốn…

Trên cơ sở đó, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở thông qua các cuộc họp tổ dân phố, xe lưu động, trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời tổ chức ký cam kết với các hộ dân không vi phạm, triển khai kẻ vạch sơn chỉ giới hành lang…

Với cách làm vừa mềm dẻo vừa quyết liệt, hợp lòng dân, sau hơn 1 tháng triển khai, thành phố Yên Bái đã lập biên bản cam kết với 3.628 hộ dân, tháo, thu giữ 291 mái che, mái vảy, 420 biển quảng cáo, giải tỏa 394 hành vi kinh doanh, bày bán hàng sai quy định, đặc biệt, tính đến ngày 3/4/2017, đã có 2.300 trường hợp tự giác tháo dỡ bậc lên xuống vi phạm hành lang đường bộ. 

Còn đó khó khăn

Việc ra quân xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị của các phường trên địa bàn thành phố Yên Bái đã nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của nhiều người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cho thấy những khó khăn, bất cập cần giải pháp tháo gỡ hợp tình, hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Hà ở tổ 15, phường Yên Thịnh băn khoăn: “Gia đình tôi xây dựng nhà từ năm 1989, khi đó, mặt đường mới chỉ rộng 6 m và hành lang rộng 3 m. Tuy nhiên, sau khi mở rộng nền đường lên 10 m đã làm thu hẹp hành lang. Không những vậy, sau này khi đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hành lang được mở rộng thành 5 m, thành ra nhà tôi lại bị vi phạm hành lang 1 m”.

Như vậy, nếu thực hiện theo đúng quy định để hành lang 5 m thì gia đình ông Hà sẽ phải đập bỏ một phần nhà ở mặc dù trước đây gia đình ông xây dựng nhà theo đúng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo tìm hiểu, thực tế hiện nay không chỉ có gia đình nhà ông Nguyễn Ngọc Hà mà nhiều hộ dân trên các tuyến đường như: Điện Biên, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Minh Loan và 1 số tuyến khác cũng gặp phải khó khăn này.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do quá trình mở rộng đường làm thu hẹp hành lang, trong khi chưa tiến hành điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nên dẫn đến một số khu vực hành lang không đủ 5 m, trong đó có những nhà đã xây dựng ở trước thời điểm mở rộng đường. Điều này lý giải vì sao khi chỉ giới hành lang các tuyến đường theo Quyết định số 01/UBND/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái thì một số hộ bị kẻ vào đất của gia đình dù đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Yên Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Yên Bái cho biết: “Trước đây, hành lang các tuyến đường được xác định theo Quyết định số 47/UBND/QĐ-UBND ngày 23/5/1996 của của UBND tỉnh, đến ngày 17/1/2013, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND thay cho Quyết định số 47, vì vậy, hành lang một số tuyến đường được điều chỉnh lên 5 m. Giải quyết khó khăn này, trước mắt, đối với các hộ lấn chiếm hành lang, xây dựng công trình ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thành phố sẽ tiến hành tuyên truyền, vận động các hộ tự giác tháo dỡ. Với các trường hợp không chấp hành, thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định. Cùng với đó, đối với những hộ do lịch sử để lại, thành phố chỉ đạo các phường thống kê diện tích vi phạm, kiểm tra sổ sử dụng đất, giấy phép xây dựng… để tổng hợp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.

Không để “bắt cóc bỏ đĩa”

Thành phố Yên Bái như trở thành “công trường” những ngày qua. Đâu cũng nghe thấy tiếng máy khoan, máy cắt gạch ở 2 bên đường. Trước mỗi cửa nhà, khói bụi mờ mịt, từng mảng gạch bó vỉa hè bị bóc dỡ, cắt sửa cho thấp, ngắn đi. Người dân đang đồng thuận bằng hành động tự giác cắt, tháo công trình sai quy định.

Tuy nhiên, không phải không có những băn khoăn, đó là phải làm sao bảo đảm sự khách quan và công bằng, phải có phương án, có quy định về việc dừng đỗ xe trên vỉa hè nếu không tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” lại tái diễn.

Ông Nguyễn Thái Bằng sinh sống ở phường Nguyễn Thái Học lo ngại: “Làm thế này dân rất đồng tình, ủng hộ nhưng có một điều đã giải phóng hành lang thì phải duy trì, làm thế nào xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng, để biển quảng cáo và xe trên vỉa hè lấn chiếm hành lang, nếu không vỉa hè vẫn không được trả lại, dân vẫn phải đi dưới lòng đường”.

Lo ngại của ông Bằng cũng hoàn toàn có cơ sở, bởi chuyện trả lại hành lang cho người đi bộ lâu nay đã nói đến nhiều, dư luận bất bình, người dân bức xúc vì vỉa hè bị chiếm dụng. Hàng năm, thành phố đã tổ chức các đợt ra quân giải tỏa lòng đường, vỉa hè, hành lang đô thị.Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân thì những vi phạm lại tái diễn.

Nguyên nhân của thực trạng này đã được mổ xẻ, đưa ra. Đó là do ý thức của người dân chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, do lực lượng làm công tác trật tự đô thị và do một số xã, phường chưa thật sự quyết liệt vào cuộc trong việc nhắc nhở, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chuyện vỉa hè đang “nóng” lên từng ngày và đang thực sự được quan tâm đúng nghĩa. Đáng nói hơn, đại bộ phận nhân dân trên địa bàn thành phố đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ. Đáp lại mong muốn của nhân dân, thành phố đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, trong tháng 4, 5/2017, toàn thành phố ra quân xử lý các vi phạm trật tự đô thị.

Sau khi giải tỏa hành lang, hè phố xong địa bàn nào, thành phố có biên bản giao cho địa phương đó quản lý, nơi nào để tái diễn thì chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố. Bên cạnh đó, để nhân dân đồng thuận, tự giác chấp hành trước hết thành phố đang từng bước giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm, trong đó có cả những khó khăn do lịch sử để lại.

Giải pháp trước mắt là tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, công tác tư tưởng để nhân dân ủng hộ, đồng thuận chủ trương. Ngoài ra, thành phố lên kế hoạch xây dựng một số điểm đỗ xe tạm thời, có vạch chỉ dẫn thông báo cụ thể, rõ ràng, giao cho các xã, phường kiểm soát, thu phí; tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm phát sinh; cung cấp đường dây nóng để nhân dân cùng tham gia giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ…

Dư luận đang chờ xem chính quyền có thật sự làm tới nơi tới chốn hay là cứ làm phong trào theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Chẳng nước nào cấm buôn bán vỉa hè, trừ các khu phố hành chính, trước các cơ quan công quyền. Trong quy hoạch các thành phố của thế giới, đều có phần tận dụng vỉa hè sao cho hiệu quả.

Văn hóa vỉa hè còn là thương hiệu du lịch của nhiều nước. Từ nghệ thuật biểu diễn, ánh sáng đường phố cho đến ẩm thực và hàng lưu niệm, kể cả hàng rong. Mọi thứ đều có quy định rõ ràng và chế tài công minh, nghiêm ngặt. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp đồng bộ, công tâm, hợp tình, hợp lý và kiên quyết thành phố cần xây dựng các phương án sử dụng hợp lý hành lang một cách công bằng, minh bạch; quy hoạch, xây dựng khu vực, địa điểm cho những người bán hàng rong mưu sinh… Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Hùng Cường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục