Trọn vẹn chữ “tâm”, đủ đầy chữ “công”

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2017 | 6:41:59 AM

YBĐT - Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền - cái tên mà chỉ cần nhắc đến thôi biết bao thế hệ học trò Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái tin yêu, kính trọng. Chẳng phải lần đầu gặp thầy, nhưng lần gặp này với tư cách là phóng viên gặp chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu thì cảm xúc lại hoàn toàn khác.

Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái (thứ 2, bên phải) cùng Ban Giám hiệu nhà trường và nhà tài trợ tặng xe đạp điện cho học sinh nghèo học giỏi của Trường.
Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái (thứ 2, bên phải) cùng Ban Giám hiệu nhà trường và nhà tài trợ tặng xe đạp điện cho học sinh nghèo học giỏi của Trường.

Không bất ngờ với những việc thầy làm, không khó để hiểu sao thầy có thể làm nhiều điều vì người khác đến như vậy. Bởi tính cách quy định con người thầy là thế, song cuộc gặp gỡ này đã cho tôi - một học trò cũ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết chữ “Tâm” đủ đầy và chữ “Công” trọn vẹn trong thầy.

Phải hẹn đến lần thứ hai tôi mới có thể gặp được thầy. Nghe nói chỉ còn 2 tháng nữa thầy nghỉ hưu, vậy mà trên cương vị Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái thầy vẫn bận bịu lắm, vẫn tham gia giải quyết những việc trong chức trách nhiệm vụ của mình.

Hẹn rồi nhưng tới Trường THPT Nguyễn Huệ - nơi thầy công tác vẫn phải chờ thầy gặp gỡ phụ huynh của một học sinh nghịch ngợm, cùng tìm cách để giáo dục và đưa đứa trẻ nghịch ngợm ấy nhưng vẫn có những ưu điểm (như thầy nói) vào “guồng”.

Rồi đang nói chuyện, lại có cô giáo đến để nhờ thầy giải quyết các chế độ... Thông thường khi sắp nghỉ hưu thì người ta sẽ giảm dần công việc, nghỉ ngơi là chính, nhưng nhìn cách thầy làm việc thì chẳng ai nghĩ chỉ thời gian ngắn nữa thầy sẽ nghỉ chế độ.

Thầy bắt đầu câu chuyện của cán bộ công đoàn bằng chia sẻ: “Làm chủ tịch công đoàn chủ yếu là cái tâm, là sự nhiệt tình và trách nhiệm”. Với thầy, đó là cách thực hiện trọn vẹn nhất lời dạy của Bác. Ở trường, thầy nhiều tuổi nhất, nhưng bất kỳ nhiệm vụ nào Đảng ủy giao phó thầy không bao giờ từ chối.

Thầy bảo: “Cũng chắc bởi mình già nhất trường, nên làm công đoàn nói nhiều người nghe, tổ chức cái gì cũng được anh em đoàn viên ủng hộ cả”.

Không cần nói, những ai đã từng làm việc với thầy, được học thầy hay chỉ là tiếp xúc thông thường cũng có thể hiểu được không phải vì tuổi cao mà bởi chính nhân cách, bởi tâm huyết trong từng công việc, từng nhiệm vụ của thầy khiến tổ chức tin yêu, đoàn viên nể phục, cứ thế tự nhiên mà theo.

Từ khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Công đoàn, thầy có nhiều trăn trở lắm, nào là suy nghĩ làm sao để hoạt động công đoàn góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường, nào là quan tâm, chăm lo động viên cán bộ, giáo viên trong trường...

Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, hơn ai hết thầy thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên. Thầy tâm sự: “Làm công tác công đoàn trong trường học rất khác. Bởi thông thường, tổ chức công đoàn đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhưng chúng ta vẫn biết đấy, công tác giáo dục luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt lên hàng đầu, rất được quan tâm, đầu tư, chế độ đãi ngộ cho giáo viên ngày càng được nâng lên. Cho nên, công tác công đoàn trong trường học là làm thế nào để cảm hóa, để bảo ban nhau, đoàn kết cùng tiến bộ, đưa tập thể đi lên”.

Bởi vậy mà trong công tác công đoàn đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của ngành, thầy cùng Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động, triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động có chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực. Thể hiện rõ nhất là thầy thường xuyên động viên khích lệ và tạo mọi điều kiện cho các đoàn viên theo học các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… từ đó có những nghiên cứu cải tiến và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Phương châm của thầy là thường xuyên sâu sát cơ sở, tìm hiểu nguyện vọng, đời sống cán bộ, giáo viên từ đó có những tiếp sức, hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện tốt nhất để các đồng nghiệp yên tâm giảng dạy và công tác.

Từ rất nhiều năm nay, bên cạnh việc động viên, thăm hỏi ốm đau đột xuất, thầy với vai trò là Chủ tịch Công đoàn nhà trường đã duy trì được truyền thống đoàn kết, quan tâm chia sẻ giữa Ban Giám hiệu nhà trường với cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vào dịp tết Nguyên đán hàng năm, Ban Chấp hành công đoàn, Ban Giám hiệu nhà trường trực tiếp thăm và tặng quà “tứ thân phụ mẫu” của cán bộ, giáo viên tuổi từ 80 trở lên.

Thầy chia sẻ: “Khi nhà trường quan tâm, chăm sóc bố mẹ cán bộ, giáo viên, thì họ sẽ hết lòng vì công việc. Mặc dù giá trị vật chất không nhiều nhưng giá trị tinh thần thì rất cao”.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn, nhưng cách làm của thầy, của Công đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ lại rất khác biệt. Hàng năm, Công đoàn nhà trường phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong Trường tổ chức cho đoàn viên các chuyến đi, hướng đích không phải là nghỉ dưỡng mà đích đến là những nơi khám phá, hiểu biết như báo công tại Lăng Bác, Khu di tích K9; đi thăm quan ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, An toàn khu ở Thái Nguyên, Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)...

Nói như thầy là đi những nơi mà giáo dục được những gì cho giáo viên, cho học sinh. Rồi tổ chức Trung thu, lễ Halloween... Dù là tổ chức công đoàn nhưng đối tượng hướng tới cùng với cán bộ, giáo viên, đoàn viên còn là các em học sinh. Đây cũng là sự khác biệt của tổ chức công đoàn trong trường học với tổ chức công đoàn trong các đơn vị khác.

Cùng với đó, hàng năm Công đoàn nhà trường tổ chức vận động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ với số tiền hàng năm lên hàng chục triệu đồng. Tổ chức quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, chăn ấm cho trẻ em vùng cao như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Mới đây nhất, thầy đã tổ chức cho các em học sinh quyên góp và tặng quà chia sẻ những khó khăn với học sinh nghèo ở Trường THPT Văn Chấn, THCS Minh An thuộc huyện Văn Chấn; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường với số tiền hàng chục triệu đồng, qua đó, giáo dục tinh thần tương thân tương ái trong học sinh...

Với những cách làm hay, khác biệt của Công đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ mà thầy với tư cách là Chủ tịch Công đoàn, nhà trường đã xây dựng tổ chức công đoàn thực sự là tổ ấm, đoàn kết, xây dựng phong trào góp phần quan trọng trong thành tích chung của nhà trường. Hàng năm, cán bộ giáo viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp dạy và học. Nhiều giáo viên đã trở thành cốt cán chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh.

Phấn khởi nhất với thầy vẫn là số học sinh giỏi các cấp của Trường tăng lên theo từng năm học. Mỗi năm, Trường có từ 50 - 60 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, từ 4 - 8 giải học sinh giỏi quốc gia. Nhiều em tham gia Cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo khoa học kỹ thuật và đoạt giải cao, nhiều cán bộ giáo viên tham gia và đoạt giải thiết kế bài giảng tích hợp liên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/BCH TW Đảng, khóa XI đã đề ra.

Với những đóng góp không nhỏ, thầy Nguyễn Vĩnh Truyền đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, của ngành giáo dục và công đoàn các cấp… Những phần thưởng cao quý chính là niềm vinh dự, tự hào của người thầy giáo suốt cuộc đời đem hết trí tuệ, tài năng và lòng nhiệt huyết phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của quê hương.

Song hơn cả, niềm hạnh phúc của thầy là có được sự tin yêu, quý mến, kính trọng của đồng nghiệp và biết bao thế hệ học sinh dành cho trong suốt quá trình công tác, là chữ “Tâm” đủ đầy và chữ “Công”  trọn vẹn.

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục