Quản lý người nghiện: Câu chuyện về “2 trong 1”

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2017 | 10:39:46 AM

YBĐT - Methadone được coi là phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng” đối với người nghiện hêrôin. Tuy nhên hiện nay, một số bệnh nhân dùng Methadone xong không trở về nhà, đi lao động mà lại tiếp tục đi tìm “cái chết trắng” mà dân nghiện gọi đó là “hai trong một”.

Theo tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, Methadone là một loại thuốc hợp pháp ban đầu được sử dụng để kéo dài việc giảm đau cho những người lính trong Thế chiến thứ hai. Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, nghĩa là có tác dụng tương tự các chất dạng thuốc phiện như hêrôin và moocphin. Sự khác biệt lớn nhất giữa Methadone và những chất gây nghiện khác là nó tác động kéo dài hơn và người sử dụng không có xu hướng tăng liều khi dùng.

Vào những năm 1960, hai bác sỹ người Mỹ đã thử nghiệm Methadone trên những người bệnh nghiện hêrôin phát hiện ra rằng nó giúp người nghiện dừng sử dụng hêrôin mà không cần dùng liều cao hơn. Liều Methadone được bác sỹ kiểm soát và kê đơn phù hợp với từng người bệnh; Methadone không gây cho người sử cảm giác “phê” và làm giảm tác động của chất thuốc dạng thuốc phiện khác như hêrôin.

Người bệnh uống Methadone hàng ngày tại cơ sở điều trị Methadone do thuốc có tác dụng chậm nên chỉ cần dùng một liều một ngày là có thể giảm cơn thèm nhớ hêrôin. Điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (gọi tắt là điều trị Methadone) là chương trình điều trị lâu dài, điều trị càng lâu, kết quả càng tốt. Đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện.

Methadone được coi là phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng” đối với người nghiện hêrôin.

Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản, Methadone là một loại ma túy giúp cho người nghiện thay thế việc sử dụng hêrôin, thuốc phiện hoặc moocphin để thỏa cơn nghiện; sử dụng Methadone bằng con đường tiêu hóa (uống trực tiếp) nên giảm thiểu tình trạng lây lan qua đường máu đặc biệt là HIV/AIDS do sử dụng chung kim tiêm.

Việc cung cấp Methadone thông qua các cơ sở y tế, theo quy trình quản lý nghiêm ngặt giúp cho việc quản lý, tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ người mắc nghiện; nguồn thuốc không quá đắt đỏ, liều dùng không tăng… giúp cho tệ nạn xã hội và những vấn đề phát sinh từ ma túy và người nghiện ma túy giảm xuống, trật tự xã hội bảo đảm.

Là một trong những địa phương có số người nghiệm ma túy khá lớn (trên 2.000 người), xuất phát từ những mặt tích cực do việc cung cấp Methadone cho người nghiện ma túy mang lại, ngay từ cuối năm 2013, tỉnh Yên Bái đã triển khai việc cung cấp Methadone cho người nghiện với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ này. Những kết quả rất tích cực từ việc điều trị Methadone cho người nghiệm mang lại là cơ sở để Yên Bái triển khai nhiều cơ sở điều trị Methadone ở các huyện thị như Văn Yên, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải… góp phần quan trọng làm giảm tác động tiêu cực từ việc sử dụng ma túy gây nên.

Hiện nay, riêng tại cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang điều trị cho 307 người nghiện, số lũy tích (số người đã từng đến điều trị) là 489 người; số người đang điều trị ổn định hiện nay là 290 người và 17 người đang trong giai đoạn dò liều.

Có thể nói, nhờ những liều thuốc Methadone uống mỗi sáng đã giúp cho nhiều gia đình tìm lại hạnh phúc, giúp cho nhiều người nghiện có được cuộc sống bình thường, đủ sức khỏe lao động và công tác; quên hẳn cảm giác nhớ, thèm, vật vã, đau đớn.

Không ít người nhờ uống Methadone mà tiết kiệm hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi ngày; được uống thuốc thay thế người nghiện không phải lùng sục đêm ngày tìm đủ mọi cách để có tiền mua ma túy… Ý nghĩa tốt đẹp từ “liều thuốc hướng thiện” mang lại là rất lớn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc điều trị Methadone cho người nghiện đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi ngành chức năng cần có biện pháp xử lý tích cực; vấn đề đó là đã xuất hiện không ít bệnh nhân điều trị Methadone vẫn tiếp tục sử dụng ma túy (tiêm chích hêrôin).

Bệnh nhân Lưu Văn Khánh (chúng tôi không nêu tên hoặc thay đổi tên nhân vật trong phóng sự) sử dụng Methadone ổn định tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Uống thuốc có tác dụng rất tốt, không cần phải hút, chích như trước, nhiều người đã có cuộc sống và công việc ổn định. Tuy nhiên, còn nhiều người uống xong lại đi chích hút bình thường; anh em chúng tôi gọi đó là “hai trong một”. Tôi chưa thử nên chưa biết nhưng bọn chúng vẫn nói dùng Methadone xong mà chơi hêrôin thì độ phê mới sâu”. Câu chuyện của bệnh nhân Khánh đã khiến chúng tôi đi sâu tìm hiểu tình trạng “hai trong một” của các đối tượng nghiện.

Hơn 7 giờ sáng, cả trăm người nghiện kéo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên đường Hòa Bình, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, họ lần lượt vào nhận thuốc rồi uống, bảo đảm cho ít nhất 24 giờ không còn thèm khát ma túy. Uống xong nhiều người vội vã trở về để tiếp tục công việc thợ xây, thợ hàn, giúp cha mẹ, vợ con tăng gia sản xuất.

Tuy vẫn phải phụ thuộc vào nguồn ma túy hợp pháp và cũng mất công, mất sức mỗi ngày một lần đến cơ sở y tế nhưng được ổn định như thế này đã là điều rất may mắn và hạnh phúc.

Tiếc rằng, vẫn còn một số bệnh nhân, dùng Methadone xong không trở về nhà, đi lao động mà họ tiếp tục đi tìm “cái chết trắng”. Hai quán nước chè ven đường Nguyễn Phúc, chếch phía cổng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là địa điểm quen thuộc của hàng chục người nghiện ngồi chơi sau khi dùng Methadone; nước trà, thuốc lào, thuốc lá và những câu chuyện hết sức rôm rả.

Ngồi chơi khoảng hơn 1 tiếng, một số người lên xe đi đâu đó; số ở lại lần lượt đi vào Bệnh viện Hữu Nghị 103. Tất nhiên, họ vào đó không phải để khám, chữa bệnh, thăm người ốm mà để tiêm chích ma túy! Trong khoảng thời gian hơn nửa giờ đã có 6 người thanh niên như vậy từ đường Hòa Bình đi thẳng vào nhà vệ sinh nam (tầng 1 Khoa Nội, Bệnh viện Hữu Nghị 103) vài phút và để lại những chiếc xi lanh dính đầy máu tươi.

Chị Nguyễn Thị Huyền - hộ lý Bệnh viện cho biết: “Ngày nào mà chẳng vậy, gần trưa là nghiện vào tiêm chích, để lại những cái xi lanh dính đầy máu; không ít HIV, viêm gan, bệnh lây qua đường máu đâu”.

Ông Nguyễn Ngọc Quynh - Giám đốc Điều hành Bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đã nắm được vấn đề này; Bệnh viện chỉ đạo lực lượng bảo vệ ngăn chặn người nghiện vào tiêm chích ma túy nhưng rất khó vì họ lẫn với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nghiện ngập vào viện không thể nói là an toàn, an ninh được, dù tình trạng mất cắp chưa diễn ra nhưng chúng tôi vẫn đề phòng bằng việc lắp khóa trái cửa cho các buồng”.

Lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị 103 lo vấn đề an ninh trật tự là rất đúng nhưng chưa đủ bởi nghiện tiêm xong vứt luôn xi lanh dính máu và sọt rác trong nhà vệ sinh, đúng vào ngày lực lượng cảnh sát môi trường đến kiểm tra thì lỗi “để lẫn rác thải y tế với rác thải sinh hoạt” là một lỗi lớn, phạt rất nặng. Đây cũng là vấn đề mà các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần quan tâm giải quyết hoặc có kiến nghị với ngành chức năng, tránh bị xử phạt oan mà không có cách gì giải thích.

Trở lại với câu chuyện “hai trong một”, như vậy đã có một số bệnh nhân buổi sáng đến cơ sở y tế uống Methadone đã mang sẵn hêrôin trong người để thỏa cơn thèm khát và nhà vệ sinh của Bệnh viện Hữu Nghị 103 là địa điểm “lý tưởng” của họ.

Tiếp tục tìm hiểu vụ việc những ngày tiếp theo, chúng tôi thấy, một số người nghiện, dùng Methadone xong, chạy xe xuống các tuyến đường nhỏ như Đinh Lễ, Đoàn Thị Điểm, nhất là dọc kè sông Hồng thuộc phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái ở đó thường có 1 đến 2 người ngồi chờ sẵn, họ gặp nhau trao đổi gì đó rồi người nghiện đưa nhau xuống bãi bồi ven sông tiêm chích ma túy. Hiện tượng này trước đây khá phổ biến, sau một thời gian lắng dịu, giờ lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, bằng chứng là bao bì, xi lanh dính máu vứt lăn lóc dọc bờ kè.

Ông Nguyễn Trường Giang - cán bộ hỗ trợ điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Methadone hoàn toàn có thể thay thế hêrôin, thuốc phiện và moocphin; bệnh nhân đã dùng ổn định loại thuốc này khi quay trở lại dùng ma túy sẽ không cho cảm giác phê như trước. Sở dĩ có hiện tượng người dùng Methadone xong lại đi dùng hêrôin là vì những người này không hợp tác, không quyết tâm từ bỏ hêrôin, họ đến đây chỉ để chống đối gia đình, cơ quan, đơn vị, chống đối sự quản lý, giáo dục của cơ quan công an và cộng đồng”.

Được biết, quá trình điều trị cho người nghiện, các cơ sở y tế cũng thực hiện việc kiểm soát theo Quyết định số 3140/QĐ-BYT của Bộ Y tế, theo đó, sẽ xét nghiệm nước tiểu 1 lần/tháng đối với bệnh nhân điều trị năm đầu tiên; sau đó sẽ thực hiện xét nghiệm theo chỉ định (xét nghiệm những người có dấu hiệu hoặc lựa chọn bất kỳ).

Kết quả xét nghiệm tại cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, số dương tính với ma túy là không nhỏ (tháng 3/2017 xét nghiệm 163 trường hợp, phát hiện 15 trường hợp). Khi có kết quả dương tính với ma túy, người bệnh chỉ bị nhắc nhở, cảnh cáo chưa áp dụng biện pháp từ chối cung cấp thuốc theo quy định.

Như vậy, có thể khẳng định, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân đang điều trị Methadone vẫn thường xuyên sử dụng ma túy, bất chấp những nỗ lực của ngành y tế trong việc tư vấn, tuyên truyền, hỗ trợ. Thực tiễn này đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý người nghiện, cần áp dụng những chế tài mạnh trong việc bắt buộc đi chữa bệnh, cùng với đó là “mạnh tay” hơn nữa với tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy.

Nhóm phóng viên nội chính

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục