Yên Bái: Người dân đang dùng nước máy sạch và an toàn

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/5/2017 | 7:43:48 AM

YênBái - YBĐT - Nước sinh hoạt do Công ty Cấp nước Yên Bái mà người dân thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình sử dụng là nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định, không gây bệnh như dư luận lan truyền trên mạng xã hội.

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin nước hồ Thác Bà đã ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng nước máy mà người dân thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình dùng không đảm bảo, nguy cơ bệnh tật cao. Phóng viên Báo Yên Bái đã thâm nhập thực tiễn, làm việc với đơn vị chức năng và có thể khẳng định: nước sinh hoạt người dân sử dụng là nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định, không gây bệnh như dư luận trên mạng xã hội...

Hồ Thác Bà nằm trên địa bàn huyện Yên Bình và Lục Yên, là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với diện tích vùng hồ 23.400 ha, diện tích mặt nước 19.050 ha. Hồ chứa được từ 3 đến 3,9 tỷ mét khối nước.

Không chỉ là điểm tham quan, du lịch nổi tiếng, hồ Thác Bà là nơi dự trữ và cung cấp nước ngọt lớn, chính vì thế thông tin ô nhiễm môi trường vùng hồ Thác Bà trở nên rất nhạy cảm, đặc biệt là hàng chục vạn hộ dân đang sử dụng nguồn nước của hồ làm nước sinh hoạt.

Trạm bơm số I Công ty Cấp nước trên hồ Thác Bà.

Phóng viên Báo Yên Bái đã trực tiếp đến hồ Thác Bà, chứng kiến quá trình xử lý của Công ty Cấp nước Yên Bái và tìm hiểu quá trình cũng như kết quả kiểm nghiệm của đơn vị kinh doanh nước và cơ sở y tế - đơn vị có chức năng, nhiệm vụ kiểm nghiệm chất lượng nước sau xử lý.

Trước hết, có thể khẳng định, ven hồ Thác Bà đã xuất hiện một số  nhà máy, công trường đổ thải trực tiếp xuống hồ. Dọc tuyến đường Đông hồ, không ít những cơ sở chế biến tinh bột sắn quy mô nhỏ, khu mỏ chì kẽm, vùng mỏ đá Mông Sơn đã gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường.

Ví dụ, mới đây, Công ty Bảo Lai tự ý đổ hàng triệu mét khối đất đá lấn chiếm lòng hồ Thác Bà để tạo mặt bằng, xây dựng nhà máy chế biến đá (chưa biết khi doanh nghiệp này đi vào hoạt động việc xử lý nguồn thải sẽ như thế nào và mức độ ô nhiễm ra sao, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong một bài viết khác).

Tại Khu vực tổ 19, thị trấn Yên Bình - khu vực cảng, đấu nối với đường giao thông thuận lợi nên một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng  cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều đáng nói là các cơ sở sản xuất này đã không chấp hành nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường, cộng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng nên chất thải của nhiều cơ sở sản xuất cứ vô tư đổ thẳng xuống nước. Cảnh tượng những rãnh nước mang theo bột đá chảy ào ào xuống hồ Thác Bà khiến chúng tôi không khỏi rợn người.

Người lái tầu chở chúng tôi đi hiện trường nói: “Tôi làm nghề chạy khách du lịch ở đây nên tôi biết rõ mức độ xả thải; hai hôm nay đỡ rồi, sau khi rộ lên chuyện ô nhiễm, mấy nhà máy ở đây đã tháo ống dẫn thải đi, chỗ này, chỗ kia là hai ống lớn, ngày đêm xả thải”.

Đối với nỗi lo chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân không đảm bảo, chúng tôi tiếp cận với Trạm bơm số I của Công ty Cấp nước Yên Bái. Cảm nhận bằng mắt thường cho thấy, nước tại trạm bơm trong xanh, bán kính bảo vệ điểm lấy nước (300 m) không có bất cứ vi phạm gì. Đặc biệt, vị trí gây ô nhiễm của nhà máy sản xuất nhựa, nhà máy bột đá và Trung tâm Cai nghiện nằm cách Trạm bơm từ 500 đến 600 m.

Tại Phân xưởng Xử lý nước đặt tại trung tâm thị trấn Yên Bình, mọi công việc vẫn diễn ra bình thường, nhiều công nhân đang làm việc ở đây tỏ ra ngỡ ngàng khi nói về những hình ảnh, lời bình trên mạng xã hội rằng điểm gây ô nhiễm chỉ cách trạm bơm 100 m, nước hồ tại trạm bơm sủi bọt, nổi váng, ô nhiễm nghiêm trọng.

Phóng viên trực tiếp chứng kiến việc lấy mẫu xét nghiệm của nhân viên Công ty Cấp nước Yên Bái cho thấy: độ đục nước thô (nước bơm về chưa xử lý là 2,18 NTU; độ đục của nước sau xử lý (nước tinh cung cấp cho khách hàng là 0,98 NTU). Ông Lê Anh Thùy - kỹ sư hóa nghiệm, Quản đốc Phân xưởng Xử lý nước cho biết: 0,98 NTU là quá tốt, bởi độ đục uống được theo tiêu chuẩn Việt Nam là 2 NTU”. Tại thời điểm 8 giờ 30 phút, ngày 06/5/2017 chỉ số Nitrat ở mức 0, trong khi ngưỡng cho phép là 50; chỉ số Nitrit cũng bằng 0 và ngưỡng cho phép là 3.

Kết quả xét nghiệm lý hoá nước ngày 10/4/2017.

Cũng theo ông Lê Anh Thùy, đối với quy trình kiểm nghiệm nước sau xử lý, quan trọng nhất là kiểm soát lượng Clo dư thừa trong thành phần nước thành phẩm. Chỉ số Clo tiêu chuẩn phải ở mức từ 0,3 đến 0,5 mg/lít; quá trình kiểm soát Clo dư thừa của phân xưởng được thực hiện trên máy đo online nên kết quả cập nhật thường xuyên và nồng độ luôn ở mức cho phép.

Chưa hoàn toàn tin cậy với những thông số do máy móc và con người của Công ty Cấp nước Yên Bái đưa ra, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Yên Bái và được ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc đơn vị này cho biết: “Sáng nay (tức 06/5/2017) chúng tôi đã cử cán bộ lấy mẫu xét nghiệm của Công ty Cấp nước Yên Bái. Kết quả cụ thể sẽ được công bố sau 05 ngày”.

Nhân viên Công ty Cấp nước làm xét nghiệm.

Hiện Trung tâm có kết quả xét nghiệm lý hóa nước thực hiện ngày 10/4/2017 (mẫu nước lấy từ giữa mạng phân phối) cho thấy: độ đục (NTU) là 0,75, giới hạn cho phép là 2; hàm lượng sắt <0,02, giới hạn cho phép là 0,3; chỉ số Pecmanganat là 0,8, giới hạn cho phép là 2; độ cứng tính theo CaCO3 là 80, chỉ số cho phép là 300; hàm lượng Nitrit <0,05, giới hạn cho phép là 3; hàm lượng Nitrat 2,338, giới hạn cho phép  là 50; hàm lượng Magan không phát hiện, trong khi giới hạn cho phép là 0,3; Clo dư là 0,981 trong khi giới hạn cho phép từ 0,3 đến 0,5. Như vậy, kết quả xét nghiệm từ mẫu nước lấy ngày 10/4/2017 mọi chỉ số vẫn ở mức an toàn và cho phép.

Từ quá trình thâm nhập thực tiễn và kết quả kiểm nghiệm khách quan, khoa học của đơn vị có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ nêu trên, có thể khẳng  định: nước sinh hoạt do Công ty Cấp nước Yên Bái mà người dân thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình sử dụng là nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định, không gây bệnh như dư luận lan truyền trên mạng xã hội.

Qua thực tế cũng cho thấy, tình trạng gây ô nhiễm, lấn chiếm mặt nước tại hồ Thác Bà, đặc biệt là các điểm khai thác và chế biến khoáng sản đang cần được các ngành chức năng vào cuộc ngăn chặn, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường, chấm dứt xả thải và tự ý san lấp lòng hồ, có biện pháp khắc phục môi trường, cương quyết không đánh đổi ô nhiễm lấy tăng trưởng.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục