Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017)

Hoa của núi- Bài 2: “Trận chiến” giữa thời bình

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/5/2017 | 8:16:10 AM

YBĐT - Tôi và Dũng “khàn” lên tới thành phố Yên Bái, được đồng chí Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái vui vẻ, ân cần đón tiếp và chiêu đãi bữa cơm trưa với cá dúi trứng (đặc sản vùng hồ Thác Bà), cơm xong anh chỉ đường cho chúng tôi lên đất Lục Yên (đường vào nhà anh Hoàng Văn Viết). >> Ký ức người anh hùng

Được Đoàn Danh Bình điện báo tin trước nên anh Viết đã cho con rể ra tận cầu Tô Mậu đón chúng tôi, nếu không, tìm được đến Bản Mo - nơi gia đình anh đang ở chắc cũng rất khó khăn vì đường núi quanh co lại cách đường trục chính trên 2 km.

Gặp anh, chúng tôi thật mừng, bây giờ mới được nhìn rõ ân nhân của hơn 40 năm trước. Anh Viết gầy quá, lưng đã còng, nước da đen xạm. Chất độc đi-o-xin đã làm anh mỏi mòn theo năm tháng, mái tóc bạc không che kín được những vết thương đã thành sẹo do bom lân tinh, bom na-pan làm cháy ngày nào. Hai chúng tôi nhìn mà thương quá vì anh như già hơn hàng chục tuổi so với tuổi 66 hiện tại, chỉ riêng có nụ cười - nụ cười đầy chất lính luôn hồn nhiên, thân thiết làm ấm lòng người. Bằng cái giọng chất phác, thân tình, anh bảo: “Các chú vào nhà đi, khéo đấy, lên cầu thang phải vịn tay kẻo ngã”.

Nhà anh - một căn nhà sàn gỗ tạp rất đơn sơ lợp lá cọ lâu ngày, đi đến đâu có tiếng cót két đến đấy, cái bếp đang ủ than củi giữa nhà đưa mùi quế thơm thoang thoảng, gia tài chỉ vỏn vẹn có 3 hòm gỗ và mấy túi chăn bông buộc kỹ càng, một dãy huân chương, bằng khen, giấy khen treo trang trọng dưới ảnh Bác Hồ ở gian chính giữa nhà. Tôi và Dũng “khàn” đưa mắt nhìn nhau cảm thông với gia cảnh quá đơn sơ của đồng đội.

Bữa cơm chiều, anh tiếp đãi chúng tôi có gà đồi Lục Yên, có rau dớn nộm vừng lạc béo ngậy và cá trắm cỏ nấu măng chua. Tiếp chúng tôi còn có các anh Hoàng Kim Quế, Lý Thông Viện, Tăng Ngọc Thắng là đồng đội của anh và là lãnh đạo Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Lục Yên. Anh không uống được rượu vì sức khỏe yếu nhưng sự chân tình qua những lời mời, lần gắp thức ăn cho chúng tôi đã làm chúng tôi thật cảm động.

Sau bữa cơm, chúng tôi đang ngồi uống nước thì có người gọi từ ngoài ngõ. Sau một hồi nói chuyện với người gọi bằng tiếng Tày, anh bảo chúng tôi thông cảm và nhờ anh Hoàng Kim Quế cùng anh Lý Thông Viện ở lại nói chuyện, còn anh nhờ anh Thắng đưa đi sang bản bên giúp bó thuốc cho một cháu vừa bị ngã gãy chân. Chúng tôi ái ngại vì tuổi đã cao, sức khỏe lại yếu đi đêm tối trong rừng nhỡ thế nào thì khổ nhưng anh Quế nói: “Không sao đâu, ông ấy quen rồi, nhân dân tin và nhờ mình thì phải giúp cho tốt thôi, chắc 12 giờ đêm ông ấy về”.

Ngồi uống nước, chúng tôi hỏi chuyện về anh, anh Quế nói: “Ông ấy vất vả lắm, bị thương, bị bom làm cháy bỏng nhiều chỗ, lại bị nhiễm chất độc da cam nên ốm đau nhiều năm liền. Đơn vị cho ở lại trại an dưỡng nhưng một mực xin về quê hương. Bây giờ mới khá đấy, còn mười năm trước khổ lắm, các bản làng ở trên núi, mỗi nơi vài nóc nhà,  chúng tôi sau năm 1975 về là mỗi người một nơi, làm cật lực vẫn đói ăn, mình lại bị thương, bị nhiều bệnh ở chiến trường, ốm đau luôn làm sao giàu nổi. Ông ấy khi về chỉ có 2 bộ quần áo, may mà lấy vợ đẻ được 2 đứa con mới đi bộ đội, 2 đứa ấy mới lành lặn. Sau này, ông ấy đẻ thêm 2 đứa nữa, một đã chết vì di chứng chất độc da cam, còn con bé út người cũng dở dở, được cái thằng chồng nó tốt, ngoan nên ở đây cùng”.

Hoàn cảnh của anh Viết thật khó khăn nhưng cũng rất đáng tự hào cho những người lính Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh chúng tôi. Khi được đưa ra tới miền Bắc, vì đi đường dài, thiếu thuốc, các vết thương do bom na-pan và phốt pho đã làm anh nhiễm trùng, phải nhiều lần đưa vào các trạm phẫu dã chiến cấp cứu nhưng nghị lực và sức đề kháng của con người miền sơn cước cùng với sự tận tình cứu chữa của các y, bác sỹ đã giúp anh dần dần hồi phục và đưa về trại an dưỡng Nam Hà. Sau 4 năm chữa trị, với một bên chân tập tễnh (do vết bỏng lớn đã kéo co một phần kheo chân của anh lại), anh viết đơn xin về quê hương Lục Yên. Thủ trưởng trại an dưỡng lo cho sức khỏe của anh đã khuyên ở lại nhưng anh vẫn đề nghị cho về vì trại ngày ngày tiếp nhận nhiều thương, bệnh binh, chỗ ăn, ở cũng có nhiều khó khăn. Anh ở lại làm khó thêm cho đồng đội.

Về địa phương, lúc đó, anh chưa có chế độ gì. Bố anh thương con đã truyền cho nghề thuốc nam gia truyền để tự lo cho sức khỏe. Không chỉ dừng lại một hai thứ thuốc của bố truyền lại với đôi chân tập tễnh cùng một cái gậy chống, hàng ngày, anh đã đến với các ông lang, bà mế giỏi cây thuốc trong vùng để học hỏi. Sau nhiều năm, anh đã tự chữa cho mình khỏi căn bệnh sốt rét, các lá mát của núi rừng đã giúp anh làm mềm các vùng da bị cháy co dúm. Với vốn thuốc nam của mình, anh đã chữa giúp nhiều bà con qua cơn hiểm nghèo.

Anh Quế kể cho chúng tôi nghe chuyện cách đây 30 năm, vùng Lục Yên nổi lên phong trào đi đào đá quý. Ngoài hàng ngàn người từ các nơi đến thì ở Lục Yên, nhà nhà bỏ ruộng, bỏ nương để đi đào đá đỏ tìm vận may ở vùng An Phú, Tân Lập... Tin đồn nhiều người được hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng... đã có sức hút ghê gớm đối với cánh đàn ông, thanh niên. Tệ nạn xã hội đầy rẫy như nấm ở các vùng có bãi đá. Con trai, con rể và cả cháu anh Viết cũng không nằm ngoài vòng xoáy của đá đỏ. Nói các con, các cháu ở nhà không được, anh lo chúng ở bờ bãi gặp nhiều nguy hiểm, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm rồi mang bệnh vào thân thì khổ. Một mình anh chống gậy, tập tễnh vượt qua nhiều đồi núi, dốc cao hiểm trở vào tận bãi đá để động viên con cháu về với ruộng vườn, nương rẫy.

Các con anh thương bố đi xa, vượt núi cao, suối sâu ngã máu thấm đẫm quần áo đã trở về yên phận với nương rẫy. Tiền dành dụm các con định mang đi đào đá quý chỉ trong 1 tuần đã tiêu hết một nửa. Anh động viên các con góp vào mở trang trại nuôi gà đồi và đào ao thả cá để vừa cải thiện đời sống vừa có nguồn thu. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó của người lính Trường Sơn, anh ngày đêm bám trang trại, có những đêm mưa không ngủ, ngồi canh ao cá sợ nước dâng ngập.

Thương bố, các con của anh đã bỏ hẳn toan tính đi đào đá quý và yên tâm ở nhà chăm chỉ làm ăn, xây dựng kinh tế ngay trên những mảnh ruộng và đồi rừng. Sau nhiều năm, các con anh đã làm được nhà và có cuộc sống hạnh phúc với vợ con. Người lính già yên tâm hơn và dành nhiều sự chăm sóc cho đứa con gái út mang trong người di chứng của chất độc da cam và giúp đỡ bà con các bản làng.

Với tấm lòng thương cảm, sau nhiều năm học hỏi, tìm tòi, anh đã trở thành ông lang có nhiều bài thuốc quý như chữa gãy xương, cảm cúm, sốt rét, đau nhức xương khớp, khó đẻ, cầm máu... Nhiều đêm đông mưa rét, vừa nằm nghỉ đã có người ở tận Mai Sơn đến nhờ đi giúp bó thuốc cho đứa con trai gãy chân vì đi đào đá quý ngã từ vách núi xuống, chẳng ngại ngần, anh cùng gia đình người gặp nạn đi - cứu đến sáng mới về, mưa rét của vùng núi đá làm anh thêm già sọm. Ấy vậy mà anh không lấy của gia đình nạn nhân một đồng vì nhà nghèo không có tiền đi viện phải nhờ đến mình là bần cùng lắm rồi.

Không phải chỉ một lần mà rất nhiều người dân trong vùng đã được anh cứu giúp tận tình nhưng không hề nhận một đồng tiền công, tiền thuốc nào. Nhiều trường hợp dân dưới xuôi lên đào đá quý chẳng được gì, lại sốt rét đói lả bên đường, anh đưa về nhà nấu cháo cho ăn, sắc thuốc cho uống, khi tỉnh lại còn cho gạo ăn đường về nhà... Nghĩa nặng ơn sâu, nhiều gia đình đã nhận anh làm cha đỡ đầu, làm ông của con cháu họ, khắp vùng núi Lục Yên, đến đâu cũng được đón chào như người thân của và họ gọi anh với cái tên già Lang Hoa của núi...

Núi Yên Thế có một loài hoa mọc khiêm nhường trên đá, từng chùm nho nhỏ có màu trắng phớt hồng, buổi sáng khi mặt trời tỏa nắng, hương hoa thơm theo gió đưa đến các bản làng. Người già bảo đó là khí thiêng của núi rừng giúp cho con cháu trăm họ vùng Lục Yên mạnh khỏe, cường thịnh. Lớp thanh niên lại nói đó là hương của tình yêu, giúp cho trai gái yêu nhau hơn, gắn bó với quê hương hơn. Từ ngàn xưa không ai biết tên hoa đó là gì nhưng bản mường nào cũng gọi loài hoa đó là Hoa của núi.

Hòa Bình

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục